CHÙA PHI LAI (NÚI VOI)  (bài 2)

Ngày đăng: 30/03/2022 08:46:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Phần trước tôi có kể, năm 1905, theo thỉnh cầu của hương chức địa phương, tổ Chí Thiền chính thức về trụ trì chùa Phi Lai. Nếu tính từ năm xây dựng Trại Ruộng 1877, là chùa của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thờ trần điều, thì đúng 28 năm sau, Trại Ruộng trở thành chùa thờ tượng Phật. Lại nữa, tính từ năm 1905, tổ Chí Thiền về trụ trì cho đến khi viên tịch, 1933, cũng đúng tròn 28 năm!

28 năm đầu là một thời kỳ gian nan vất vả, nhiều phen đạo đời lâm nạn, chùa cháy người chết nhưng rồi không cơ phát triển.

28 năm sau đó cũng rất vất vả và gian nan, đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng lại là một thời huy hoàng của chùa.

Nhìn kỹ thì ở 28 năm sau, chùa hội đủ các điều kiện thiên thời địa lợi nhân hoà! Sơ qua thử coi:

.Về thiên thời:

Từ khi chuyển qua thành chùa thờ Phật, không còn thờ trần điều, chùa được bỏ ra khỏi danh sách theo dõi và đàn áp của chính quyền Pháp.

Sau trận lụt lịch sử năm Thìn 1904 xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miệt dưới, chính quyền các địa phương đã cho đào các con kinh ngang thoát nước, đồng thời cho đắp các con lộ cặp theo để ngăn nước vượt qua. Hậu quả là năm Đinh Mùi 1907, vùng An Giang ngập nặng. Dân chúng loi ngoi lóp ngóp trên biển nước, tổ Chí Thiền ra sức vận động tàu ghe chở hết bà con vào chùa và chợ Voi lánh nạn. Tổ lại xuất hết lương thực của chùa ra cứu đói.

Sau trận nầy thì uy tín của chùa Phi Lai và tổ Chí Thiền lên cao quá xá! Người dân ca tụng, quy y theo đạo rất nhiều. Chính quyền cũng kịp thời tặng cho tổ cái bằng công nhận Đại Đức Phi Lai.

Đừng xem thường cái bằng nầy. Nó cho phép mọi hoạt động Phật sự của tổ sau nầy đều được chính quyền ok cái rụp đó!

.Về nhân hoà:

Rõ ràng là sau trận lụt 1907, tấm lòng từ bi bác ái của tổ xuất hết lương thực của chùa ra cứu người đã vang xa vang rộng. Tín đồ tăng lên, trong đó không ít những nhà hào phú hằng tâm hằng sản. Tổ không kêu thì thôi chớ, tổ chỉ cần ới lên một tiếng thì chấn động tới …Bạc Liêu!

Thì nè! Theo lời thầy Trí Quảng, tổ có một đệ tử là ni sư Hồng Nga ( nếu đúng thì ni có pháp hiệu là Diệu Ngọc ), vốn là một đại hào phú ở Bạc Liêu đã dâng cúng ngay ngôi nhà của mình cho tổ, để thành chùa Giác Hoa và là ni học hiệu đầu tiên của miền Nam nầy vậy.

.Về địa lợi thì khỏi nói rồi. Xưa nay trong tâm thức người Việt, núi non luôn là cõi thiêng liêng huyền bí, hấp thụ linh khí đất trời mà cho ra nhiều bậc đạo sư. Không biết có đúng không nhưng mà rõ ràng là từ đầu thế kỷ 20 đến nay, các bậc tôn sư, giáo chủ của nhiều giáo phái ở miền Nam đều phải có một thời gian tịnh tu trên núi Cấm.

Hội đủ các điều kiện thuận lợi như thế trong bối cảnh công cuộc chấn hưng Phật giáo đang diễn ra trên toàn quốc, đạo tràng Phi Lai trở thành như là một trung tâm Phật học của miền Nam. Trên khu đất rộng của chùa, lớp lớp toà ngang dãy dọc, quần tụ hơn 20 tự ốc!

Môn đồ trực tiếp của tổ lúc đó, đã có người ước tính vào khoảng 200 vị. Danh tiếng của tổ vang lừng đến độ một sãi cả của chùa Tà Lập trên Miên ngưỡng mộ, tiến cúng đến tổ một pho tượng Phật mấy trăm năm tuổi bằng vàng ròng!

Tiếc thay đạo phong đang thời kỳ rực rỡ thì rằm tháng hai năm Quý Dậu 1933, tổ viên tịch. Thọ mạng 73 tuổi.

Trưởng tử của tổ là hoà thượng Hồng Pháp, đạo hiệu Thiện Minh tiếp bước trụ trì.

Đến năm 1945, phong trào thanh niên tiền phong khởi dậy, chính quyền Pháp kết hợp Miên tiến đánh. Một trận chiến lớn xảy ra ở chợ Voi, dân chúng chết mấy trăm người. Chùa Phi Lai bị đốt cháy lần 2. Hoà thượng Thiện Minh tuẫn tiết theo chùa.

Nhiều bô lão kể lại phải mất hết 7 ngày đêm, chùa mới cháy hết hoàn toàn.

Năm 1947, môn đồ pháp quyến khắp nơi góp tiền, góp của dựng ngôi chùa mới, nhỏ gọn hơn. Hoà thượng Thiện Thành từ chùa Vạn Linh trên núi Cấm được bổ về trụ trì.

Năm 1976, hoà thượng Thiện Thành viên tịch. Chùa rơi vào tình trạng hoang vắng và …bi hài!

Mãi cho tới mấy năm gần đây cuộc vận động xây dựng lại chùa mới ổn thoả.

Nay thì chùa đã đẹp rồi. Xin cũng có một lời chúc mừng!

Tối nay, 14/2 âm lịch, trăng tròn treo lơ lửng trên kinh Trà Sư. Tổ đình Phi Lai rực rỡ ánh đèn. Tôi đến chùa nghe đại lão hoà thượng Trí Quảng, phó Pháp chủ, Giám luật Hội đồng chứng minh GH.PGVN, nay là Quyền Pháp chủ GHPGVN, thuyết pháp.

Khi tăng chúng và môn đồ nghi trượng đón Ngài lên chánh điện, tôi thấy Ngài có vẻ mệt, đi phải có thị giả đỡ. Một Phật tử đứng gần tôi ái ngại chắc thầy đã ngoài 90. Tôi nhớ không phải. Mà quả vậy, trong bài pháp Ngài có nói, 5 năm sau ngày tổ Chí Thiền viên tịch tức là năm 1938, Ngài mới được sinh ra. Vậy là năm nay, hoà thượng 82 tuổi. (2019).

Tuy nhiên khi thuyết giảng, giọng Ngài rất ấm, rõ ràng và có nội lực.

Bài pháp của Ngài hay, mạch lạc, người nghe dễ hiểu nhưng không phải không hàm ý thâm sâu. Chắc không có thời gian, nên Ngài nói ngắn và tập trung vào 3 chủ đề:

1/. Tinh thần cầu đạo, cầu Phật pháp.

Ngài kể câu chuyện tổ Bồ đề Đạt Ma từ Tây Thiên sang Đông độ tìm người truyền tâm ấn. Thần Quang trong mùa tuyết rơi dầy đặc, quỳ trước sân chùa Thiếu Lâm mấy ngày đêm cầu đạo, tổ không thèm ngó tới. Cuối cùng, tổ cũng hỏi Thần Quang, ngươi muốn gì? Thần Quang đáp con xin cầu đạo. Tổ trả lời, khi nào tuyết kia biến thành màu đỏ, ta sẽ truyền đạo cho ngươi. Thần Quang nghe xong rút gươm ra chặt đứt cánh tay mình. Máu rơi nhuộm đỏ một vùng tuyết trắng. Tổ Đạt Ma bắt buộc phải truyền đạo cho Thần Quang, ban pháp hiệu là Huệ Khả.

Hoà thượng kể câu chuyện nầy kèm lời giáo huấn khi đã quyết tâm cầu đạo thì phải biết buông bỏ mới cầu được đạo.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe chi tiết tổ Đạt Ma hứa sẽ truyền đạo cho Thần Quang khi tuyết biến thành màu đỏ. Chuyện nầy lạ hơn khi xưa nay sách vỡ chỉ ghi Thần Quang muốn chứng tỏ lòng cầu đạo với tổ nên tự chặt tay (xem wiki)

2/ Hành trạng của tổ Chí Thiền

Phần nầy hoà thượng giảng, tổ Chí Thiền là người ít nói và chọn con đường tu theo tôn chí gánh nước bửa củi cũng là đạo. Tu hành nên chọn những việc khó, mọi người tránh né, mình nhận làm. Một chi tiết đặc biệt mà hoà thượng giảng là tổ Chí Thiền chuyên trì kinh ( nghĩa là không chỉ tụng ) Pháp Hoa. Có nhiều chuyện mà tổ biết trước nhưng tổ không nói là tổ biết. Tổ chỉ nói nằm mộng thấy Bồ tát Quán Thế Âm mách bảo như vậy.

Thật ra, đây là phần tôi thích nhất ở tổ Chí Thiền. Xin hẹn sẽ viết nhiều hơn ở phần hạ thủ công phu của tổ.

3/. Môn đồ pháp quyến của tổ Chí Thiền:

Hoà thượng Trí Quảng cho biết tổ Chí Thiền là người mở ra ni bộ cho miền Nam. Tổ có người đệ tử là ni trưởng Hồng Nga, phát tâm lập Ni viện Giác Hoa ở Bạc Liêu, là trường ni đầu tiên ở miền Nam. Về tăng, tổ là người thành lập Phật học viện Lưỡng Xuyên là nơi mà các bậc cao tăng thạc đức đã được đào tạo như quý đại hoà thượng Thiện Hoa, Trí Tịnh…chính Ngài cũng là đệ tử trực hệ thầy Thiện Hoa….

Hoà thượng Thiện Nhơn, đương kim Chủ tịch HĐTS GHPGVN, người đứng ra tổ chức xây dựng Tổ đình, được xem như là cháu nội của tổ.

ĐÀO DŨNG TiẾN

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác