Vĩnh Biệt Chú Sáu -Thầy Nguyễn Văn Cai

Ngày đăng: 17/01/2022 07:47:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chú Sáu là một trong những học trò Sa Đéc, học xa ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Chú cùng em, chú Bảy Bá ở trọ ăn cơm tháng nhà ông bà nội tôi. Do đồng hương, và cùng lứa tuổi với chú ruột của tôi, ông bà nội thương quý như con cái trong nhà.

Mối giao tình vẫn thắt chặt sau đó. Chú Sáu Cai gọi ba má tôi là anh chị Cả. Năm 1968, ba tôi nhận chức Quản lý Bệnh viện Nguyễn Trung Trực -Vĩnh Long. Tình cờ mới biết Chú Thiếm cùng đồng tỉnh. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt chú thiếm khi hai người tới thăm. Chú rất điềm đạm đúng phong cách sư phạm. Thiếm rất đẹp và hiền hoà.

Đậu đệ thất Tống Phước Hiệp mới biết ra chú sáu của chúng tôi là giáo sư dạy Anh văn ở đây. Thấy chú từ xa là tôi…dọt lẹ. Chẳng biết nên chào “chú” hay “thầy”.

Lên đệ nhị cấp, năm 11, học Anh Văn, sinh ngữ hai. Tôi có đứa bạn thân muốn tìm thầy dạy thêm. Lúc đó tôi mới bảo với nó:

– Để tao hỏi chú sáu của tao

– Chú sáu mầy là ai?

– Là thầy Cai đó!

Nó nhìn tôi với ánh mắt thán phục

– Sao tới giờ mầy mới nói?

Hai đứa tới nhà chú. Nhờ “quen biết lớn”, chú nhận lời dạy cho nhóm 10 đứa tụi tôi. Tới chừng đóng tiền học, chú trả lại cho tôi, còn rầy cho một trận:

– Bà con mà tính toán tiền bạc? Đem tiền về trả lại cho má đi con.

Sau 75, nhà trong bịnh viện phải trả lại. Gia đình tôi dọn ra căn phố đối diện rạp Lê Thanh. Thành hàng xóm láng giềng với gia đình Chú Sáu. Lúc ấy, chú cũng như ba tôi đều bị nghỉ việc. Chú may mắn hơn không phải đi học tập cải tạo như ba tôi. Gia đình nào cũng có nỗi khổ , tuy không giống nhau, nhưng có lẽ chú thiếm đở hơn một chút. Trong “trận đổi tiền” đợt 1, chú thiếm còn có tiền… mua hột vịt giúp hộ cho má tôi, mua từ Tam Bình về, mối lái trở mặt không lấy hàng.

Rồi phong trào đi đoàn tụ ở nước ngoài trỗi lên. Thiên hạ đổ xô đi học ngoại ngữ. Nhà tôi cũng có giấy xuất cảnh, nhưng không tiền để đi học Anh Văn. Chúng tôi biết, nếu học với chú thì chắc chắn chú sẽ không lấy tiền. Như vậy rất bất công với chú, và cũng không muốn lợi dụng lòng tốt của chú.

Năm 1989, chúng tôi bỏ quê hương ra đi. Chú thiếm có đến chia tay, rất ngậm ngùi vì không biết bao giờ gặp lại.

Sang bên nầy biết được tin tức chú thiếm qua Chú Bảy Bá, định cư ở Seattle sau chúng tôi vài năm.

Rồi ngày qua tháng qua, nhờ internet, nhờ tin tức của bạn bè trường Tống, “gặp” lại chú thiếm qua những lần tổ chức Ngày Nhà Giáo, ngày Tết. Vui khi thấy chú thiếm mạnh khoẻ.

Hôm qua, trang tph-vl đăng chia buồn. Lại mất thêm một đại thụ của trường Tống. Lại phải nói lời chia tay vĩnh viễn Chú Sáu Cai. Buồn!

PHƯƠNG NGA

H1

h2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác