ĐỒ…NHÀ QUÊ! ĐỒ NHẮC CỜ!

Ngày đăng: 21/07/2022 08:28:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nội ngoại tôi là dân nhà quê chánh cống. Nhà quê từ địa lý đến vóc dáng, ăn mặc, khu xử, nghề nghiệp. Nội tôi búi tóc củ nừng, quần vận, lưng cột dây chuối, ăn trầu, hút á phiện, suốt đời không mang guốc dép. Râu chòm, thưa, da đen nhẻm. Từ sinh ra đến lúc mất đi, chưa hề lên bất cứ loại xe gì. Ông từ chối và chỉ lội bộ, bùn sình cũng mặc. Đầu chích khăn rằn, ông cứ tịch tang mà đi, một hai chục cây số.

Từ nhà lên thành, vào tiệm nước, uống cà phê đen, ăn cốm dẽo, hút mê da vàng. Người ta gọi Ông bằng Cậu Tám. Ông cưng chiều con cháu quá mức nên đứa nào cũng thương mến. Thăm từng đứa con, thấy nhà có roi mây ( nhà nào cũng có để trị quý tử!), ông tịch thu, bẻ bỏ. Chẳng ai dám hó hé. Tụi cháu mê vụ này lắm. Ổng “cảnh cáo”: Lần sau, tới nhà, thấy roi, đừng trách sao tao không tới nhà!”

Bánh kẹo đứa nào cũng có. Móc túi cho đều mỗi đứa vài đồng.

Nhà ba gian hai chái. Có kho lúa để nuôi vịt tàu. Tiếng hú đồng vọng, vịt chớp cánh chạy về theo tiếng hú, dậy lên cảnh sinh động nhà quê.

Sóng xập xoài ngoài sông Cái. Cồn sẫm đen chiều muộn. Bần lủng lẳng đu đưa… Nhà quê! Quê trất!

Ngoại tôi thì, áo túi quần đen. Đám tiệc thêm chiếc áo Tàu, nút thắt dọc hong. Mẹ tôi cũng thế. Suốt đời không từng mặc chiếc áo dài, cũng chẳng biết đi xe.. đạp! Có lẽ, nét thị thành không hợp. Các vị chỉ biết việc quê. Cấy gặt sàn nia, gánh.. là giỏi, không ngơi tay, đầu tắt mặt tối.

Từ ông bà tôi là thế nhưng các con có mô tô, thậm chí xe hơi… Ba tôi có bằng lái xe thời Pháp thuộc. Ra đường mặc áo bỏ trong quần, đạp alcyon cùng khắp. Nhưng cách cư xử chơn chất, đậm nét …nhà quê!

Nói theo cách nói hồi ấy- “Làm gì chăng nữa, phèn vẫn còn dính ngón chưn!”. Câu nói nhắc nhở nguồn cội. Dân quê thiệt thà, đời trôi trong lũy tre làng, khép kín. Ăn thật nói thiệt. Bộc trực chói tai thị thành: bổ bả dùi đục chấm mắm…

Tôi sống chốn châu thành nhỏ lớn. Hè được về thăm quê. Thích chiếc xuồng con len trong đám lá dừa. Nắng len vệt sáng tối. Thích nhìn bầy vịt Tàu trắng phau thả trên đồng năng mặn. Thích tiếng hú cha chú. Thường đi cầu khỉ vào miếu bà Chúa Xứ rong chơi, ngửi mùi nhang trầm. Buổi trưa, nằm gà gật, nghe tiếng trái bần lọt tỏm xuống dòng sông gió mát. Đầu cổ bùn sình, hôi trâu..

Ngoại tôi có dàn trầu xanh mượt, vàng óng. Hàng cau vượt, khoe bông trắng, tỏa hương. Đêm trăng vàng, thắm hương cau, tai nghe tiếng hát từ bộ “ hát máy”: “ Minh con, ba không cho con ở với con Nguyệt! Con cãi lời ba, ba sẽ tự tử chết liền!”, “ ..dượng ba nó ơi! Dượng nói chi câu ấy cho thêm.. buồn!” Có cô nào đó, đỏ mắt, kéo vạt áo bà ba, lén lau. “ có ai lau hộ dùm em.. “. câu hát trùng cảnh!

Thập niên năm mấy sáu mươi, nhà có cái quạt điện. Hồi đó cái gì cũng thường gọi.. máy. Quạt máy, Xe đạp bằng chân cũng gọi xe máy. Bàn may máy, viết máy, cái máy biết.. bay là máy bay! Ba tôi mở quạt, mở radio khi cả nhà ngồi ăn cơm. Ông nói: Mình giờ như ông vua. Xưa vua phải nuôi cung phi mỹ nữ, đứa quạt phe phẩy, đứa hát! Giờ không nuôi đứa nào hết, vẫn được quạt vù vù, được nghe cải lương tuồng tích, được cảm cảnh chia tay của Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà, nghe biết con cua cái nó hại con cua kình. Thấy lại vua nước Sở, ngồi câu chờ đem đầu chồng lãnh thưởng…

Ơi, Tô Ánh Nguyệt, người muôn xưa giờ tìm ở đâu ra, trăng mò đáy nước!

Quê trất!

Tôi đọc hồi trước, Nguyễn Vỹ viết, “Tuấn, chàng trai nước Việt”, còn nhớ việc Tây mượn chữ An Nam đưa vào từ điển Pháp: từ Le Nhaque, đọc là “ Lơ nhắc cờ” để chỉ chốn Nhà Quê!

Tiếc thay, nơi đầm ấm, êm đềm ấy.. một thuở, bị người non trẻ, chốn thị thành hoa lệ, nhắc với hàm ý miệt thị, coi thường, khinh khi: đồ dốt nát, đồ nhà quê!

Tây nó hay thiệt! Nhaque là nhắc. Nhắc rằng, ông cha ta là dân nhà quê chính hiệu con nai vàng. Nhắc cũng là căn dặn, đừng buông lời bội bạc với nơi chốn, từ ấy, con người được sinh ra, lớn lên, bung tủa…

Quê hương, là con đò nhỏ /Êm đềm, khua nước ven sông ( Quê Hương, Đỗ Trung Quân)

Cặp bến, những xuồng mái lá vòm, dưới trời đêm lạnh. Chúng chao lắc. Chiếc đèn con lập loè… Nó đầm ấm, buồn buồn. Phía bờ, mấy nọc trầu vàng ươm cho môi mẹ đỏ. Hàng cau trăng rãi hương và, đâu đấy, có tiếng chuông chùa gióng…

Tiếng chuông tạo sóng, nó xao lắc, ngấm, hoà tan…

Nó đi vào chốn vĩnh cữu!

Le Nhaque! Nhà quê! Quê nhà!

Travinh, mưa,17-7-22

Hồng Băng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác