NÚI RÔ AN GIANG
Đủ lớn để không là một ngọn đồi, núi Rô nằm ở giáp ranh 2 xã Văn Giáo và An Cư của huyện Tịnh Biên, một vùng gần như trăm phần trăm là người Khmer. Núi nhỏ nhưng có tên trong danh sách 37 núi chính thức của An Giang.
Nếu lấy phía núi Két làm đầu thì núi Rô nằm ở cuối núi Dài Năm Giếng. Cụm nầy có 3 núi: Phnum Rô, nhỏ hơn chút là Phnum Prưk, nhỏ nhất là Phnum Sonl..
Cái đáng chú ý ở núi Rô là từ ngoài đường 948, quãng Bưng Tiền, người ta có thể trông thấy ở lưng chừng núi hai mái chùa cao vút, mặc dầu còn cách khoảng 3 km đường chim bay.
Nếu từ Vĩnh Trung đi về hướng Nhà Bàng, qua khỏi chợ Văn Giáo chút xíu, có con lộ rẽ trái để đi tắt về thị trấn Tịnh Biên. Đường bê tông rộng tốt, chạy thông thống về phum Đây Cà Hom.
Đi theo con đường đó để vô núi Rô, chùa đầu tiên sẽ gặp là chùa Thiết. Hình ảnh đáng nhớ hôm tui ghé chùa là gặp một nhóm sãi nhỏ đang sửa soạn y áo, bình bát… để vào thôn khất thực. Tui hỏi sắp đi đâu? Một chú nói đi xin ăn, một chú khác chỉnh lại khất thực, một chú rất hay, bổ sung là trì bình.
Từ “khất thực” là từ Hán Việt phổ thông, mấy chú sãi nầy biết cũng dễ hiểu. Chữ “trì bình”, nhiều người Việt còn chưa nghe, thế mà mấy chú nói được. Chắc các chú học từ một ông thầy rất rành Việt Nam. Ổng là một người Khmer ở một vùng thuần phum sóc mới hay chớ! Làm sao tui tìm ra ông thầy nầy đây?
Chùa thứ hai trong khu vực là chùa Rô, cách núi Rô một khoảng xa xa chừng vài trăm mét. Tuy nằm ngay mặt tiền nhưng có lẽ là chùa Khmer duy nhất của miền Tây (?) không bề thế. Chùa có một chánh điện gọn nhỏ, chánh điện mới lớn hơn chút đang xây. Nhà sala cũng nhỏ. Không có bộ ba tượng truyền thống của chùa Khmer là tượng đản sanh, thành đạo và niết bàn của Phật Thích Ca. Nhưng khuôn viên chùa còn rất rộng. Nay mai chắc cũng to lớn như bao chùa Khmer khác.
Chùa thứ ba mới là chùa chánh của không gian núi Rô. Nằm ngay núi Rô và từ xa đã nhìn thấy như tui nói. Tên chùa không biết gọi chính xác là gì? Người dân ở chân núi gọi là chùa Nây Non. Hỏi một Phật tử đang làm công quả trong chùa thì là chùa Chinl Chon. Một bài viết của báo An Giang lại nói là chùa Nênl Non.
Cũng theo bài viết của báo An Giang, sãi cả Chau Bun Thon của chùa cho biết, chùa cất từ hơn 80 năm trước, tức khoảng năm 1940, rồi vì chiến tranh mà bỏ hoang. Đến năm 2006, sãi về trụ trì và bắt tay tái thiết.
Núi Rô nhỏ nhưng giống như một thúng đá khổng lồ ai đã úp vội xuống đó, rồi bỏ đi. Đá lớn đá nhỏ chồng chất lên nhau có vẻ như chỉ chạm nhẹ là lăn đùng xuống dưới. Thế mà bà con đã dọn bằng một vồ rộng rồi cơi lên một toà chánh điện cao to rực rỡ, có đỉnh nhọn vút lên trời xanh. Nền chánh điện cao hơn 5m. Hàng cột trụ sơn son thếp vàng uy nghi lộng lẫy, dắt hướng nhìn lên một gian cổ tự ở phía trên xa xa. Chánh điện chính là một trong hai mái chùa thấy được từ Bưng Tiền.
Gian cổ tự đúng là trơ gan cùng tuế nguyệt. Thời gian đã đắp một tấm y xanh lên lớp xi măng nham nhở. Gian cổ tự nhỏ nhưng cột phướn cũ thì nhất trụ kình thiên. Đứng ngữa cổ ngó, tui cứ thắc mắc, sao ở những năm 40 của thế kỷ trước mà nơi xa xôi hẻo lánh nầy, người ta dựng được cây cột cao, to trên nền đá cheo leo như vậy?
Một di tích nữa của cụm kiến trúc cũ còn được gìn giữ là tượng Phật ngồi trong kẹt đá. Không gian hẹp đủ để tượng Phật cao hơn 1m và thêm một tượng của đệ tử quỳ kế bên.
Mái chùa thứ hai nhìn thấy từ xa là ngôi sala. Bên trên và phía sau sala là chất chồng đá tảng. Có một lối mòn len lỏi đi lên. Nghe tiếng cười đùa vang vang trên đó, tui cũng tò mò. Thì ra là hơn hai chục vị sãi nhỏ đang vui vẻ, người xúc người bưng cát đổ vô nền một công trình rộng. Thấy bề thế cột kèo vững chãi quá, tui hỏi một ông lục có vẻ đang chỉ huy, sắp xây cái gì ở đây? Ổng đáp: tượng Phật Niết bàn.
Ồ! Lại thêm một lần cực ngạc nhiên cho tui. Cụm từ “Phật nhập Niết bàn”, “Phật bát Niết bàn” và gần đây là “Phật Niết bàn” không xa lạ gì với người Việt. Tượng thể hiện Phật nằm đêm viên tịch, có ở nhiều chùa không kể là chùa Khmer hay chùa Việt. Nhưng một ông lục còn trẻ người Khmer, nói với tui chính xác là Phật Niết bàn, không phải là Phật nằm hay Phật chết, điều đó cho thấy trong chốn sâu xa rừng núi đìu hiu nầy, có một giới tăng lữ trẻ người dân tộc hiểu sâu sắc tiếng Việt Nam.
Một điều đặc biệt cũng nên ghi chép là bà con người Khmer ở Tịnh Biên, đa số còn nghèo. Đi cùng với nền kinh tế chung phát triển, thanh niên người dân tộc rủ nhau đi làm ở Bình Dương rất nhiều, giúp gia đình khá lên. Cúng dường Tam bảo, xây chùa luôn là nguyện vọng tha thiết của họ. Nhưng phần đóng góp của bà con tại chỗ chắc chỉ công là chánh. Phần tịnh tài tịnh vật là Phật tử phương xa. Điều đó được minh chứng ở các bảng lưu danh kỷ niệm gắn ở các công trình, toàn là Phật tử Sóc Trăng. Trà Vinh, Bạc Liêu…hơi hiếm.
Cũng nên ghi nhận một hình ảnh là chỉ qua mấy chùa đã kể, ở một khu vực phum sóc vùng sâu, số lượng sãi nhỏ 13 – 15 tuổi đang nối tiếp truyền thống xuất gia tu hành, học đạo, báo hiếu, sau đó mới ra đời vẫn được duy trì tốt. Hình như ngược lại với một số bài viết có tính báo động tình trạng không tu, tránh tu của thanh niên Khmer ở các tỉnh khác.….
Gần ngọ rồi. Các ông lục, sãi nhỏ.. cũng lục tục kéo về khu vệ sinh tắm rửa, nghỉ trưa. Mùi thịt nướng từ nhà trù bay lên ngào ngạt. Bụng tui cồn cào. Nếu giả bộ đi về hướng đó rồi lên tiếng ai kêu tui vậy? Chắc cũng được vui vẻ mời ăn. Nhưng thấy hơi quê quê kỳ kỳ, thôi đành lấy xe chạy nhanh ra quán làm tô hủ tíu rồi về nhà, thoải mái hơn.
Mệt đừ chớ bộ.
24/07/2022
ĐÀO DŨNG TIẾN
H1
h2
h3
h4