TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊN THẦN- Tác phẩm dành cho ai yêu quá đỗi đời này

Ngày đăng: 16/07/2021 02:45:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Trương văn Dân đã chuẩn bị cho việc hình thành tác phẩm Trò chuyện với Thiên thần từ nhiều năm qua. Một tác phẩm khác thường, nung nấu bởi tình yêu cuộc sống và con người. Khi tôi chạm vào bản thảo tác phẩm này, chính là tại Bệnh viện Nhiệt đới khi đưa một người thân vào tái khám gan. Ngồi lặng lẽ bên một góc tường, bên kia là đám đông những người bệnh đang chờ đợi, hồi hộp chờ đợi một phán quyết cho riêng vận mệnh mình, tôi đắm mình đọc từng giòng chữ trên từng trang giấy. Và tôi bỗng giật mình khi trực nhận ra rằng: Đây là một tác phẩm văn học dành cho ai yêu quá đỗi đời này. Cần phải đọc để hiểu và cảm thông những công sức tác giả bỏ ra chỉ để cố giúp mọi người nhìn nhận cõi sống thông qua mọi khía cạnh đời: Niềm tin và hy vọng, thủ đoạn và thâu tóm, quyền lực và mưu đồ, hạnh phúc và khổ đau, cuối cùng là nỗi tuyệt vọng nhân sinh.

Tác giả viết trong phần dẫn nhập. “Tôi chỉ viết với ý muốn được  chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống và mong bạn đọc hiểu cho rằng những trang viết của tôi là không vô nghĩa, không giáo điều. Vả lại, những điều tôi nói cũng chưa hẳn là mới, mà chủ yếu là những nhận thức chung và ước muốn nhìn thẳng vào sự thật” (Trương văn Dân, Trò chuyện với Thiên Thần)

Những trang viết của tôi không vô nghĩa và không giáo điều”. Lời trần tình này không thừa. Bởi mọi người thường theo một thông lệ, tiểu thuyết là phải thế này thế khác. Theo M. Bakhtin phải phân chia thành tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết khảo nghiệm, tiểu thuyết truyện ký và tiếp đến là tiểu thuyết giáo dục, tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết nông dân, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết quan sát thế giới, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết thư tín, tiểu thuyết nhật ký, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết tư liệu…và người khác lại lập luận khác. Họ quên mất rằng Văn Chương vốn dĩ là người. Đó là tiếng lòng. Ta có thể viết bất cứ cách nào ta muốn. Con đường mới trước đó không từng được gọi là đường. Cũng như con người: “Một khi đã là con người thì con sẽ là duy nhất, vì không ai giống ai trên thế giới này. Một hành trình rất cá biệt, bắt nguồn từ chuỗi chuỗi nhân duyên, đi từ cái nghiệp của muôn đời, là kết quả của vô vàn tình huống(TVD, TCVTT)

@

Câu chuyện khởi đầu từ một cặp vợ chồng bình thường, những bất thường và những biến cố xảy đến trong cuộc sống họ cũng bình thường, những bình thường không hẹn thời gian, gieo vào con người những thảng thốt khi đón nhận. Bởi họ chưa từng chuẩn bị đón nhận nó.

“Vợ chồng tôi không có gì nhiều. Sống đơn giản. Nhưng chúng tôi sống hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ của niềm vui sống. Chúng tôi thở. Chúng tôi cười. Chúng tôi bước đi trên đường. Chúng tôi được sưởi ấm bởi một cảm giác thương yêu trong vòng tay bè bạn. Tôi quan niệm mỗi người đều cần người khác. Mọi người đều vô cùng cần những người khác”(TVD, TCVTT)

“Đời buồn vui, nhưng vẫn đẹp. Lúc sống hãy tận hưởng niềm vui hay nỗi buồn. Đắm chìm trong hạnh phúc và ngập ngụa trong khổ đau. Trôi nổi theo thăng trầm buồn vui của số phận, hãy buông thả cho cảm xúc của mình theo nhịp đập của dòng đời. Hãy làm những gì mình cho là tốt nhất, hợp với khả năng và trí tuệ của mình nhất, để cống hiến nhiều nhất, tốt nhất cho cuộc sống. Nghĩa là có một khát vọng, nồng cháy, của cá nhân, của riêng mình cho cái chung, dũng cảm và tha thiết đeo đuổi nó đến cùng. Đó là cách để con người không cảm thấy cuộc sống của mình vô ích, không những chỉ đến và đi như cát bụi, mà còn để lại.” (TVD, TCVTT)

Họ bình thường cùng nhau cho đến một ngày, một sự kiện trọng đại xảy đến cùng họ. “Tiếng kêu thảng thốt của mẹ cho ba biết là sắp có một điều mới mẻ: “Ái dà!” là tiếng kêu của đau đớn nhưng trên mặt mẹ không có chút lo buồn. Ánh mắt mẹ còn lóe sáng một niềm vui. Ba chợt hiểu: Có một mầm sống đang bắt đầu hiện diện. Một cuộc đời từ cõi vô hình đang rót vào lòng mẹ”( (TVD, TCVTT)

Và từ đó, một câu chuyện được bắt đầu. Đôi bạn trẻ không chỉ bắt đầu bằng cách thông thường của mọi người, khám phá những kinh nghiệm nuôi nấng bú mớm, nhưng còn bắt đầu gói ghém những hành trang vào đời cho một sinh linh vừa được tượng hình. Hành trang đó là tất cả những trở lực đời mà trẻ sẽ phải đương đầu.Trò chuyện hay là hành trình bới sới lại toàn thế giới để tìm lại khuôn mặt một con người, một khuôn mặt từ lâu đã quá dị dạng, Dị dạng một cách bình thường, bình thường bởi nó đang và đã dị dạng từng phút giây. Có lẽ đôi cha mẹ trẻ ấy cũng hãi hùng khi moi ra núi rác ngập ngụa đời này để trò chuyện cùng con. Nếu không có tấm tình xuất phát từ con tim cùng sinh linh bé nhỏ chưa thấy mặt kia, có lẽ họ không hình dung ra hết thế gian vô thường là thế nào. Một chuẩn bị mang đầy ắp yêu thương: “Không ai có thể quay ngược lại thời gian để thay đổi quá khứ, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để có một kết quả mới vào ngày mai. (TVD, TCVTT).  “..đây là một… cuộc Trò Chuyện. Trò chuyện với thiên thần. Về một đứa bé sắp chào đời và bối cảnh xã hội của đất nước và thế giới có liên quan với nó. Vì cái nhìn bao quát và rộng, có mang tính thời sự như thế nên cũng có thể gọi đó là một pamphlet, mà trong tiếng Pháp có nghĩa là một tập sách nhỏ bàn về nhiều vấn đề xã hội. Mặc dù viết ở ngôi thứ nhất nhưng nó không phải là tự truyện mà là một tiểu thuyết-pamphlet..văn học. Nó cũng có thể xem như một liên tiểu luận được xâu chuỗi theo một trình tự mà người viết muốn làm nổi bật chủ đề về đời sống của một đứa bé…còn ý nghĩa của nó thì do mỗi người đọc tự cảm nhận” (TVD, TCVTT)

Chúng ta sẽ nghĩ gì khi đứng trước căn chòi dựng trên bãi mênh mông rác đời. Quyền lực vốn có thật và thiên hạ luôn đau khổ vì sự lạm dụng nó. Vinh quang là có thật nhưng không phải ta tự vinh danh ta. Chỉ có những sinh linh nhỏ nhoi con người là vô hình trong xã hội. Họ được quyền tự làm việc, nuôi sống bản thân và tuần dưỡng cho những mưu đồ ẩn giấu sau những danh từ mỹ miều, cao đẹp.

Giữa một núi ngất ngưỡng những vấn nạn đời, tôi đã lúng túng để truyền lại những thông điệp ấy. Nỗi đời nhiêu khê chẳng phải vài câu chữ có thể truyền tải hết. Tôi chợt nghĩ ra một các khác đơn giản hơn: Ghi lại những tiểu mục trong tập bạch thư đời này, để tất cả có một khái quát trước khi lao vào khai phá nó. Hy vọng tất cả sẽ hiểu thông điệp nào đời sẽ giao cho phận người.

“Định mệnh nào cho con, Cuộc sống là gì?, Gõ cửa quê hương, Hào hùng, yêu dấu. Làm người Việt nam, Cửa sổ nhìn ra bốn hướng và kẻ bướng bỉnh cô đơn, Đất nước lớn thứ nhì thế giới, Niềm vui và những hệ lụy, Tình yêu và nỗi cô đơn, Lòng mẹ bao la, Ba và con, Ràng buộc, Những đứa con cầu tự, No Kid-Childfree, Có con từ bụng người khác, Bà mẹ anh hùng, Những nghĩa trang hài nhi, Chích ngừa, Nước mắt nụ cười trẻ thơ, Là trai hay gái, Người mẹ vô tâm, Những ngã đường bên ngoài biên giới, bông bần rụng trắng bờ sông, We are seven, Một giống loài khốn khổ, Mẹ chỉ là đứa bé đã lớn, Thế giới toàn cầu, Hạt bụi giữa không trung, Bao giờ cho đến ngày xưa, Giọt lệ giữa không gian, Mẹ biết nuôi con bằng gì, Ba nói về thuốc men, Chủ nghĩa Siêu Tư Bản, Nhu cầu và mơ ước, Ngày xưa còn bé, Chủ nghĩa mackeno, Dạy con, Khi đi mẹ dắt con đi, Học thêm, Chuyện Tấm Cám, Tỵ nạn giáo dục, Internet-chiếc cổ họng duy nhất, Tiền mua tiên và ngân hàng đánh gục thế giới, Tôn giáo Siêu tư bản, Mẹ muốn trao cho con một tuổi thơ đơn giản, Quyển sách và tâm hồn, Lễ hội Tết Trung Thu, Tiền bạc quay cuồng, Thời gian, Để lại cho con, Con trai của Mẹ, Sự tha hóa của quyền lực, Chuyện dài của quê hương, Gánh nặng trên vai con, Con gái yêu thương của mẹ, Trăm năm tính chuyện vuông trò, Hôn nhân-cấm đoán và tôn vinh, Chính trị-chính trường và chiến trường, Khủng hoảng lãnh đạo toàn cầu, Nhà độc tài vĩ đại, Trên đường chúng ta đi, Bảy mươi hai ngôi mộ, Trí tuệ và khoa học, Đối mặt với sự hủy diệt, Những phát biểu mẫu mực, Cảm giác thiêng liêng là một điều cần thiết cho đời sống, Ngọn gió đến từ hư không, Thảm họa hạt nhân, Những con quái vật, Ngày tận thế, Thế giới đi về đâu, Trái bong bóng và những mũi kim, Những điều còn lại, Thư gửi từ những đám mây.”

Tôi không nghĩ Trương văn Dân tham lam, đưa ra quá nhiều sự kiện lẫn khuất sâu trong bóng tối xã hội này, nhưng tôi lại vô cùng cảm kích kỳ công đó và thầm khen anh rất dũng cảm nêu lên từng ấy vấn nạn đời. “Thế giới này kỳ lạ quá đi thôi, chỉ thành thật cũng đã là người dũng cảm”(Eptusenco). Thang bậc giá trị cuộc sống đã bị đảo điên, con người né tránh hết những sự bình thường và hoài mơ những bọt xà phòng đa sắc dễ tan. Phải có những người gióng lên những hồi chuông tinh giác để cảnh báo một suy tàn của thế giới mai hậu :

“Chúng ta sống tất nhiên không chỉ vì những việc tầm thường, nhưng lại càng không sống vì những mục đích lớn lao cao cả như tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, ghi dấu ấn vào cuộc đời, hay thay đổi thế giới như những vĩ nhân. Cả hai cách đều là cực, và ba chỉ mong con chọn lấy con đường của những người bình thường. Không cần phải điên để có thơ hay, hay tự cắt tai để vẽ đẹp làm gì…” (TVD, TCVTT)

Trương văn Dân chẳng những dũng cảm nói thật, mà còn rạch ròi phân ranh thiện ác. Trong văn viết cho điều bình thường, anh sử dụng những từ nhân xưng bình thường, nhưng khi nói đến cái ác, cái xấu, anh thẳng thừng  dùng các từ khinh miệt: Bọn, chúng, thằng, hắn… để tỏ thái độ mình. Người tử tế nhiều khi phải nộ khí xung thiên, nhưng chỉ để rạch ròi tà chính mà thôi.

@

Trong một lần trò chuyện, người cha đã chia sẻ cùng con về nỗi đau

“Ba chẳng thể giúp con tránh được nỗi đau và những việc làm con xé lòng…nhưng ba có thể khóc cùng con và cùng con nhặt nhạnh để hàn gắn lại những mảnh vỡ. Ba không thể và không muốn nói con là ai, con phải sống như thế nào, dù thực tình mà nói, ba mong ước là con được sống bình an để chiêm nghiệm cuộc đời chứ chẳng cần phải giàu sang xuất chúng để sống trong bi kịch do mình tự tạo –Mưu càng sâu, họa càng cao, người xưa thường nói  và ba muốn chấp nhận con đang là, muốn được là người bạn của con. Người mà con có thể tuyệt đối tin tưởng và không bao giờ sợ sẽ thay lòng”(TVD, TCVTT)

Không còn có thể nữa rồi. Vĩnh viễn, Con không muốn ra đời. Mấy từ ấy làm đau nhói tim tôi. Cả hai tập truyện của Trương văn Dân, Bàn tay nhỏ dưới mưaTrò chuyện với Thiên Thần, đều có một kết thúc ngậm ngùi. Trong một chuyến đi từ Tokyo đi Sendai trở về, người mẹ đã bị nhiễm độc chất phóng xạ từ thảm họa phóng xạ Fukushima, Và thiên thần bé nhỏ chưa kịp ra đời đã chắp cánh vút bay cao biến thành một thiên thần thực sự trong nỗi buồn đau của cha mẹ. Một sự chia tay chưa được dự tri và tất cả niềm vui, hạnh phúc, tương lai viễn tưởng đã vỡ tung không còn vết tích như  những quả bong bóng chạm phải mũi kim đời

Những giòng kết thúc là một lá thư của thiên thần gởi từ những đám mây. Những giòng an ủi của một em bé chưa từng sống trong thế giới đầy bất trắc dù chỉ một ngày để nếm trải những cảnh báo đến từ cha mẹ. Em đã rụi tàn từ lòng mẹ lúc chưa mở mắt nhìn cõi nhân sinh. Có lẽ đây là chọn lựa đớn đau và hợp lý nhất để thức tỉnh nhân gian. Những hảo mộng vỡ tan từ trứng nước, những đớn đau xé lòng từ người ở lại. Tất cả bi thương đó chưa hẳn hạ gục nổi một con người nhưng vết đau kia sẽ không bao giờ liền vết sẹo dù nước mắt xưa đã cạn khô.

“ Sau cái chết, nếu được tái sinh, nếu là ba thì ba vẫn xin được làm người Việt Nam. Đau khổ thì trên mặt đất nơi nào cũng có. Nhưng đau khổ ngay trên chính quê hương mình thì dù sao cũng vẫn hơn. Vì đau khổ thế nào thì ba vẫn tin mình cũng chịu được. Nhưng cô đơn lạc lỏng về tâm hồn nơi xứ người thì buồn và tủi lắm” (TVD, TCVTT)

Thật ra đó chưa phải tột cùng niềm đau, vì có ngờ bây giờ tre lại khóc măng.

Tôi gấp quyển sách lại, tâm tôi vẫn xao xuyến khôn nguôi. Con người. Cõi tạm. Ước vọng không thành tựu cùng những âm mưu ẩn giấu đã đưa dần con người vào vùng tối ám âm u. Làm sao để thoát khỏi những gọng kềm đời mà không đánh mất mình. Những trăn trở như thế cứ làm nỗi người tràn ngập lao xao.  Những bế tắc đời vẫn nghẹn lại và con người chân chính vẫn mãi lao đao cùng khát vọng nhỏ nhoi. Nhỏ bé nhưng cùng cực lớn lao.

 ĐẶNG CHÂU LONG

23-04-2017       ( viết sau khi đọc bản thảo lần 1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác