HUN HÚT MỘT CON ĐƯỜNG

Ngày đăng: 12/02/2022 09:49:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Quang thân mến! Mấy hôm nay nắng bẽn lẽn, nắng con gái, nắng của những ngày đầu thu làm anh nhớ Vĩnh Long. Nhớ buổi sớm mai Quang chở anh về nhà. Hôm đó trời nắng nhẹ mùa hạ, còn ở đây bây giờ là mùa thu. Ngày xưa, thị xã Vĩnh Long bình yên lắm, êm đềm, thân mật và đầm ấm, dù lúc đó trong hoàn cảnh chiến tranh. Bây giờ thành phố lớn rộng, xa lạ và như cũng bất an hơn thời trước. Ngồi sau yên xe, dù chỉ qua một hai khu phố, Vĩnh Long lạ lẫm, ngỡ ngàng.

Với phố phường rộng lớn và ngay cả những cấu trúc, người ta đã Sài Gòn hóa Vĩnh Long rồi. Trong anh lúc đó một Vĩnh Long lạ và một Vĩnh Long quen, cả hai vun vút lao về phía ước vọng, rồi tan vào mênh mông, kỷ niệm về trên những hàng cây, ngọn gió. Lòng anh chơi vơi, muốn ôm Vĩnh Long ngấu nghiến từng nỗi nhớ, nhưng bỗng nhiên anh rơi xuống thực tại. Anh gặp lại anh, tự thấy thương mình hơn, và thành phố chan hòa nắng ấm, nắng trong veo. May mà có con đường hẻm, con đường nhỏ chạy dài khuất vào trong xóm, con đường dẫn đến nhà Quang, chưa bao giờ đi qua, nhưng sao lúc này anh có cảm giác quen, quen lắm. Anh nghĩ thầm, trong vật đổi sao dời, thế nào cũng còn lại nét thân quen xưa, biết đâu chừng, con đường nầy trước đây mình đã đi qua. Nhưng đột nhiên anh nhớ, con đường này trong những đoản văn Quang đã đưa lên Facebook. “Con đường tình“, anh đặt tên cho nó là Con đường tình, con đường dẫn đến một khu vườn, một mái nhà, một chuyện tình đã qua mà vẫn còn những yêu thương, luyến nhớ như mới hôm qua, như từng ngày trên hoa lá, như mỗi sớm mai trong ngọn gió hiển hiện mùi hương xưa, có tiếng ai ngoài ngõ vọng vào, xao động trái tim nhưng không bao giờ nhìn thấy nữa.

Đến đây tôi xúc động quá, lại nhớ những đoản văn của Quang, từng kỷ niệm hiện về làm ngưng ý định viết lá thư gửi riêng, tôi trang trải lên facebook để cả nhà Đậu cùng đọc. Vì những hình ảnh này, kỷ niệm này Quang đã gần như giao hết cho nhà Đậu, và gia đình Đậu căn cứ vào đó để tổ chức tiệc sinh nhật, tổ chức những chuyến đi chơi xa, mục đích để cho Quang gần gủi với những kỷ niệm xưa. Tôi nhớ như in:  “ Một buổi sáng , chúng tôi thơ thẩn đi dạo chung quanh Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt. Anh Thạch vừa đi vừa chụp hình khi ưng ý , từ bên nây hồ đi riết cũng đến bên kia hồ, rồi đi vòng về nơi nghỉ. Tôi và Thuần đi sau cùng, đi gần đến khúc suối cạn và ngắn , tôi nói vời Thuần : mình đi tắt qua đây nghe , nhìn dòng suối chảy và khoảng cách hai bên bờ Thuần gật đầu , thế là tôi xăn quần lên , hai tay bồng Thuần lội qua con suối , mấy anh chị đi trước nghe Thuần la ơi ới quay lại nhìn và cười quá cỡ , anh Thạch chạy vội tới để chụp cảnh này thì hai đứa tôi đã qua bên kia bờ , ngồi nghỉ để chờ các bạn đi một khoảng vài trăm mét nữa mới đến chổ chúng tôi , một kỷ niệm nhớ đời .

Thôi kể bi nhiêu đây thôi , ẵm vợ mới cưới qua suối là một kỳ tích của chuyến đi rồi .Chuyến đi trên là chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng xa nhất của hai chúng tôi’’ Mấy năm trước, có lần nhà Đậu tổ chức lại hành trình nầy cho Quang, chỉ thiếu bóng dáng của Thuần ! Quang viết văn rất có duyên, những chuyện thường là tình nghĩa cuộc đời, văn sao thì con người như vậy, Quang thành ra nhân vật trong chính những chuyện viết của mình, Quang ngoài đời nếp sống và suy nghĩ chững chạc, mẫu mực. Trong Gia đình ĐẬU, Quang là ông anh cả, ông anh cả độc đáo của một nhóm nữ lưu ở thành phố Vĩnh Long, nhóm Đậu là một kết hợp tình cờ của những tâm hồn đồng điệu, biết sống và hướng cuộc sống về phía tốt đẹp, cao cả, để khỏa lấp phần nào những ưu tư, phiền toái trong cuộc đời. Họ sống gắn bó, quan tâm và bổ sung cho nhau trên mọi mặt . Mỗi thành viên trong gia đình Đậu có tính cách khác nhau, họ trang trải, chia sẻ và hòa đồng, cho nên trong sinh hoạt chung vẫn chan hòa nét riêng tư, độc đáo. Họ chấp nhận, tôn trọng và quan tâm cho nhau, vì nhau, nhờ vậy mà hôm nay đã là kỷ niệm của năm thứ 5 ngày thành lập Gia đình Đậu, trong kỷ niệm này đặc biệt, tôi viết về Quang. Viết về Quang là viết về một tài nguyên hiếm quý giữa xã hội nầy, một xã hội, một đất nước cho đến hôm nay vẫn là dấu vết của những thăng trầm, điêu linh tồn tại từ vàng vọt dấu quân vương, Nho gia, đô hộ, nô lệ và hiện nay. Quang tự biết mình, tự vươn lên trong đời sống bằng cách tự răn mình, giữ mình sao cho khỏi vướng vào dấu chàm di căn của lịch sử và dân tộc. Đàn ông Việt Nam mình nhiễm bệnh phong kiến, độc đoán của Nho gia, vậy mà Quang biết nhận ra, biết tìm thấy hạnh phúc trong những điều tối kỵ hiện nay xã hội vẫn còn lẩn tránh.

o0o

“ Thuần “nhăn nhăn nhó nhó “ thầm nói chắc sanh quá. Tôi hỏi : Nhà thương lớn ?, nhận một cái lắc đầu! Tôi ngạc nhiên: Vậy đi đâu ? Trạm hộ sinh phường một . Tôi hơi lo, nhưng Thuần lại không lo, vì hằng tháng Thuần vẫn đến đó khám định kỳ nên quen hầu hết nữ hộ sinh nơi này. Chiều tối tôi đạp xe đạp chở Thuần qua nhà Mợ, có đứa em gái kêu “thôi anh đưa chị qua đây đi, có gì cũng gần bệnh viện. Tôi nghe lời và Thuần cũng đồng ý. Chiều hôm sau, tôi đưa Thuần vào nhà bảo sanh phường một, bụng có vẻ đau nhiều hơn, những cú “đạp, chòi” nhiều hơn, trời tối dần ….. Trong phòng chờ của nhà bảo sanh chỉ có hai đứa tôi và hai vợ chồng một cặp cũng đang chờ sinh, chồng cô bé này có vẻ đang “xỉn” nói năng lung tung, nhừa nhựa hoài. Hai cô nữ hộ sinh trực thì đang giỡn với ông trưởng trạm, cuộc vui kéo dài khá lâu, rồi cũng tàn … Thuần có triệu chứng sinh nên được vào phòng. Cô nữ hộ sinh vui nhiều nên giờ thắm mệt, Thuần bắt đầu lên giường sinh thì cô nữ hộ sinh này hoảng lên gọi cô nữ hộ sinh kia, im lặng không có tiếng trả lời nào, hoảng hốt …… Thuần đang sinh … cô này bèn hét lớn lên “Anh ơi, anh gì ơi ….vợ anh sinh nè vô phụ với tôi một tay coi. Trời !!! Má ơi ! tôi run nhưng cũng rán vô để phụ với cô. Thật ra tôi có biết gì mà phụ! Cũng may cô hộ sinh còn lại vào tới. Lần đầu tiên tôi thấy con gái tôi còn nguyên cuống rún khóc oe-oe. Tôi nghĩ có lẽ mình là người đàn ông đầu tiên được có mặt bên vợ khi vợ đang sinh. Hạnh phúc quá đi …..

Ba mươi bảy năm qua, tôi vẫn nhớ như “in” ngày này. Mai sinh nhật con gái, tôi nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng “ con hạnh phúc ngay từ khi mới ra đời“. Thuần đã ra đi, Quang vẫn cứ Quang, vẫn sống với quá khứ y như thuở ban đầu có Thuần, thậm chí còn hơn thế nữa. Con đường vào nhà ngày xưa hoa lá điểm trang chỉ để thêm duyên một cảnh nhà, nhưng nay, với Quang đã trở thành con đường tình, con đường kỷ niệm, ở đó Quang trồng những màu hoa Thuần yêu thích. Trong những dịp đón xuân, kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật, Quang đều chăm sóc, chuẩn bị sao cho hoa nở đúng những dịp đón Thuần trở về. Cứ thế, Quang biến kỷ niệm thành ra hiện thực. “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để thu hương“ “Chiều nay nắng, sực nhớ, mở tủ đem mấy áo dài còn lại ra phơi. Thuần dặn vậy mà ……….. Cuối những năm một chín tám mươi, đầu những năm một chín chín mươi, cuộc sống giáo viên như chúng tôi vô cùng vất vả . Lương của tôi và Thuần cộng với lương hưu của Ba tôi phải rất khó khăn xoay trở cho sáu miệng ăn trong nhà, tiền học cho con, lại thêm tiền thuốc cho Ba, Má tôi nữa. Ngoài đi dạy, chúng tôi nuôi heo, gà vịt và nấu rượu lậu nữa . Cuối năm đó tôi bán lứa heo, lời được chút ít. Tối đó Thuần thủ thỉ với tôi cho Thuần may một áo dài, trong tủ chỉ còn đúng ba cái áo dài luân phiên mặc dạy trong tuần. Tôi trợn mắt , nhăn nhó kể lể phải chi cho nhiều thứ nữa, Thuần không nói, nước mắt rơi lã chã. Cơm trưa hôm sau, Thuần đem chuyện may áo dài nói với Ba Má tôi, Ba tôi chặc lưỡi “ cái thằng …..” , má tôi nói “ nó đầu tắt mặt tối giờ săm có cái áo dài đi dạy mà con không cho là sao ??? , Thôi má cho đó, mai đi dạy rồi ra sắm luôn đi .” Tôi lặng thinh, Thuần sắm được áo dài mà không vui. Đến khi nghỉ hưu trong tủ cũng được hơn hai chục chiếc, thỉnh thoảng lựa ra cho em mấy cái , cho chị mấy cái để mà đi đám với người ta, còn lại không bao nhiêu . Thuần là vậy đó …. Hôm Thuần về với Ngoại, tôi đem theo cho Thuần chiếc áo cưới của gần ba mươi tám năm về trước, chiếc áo cưới màu hồng rực rỡ. Cô của Thuần, chị em của Thuần và cả em của tôi nhìn tủ áo dài dăm cái, hỏi tôi sao không đem theo hết cho Thuần, tôi thẫn thờ “ đem theo mà có mặc được đâu ?“ Thôi để lại đó đi, thỉnh thoảng mở tủ ra biết đâu lại thấy hình bóng Thuần trong đó …. Và cũng biết đâu trong những chiếc áo dài đó có cái áo dài mà Thuần đã sắm trong nước mắt thuở nào ! Nghìn lần xin lỗi Thuần , Vạn lần xin lỗi Thuần , Thuần nhé !!!!!!“

Zulu DC

Ảnh minh họa : Nguyễn Hoàng Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác