TRƯƠNG VĨNH CHẤN VÀ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Ngày đăng: 29/07/2021 12:11:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thật ra, Trương Vĩnh Chấn (sinh năm 1948 tại Sài Gòn, nguyên quán An Giang) chẳng thuộc một bút nhóm nào cả, trước khi anh đến với Hương Thiền từ hơn ba năm nay. Anh chẳng thuộc bút nhóm nào cả vì nghề nghiệp chính của anh là Dược sĩ, tốt nghiệp đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1971. Tuy làm một nghề nghiệp rất đổi là khoa học, nhưng sở thích của anh – theo như anh từng tự bạch trong những buổi cà phê sáng với Hương Thiền – là: Văn chương, nhiếp ảnh, du lịch… Đó là chưa kể những hoạt động từ thiện mà gia đình anh thường xuyên góp mặt với bạn bè, đồng nghiệp.

Nghe nhà văn Trần Bảo Định báo là: “Trương Vĩnh Chấn sắp sửa “đăng đàn” với tác phẩm đầu tay Một Thời Để Nhớ, tôi cũng hơi hồi hộp vì không biết “ông Dược sĩ này sẽ múa may ra sao trên văn đàn khi chung quanh ông toàn những cao thủ võ lâm (nói theo Kim Dung) hay là “cây đa, cây đề” (nói theo cánh nhà văn, nhà thơ đất Sài Gòn).

Nhưng Trương Vĩnh Chấn rất dễ thương, anh chưa làm ai buồn lòng hay thất vọng bao giờ. Ngay cả trong chuyện văn chương là nghề tay trái của anh cũng vậy. Anh trình làng hồi ức Một Thời Để Nhớ là một tuyển tập văn xuôi (khổ sách 13x20cm, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2019) khá ấn tượng với 68 bài viết, hầu hết kể về kỷ niệm gia đình, học đường, trường lớp, thầy cô, bè bạn và anh không quên những biến cố giúp anh trưởng thành và cuộc sống thăng hoa hơn.

Đặc biệt trong tập sách này là những cơ duyên khiến anh đến với đạo Phật, có thể kể: Cư trần bất nhiễm, Hoa mai ngày Tết, Ngày tết Đinh dậu đến chùa Giác Linh, Nhớ người ân nhân của gia đình tôi, Nhớ chuyện mổ tim, Đi viếng đình Phong Phú ngày Tết,…Tất cả như như những thước phim quay chậm về con đường tâm linh của anh khi tiếp cận với những triết lý sống của nhà Phật.

Từ tác phẩm văn học Một Thời Để Nhớ đến những câu chuyện đời thường của anh, tôi nhận ra nơi Trương Vĩnh Chấn một sự mộc mạc và chân tình, là đặc tính vốn có xưa nay của người Sài Gòn. Có thể anh không chinh phục người đối thoại bằng tài văn chương, thi phú, nhưng bằng sự chân tình hồn nhiên, Trương Vĩnh Chấn đã có thể bước vào lòng người đối thoại với mình.

Và bằng một cách như thế, Một Thời Để Nhớ đã tuôn chảy vào trong tôi như sòng suối nhỏ hồn nhiên tắm mát những oi bức của của buổi trưa cuộc đời.

Nhà báo PHAN CÁT TƯỜNG

(Thư ký Tạp chí Hương Thiền)

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác