VỀ CÙ LAO THĂM BẠN VĂN

Ngày đăng: 7/07/2021 05:33:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Tháng 5/2019, tôi có ghé nhà Thành Khởi thăm anh và chị Song Hảo ở cù lao An Bình. Tháng 6/2021, để có bài cho tạp chí Quán Văn, tôi gọi điện hỏi thăm anh khỏe không, anh bảo uống chút chút được, tiếp tục hỏi về chuyện kinh tế gia đình, anh hỏi lại tôi : Làm gì hỏi kỷ vậy cha ? Cả hai đều cười. Tôi không ngờ cuộc trò chuyện với anh hôm đó là lần sau cùng. Mùa dịch con vi rut bao vây Sài Gòn, chỗ tôi ở là Hóc Môn không làm sao ra khỏi nhà được. Hỏi nhà thơ Thái Hồng thì bảo ở Vĩnh long cũng bắt đầu căng thẳng. Hôm nay, đăng lại bài viết về cù lao thăm bạn để nhớ những kỷ niệm một thời. (LM)

Tôi có nhà ở Chợ lách, thỉnh thoảng về quê chơi. Trong làng Vĩnh Bình có Ngọc Vinh, nhà văn trẻ của Hội Văn Nghệ Nguyễn Đình Chiểu nên có hôm về thường cà phê với anh. Kỳ này về quê lâu, tôi muốn qua Long Hồ thăm vài bạn văn nghệ ở đó nên rủ Ngọc Vinh đi cùng.

Hồi những năm 1980, tôi thường đến Hội Văn hoc Nghệ thuật Cửu Long chơi với Nguyễn Bạch Dương, nên cũng quen với anh em trong Hội như Song Hảo, Trúc Phương, Phạm Trung Khâu, Lê Tân, Hồ Tĩnh Tâm…sau nhiều năm tôi lưu lạc ở Sài Gòn , ít liên hệ được ai , nay có dịp đi thăm cũng là dịp may.

Tôi với Ngọc Vinh cỡi xe máy đi theo đường vườn, nói là khác tỉnh và ở ba xã cù lao nhưng thực tế Hòa Ninh, Đồng Phú đều có đường liền đi Chợ Lách vì cùng nằm ở Cù lao Minh. Nếu đi từ Vĩnh Long đến An Bình , Đồng Phú thì phải qua sông Tiền, đi xe trên QL.57 thì qua phà Đình Khao, gần như khó đi hơn từ Chợ Lách qua, chỉ mười cây số.

Hơn mười năm không qua nhà Song Hảo, tôi quên đường, Ngọc Vinh  cũng không nhớ nên vừa đến bến đò An Bình tôi đi loanh quanh hỏi bà con trong xóm. Vậy mà hỏi rất nhiều nhà không ai biết nhà của nhà thơ nổi tiếng ở đâu? Thật ra , ở quê không ai quan tâm đến nhà thơ, nhà văn cả, nếu có hỏi nhà phải hỏi tên người lớn tuổi hay tên thường dùng ở trong xóm thì người ta mới biết, hỏi nhà văn nhà thơ thì thua ! Nhớ thuở xưa xuống Cù lao Dài ( xã Thanh Bình) thăm nhà thơ Truy Phong, hỏi trong xóm không ai biết nhà thơ Truy Phong, phải hỏi bác Tư Huấn người ta chỉ cho.

Nhà Song Hảo cách bến đò An Bình không xa, đến nơi thì anh Thành Khởi ra chào đón. Ở thôn quê, bạn bè đến tìm mừng lắm, nhất là thấy Ngọc Vinh bạn chí cốt của anh đi cùng.

Nhà Song Hảo không lớn lắm, so với nhà vườn cũng là hạng trung bình nhưng là niềm mơ ước của những người ở thành phố: Nhà ngói kiểu mới có hai gian , dư chỗ cho hai vợ chồng tiếp khách. Phía trước là một sân gạch Tàu có nhiều chậu hoa như những ngôi nhà xưa, chung quanh là vườn cây ăn trái. Gian nhà bên phải công dụng như chái nhà thuở xưa để bàn tròn tiếp trà hoặc ngồi nhậu cho mát mẻ.

Hôm nay, hai vợ chồng đều ở nhà, được biết hai người vừa qua cơn bệnh nặng. Song Hảo đã tạm ngưng bệnh từ tám năm nay, chiều này còn đi họp Hội Phụ nữ nên chúng tôi rủ qua nhà Phạm Trung Khâu, chị đã từ chối. Còn Thành Khởi đã ngưng bệnh được bốn năm có thể uống vài lon bia được. Trước đây , ở Hội VHNT Vĩnh Long, Thành Khởi được anh em cho là kiện tướng và cũng vì biệt danh đó mà bệnh mới kéo đến vào cuối đời. Nay thì đã khỏe nhưng không thể như hồi còn trẻ được.

Song Hảo nổi tiếng với bài thơ “Bên cửa sổ” được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ thành bài ca Mùa Xuân Bên Cửa Sổ, nhiều người thuộc lòng bài hát này mà quên luôn tên của bài thơ, thậm chí quên luôn tên bài hát. Họ chỉ nhớ lời ca Cao cao bên cửa số có hai người hôn nhau…Tôi rắn mắt chạy đến bên cửa sổ nhờ Ngọc Vinh chụp cho tấm ảnh để đùa trên facebook.        Song Hảo không khỏe nhưng chị vẫn viết đều, chị cho biết năm tới (2020) sẽ xuất bản tập thơ Mùa Chưa Qua.(1)

Cuối cùng, chúng tôi kéo được Thành Khởi qua nhà Phạm Trung Khâu, còn Song Hảo thì ở nhà chiều đi họp. Chị chạy ra sau lấy hai nải chuối xiêm treo trên xe cho chúng tôi xem như quà cây nhà lá vườn. Tôi không biết huê lợi hàng năm có cao không nhưng với lương hưu hai người thì vườn tược chỉ là thu nhập phụ. Nghe anh cho biết có ba công đất mà cỏ mọc nhiều vì không có sức để canh tác.Đứa con gái lớn Quỳnh Tương thì cũng thành đạt và làm việc ở Sài Gòn.

Từ nhà Song Hảo ở Cù lao An Bình đến xã Đồng Phú chỗ Phạm Trung Khâu ở khoảng sáu cây số. Đường vườn bây giờ đổ dal chạy rất tốt kể cả khi trờ mưa, bởi vì đây là khu vực bốn xã cù lao nổi tiếng về du lịch của tour đồng bằng sông nước.

Vừa qua khỏi chợ Đồng Phú hỏi thăm Út Khâu là ai cũng biết. Thành Khởi tiết lộ, Phạm Trung Khâu là con của ông Cả trong vùng, anh được thừa hưởng 2 ha vườn, nhưng bệnh tật đã tiêu hao phân nửa. Trước khi về Hội VHNT Vĩnh Long anh là thầy giáo trong xã, Hội thấy anh viết tốt nên rút về Hội. Công tác tại đây anh được cử làm Phó chủ tịch Hội nhưng rồi bị tai biến nên không sáng tác nữa. Mấy năm sau, sức khỏe hồi phục anh làm thêm cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà anh nằm sát bên lộ bờ rạch , trông cũng thơ mộng. Nhà không to nhưng sân rộng lát gạch men. Ngoài sân có nhà bát giác dành tiếp khách, bạn bè gọi vui là nhà nhậu. Vào nhà uống chưa hết tuần trà, anh mời ra nhà Nhậu để tiếp tục trò chuyện. Thành Khởi chỉ tôi hỏi Trung Khâu, biết ai không? Anh nhìn tôi không ra vì hơn 20 năm không gặp ! Ấy vậy mà bạn văn ở Sài Gòn về thăm anh, anh gửi lời thăm Lương Minh. Tình như vậy đó, nhưng nhìn không giống bạn cũ mà sao giống ông Di Lặc !

Nghe nói anh vừa bị cơn tai biến nặng, nghỉ không sáng tác một thời gian dài, giờ thì đi lại bình thường, tiếp đã bạn bè cũng không thua kém.

Phạm Trung Khâu nổi tiếng nhất với truyện “Tiếng vạc sành”. Truyện này đạt giải Nhì cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội hồi 1992-1994. Sau đó có nhiều truyện được đăng trên Tuổi Trẻ. Thời đó anh sáng tác rất hăng, nhậu cũng dữ. Bạn bè nói với nhau thời gian nhậu nhiều như vậy thì anh sáng tác vào lúc nào ?

Bia mồi để sẳn hay sao đó, được di dời ra nhà bát giác, lại kéo thêm cái quạt máy để phục vụ bạn bè. Thành Khởi nói , ngoài sân gió hiu hiu  thì cần gì quạt.

Ngồi nhắc chuyện xưa, anh kể chuyện Nguyễn Bạch Dương làm thư ký tòa soạn báo văn nghệ Vĩnh Long, chuyện anh ở chung với nhạc sĩ Trúc Phương tại nhà tập thể cơ quan Hội, chuyện người bạn tốt chụp hình anh quăng lên mạng cho lãnh đạo tỉnh xem, nhưng rồi mọi việc cũng qua, bởi anh không làm điều sai trái…nên khi bị bệnh nặng anh vẫn đưoc giữ lại biên chế, nhờ vậy mà sau đó có thêm vài truyện ngắn được ra đời.

Nhậu gió mát sướng quá, Thành Khởi và Ngọc Vinh đồng nhận xét, nhưng riêng tôi thấy thiếu tiếng vạc sành (2)

Năm nay, tự dưng nhớ đến các bạn gọi điện hỏi thăm, dân cù lao trả lời tất cả đều khỏe. Nhưng trong lòng tôi vẫn háo hức, bớt dịch về thăm một chuyến.

Bài và ảnh LƯƠNG MINH

  • Mùa chưa qua xuất bản năm 2020. Năm nay có thêm tập Mê Hoặc XB năm 2021
  • Tiếng vạc sành , truyện ngắn đạt giải nhì tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 1992

 

                                                         H4 : Thành Khởi tại nhà Phạm Trung Khâu 2019

h                                    H4                                       Thành Khởi và Ngọc Vinh

 

 

Có 3 bình luận về VỀ CÙ LAO THĂM BẠN VĂN

  1. Nguyễn Thành Xuân nói:

    Mỗi lần Thầy ghé thăm đâu đều có bia bọt nên bụng chứa toàn bọt bia ..Hehehe.

  2. Lưu Hồng Châu nói:

    Cù lao nào M . Lương ? Nếu có về Cù Lao AnThành , nhớ chụp thêm vài tấm hình . Post lên cho tui cùng xem với . Một nơi có nhiều kỹ niệm êm đềm !

  3. Luong Minh nói:

    Cù lao An Bình, xưa gọi là An Thành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác