Nhà Thơ Trăng Cửu Long Nguyễn Văn Thu (1938-2012)

Ngày đăng: 19/02/2022 11:07:23 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Nhà thơ yêu trăng với bút hiệu là Trăng Cửu Long, tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1938 tại xã Trung Hiệp, Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Nhắc tới nhà thơ mê trăng Trăng Cửu Long làm cho tác giả Người Long Hồ chạnh lòng nhớ đến người anh cùng quê, đã cùng sống trên đường Văn Thánh. Tác giả biết anh từ lúc tác giả hãy còn rất nhỏ, vì nhà anh ở Cầu Lầu, và mỗi ngày đi học đều gặp anh đang phụ mẹ làm công việc. Khi lớn lên, anh trở thành một nhà giáo. Lúc nhỏ chỉ biết anh có làm thơ, chứ không biết anh mê trăng đến như vậy. Khi lớn lên, lúc tác giả đang học trường trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, thì lúc đó anh đang dạy học, hình như là trường Long Hồ, giữa cua Long Hồ và cầu Ông Me.

Có một lần, gặp anh đạp xe đạp ngang nhà, anh móc trong túi và đưa cho tác giả một bài thơ về trăng. Thú thật, hồi này tác giả đang học ban toán và vốn dĩ không mấy thích thơ văn, nên chỉ nhận lấy rồi đọc cho anh vui. Mãi về sau này, có dịp đọc lại bài thơ của anh, mới thấy anh chẳng những là một nhà thơ mà còn là một thiền giả đã hòa nhập lòng mình với ánh sáng trăng. Với Hàn Mạc Tử, nhà thơ mặc nhiên cho rằng mình sở hữu trăng, nên ông đã rao bán trăng một cách công khai. Trong khi Trăng Cửu Long không rao bán trăng, nhưng cũng xem trăng như sở hữu của mình. Có người cho rằng anh giàu tưởng tượng khi ngất ngưỡng “Uống Trăng”, nhưng Người Long Hồ lại không nghĩ như vậy, có lẽ vì thời cuộc đã làm cho cuộc đời của anh phải mất mát quá nhiều thứ, nên giờ anh chỉ muốn sở hữu thứ mà không ai muốn trực tiếp tranh giành với anh nữa. Sau khi bị thời cuộc xô đẩy đến chỗ bất đắc chí cũng như bao nhiêu kẻ sĩ khác trước thời cuộc, anh không vừa ý với những gì mình và dân mình phải kinh qua, nên nhiều khi buồn ngồi một mình trong quán cốc ven đường, anh uống say mà ngỡ mình “Uống Trăng”:

​​​“Mặt trăng nào chờ ta nơi đáy cốc,

​​​ Rượu nồng cay và hương tỏa ngát trăng.

​​​ Tay nâng ly ta nốc thôi đầy ấp,

​​​ Cho trăng tan trăng hòa quyện hồn say…

​​​ Bỗng cơ thể ta ngập tràn ánh sáng,

​​​ Dào dạt thơ và trăng cũng ngát thơ.

​​​ Trăng luân lưu giữa đường gân loang loáng,

​​​ Ta hôn mê chết ngất giữa cơn mơ…

​​​ Say ngất ngưỡng… trăng vẫn còn đáy cốc,

​​​ Từng tế bào tê dại ngợp châu thân.

​​​ Ta lại uống… tràn trăng trong thể xác,

​​​ Nhạc hồn ta giao hưởng khúc bâng khuâng.”

Phải nói Trăng Cửu Long mê trăng đến độ nhiều khi anh có cảm giác như hòa nhập làm một với trăng, và anh đã diễn tả cảm giác này qua lời thơ một cách tuyệt vời qua bài “Anh Là Trăng(1)”:

​​​“Anh là trăng trên vòm cao vời vợi,

​​​ Dõi dõi theo em dù khắp bốn trời.

​​​ Anh chỉ muốn trên đường xa diệu vợi,

​​​ Mỗi đêm về em hướng mắt vào khơi…

​​​

​​​ Ánh sáng trăng dịu mềm: tình anh đó,

​​​ Luôn lung linh dù có khuyết, đầy.

​​​ Mãi tìm kiếm dẫu phương nào em đến,

​​​ Mắt mơ màng… là đã gọi anh thôi!

​​​ Anh chỉ muốn trên dặm đường đây đó,

​​​ Chẳng thêm ai sánh bước cùng theo.

​​​ Dè xẻn nụ cười khi hỏi han chuyện vãn,

​​​ Chỉ để dành… cười với trăng thương.

​​​ Nhìn trăng sáng: đã thấy anh rồi đó,

​​​ Uống no trăng đầy ánh sáng đam mê.

​​​ Anh thả tứ rây vàng lên mái tóc,

​​​ Thơ ngấm dần… say ngất mãi không thôi!”​

Về sau này, khi có dịp đọc thêm một số bài thơ khác của anh về trăng, tôi mới thấy không biết có phải anh là thiền giả hay không, nhưng anh mê trăng đến độ muốn ôm trăng vào lòng, nên tôi cứ tưởng là anh hòa nhập lòng mình với ánh sáng trăng. Phải nói trước đây có nhà thơ Hàn Mạc Tử, một nhà thơ rất mê trăng, mê đến ngây ngất, và Trăng Cửu Long cũng mê trăng không kém. Phải nói Trăng Cửu Long không mê trăng một cách đơn thuần, mà qua những lời thơ anh còn gửi gấm hết vào trăng với biết bao nhiêu tâm sự của một kẻ sĩ khi anh nói, “Tay xua gió cho mây trôi tản mác… Rồi nhặt nhanh muôn vì sao… Đem lấp đầy hao hụt nửa trăng vơi… Tìm dáng dấp mùa thu xưa tàn úa… Hàn gắn trăng vành vạnh nét tròn xưa”. Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức bài “Trăng Muộn” của anh sau đây:

​​​“Mây lướt thướt vướng chân trăng đến muộn,

​​​ Vời vợi buồn mỏng mảnh nét liềm cong.

​​​ Vành lõm khuyết đã mòn lời ước nguyện,

​​​ Nửa trăng còn dịu vợi nét thong dong.

​​​ Tay xua gió cho mây trôi tản mác,

​​​ Cho sáng ngời thuở mười sáu trăng lên.

​​​ Rồi nhặt nhanh muôn vì sao vỡ rụng,

​​​ Đem lấp đầy hao hụt nửa trăng vơi…

​​​ Tìm dáng dấp mùa thu xưa tàn úa,

​​​ Hàn gắn trăng vành vạnh nét tròn xưa.

​​​ Mặc đông rét có dày vò khổ hạnh,

​​​ Ta vẫn mong hồi phục nửa trăng mơ.

Có khi hình như anh đang thả thuyền trên dòng sông Long Hồ, thấy ánh trăng chìm im đáy nước, rồi trăng lại lung linh theo những gợn sóng lăng tăng trên mặt nước, anh có cảm tưởng như muốn nắm bắt lấy ánh trăng, nhưng chắc là không được, nên lại muốn “Câu Trăng”. Kỳ thật, không biết anh muốn câu trăng hay muốn gửi gấm tâm sự lòng mình trong việc câu thời câu vận hôm nay:

​​​“Đêm quạnh quẻ thả hồn vào xứ mộng,

​​​ Tay gát dầm ngư phủ nhẹ buông câu.

​​​ Vầng nguyệt tỏ sáng vàng trong vắng lặng,

​​​ Đêm trở mình thao thức lẫn vào sâu.

​​​ Trăng lặng lẽ rơi chìm im đáy nước,

​​​ Câu không mồi, chỉ mảnh, thả dòng chơi.

​​​ Trăng bởn cợt mỉm cười như thách thức,

​​​ Ngư phủ mơ màng hồn lạc mù khơi…

​​​ Chợt hớn hở… chỉ căng, phao lay động,

​​​ Gió thập thò đưa hy vọng lên cao.

​​​ Sông lặng lẽ dần trôi… trời vắng lặng,

​​​ Trăng vội vàng vào ẩn áng mây cao.

​​​ Gã chờ đợi… đợi hoài, trăng lóe sáng,

​​​ Đêm tàn đông sương tỏa lạnh vây quanh.

​​​ Gã kiên nhẫn giữ cần thân thấm mỏi,

​​​ Ngư phủ hỏi mình câu bóng hay câu trăng?”

Với Hàn Mạc Tử thì trăng chỉ nằm yên trên cành liễu đợi chờ, chứ với Trăng Cửu Long, anh mê trăng đến nỗi muốn cài chốt cửa nhốt trăng vàng để riêng một mình quên đời nằm ngủ thiếp giữa hương trăng, như trong bài “Nhốt Trăng” của anh:

​​​“Đêm oi bức cửa mở hờ đón gió,

​​​ Bẽn lẽn cười trăng lặng lẽ dòm song.

​​​ Lòng rộng mở ta hứng trăng đầy ấp,

​​​ Trăng ỡm ờ giăng mây phủ trời đông…

​​​ Ta thấp thỏm chờ khi trăng lấp ló,

​​​ Khép cửa mau… cái chốt nhốt trăng vàng.

​​​ Gian nhà cỏ sẽ sáng trưng vách lá,

​​​ Ta quên đời, ngủ thiếp giữa hương trăng…”

Nhà thơ Trăng Cửu Long là một nhà giáo, anh không chỉ đơn thuần yêu trăng mà anh còn yêu sông nước quê mình và thao thức cho thân phận mình hay thân phận của đồng bào mình, nhưng không nói được thành lời nên anh chỉ mượn cảnh nước ròng nước lớn, cũng như cảnh bồi cảnh lỡ của dòng sông Cổ Chiên để gửi gắm tâm sự của chính mình cũng như của chính đồng bào mình qua bài “Sông Cổ Chiên” như sau:

​​​“Đếm tuổi thanh xuân đã mấy mươi,

​​​ Lững lờ sông nước Cổ Chiên ơi!

​​​ Lớn ròng, xuôi ngược, thân chìm nổi,

​​​ Trong đục, đầy vơi, bến lỡ bồi.

​​​ Mơ ước mù tăm thuyền gác mái,

​​​ Mộng đời cách trở cánh bèo trôi.

​​​ Chiều rơi bóng ngã sương vây phủ,

​​​ Róc rách dòng xanh nước cạn vơi.”

Bên cạnh đó, nhà thơ Trăng Cửu Long còn là một nhà thơ rất có lòng với đất Vĩnh Long. Tuy ông không làm nhiều thơ về đất Vĩnh nhưng qua bài “Văn Xương Các(2)” chúng ta cũng thấy được lòng hoài cổ của ông, nhớ về một thời hoàng kim của đất Vĩnh. Qua nỗi luyến tiếc và hoài niệm về các bậc tiền nhân pha lẫn một chút gì đó trách móc những người hậu bối đã để cho hương tàn khói lạnh, nhện giăng bụi bám như sau:

​​​“Bên thềm Văn Xương Các,

​​​ Gác chiều lưới nhện giăng.

​​​ Lâu không buồn yên lắng,

​​​ Lá vàng gió bay sang.

​​​ Người xưa đâu?… xa vắng!

​​​ Bệ thờ khói quyện nhang.

​​​ Hững hờ xe qua thoáng,

​​​ Chập chờn giọt nắng tan.

​​​ Đường vào cây cao vút,

​​​ Thềm rêu bóng lấp lay.

​​​ Bia đá chờ chi đó?

​​​ Lưng trời mây trắng bay.

Cũng như hầu hết các gia đình khác ở miền Nam, gia đình của nhà thơ cũng đã trải qua những thăng trầm của đất nước. Chính anh và người bạn trăm năm của mình đã mấy chục năm sống kiếp thương hồ, rày đây mai đó trên khắp các vùng sông nước Cửu Long. Dầu cuộc sống gia đình anh lúc này hết sức cơ cực, nhưng đây cũng chính là lúc mà hoa thơ của anh bắt đầu nở rộ. Chúng ta hãy cùng với nhà thơ Trăng Cửu Long nhớ lại cuộc sống của hầu hết dân chúng miền Nam từ cuối thập niên bảy mươi đến cuối thập niên tám mươi của thế kỷ thứ hai mươi qua bài “Tổ Chim” mà anh đã viết tặng cho các con mình hay tặng đồng bào miền Nam thân yêu của chính nhà thơ: “Nầy chim hỡi! Chẳng tình… cũng nghĩa… Cùng một tổ nắng, mưa cùng ấp ủ.” Đây cũng là câu chuyện về chính gia đình của nhà thơ trong giai đoạn đó:

​​​“Xoay cốc rượu tìm về dĩ vãng,

​​​ Tìm chút hương vui, chút hạt buồn.

​​​ Có nhớ em ơi, xưa nào thảm lắm,

​​​ Làm thương hồ Cha, Mẹ đội nắng mưa!

​​​ Như chim mẹ, chim cha tìm mồi… mồi hết,

​​​ Thóc thì xa mà giun dế vơi dần.

​​​ Mười chim nhỏ lóc lăn, lóc ngóc,

​​​ Gió đông về rũ rỉ rút vào nhau…

​​​ Mới sáng sớm chim đầu lòng khuyên chim bé:

​​​ ‘Nay mẹ cha về…dọn dẹp cho ngoan.

​​​ Sẽ có gạo ăn ngon, no một bữa.’

​​​ Chim bé nghe thấp thỏm ngóng ven bờ…

​​​ Khách thương hồ thuyền xuôi, thuyền ngược,

​​​ Mà thuyền nhà tăm dạng chẳng thấy đâu.

​​​ Bụng đã đói em nhao nhao gọi chị,

​​​ Chị vỗ về: ‘Mẹ về tới… chẳng lâu,’

​​​ Nhà hết gạo, khạp không… không cả muối,

​​​ Biết mượn ai, gạo thóc quí như vàng.

​​​ Em than đói, chị gượng cười an ủi:

​​​ ‘Uống nước vào… đỡ đói em ơi!…’

​​​ Chiều xuống chậm sông chiều vắng vẻ,

​​​ Bụng cồn cào, em sụt sịt: ‘Chị ơi!’

​​​ Lệ lưng tròng, khuyên em chị bảo:

​​​ ‘Ngủ đi em! Quên đói… chút mẹ về…’

​​​ Bổng chị nhớ túi lúa vơi… ai làm đổ,

​​​ Chị quét gom, còn chứa giữ trong nhà.

​​​ Chị lấy ra… biết làm sao bốc vỏ?

​​​ Nấu cho em nồi cháo đỡ lòng đây?

​​​ Chị suy nghĩ, vội tìm dây cột miệng,

​​​ Đem thanh cây đập mạnh túi lúa vơi.

​​​ Cứ đập mãi, các em cùng nhau đập,

​​​ Trấu tróc dần, bung gạo… các em vui.

​​​ Chị lấy dừng, xãy dần… gìn lấy gạo,

​​​ Gạo lức thâm, mùi gạo lại thơm tho.

​​​ Nồi cháo lức chưa ăn mà ngon lắm,

​​​ Lũ em cười rạng rỡ ngập niềm vui…

​​​ Thời gian đã trôi qua bao thay đổi,

​​​ Chim lớn lên què cánh chẳng bay xa.

​​​ Chim mẹ phải tìm mồi về đút móm,

​​​ Tóc rủ phơ từng sợi tuyết sương phơi.

​​​ Nầy chim hỡi! Chẳng tình… cũng nghĩa,

​​​ Đừng vội quên nghèo đói thuở xa xưa.

​​​ Đã một thời sương sớm với nắng trưa,

​​​ Cùng một tổ nắng, mưa cùng ấp ủ.”

Thời cuộc và thực tế phủ phàng với thân phận của người dân Đất Phương Nam mà anh là một nhân chứng sống, từng trải qua những cay đắng ngọt bùi của cả ba thời(3), nên bây giờ anh chỉ còn biết sống với mộng mê trăng, chứ anh không còn muốn sống với cái hiện thực phủ phàng nữa. Với anh, đò đời một chuyến đã sang ngang… tất cả đều lỡ làng trong phần thứ ba của cuộc đời mình. Giờ thì biết nói gì đây, chỉ biết gửi gấm tâm sự mình trên những dòng thơ. Chúng ta thấy rõ tâm sự của anh qua bài thơ “Lỡ Đò” sau đây:

​​​“Hai mươi năm đăng đẳng đời xuôi ngược,

​​​ Thương một vầng trăng lỡ bến rồi.

​​​ Mưa ướt trăng thôi cầu lỡ nhịp!

​​​ Đò đời một chuyến đã… sang ngang!”

Có người khi đọc thơ của anh Trăng Cửu Long, họ chỉ tận hưởng thú vị của màu sắc và hương vị biểu hiện trên câu thơ, chứ họ không để ý đến cái tâm sự ẩn chứa phía sau những câu thơ hay tuyệt này. Với tác giả Người Long Hồ, người đã biết gia đình anh Thu và em Châu(4) từ thời còn rất nhỏ, từng nghe anh nói chuyện đời, chuyện thời cuộc, và nhiều chuyện khác nữa… nên tác giả bài viết này hiểu được và đồng cảm với một phần nào tâm sự của một người đàn anh đã “Lỡ Đò”.

NGƯỜI LONG HỒ

(Trích Chương 67, bộ Dinh Long Hồ Ngày Ấy & Bây Giờ, Tập II)

 

Chú Thích:

(1)​Với những ai chưa từng biết anh Trăng Cửu Long Nguyễn Văn Thu, thì nghĩ rằng mê trăng đến độ nhiều khi anh có cảm giác như hòa nhập làm một với trăng, và anh đã diễn tả cảm giác này qua lời thơ một cách tuyệt vời qua bài “Anh Là Trăng”. Tuy nhiên, với tác giả Người Long Hồ, người mà ngay từ lúc còn rất nhỏ đã biết chuyện tình anh Thu và ý trung nhân của anh là chị Sáu Thiệu cùng xóm của mình, nên khi đọc bài thơ này, tác giả biết ngay là anh muốn viết cho ai. Phải nói đây là một trong những mối tình đẹp, thật đẹp trên Đất Long Hồ mà tác giả từng biết!

(2)​Văn Xương Các là moat trong những quần thể nằm trong khuôn viên Văn Thánh Miếu, phường 4, thành phố Vĩnh Long.

(3)​Anh sinh năm 1938 tại Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, thuộc miền Nam nước Việt, nên tính đến ngày anh qua đời vào năm 2012, là anh đã sống qua ba thời kỳ: thời 1938-1954 VN vẫn còn bị Pháp đô hộ; thời 1954-1975 là thời kỳ VNCH; thời 1975-2012 là thời chế độ Cộng Sản.

(4)​Bạn Châu là em một mẹ khác cha với anh Thu, Châu nhỏ hơn người viết tập sách này vài tuổi.

Hình 1: Chân dung nhà thơ Trăng Cửu Long Nguyễn Văn Thu.

Hình 2: Hình gia đình nhà thơ Trăng Cửu Long chụp vào năm 1974 tại Vĩnh Long.

**Tác giả Người Long Hồ xin cám ơn hai em Phi Hùng & Ánh Phượng đã cung cấp thêm tài liệu và hình ảnh của nhà thơ Trăng Cửu Long cũng như một số tài liệu khác về Vĩnh Long.

 

Có 1 bình luận về Nhà Thơ Trăng Cửu Long Nguyễn Văn Thu (1938-2012)

  1. Hoài Thương nói:

    Vào năm 2008, mùa Xuân năm ấy tôi có dịp về thăm quê hương, cũng trong dịp này tôi có ghé qua thăm anh Thu ,lúc đó anh còn khỏe lắm. Anh Thu tính tình rất hiền lành, ăn nói thì nho nhẹ, mền mỏng.Vì mẹ tôi là thông gia với mẹ anh nên chúng tôi đã quen nhau từ trước và qua lại rất thân thiết , những bài viết của anh tôi cũng đã đọc qua và cũng rất hâm mộ cho một nhà văn , nhà thơ, nhà giáo tài hoa, vắng số.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác