MỘT THỜI MÊ SÁCH

Ngày đăng: 3/09/2021 05:51:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là ý kiến của một bạn đọc ở Úc về bài viết Mê sách của Lương Minh. Do bài viết có thêm nhiều chi tiết nên trang nhà đăng lại cho các bạn đồng môn có thêm tư liệu (LM)

Tôi rất ngưỡng mộ học giả “ Vương Hồng Sển “ đọc qua các cuốn của cụ như “ Thú chơi Cỗ ngoạn, Thú đá gà, Thú chơi sách, Thú xem Truyện Tàu … Ông viết rất thật .. có điều giọng văn vào thời đó của cụ hơi bị tản mạn một chút phải đọc kỹ thì mới hiểu được hết nghĩa. Tôi cố gợi lại ký ức xưa vào khoảng năm 1973, đầu năm 1975 tôi đặc biệt say mê truyện tranh của hai nhà xuất bản ( Minh Thùy và Rạng Đông )với các câu chuyện cổ tích được vẽ hình ảnh rất đẹp như: Trần Minh khố chuối , Nàng Tiên cá , Thoại Khanh Châu Tuấn , Lâm Sanh Xuân nương … Có bao nhiêu tiền ba mẹ cho ăn bánh mình cũng cắt ca, cắt củm để dành mua những quyển truyện dễ thương này và sau đó chuyền tay nhau đổi truyện với các bạn khác cho đỡ tốn tiền mua. Nhân nói qua Truyện Tàu thì mình đầy một bụng, bởi ông nội mình đặc biệt mê truyện Tàu.  Ông có cả một tủ. Nhà sách ra quyển nào là ông mua quyển đấy đm về nhà xếp ngay ngắn trên giá theo thứ tự các đời vua bên Tàu. Buổi trưa, ông mắc võng ngoài vườn nằm đọc đến khi mỏi mắt thì ngủ. Tôi nhớ quyển đầu tiên tôi đọc là  Chung Vô Diệm  .. và sau đấy cứ thế tiếp nối dài dài qua La Thông Tảo Bắc,  Đông Chu Liệt quốc, Thuỷ Hử ..  Trong các pho truyện Tàu có hai nhân vật sống dai từ đời này qua đời khác mà mãi vẩn chưa chết đó là lão mũi trâu Từ Mậu Công và người cầm cây búa Trình Giảo Kim. Nói thế để các bạn biết  tôi đã đọc hết tất tần tật của pho sách của ông nội rồi đó. Sang đến truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, tôi không mua vì làm gì có tiền để mà mua nên tiếp tục đọc ké của ông anh. Anh ấy ra nhà sách mướn về đọc, quyển đầu tiên tôi nhớ là  Quái khách Muôn mặt (trọn bộ 3 cuốn, không nhớ tên tác giả ) , kế tiếp là Cô gái Đồ Long , Võ Lâm Ngũ Bá, Thiên long Bát bộ , Lục Mạch Thần Kiếm, Tiếu ngạo giang hồ v.. v ) .. xa hơn chút truyện trinh thám điệp viên của “Người thứ 8 “ với anh chàng tài nghệ thần sầu quỷ khóc Z. 28 Đại tá Văn Bình với : Mây mưa Thụy Sỷ, Cạm bẩy trên dòng chaopya, Z . 28 vượt tuyến .. ) .. rồi thì tủ sách Tuổi Hoa .. với 3 loại hoa xanh, hoa đỏ, và hoa tím .. thêm tí nữa là chuyện tình cảm ủy mị sướt mướt của bà nữ sĩ Quỳnh Dao. Lúc đó, tôi đọc mà thần hồn thất điên bất đảo .. tuổi mới lớn mà, mê những câu chuyện diễm tình của Bà . Tôi đọc đến quên ăn quên ngủ, ba la mẹ mắng cũng không màng, tui chui vào mùng đọc đến khuya lắc khuya lơ!  Đọc rồi để ra vào hồn ngơ ngẩn với những chàng Bạch mã công tử trong truyện mà không hề có thật ngoài đời như Hãy ngủ yên tình yêu, Cơn Gió thoảng , Hải Âu phi xứ , Bên Bờ Quạnh hiu, Bích Vân Thiên . .. rồi chuyện Bồn Lừa, Ngựa Chứng Trong Sân Trường của Duyên Anh.  Truyện đường rừng của TCHUYA .. Vàng và Máu của Thế Lữ. Tôi đọc đủ các đầu truyện không phân biệt chủ đề cứ thấy hay là vùi đầu vào đọc. Thời đó, gần nhà tôi ở ngã ba có một tiệm sách Minh Tâm khá lớn, đây là nơi thu hút tôi nhiều nhất.  Đến tiểu thuyết bà Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Lệ Hằng đến tiểu thuyết Tự lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam .. kể thêm nữa chắc tới sáng mai còn chưa hết nổi các đầu sách mà tôi đã đọc qua. Nói thế để các bạn biết tôi cũng có cái thú mê đọc sách.

      Chị Lê Ngân

    Giờ qua tới xứ người, cái thói đó  cũng theo tôi qua tới bên này. Tôi lại lê lết vào các thư viện để lục lọi tìm tòi đọc tiếp ! Anh Lương Minh nói đúng, đọc sách không biết có lợi cho mình chỗ nào ?  May mắn là suốt thời trung học tôi không rớt năm nào, tuy nhiên theo tôi nghĩ đọc sách ít nhiều nó cũng trao dồi cho mình kiến thức, ngoài ra đọc sách tốt cho tâm trí cũng như chúng ta cần tập thể dục cho cơ thể… Ngạn ngữ Pháp có câu “ Mỗi người là một pho sách .. Nếu ta biết đọc họ “ và ít ra cũng là đề tài tán dóc trong buổi trà dư tủ hậu cùng bạn bè. Vậy là cũng vui lắm rồi ! Tôi cảm hứng khi có các bạn là người mê đọc sách giống tôi nên viết những dòng này.

           LÊ NGÂN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác