TẢN MẠN VỀ VĨNH LONG TRONG TUỔI THƠ TÔI (P-1)
Vĩnh Long là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc của tình làng nghĩa xóm. Cuộc đời tôi dầu là đang ở nơi chân trời góc biển nào của địa cầu nầy cũng không thể và không bao giờ có thể tách rời khỏi hai chữ Vĩnh Long. Chính vì vậy mà cho dù tôi có nói gì hay có viết gì đi nữa cũng chẳng bao giờ có thể đáp đền được cái ân tình mà tôi đã mang theo từ cái đất Vĩnh Long thân yêu ngày ấy. Hôm nay, ngồi đây viết lại những dòng này chỉ mong có thể chia sẻ được phần nào với những thế hệ đàn em sau này về tâm tình trìu mến và tha thiết của một người con dân xứ Vãng.
Vì tôi rời xa Vĩnh Long cũng đã khá lâu, từ năm 1968 đến nay, tính ra đã hơn nửa thế kỷ. Nên chi nếu có điều chi sơ sót, xin các bậc trưởng thượng và các thế hệ đàn em cũng niệm tình bỏ qua cho. Vĩnh Long, nơi tôi sanh ra, là vùng sông rạch chi chít, và dòng sông Long Hồ là nơi mà tôi đã từng có rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ cơ hàn. Vì chính dòng sông đó đã cho gia đình tôi tôm cá trong suốt cả chục năm của thập niên 1960s. Ngày đó, ban ngày anh em chúng tôi vẫn được ba mẹ cố gắng cho đến trường học, nhưng đêm đến tôi và một người em trai kế phải ngủ trên dòng sông này trên một chiếc xuồng nhỏ, thật nhỏ, để thả câu, giăng lưới, nhằm kiếm thêm chút gì đó phụ với ba mẹ nuôi một đàn em mười mấy đứa. Ngày đó, anh em tôi đến trường là phải cố mà thu vào đầu những gì thầy cô giảng dạy trong lớp, chứ về đến nhà là không còn có thì giờ đâu nữa để mà học bài. Chính vì vậy mà dầu cho ngày nay có xa Vĩnh Long vạn dặm trùng dương, nhưng Vĩnh Long lúc nào cũng tưởng chừng như gần, thật gần với tôi trong ký ức. Bây giờ dầu có ở vùng Bắc Mỹ xa xăm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ Vĩnh Long của những năm thanh bình, từ năm 1957 đến năm 1962. Ngày đó, ngư dân trên dòng sông Long Hồ còn rất nhiều vị vừa thả câu mà cũng vừa hát hò theo kiểu rất tài tử, và điều nầy cũng làm cho hai anh em chúng tôi cảm thấy bớt đi được phần nào khổ nhọc của tuổi ấu thơ. Bây giờ mỗi lần nhớ tới dòng sông Long Hồ là tôi liên tưởng ngay đến sự lấp lánh của một dãy lụa trong những đêm trăng, nhớ đến những đêm trăng thanh bình của tuổi thơ cơ cực, và nhớ nhiều lắm đến những tấm lòng đôn hậu hiền hoà của người dân xứ Vĩnh. Quê tôi Vĩnh Long là một trong những tỉnh được khai mở đầu tiên của miền Tây, nằm gọn trong vùng đất phù sa của hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang. Một thời Vĩnh Long là thủ phủ của Dinh Long Hồ, là cái nôi phát triển từ dân cư đến văn hoá và kinh tế của lịch sử Nam Tiến. Từ thời mở cõi đến nay, Vĩnh Long luôn là quê hương của ruộng đồng bao la bát ngát, với sông rạch chi chít và với sự ngược xuôi của các ghe thương hồ từ tứ xứ. Hình ảnh dòng sông, bến đò, và những buổi họp chợ êm đềm của những người dân đất Vĩnh, tuy mộc mạc, nhưng luôn luôn sống động và đầy ấp tình người.
Vĩnh Long không có núi non hùng vĩ như các tỉnh miền Trung hay bờ biển thơ mộng với những hàng thuỳ dương bên bờ cát trắng như Nha Trang. Vĩnh Long cũng không có nhiều thắng cảnh như Hà Tiên hay vịnh Hạ Long, nhưng du khách đã một lần đi đến Vĩnh Long chắc chắn cả đời sẽ khó quên được những kỷ niệm của mình với những vườn cây ăn trái và sông nước hữu tình từ An Thành (xã An Bình) qua Bình Hoà Phước, đến Chợ Lách… Vườn cây nối tiếp vườn cây xen lẫn với những hàng dừa hàng cau đang lay động trước gió. Ven bờ các sông kênh rạch thì sóng không vỗ ì ầm như những vùng biển cả, mà sóng cứ dạt dào nhè nhẹ vào bờ, và trên vùng sông nước nầy ngày đêm không ngớt tiếng khua động của những mái chèo lướt nước. Vĩnh Long quê tôi không có những đền đài nguy nga tráng lệ như cố đô Huế hay Thăng Long thành. Trái lại, Vĩnh Long thời tôi mới lớn lên và chập chững bước vào ngưỡng cửa học đường hãy còn dáng vẻ hoang sơ mộc mạc của một vùng đất mới phát triển. Thật vậy, 60 năm trước đây, cũng như hầu hết các tỉnh thành khác trong một xứ sở vừa mới thu hồi nền độc lập từ tay ngoại bang, Vĩnh Long của tôi ngày ấy vẫn còn tràn đầy những cảnh vật thiên nhiên, dầu không hoang sơ như Đồng Tháp Mười với cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn, nhưng cũng gần gần như vậy, nghĩa là hễ lội vô đồng là có cá có tôm, đem lưới giăng ngang sông là có tôm có cá ngay, mà lại có thật nhiều nữa chứ!
Trước khi tản mạn về Vĩnh Long, người viết xin tự giới thiệu tôi là người Vĩnh Long, mặc dầu bản quán của cha mẹ tôi ở tận ngoài Trung, nhưng tôi sanh ra tại Long Hồ, Vĩnh Long, vào năm cuối cùng của thập niên 1940s, giữa thời loạn lạc, trong lúc gia đình tôi đang bỏ thành để chạy về vùng thôn quê Long Hồ để tránh sự ruồng bố của người Pháp. Đến khoảng đầu năm 1950 thì gia đình tôi quay trở về nhà cũ trong thành phố Vĩnh Long, ngay tại góc đường Trương Vĩnh Ký & Lý Thường Kiệt (ngày nay là Nguyễn thị Minh Khai & Lý Thường Kiệt). Lúc đó nhà tôi vẫn còn là nhà sàn, vì nó tọa lạc ngay đầu của Khu Trạch Điền của Thành Vĩnh Long ngày trước. Khu Trạch Điền của thành Vĩnh Long thời cụ Phan làm quan Kinh Lược Sứ nằm khoảng giữa bốn con đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trương Vĩnh Ký và Thất Kiều (Đồng Khánh). Phải nói hình ảnh Vĩnh Long trong trí nhớ tuổi thơ tôi là một thành phố rất đơn giản nhưng rất đẹp với đầy những bóng cây sao và cây dầu mát rười rượi. Trên đường Pasteur từ đường Hùng Vương đến đại lộ Tống Phước Hiệp, người ta đậu nhiều chiếc xe hủ lô làm đường nên lủ nhỏ chúng tôi thường kêu là đường ‘Hủ Lô chứ không cần biết nó tên là đường gì. Ngay góc đường Thất Kiều (Đồng Khánh) và Lý Thường Kiệt là một dãy phố trệt, nơi cư ngụ của những nhân viên chính phủ, trong đó có rất nhiều những ông Tây bà Đầm, mỗi ngày họ thường hai buổi đi ngang qua nhà tôi. Bên phía đường Hùng Vương bắt đầu từ đường Thất Kiều (Đồng Khánh) thẳng ra tới bờ sông Cổ Chiên, có nhiều ty sở của chính phủ như Ty Điền Địa, trại lính nằm phía sau lưng trường Tống Phước Hiệp, tiếp đến là Toà Án, trại giam… Khu vực Toà Án nằm giữa đường Lê Văn Duyệt (thời Pháp lá đường Pasquier, ngày nay là đường Hoàng Thái Hiếu, đại lộ Phan Thanh Giản (thời Pháp là đường Poincaré và bây giờ là đường 3 tháng 2, đường Hưng Đạo Vương (hồi thời còn thành Vĩnh Long của cụ Phan, nó là đường Hoàng Cung, thời Pháp là đường Citadelle), và đường Hùng Vương. Đối diện Toà Án là khu biệt thự làm nhà ở cho các vị Thẩm Phán làm việc trong toà.
Bây giờ chúng ta bắt đầu từ hướng Sài Gòn đi về Vĩnh Long, nghĩa là từ hướng Giáo Đức (Mỹ Tho) đi theo quốc lộ 4 (bây giờ là quốc lộ 1A) về hướng Tây Nam đến Bắc Mỹ Thuận, bây giờ là Cầu Mỹ Thuận. Sau khi qua sông Tiền nếu rẽ phải là đi về Sa Đéc, còn rẽ trái đi thêm 8 hay 9 cây số nữa sẽ tới ngã ba Cần Thơ, đi thẳng sẽ vô chợ Vĩnh Long, rẽ phải đi thêm 33 cây số nữa sẽ tới Bắc Cần Thơ (bây giờ là Cầu Cần Thơ). Đại lộ Nguyễn Huệ nằm trên đoạn đường từ ngã ba Cần Thơ tới cầu Tân Hữu. Từ cầu Tân Hữu tới Cái Vồn là quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A). Ngay góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Thái Tổ là bến xe mới của Vĩnh Long, trước đây bến xe Vĩnh Long nằm gần trong khu chợ, đến năm 1960 mới dời ra đây. Trên đại lộ Nguyễn Huệ gần ngã ba là khu nhà hàng ăn uống, trong đó có nhà hàng Ba Vị rất nổi tiếng, kế đó là khu chợ Tân Bình, rồi khu dãy phố song lập do chính phủ xây cất để bán trả góp cho quân nhân, cán bộ và công chức trong tỉnh. Qua cầu Tân Hữu khoảng 100 mét là khu ngã ba Chiều Tím, nếu rẽ trái sẽ đi tới Cầu Vồng, trước khi tới Cầu Vồng phía bên trái là khu quận Châu Thành mới và công sở xã Tân An, phía bên phải là khu Phước Thọ. Vào khoảng những năm từ 1956 đến năm 1959, người viết bài nầy có những kỷ niệm khó quên về cái tên Tân Hữu. Ngày đó hễ cứ buổi chiều nào mà cậu Năm chạy xe Nhan Nhựt về đậu trước cửa nhà và kêu mọi người lên xe đi cầu Tân Hữu ăn dưa gang là tôi mừng quính vì chắc chắn hôm đó mình sẽ được no nê một bụng dưa gang chấm đường. Những năm đó, từ ngã ba Ông Cảnh lên ngã ba Cần Thơ, và cả khu đại lộ Nguyễn Huệ nầy chỉ thấy lèo tèo vài ba căn nhà lá. Từ hướng ngã ba Cần Thơ lên cầu Tân Hữu, phía bên phải có một con rạch chạy song song với đường Nguyễn Huệ, còn bên trái là các khu mà sau nầy người ta xây cất trường Sư Phạm, Kỹ Thuật và Sân Vận Động mới… hãy còn là những đám ruộng và rẫy của nhà nông. Khu cầu Tân Hữu đến Cầu Vòng, qua khu Thiết giáp, Phước Thọ, tới cầu Đường Chừa… hãy còn là những cánh đồng lúa. Ruộng gần lộ vùng Tân Hữu hãy còn rất hoang vắng. Sau khi làm lúa xong vào khoảng tháng giêng, thì nông dân tại đây bắt đầu vỡ đất lên để trồng bắp, trồng dưa leo, bí rợ, dưa gang, vân vân. Dưa gang ở đây không cần phải chở đi đâu hết, mà bán tại chỗ cũng không đủ cung ứng cho dân Vĩnh Long. Từ cầu Tân Hữu đi về hướng Cái Vồn khoảng vài trăm mét, phía bên trái là khu quân sự, kế đến là khu đất trống mà về sau nầy người ta xây dựng trường trung học Thủ Khoa Huân (xây xong hồi năm 1969).
NGƯỜI LONG HỒ
Hình 1: Cầu Thiềng Đức trên dòng sông Long Hồ năm 1929.
Hình 2: Toà Án Vĩnh Long năm 1929
Hình 3: Bắc Mỹ Thuận 1968.
Hình 4: Cầu Tàu Vĩnh Long đi Nam Vang 1930
Hình 5: Nhà Quan (Bungalow) và nhà thuỷ tạ 1930.
Hình 6: Trường Sư Phạm Vĩnh Long 1966.
Hình 7: Khu phố mới ở ngã ba Cần Thơ và Bến Xe Mới với một số quán ăn nổi tiếng như quán Ba Vị nằm ngay góc đường Lê Thái Tổ và Nguyễn Huệ. Toà nhà cao bên trái là Nhà Thờ Chánh Toà (1965).
Hình 8: Khu Nhà Quan hay Công Quán Bungalow (1955).