QUÁN VĂN QUA CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI MỚI VÀO LÀNG

Ngày đăng: 8/12/2021 07:42:11 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

 Năm 2013, tôi nghỉ viết báo vì tuổi lớn, lao vào các cuộc đi chơi, la cà các quán cà phê gặp được anh Lê Viết Yên người cũng thích sách vở. Anh thường tặng tôi những sách hiếm mà anh có từ việc sưu tập, do vậy thỉnh thoảng anh hẹn tôi tại quán cà phê Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Dạo đó anh thường có mặt tại các buổi ra mắt sách của Quán Văn ở Phú Nhuận nên rủ tôi tham dự và tôi quen biết với anh em Quán Văn từ lúc ấy. Quán Văn là tập san chuyên sáng tác, nghiên cứu văn học hoặc đăng những tư liệu cũ về văn chương . Các đề mục này tôi rất thích nhưng trình độ viết của tôi thì chỉ đứng xa mà ngó, nên lòng không hăng hái đến. Tuy nhiên, tham dự vài  buổi ra mắt tôi được gặp những cây viết tên tuổi, những cây viết mới mà tôi chưa từng được biết tên, có thể các anh chị đó cũng yêu văn nghệ như tôi hay tại tôi đọc sách ít nên cái biết hạn hẹp (?).

Phần sáng tác trong Quán Văn thì miễn bàn, vô vàn tác giả tham gia, phần tư liệu thì có nhiều bài viết của những nhà văn miền Nam trước 75, những tác giả mà tôi yêu thích nhưng thời cuộc chiến tranh tôi không có điều kiện nghiên cứu. Theo tôn chỉ của nhà văn Nguyên Minh, chủ biên Quán Văn, văn chương thì không phân biệt vùng miền, tác phẩm nào hay thì Quán Văn đăng lại. Hiện tại các tạp chí  chính thống của Hội Nhà văn từ trung ương đến địa phương chưa chú ý đến văn chương vùng “tạm chiếm” thì Quán Văn làm nhiệm vụ mở cửa kho tàng văn học ở phía Nam bị bỏ quên nhiều năm. Từ đó, những tư liệu các nhà văn như Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Kiệt Tấn, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn tất Nhiên ….lần lượt đăng lại. Ngoài ra, những nhà văn, nhà thơ sau này đã định hình như Nguyên Cẩn, Trương Văn Dân, Nguyễn Minh Nữu, Đoàn Văn Khánh …thì  Quán Văn cũng làm số chuyên đề giới thiệu rộng rãi ra công chúng.

Những chuyến du lịch

Ngoài nhiệm vụ làm “vườn ươm” dành đất cho anh em sáng tác, Quán Văn còn một nhiệm vụ bất thành văn là tổ chức du lịch cho anh em đi thực tế. Nếu như các hội viên các Hội Văn học ở địa phương thường được Hội tổ chức cho đi tham quan, đi thực tế sáng tác thì Quán Văn cũng làm nhiệm vụ y chang vậy. Có khác chăng là mỗi thành viên đóng tiền để tham gia. Chính nhờ vậy mà trước khi đi , ban tổ chức không có họp bình bầu, xét duyệt ai chuyến này được đi, ai không được đi mà tất cả đều chuẩn bị ba lô, túi xách để lên đường. Tôi không phải là “thành viên” Quán Văn nhưng vẫn tham dự chính thức như mọi người.

Một cái tuyệt vời nữa mà tôi nghĩ không ở đâu có là anh em trong đoàn rất vui vẻ mến nhau, bình đẳng như nhau, không phân biệt lớn nhỏ, vùng miền,  có tên tuổi trong văn đàn hay không, có tác phẩm hay chưa có tác phẩm. Đi với nhóm này, tôi chưa thấy ai cao ngạo ra vẻ đàn anh dù tuổi đời và sự nghiệp văn chương đã có tầm cỡ.

Chuyến du lịch về ĐBSCL ghé thăm anh Hạc Thành Hoa,ở Cao lãnh, nhà thơ mà trước đây khi còn học trung học tôi có nghe tên. Nhìn  cách cư xử bạn bè văn nghệ với nhau tôi mới nghĩ ra văn nghệ như một cái Đạo, các tín đồ gặp nhau như có sự đồng cảm mà không có ngôn ngữ nào diễn tả. Đi Châu Đốc gặp anh Trịnh Bữu Hoài, nhà thơ có nhiều tác phẩm trước 1974. Trong đoàn có anh em lớn tuổi hay có quen biết trước thì thăm hỏi trò chuyện với anh Bữu  Hoài  nhiều vấn đề còn bọn tôi  mới quen thì câu chuyện không được giòn giả bằng. Ấy vậy mà anh cũng rất thân mật với các bạn, trước khi chia tay anh tặng cho mỗi người một quyển tạp bút dày gần 800 trang có chữ ký hẳn hòi.

Chuyến đi Tây nguyên , đoàn Quán Văn có ghé Ninh Hòa thăm nhà văn Khuất Đẩu, nghe nói anh đã từng đạt giải đặc biệt về tiểu thuyết của  Văn Việt năm 2017, một người có tiếng ở hải ngoại nhiều hơn trong nước và chuyến này mới gặp được anh. Lúc bấy giờ anh Nguyên Minh, BS Đỗ Hồng Ngọc, anh Lữ Kiều đều trò chuyện với anh vui vẻ. Nhìn nhà văn ở chốn quê mà tiếng tăm của anh vang xa tôi mới ngộ ra nhà văn không phải có đầy đủ vật chất, sống chốn thị thành mới sáng tác hay được! Đọc mấy truyện của anh thì quả thật xứng tầm giải thưởng, dù lãnh được hay không  thì trong lòng độc giả đã có bóng dáng anh rồi.

Chuyến đi ra Bắc tôi lại gặp nhà văn Trần Thanh Cảnh, anh là dược sĩ , có phải là hậu duệ của vua Trần hay không mà chuyên viết tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần như Trần Thủ Độ, Đức Thánh Trần. Anh là dân vùng Kinh Bắc nên khi đoàn QV đến địa phương , anh tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa đoàn đi xem các thắng cảnh và có những lời thuyết minh tuyệt vời.

NV Nguyễn Châu- Trương Văn Dân- Hồ Sỹ Bình- Lương Minh

     Khi đoàn về cố đô, thăm anh em văn nghệ ở tạp chí Sông Hương- Huế  và được đi thăm nhà thơ Trần Vàng Sao (TVS), nhà thơ nổi tiếng hồi phong trào sinh viên cùng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, đang dưỡng bệnh tại nhà. Lúc đó , TVS còn tỉnh; những người cùng thời trong đoàn đến hỏi thăm, tôi đi vòng vòng xem tranh anh vẽ Bồ đề Đạt Ma trên các nắp hộp phô mai treo khắp nơi trong nhà.

Du lịch với QV gặp được các văn nhân, thăm được các điểm mình thích như Trường Viết Văn Nguyễn Du, viếng mộ nhà thơ Quang Dũng những nơi mà không công ty Dã Ngoại nào đưa vô tuyến du lịch của họ. Có những điểm nếu đi tự túc hay với tư cách cá nhân thì khó mà đến các nơi này, nói chi đến việc hỏi han những người mình quan tâm.

Anh em một nhà

Những chuyến du lịch, các thành viên không phân chia ra nhóm văn thơ mà phân ra nhóm có tuổi và nhóm ít tuổi. Nhóm có tuổi được ngồi phía trên để khỏi phải chóng mặt, say xe, nhóm ít tuối ngồi phía sau để tám chuyện và hò hát trên những đoạn đường vắng. Nhắc đến đây lại nhớ nhạc sĩ

Đoàn Đình Thạch, người vừa mới ra đi vĩnh viễn hôm đầu tháng mười. Hai vợ chồng anh không ít tuổi nhưng thường ngồi với chúng tôi phía dưới và anh đệm đàn cho cả xe hát. Không ai hát theo thì anh đơn ca , giọng ca trầm ấm lôi cuốn cả đoàn, anh hát bản tình ca khiến cho nhà phê bình Nguyễn Thị Tinh Thy , thành viên nhỏ tuổi nhất phải rơi lệ. Rồi đây, trên những chuyến đi dã ngoại vắng anh, đoàn QV phải bùi ngùi khi đi trên đường cái Quan mà thiếu đi tiếng nhạc !

Anh Lê Ký Thương và anh Đỗ Hồng Ngọc là hai bạn già dễ thương nhất  trong những lần du lịch, hai anh vui vẻ và hòa đồng và có làm phiền ai đâu. Hôm đi lên chân núi Bình San thăm mộ Mạc Cữu, mọi người thấy anh yếu, khuyên anh nên ngồi trên xe , ấy vậy mà anh cũng lội bộ lên núi đến nơi chụp hình  rồi từ từ xuống núi trước cặp mắt thán phục của nhiều người. Anh Đỗ Hồng Ngoc thì vui tính hơn, ít nói nhưng hành động và lời nói đều có chất hài trong đó. Đến vườn nho ở Phan Rang anh cố gắng lên trên chuồng dê để bái kiến sư phụ, trò chuyện trên đường với anh đôi khi anh lồng vào đó chút kiến thức y học, chút phong vị thiền, giống như anh đã từng viết “Gió heo may lại về” hay “Về thu sếp lại.”

Những chuyến du lịch của Quán Văn, anh chị em ham vui thường giành ngồi phía sau cùng để tán gẩu, nói chuyện tiếu lâm trong đó có Mã Lam, Hoài Huyền Thanh, Hoàng Kim Oanh, Dung Thị Vân, Hồ Sĩ Bình và đặc biệt là có hai nữ sĩ miền Trung đó là Trần Thị Trúc hạ và Nguyễn Thị Tịnh Thy. Tuy nhiên, lúc xuống xe là Trúc Hạ thường rủ Tịnh Thy, đạo diễn Quách Mạnh Kha và tôi đi dạo phố và gọi vui nhóm này là “Bè lũ bốn tên”. Tôi nghĩ đây là cái duyên giữa những người thích đùa với nhau, chứ tiêu chuẩn kết thân người nổi tiếng hay tài năng thì tôi thua rồi. Anh Quách Mạnh Kha trước đây có thời gian dài chủ nhiệm nhiều phim nổi tiếng như Vó Ngựa Trời Nam, Đất Rừng Phương Nam, Ngọn nến Hoàng cung … mà các diễn viên điện ảnh lâu năm đều biết tiếng, Tịnh Thy là giảng viên văn của ĐH Huế, nhà phê bình văn học được giới văn chuơng đánh giá cao; còn Trúc Hạ là cây bút lâu năm cộng tác các báo hồi còn là sinh viên, tham gia QV đã lâu, còn tôi là người lớn tuổi nhất có thành tích du lịch nhiều năm và ngồi quán hơn 50 năm.

Các nhà văn Nguyên Minh, Nguyên Cẩn, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Châu,Đặng Châu Long là những người ở gần nhà , gặp nhau thường xuyên nếu nhớ thì gọi điện đến. Nguyên Cẩn là giảng viên đại học, viết với nhiều báo Phật giáo, thú vị nhất là mỗi lần uống cà phê với anh , tôi được anh biếu tập sách mang về. Nhà anh còn là “sân sau”  của QV, nơi đây mỗi tháng họp một lần để trao dồi văn nghệ. Chị Ngọc Anh, phu nhân của Nguyên Cẩn giống như bà bầu Thúy Nga Paris tổ chức buổi văn nghệ hàng tháng vào ngày rằm với các ca sĩ cây nhà  lá vườn như Quan Đặng, Quách Manh Kha, Carol Kim, Mỹ Lệ , Đình An tạo không khí vui vẻ cho anh em QV. Không biết, có ý định lập đoàn văn nghệ hay không nhưng trước mắt Ngọc Anh tạo niềm vui cho anh em cùng tình thân hữu ngày một gắn bó.

Với những anh chị em như Nguyễn Thị Liên Tâm, Mã Lam, Nguyễn An Bình, Hoài Huyền Thanh, Dung Thị Vân….người nào cũng viết khỏe. Không gặp mặt thì thôi, a lô gặp gỡ là lúc đi có cầm tay theo tác phẩm mới để tặng.

Thành tích, vai trò của Quán Văn trong mười năm qua trong nền văn chương miền Nam, xin để cho các nhà phê bình nhận xét, với tôi QV là một sân chơi lành mạnh mà tôi phải mang ơn. Nếu không có tờ Tập san này, bài vở của tôi đăng ở đâu khi tôi không là hội viên của một Hội văn nghệ nào cả  và nói như Trúc Hạ, nếu không là thành viên QV thì những người không tên tuổi như chúng tôi làm sao kết giao được với nhà thơ Đỗ Nghê, Lê Ký Thương, Lữ Kiều, Kiệt Tấn và nhiều anh chị em khác không thể kể hêt tên.

LƯƠNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác