SAI GÒN TIẾNG RAO “NGHE SAO LẠC LÕNG GIỮA PHỐ CHIỀU LAO XAO”

Ngày đăng: 26/07/2021 04:27:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

.Nhà báo Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953, vừa qua đời lúc 22h25 ngày 25-7-2021 sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh. Thành thật chia buồn với gia đình. Mong hương hồn anh Nghĩa sớm được siêu thoát. Gởi một bài viết và vài hình ảnh (31-10-2020 tại Đường Sách) như nén hương lòng gởi đến người quá cố. (Nguyễn Văn Danh)

Nguyễn Văn Danh-  NV. Lê Văn Nghĩa – TS Hoàng Kim Oanh

 

.SAI GÒN TIẾNG RAO “NGHE SAO LẠC LÕNG GIỮA PHỐ CHIỀU LAO XAO”

Tuoi Tre 04/01/2016 LÊ VĂN NGHĨA

TTO – Có những chiều “buồn thúi ruột”, bỗng nghe tiếng rao lanh lảnh của chị bán chè ngoài ngõ “Ai ăn chè đậu xanh , bún tàu, nước dừa… hôn. Ai ăn hột vịt lộn… hôn” là lòng chợt vui trở lại.

Đang giấc nghỉ trưa trong con xóm nhỏ, chợt nghe qua tiếng loa phóng thanh cà rọt, cà rẹt “Keo diệt chuột, keo diệt chuột của công ty công nghệ khoa học…”. Rồi tiếng xe bán kem, âm vang theo một điệu nhạc mà con nít thường hát “Không có tiền… Không có tiền… thì không có kem…’’.

Sài Gòn giờ đây vẫn còn tiếng rao hàng – nhưng là đoạn ghi âm sẵn phát ra từ loa. Những người có tuổi ở thành phố này chợt nhớ về tiếng rao hàng “live” (giọng thiệt) được nghe từ hồi nhỏ xíu…

Rồi giọng nữ thu sẵn phát qua chiếc loa treo tòn ten phía sau xe đạp của chị bán bánh mì cất lên: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm ngon, 1 ngàn 1 ổ…”. Người bán hàng thời nay đã dùng kỹ thuật thu âm rồi phát qua loa cho đỡ mệt.

Với những người Sài Gòn khó tính một chút, các tiếng rao hàng chát chúa, “sinh sản vô tính” này lặp đi lặp lại bên tai sẽ gây chút bực mình, tự hỏi “Không lẽ tiếng rao hàng bây giờ nó vô hồn như vậy sao?”.

Thật ra, không phải họ khó tính mới bực bội đâu! Có lẽ những người có tuổi ở thành phố này chợt nhớ về tiếng rao hàng “live” (giọng thiệt) được nghe từ hồi nhỏ xíu.

Nhớ lại những đêm mưa trong xóm nghèo, nghe tiếng rao “Bánh giò, bánh giò đây” là bụng xem chừng “biểu tình” mặc dù hồi chiều đã ăn cơm no ứ hự. Rồi tiếng lóc cóc quen thuộc trong đêm vắng của anh chàng bán hủ tiếu gõ đi qua khắp các nẻo đường Sài Gòn vắng bóng người. Không biết đêm nay anh đi bao nhiêu ngõ hẻm mới bán được vài tô. Rồi trời mà đổ mưa là xem như cả thùng nước lèo tối đó “ôm sô” luôn chứ còn phải hỏi. Thiệt thương!

Có những chiều “buồn thúi ruột”, bỗng nghe “có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao” (nhạc Võ Thiện Thanh). À, tiếng rao lanh lảnh của chị bán chè ngoài ngõ “Ai ăn chè đậu xanh , bún tàu, nước dừa… hôn. Ai ăn hột vịt lộn… hôn” là lòng bỗng vui trở lại.

Chị bán chè, mỗi lần rao, dù câu chữ thì giống nhau nhưng mỗi lần rao âm điệu lại có khác nhau. Có khi vui, có khi buồn. Nghe tiếng rao biết chị hôm nay bán ế, hay bán đắt, trong nồi còn chè ít, hay nhiều.

Trong tiếng rao, chị bán chè hình như gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy. Khi thì ngân nga như hát cải lương, khi thì đủng đa đủng đỉnh như câu chuyện tình trong truyện nhiều kỳ trên nhật báo. Có khi chị kéo dài hơi như giọng ca kép cải lương Minh Cảnh để “phô trương sự phong phú trong âm thanh tiếng Việt” (nhà văn Tràng Thiên) . Nghe nhiều riết rồi mình ghiền nồi chè và tiếng rao của chị mãi đến bây giờ, khi tóc đã bạc màu thời gian.

Có một “thể loại tiếng rao” mà nhà văn Tràng Thiên cho rằng đứng trên tất cả các giọng rao đó là tiếng rao của những đứa trẻ bán báo.

Ngày nay thời buổi văn minh hiện đại, đố ai tìm được một giọng rao báo trên đường phố buổi sáng! Còn ngày xưa, những người phụ nữ nhỏ tuổi, lớn tuổi, trong bộ quần áo bạc màu, đầu đội nón lá sờn cũ, tay ôm chồng báo (“chính luận” thì ít mà thuộc loại “lá cải” thì nhiều) lầm lũi đi, lầm lũi mời mọc, lầm lũi bán, cứ thế mà hết một đời người, hết một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn.

Đoạn trên đố bạn tìm được tiếng rao báo, thiệt lòng là đang nhớ tiếng rao “Báo đây…báo mới đây…báo mới ra lò vừa thổi vừa coi đây…”. Qua giọng rao những người bán báo dạo, người nghe tạm biết sơ các “đề mục” ngày hôm đó như: “Lương công chức được tăng ba phần trăm giá gạo tăng 5 phần trăm trên tờ Điện Tín. đây”, “Tại sao chính phủ cho xây cầu bắc ngang chợ Sài Gòn theo lời bình của Tư Trời Biển báo Tin Sáng đây’’, “ Tăng thuế kiệm ước, sinh viên học sinh biểu tình chống tăng học phí đây”.

Nghe tiếng rao hấp dẫn, vài người đàn ông đang nhâm nhi ly cà phê sữa trong quán ngoắc tay vẫy người bán vào, móc tiền xìa tay ra lấy ngay tờ báo. Cũng có người phụ nữ kêu thằng nhỏ bán báo lại khi nghe cậu rao bằng cai giọng lả lót chưa vỡ tiếng “Vũ nữ Cẩm Hằng đã gặp lại người mẹ giàu có sau mười năm lưu lạc trong truyện ngày mai trời lại sáng báo Sài Gòn Mới đây…”.

Khoảng đầu những năm 80, trong xóm tôi có anh Tư chuyên nghề bán báo dạo ở bến xe. Lúc ấy, ngày nào anh cũng bán hết báo. Anh Tư hay rủ người viết đi nhậu mỗi chiều, khề khà uống một hơi nửa chai bia Sài Gòn (bấy giờ uống bia Sài Gòn là “sang chảnh” lắm) nói: “Tụi mình đều làm báo, ông viết báo, tui bán báo. Ông viết báo không ra tiền chớ tui bán báo bến xe đỡ vã lắm”.

Tôi hỏi anh Tư: “Người ta bán báo ế nhệ, sao anh bán được hay vậy cà?”

“Có gì đâu, chịu khó rao một chút. Leo lên xe, lựa cái tựa báo nào hấp dẫn một chút thì rao lên. Người ta muốn mua báo vì nó gợi cho người ta sự tò mò, hấp dẫn…” – anh Tư nói xong liền ví dụ một loạt các nội dung rao, nghe qua toàn chuyện… “giật gân”.

Bây giờ rất hiếm người bán báo dạo đi rao báo khắp các nẻo đường Sài Gòn. Dường như không còn nghe ai mang chồng báo đến và rao lên đủ chuyện vui chuyện buồn, chuyện tình người, chuyện “ruồi bu”… ở các quán cà phê sớm trưa chiều tối nữa. Giờ thì thiên hạ sành điệu cắm mũi vào điện thoại, máy tính bảng, laptop, lên “Phây” (Facebook) like nhau, còm nhau (comment) ì xèo dù đang ngồi uống cà phê cạnh nhau cùng một bàn.

Chúng ta bận rộn lao xao trên mạng, để tâm chi tiếng rao “thời con nít” giữa phố phường nữa nhỉ? Chợt nhớ tiếng Phương Thanh hát nhạc Võ Thiện Thanh, thấy thật thấm tình: “Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao…”.

– Bài viết về tiếng rao ở Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa khơi gợi trong lòng bạn đọc rất nhiều hoài niệm về tiếng rao – một phần thân quen trong đời sống thị dân muôn màu muôn vẻ.

Bạn Vũ Trân viết: “Tiếng rao hàng dường như đã trở thành một phần của cuộc sống ở Sài Gòn. Khu nhà tôi ở nghe tiếng rao hàng có thể đoán trúng phóc mấy giờ!”.

Và Vũ Trân liệt kê:

“7 giờ sáng là chị bán xôi người Bắc “xôi em ơi, xôi chị ơi, chú ơi xôi”. 8 giờ là chị người Bắc đẩy xe bán rau, thịt, cá. Bán rồi làm tại chỗ cho người mua luôn. 9-10 giờ là bà bán bánh tráng nướng với giọng rao yếu ớt vì lớn tuổi. 12 giờ trưa là ông bán bánh tét nhân chuối, nhân dừa đi ngang qua nhà. Ông này mỗi ngày đạp xe từ Bến Tre về thành phố bán hàng. 2 giờ trưa là chị bánh chuối, “Ai….bánh ngọt, chuối nướng hông?”. Lên cao và kéo dài chữ “ai” rồi “xuống xề” chữ “hông”. Nghe giọng rao là biết chắc người Tiền Giang – Bến Tre và thích ca cải lương!

Buổi chiều 4-5 giờ thì xe ba bánh “bắp luộc, bắp xào, hột vịt lộn” của một chị hay một anh người Bắc. Rồi 11g đêm, có bữa 12g đêm là giọng rao hùng dũng “Ai bánh chưng, bánh giò?…Bánh giò, bánh chưng…Chưng, Gai, Giò”, lập đi lập lại rất nhịp nhàng. Lúc chưa gặp chú bán hàng này tôi cứ nghĩ sao đi bán khuya và đi quá xa mà giọng nghe vẫn khỏe. Bữa gặp rồi mới biết là dùng loa!

Nghe “live show” của mấy chị bán hàng ăn thì thấy vui hơn là nghe cái loa “thuốc diệt chuột”, hay “ép bằng khen, CMND… phù hợp với tất cả túi tiền của mọi người”. Nhưng, nói chung người Sài Gòn “dễ tính” nên chấp nhận hết. Có bữa chưa nghe rao thì nhìn đồng hồ rồi nhắc, mặc dù có những món chưa mua bao giờ!”.

Bạn đọc tên Tương Hân cho biết: “Chị tui cũng vậy , nghe tiếng rao của người bán xôi là biết mấy giờ khỏi phải xem đồng hồ. Hôm nào vắng tiếng rao là chị nhắc liền. Tiếng rao gắn liền thói quen của người dân Sài Gòn kèm theo những hoài niệm khó quên.

Bạn Nguyễn Thiên Đăng “xin góp thêm một vài chuyện liên quan tới tiếng rao ở Sài Gòn” như thế này:

“Ở Sài Gòn có những tiếng rao thuộc dạng hiếm nhất trên thế giới, đó là tiếng rao không phát ra từ ngôn ngữ của con người mà là từ… cây kéo (bán gỏi đu đủ khô bò) hay chiếc chuông (bán cà rem)…

Người mua ve chai hồi xưa rao: “Ve chai, dép đứt, thau nhôm, mủ bể, lông vịt… bán hôn?”. Người mua ve chai bây giờ: “Ve chai bán hôn?” hoặc vắn tắt hơn “Chai bán hôn?” hay gọn lỏn “Ve chai…”. Có những lời rao bán hàng ngày xưa mà bây giờ không thể nghe lại được vì đã biến mất từ lâu như: “Ai mua kim chỉ, đá lửa, bột ngọt hôn…”; “Cà rem đây…”; “Nước tương đây…”.

Với tôi hồi nhỏ, tiếng rao còn như là “đồng hồ báo thức”. Sáng nào cũng vậy, hễ nghe ông bán bánh mì chạy ngang nhà rao “Bánh mì nóng giòn đây” là biết sáng rồi, khoảng trên dưới 6 giờ, tới giờ thức dậy.

Bây giờ thì người bán lẫn mua hàng thường phát loa rao ra rả cả ngày lẫn đêm, có khi phá cà giấc ngủ trưa. Nhất là loa của mấy ông “Mua xe máy cũ, mua tủ lạnh, mua máy lạnh, mua đầu máy, mua tivi, mua đầu đĩa âm li, mua tăng phô điện, mua ổn áp, mua hộp quẹt Zippo, mua đồng hồ ra đô…”

Bạn Phúc Nguyễn cũng góp thêm những ký ức: “Hồi xưa còn có tiếng rao từ cây kèn nữa: “é e”, tức “thiến heo”. Tiếng rao còn là thứ ngôn ngữ giao tiếp đời thường thân quen đến mức thiếu nó là thiếu đi một phần hồn của nơi sinh sống.

“Tiếng rao quả thật cũng mang lại nhiều kỷ niệm khó quên trong đời” – Bạn Nguyễn Thiên Đăng đúc kết.

Nói về giọng điệu phát ra của tiếng rao thì ôi thu đủ hết, nào là tiếng rao thanh ngọt, nào là có vần có điệu, nào là nhỏ nhẹ, nào là hùng hồ, nào là ngọng nghịu, nào là đớt đớt… Nhưng cách chào bán thân thương nhất vẫn là kiểu: “Bắp hầm thím Tư ơi”; “Nay ăn gì cho con hông bác Bảy?”; “Nay cá ngon lắm vợ thằng Út ơi, mua mở hàng dùm dì ba ký đi bây”… Yêu lắm cuộc sống này!”.

“Kỷ niệm ký ức như chợt ùa về, một thời để nhớ, một thời để yêu. Mình nghĩ cái từ “buôn gánh, bán bưng” là dành cho các dì, các chị như thế này đây. Nhớ tiếng rao đến nao lòng, mà nhớ các dì, các chị không khác gì cái đồng hồ, nghe tiếng rao của chị bán chè, của dì bán canh bún…

Vào đến hẻm nhà mình là biết mấy giờ rồi, khỏi cần xem đồng hồ, xê dịch nếu có chỉ khoảng 5, 3 phút. Người Sài Gòn không cần biết các dì, các chị nhà ở đâu nhưng bán riết như người thân thuộc, xóm giềng. Vắng không đi bán đôi ba ngày là sẽ có đôi ba người trong xóm hỏi thăm và lo lắng”, bạn đọc Đàn ông Sài Gòn kể.

Bạn hoangnguyen viết: “Hồi xưa tiếng rao tự nó có “thương hiệu” rồi, nghe tiếng là biết của bà Tư bán chè hoặc của ông Năm bán bánh mì. Không ồn ào để phải điều chỉnh “volume” hoặc lầm lẫn người bán như bây giờ.

Một bạn đọc lớn tuổi tên hung.ngo chia sẻ: “Cái đất Sài Gòn này ngày xưa nếu kể về hàng rong thì 4-5 giờ sáng: Bánh mỳ nóng dòn…đây. Còn trưa đến chiều thì đủ thứ: chè đậu xanh, chè đậu đen, sương sa hột lựu, sương sâm, sương sáo, tàu hủ chén, bánh lọt nước cốt dừa, hột é, cà rem cây, kem, chí mè phủ, bánh còng bánh cam, mía ghim, cốc xoài ổi ngâm nước đường, bò pía…”hầm pà lằng” đủ thứ.

Nhưng vui nhất, hấp dẫn nhất vẫn là tiếng rao của cô Út bán chè “Ai ăn chè… đậu xanh, nước dừa, đường cát trắng… hôn”. Cái tiếng “hôn” sau cùng nó mê hoặc cả xóm hẻm Phú Nhuận.

Cô Út bán chè từ lúc 16 tuổi cho đến năm 20 tuổi lấy chồng. Tôi xa Sài Gòn ra tận ngoài Trung, năm sau về Sài Gòn tôi tưởng cô Út “giải nghệ”, ai dè chiều ra ngồi trước cửa bỗng nghe tiếng rao của cô Út, tôi thẫn thờ không hiểu nổi tại sao cô Út vẫn trung thành với nghề bán chè…

Năm rồi tôi gặp lại cô, mới gần 60 mà trông cô hơi lọm khọm, tôi có hỏi, cô cười nói “tại vì gánh chè gần 40 năm”.

NGUYỄN VĂN DANH

Ghi lại theo báo Tuổi Trẻ & hình Nguyễn văn Danh

                                                           H2 Nhà báo Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho bạn đọc

                                          H3 Trò chuyện với tác giả Đời Chợ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác