TẢN MAN VỀ VĨNH LONG TRONG TUỔI THƠ TÔI (phần cuối)

Ngày đăng: 23/12/2021 09:40:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nói tóm lại, trong tuổi thơ tôi, ngày đó Vĩnh Long chỉ có ba ngã chính. NGÃ THỨ NHẤT: đường Salicetti (đường Gia Long) từ cầu tàu vô Cầu Lầu nối dài với đường Văn Thánh vô tận cầu Ông Me. Trên khoảng đường nầy có những di tích thời xa xưa như Cầu Lầu, chùa Giác Thiên, và Văn Thánh Miếu. Cầu lầu là tên của một cây cầu được Bắc qua con rạch cũng mang tên rạch Cầu Lầu, một chiến hào của thành Long Hồ và Vĩnh Long xưa, chiếc cầu nầy được xây dựng bằng gỗ cách này cũng vài trăm năm, có lẽ từ thời còn dinh Long Hồ cho dân chúng đi lại từ lỵ sở dinh Long Hồ đến các vùng phụ cận phía Đông Nam. Đến năm 1813, khi vua Gia Long ra lệnh cho quan Lưu Thủ Vĩnh thanh Trấn là Lưu Phước Tường xây lại thành Vĩnh Thanh thì Cầu Lầu được xây dựng lại với qui mô lớn hơn trước rất nhiều. Lúc đó, cột cầu được làm bằng những loại gỗ quí như căm xe hay cà chắt, ván lót trên cầu cũng được làm bằng những loại gỗ nầy với bề dầy rất dầy; khoảng giữa cầu có một vọng gác được dựng trên 4 cây cột cao khoảng 6 hay 7 mét, trên nóc vọng gác được lợp bằng ngói âm dương, vọng gác nầy luôn luôn có lính Nam triều thay phiên nhau canh giữ với nhiệm vụ quan sát và theo dõi dòng người qua lại trên cầu và những đoàn ghe thuyền ra vô vùng lỵ sở. Sau khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai vào năm 1867, họ đã cho san bằng thành Vĩnh Long, kể cả Cầu Lầu, và họ cho xây lại một cây cầu sắt. Qua khỏi Cầu Lầu khoảng vài trăm mét người ta thấy có chùa Giác Thiên nằm bên phải nằm trên đường Văn Thánh (nay là đường Trần Phú). Đây là một trong những ngôi chùa quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 1907. Bên trong ngôi chùa có một tấm bia nói về 34 vị cao Tăng từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam. Tính đến ngày nay, sau hơn 100 năm kể từ ngày xây dựng, chùa Giác Thiên đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, đường vô chùa có cổng Tam quan, bên trong có đài Bát Nhã. Mỗi khi có lễ hội, dân chúng tề tựu về đây tham dự rất đông. Đi trên con đường nầy sẽ thấy Văn Thánh Miếu bên tay phải, rồi đến của Long Hồ. Ngày nay người ta xây một cây cầu ngay của gọi là cầu Chợ Cua đi qua phía Long Thanh và Long Mỹ. Quẹo phải ở cua Long Hồ đi khoảng vài trăm mét nữa là tới Ngã Ba Long Hồ. Ngày nay người ta xây bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Long bên tay phải. Từ Ngã Ba Long Hồ đi khoảng 200 mét nữa là tời Cầu Ông Me Lớn, nếu đi thẳng là về hướng Ngã Tư Long Hồ, Măng Thít, Long Hiệp, Ngã Ba Long Hiệp đi Tam Bình, Cầu Mới, Cầu Vĩ (qua khỏi Cầu Vĩ, có một cái Ngã Ba quẹo phải đi Hựu Thành và Trà Ôn), Vũng Liêm, Càng Long và Trà Vinh. Còn như qua cầu Ông Me Lớn mà quẹo phải rồi đi dọc theo bờ sông là vô xã Phước Hậu. Tại xã Phước Hậu hãy còn một ngôi nhà thờ họ Biện rất cổ kính. Tôi có một người bạn học rất thân từ tiểu học lên tới trung học là anh Biện Công Danh, là một người học trò rất giỏi và khi ra đời cũng là một người rất thành đạt, rất xứng đáng là con cháu với truyền thống giỏi giang của dòng họ Biện. NGÃ THỨ HAI: Đường từ cầu tàu chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, lên cầu Cái Cá, qua xóm Bún, vòng qua đình Tân Giai (Vị trí ngôi đình cũ), qua đường Lê Thái Tổ, qua Cầu Lộ, xuống đường Thoại Ngọc Hầu và Viện Phước Thiện, đến đường Nguyễn Thái Học, khu Đất Thánh An Nam cũ, rồi qua khu cầu Công Xi Heo, rồi vòng xuống Cầu Lầu bằng con đường Đồng Khánh (Thất Kiều). NGÃ THỨ BA: Từ đường Lê Thái Tổ đi về phía mà bây giờ người ta gọi là ngã ba Cần Thơ, rẽ trái lên cầu Tân Hữu, rồi đến khu Cầu Vồng, tới ngã ba Chiều Tím, đi thẳng phía trước mặt là một con đường đổ đá xanh mà sau nầy người ta cho trải thêm đá và tráng nhựa con đường nầy đến khúc ngã ba Long Hồ, người ta gọi nó là đường cầu Vồng. Con đường nầy giúp làm giảm bớt lượng xe cộ trong thị xã, vì lúc đó xe các tuyến đường liên tỉnh Trà Vinh Sài Gòn, Trà Vinh Cần Thơ phải đi bằng con đường nầy chứ không đi ngang qua thị xã Vĩnh Long nữa. Tại ngã ba chiều Tím nếu rẽ phải là đi thẳng về hướng Cầu Công Xi Heo, từ đó người ta cũng có thể đi vào thị xã Vĩnh Long.

Đối với tôi, Vĩnh Long dầu có đẹp hay không đẹp, dầu bước chân tôi đã từng dẫm lên rất nhiều danh lam thắng cảnh của thế giới, từ Grand Canyon ở Arizona, Yosemite ở miền Bắc California, Yellow Stone Park, những danh thắng ở Úc Châu, Jakarta ở Indonesia, Manila ở Philippines, núi Phú Sĩ ở Nhật, Đài Bắc, Hồng Kông, Bắc Kinh, Washington D.C., Paris, London, Mexico City, Ottawa, New Delhi, Kathmandu… nhưng có lẽ chưa có nơi nào gây được cho tôi cảm xúc rộn ràng khó tả như Vĩnh Long, vì Vĩnh Long là quê hương đã gắn bó với tôi từ những sông rạch quen thuộc, đến những con đường nắng bụi mưa lầy. Dù Vĩnh Long không đẹp như những nơi tôi vừa kể, nhưng với tôi không có nơi nào đẹp hơn Vĩnh Long, và không có nơi nào khác có thể thay thế được Vĩnh Long trong tim tôi. Có lẽ trong tâm tư tình cảm tôi, dầu tôi đang nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, hay tiếng Mễ Tây Cơ… thì trong chỗ sâu thẳm nhất của một con người, tôi vẫn luôn, và sẽ mãi mãi là một đứa con trai nhà quê của xứ Giảng, được sinh ra và lớn lên bên những thôn xóm đơn sơ mộc mạc, bên những cánh đồng quyện mùi bùn pha lẫn mùi lúa chín mới gặt. Dầu bây giờ tôi sống xa quê vạn dặm, nhưng quãng đời thơ ấu nơi đất Vĩnh mãi mãi đậm nét trong tôi. Với tôi, dầu trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, người dân Vĩnh Long luôn hiền hoà, chơn chất, vẫn đơn sơ bình dị và luôn cần cù làm lũ như bao đời cha anh của họ. Bây giờ đã nghìn trùng xa cách quê hương, nhưng làm sao tôi quên được tiếng gà gáy lúc rạng đông, tiếng mẹ ru con giữa trưa hè oi ả, tiếng gió đưa cành trúc xạc xào, tiếng chim gọi đàn lúc bóng chiều tàn. Làm sao tôi quên được những con đê bờ ruộng thân yêu với những buổi trưa hè cùng các bạn đi câu cá rô. làm sao tôi quên những chiều trên đường ruộng quê hương, những mái tranh nghèo dọc theo hai bờ lộ, những cánh cò lãng đãng đó đây trên bầu trời, hương đồng cỏ nội thoang thoảng một mùi lúa chín quyện lẫn với mùi phân trâu hăng hắc tạo ra một mùi thật là quê hương mà có lẽ tôi sẽ không tìm được ở bất cứ đâu. Làm sao tôi quên được những đêm nơi miền thôn dã Vĩnh Long thật huyền diệu với ánh trăng sáng mượt tỏa khắp như dòng sữa quê hương đang chảy đều khắp không trung, như hứa hẹn mang lại một ngày mai tươi đẹp. Có những đêm vắng lặng với đó đây tiếng côn trùng tình tự bên con đê bờ ruộng, thỉnh thoảng một làn gió nhẹ làm xạc xào bờ cây khóm trúc và đưa nhẹ hương cam hương bưởi thoang thoảng đó đây. Vĩnh Long của tôi như vậy đó, từ những con đường, từ những góc phố, đến những con đê bờ ruộng… không bao giờ có thể xoá nhoà được trong tâm khảm tôi vì suốt tuổi thơ tôi đã gắn liền với chúng. Làm sao tôi có thể quên được quê hương dầu nghèo nàn, nhưng chính nơi đó đã cho tôi sức phấn đấu vươn lên nhìn ra khắp năm châu bốn bể. Trong cơn đại dịch khiếp đảm kinh hoàng nầy, tôi lúc nào cũng cầu nguyện cho quê hương Vĩnh Long tôi được yên bình, cầu nguyện cho đất nước tôi và thế giới sớm vượt qua cơn đại dịch khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nầy. Mong được như vậy lắm thay!!!

NGUOI LONG HỒ

Hình 1: Cầu Ông Me Lớn về đêm.

Hình 2: Nhà Thờ Họ Biện rất cổ kính trong xã Phước Hậu.

Hình 3: Chỗ nầy gần Vàm sông Long Hồ 196

Hình 4:  tượng Phan Thanh Giản tại ngã tư Phan thanh Giản_Hưng Đạo vương

Hình 5: Ngôi mã trong sân trường nào đây?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác