PHẠM VĂN NHÀN, CÁNH CHIM LƯU LẠC BAY QUA DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Ngày đăng: 18/07/2021 05:34:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

“Mấy hôm nay anh lên cơn sốt cao, lúc nào anh cũng mê. Trong cơn mê anh thấy những người bạn của anh đang ôm súng nằm phủ kín vùng đồi. Và anh, anh đi hết chỗ của người nầy đến chỗ của người khác. Nơi nào anh cũng hỏi từng người một: “ Mày có mang theo lựu đạn không. Nếu tụi nó có tấn công mà ném chứ”. Rồi anh tới người lính khác: “Có mang theo đủ cấp số đạn không mầy. Ngủ gục là chết cả đám đó nghe.” Trong cơn mê anh thấy hết tất cả. Anh gọi tên từng người. Không thấy có ai trả lời. Thế rồi anh nói to: “Đó. Những cây đào tao trồng cho tụi mầy đó. Cành lá xum xuê đó, có cả trái đào nữa, về mà chạy nhảy rong chơi như thời còn thơ ấu ở quê nhà.

Nơi nào cũng là quê cả tui bây ơi. Về đi. Về đi. Về với ta”. Anh la to làm hai con chó giật mình chồm dậy. Chủ bịnh, hình như chúng cũng muốn binh theo…”. Tôi tua lại đoạn đọc truyện mấy lần chỉ để nghe lại đoạn nầy thôi rồi ngồi thừ ra suy ngẫm. Đây là đoạn văn ngắn trong truyện Vùng Đồi của nhà văn Phạm Văn Nhàn vừa được đọc trên Đài phát thanh-truyền hình Tiền Giang trong chùm 5 truyện ngắn của anh đọc liên tục từ ngày 7-11/04/2021 tiếp sau hai truyện ngắn của nhà văn Trần Hoài Thư được đọc vào hai ngày trước đó 5-/04/2021 mà Trần Hoài Thư đã viết đùa trên blog của mình về hiện tượng lạ nầy.

Truyện ngắn Vùng Đồi của nhà văn Phạm Văn Nhàn tôi đã được đọc từ lâu, truyện được in trong tập truyện ngắn cùng tên do Thư Ấn Quán in lần đầu năm 2000 và được tái bản vào các năm 2002, 2014, nó cũng được in trong tập Màu Thời Gian của cùng tác giả. Tôi cho rằng đây là một truyện ngắn hay và có ấn tượng nhất trong các truyện ngắn của anh. Câu chuyện kể về một người lính miền Nam sau khi ra tù cải tạo đã tự nguyện lên vùng đồi để phủ xanh cái đồi trọc nham nhở dấu vết bom đạn của một thời chiến tranh, cái đồi mà ngày xưa trong chiến tranh chỉ sau một đêm dưới trận pháo kích dữ dội của những người “anh em” phía bên kia đồng đội của anh không còn một ai sống sót và anh cũng chỉ thoát chết trong gang tấc. Chỉ có sống trên ngọn đồi nầy, người lính cũ ấy mới cảm thấy không bỏ rơi đồng đội, không có lỗi với họ, tìm chút gì đó an vui, ấm áp cùng chia ngọt xẻ bùi với đồng đội như trong những thời khắc khốc liệt nhất của chiến tranh. Những kẻ đi rừng cho rằng có ma có quỷ trên đó vì mỗi đêm gió nổi lên họ nghe có nhiều tiếng hú rợn người nhưng người lính lại cho rằng đó là lời nói thầm thì của đồng đội đang nói chuyện với mình, kêu gọi anh về với họ. Nỗi ám ảnh khôn nguôi, một “sang chấn tâm lý” thời hậu chiến mà nhiều người lính cả hai phe thắng và thua cuộc đều mắc phải.

Phải nói thật lòng, trước 1975 tôi chưa có dịp đọc và tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của nhà văn Phạm Văn Nhàn, tần suất của anh hiện diện trên các tạp chí miền Nam bấy giờ rất ít trong khi đó người bạn văn cũng là người bạn thân của anh-Trần Hoài Thư- truyện lại ‘phủ sóng” khắp nơi từ Văn, Văn Học, Bách Khoa, Vấn Đề… Sau nầy đọc bài viết “Phạm Văn Nhàn Những Hiển Lộ Từ Miền Ký Ức” của Nguyễn Lệ Uyên tôi mới biết phần nào lý do sự vắng mặt đó:

 Pham V Nhàn

“Phạm Văn Nhàn viết ít. Đến nay ông có 2 tập truyện là “Vùng Đồi” và “Màu Thời Gian”, đều viết khi định cư tại Hoa Kỳ và do Thư Ấn Quán xuất bản. Trước 75 ông cũng có một số truyện ngắn đăng rải rác trên các báo văn nghệ miền Nam, nhưng có lẽ do chiến tranh, hành quân và huấn luyện nên không giữ được bản thảo và cả những bài lai cảo để có thể coi đó là dấu mốc cho sự nghiệp văn chương cho cá nhân.

Có lần ông tâm sự: “Tôi đến với văn chương, trước hết là vì bạn bè”. Như vậy, phải chăng niềm đam mê của ông với chữ nghĩa được nhìn thấy từ bóng dáng các bạn văn nghệ một thời, nơi những vùng đất đóng quân, kéo dài từ Bình Định đến Bình Thuận. Đó là những Trần Hoài Thư, Lê Văn Trung, Võ Tấn Khanh, Nguyên Minh, Nguyễn Bắc Sơn, Tô Đình Sự… nhất là với người anh Từ Thế Mộng. Nói khác, ông đã bị cuốn hút vào sinh hoạt văn nghệ từ trong nước hay sau này ở nước ngoài, ít nhiều đều xuất phát từ những người bạn. Ở đó, họ sống hết mình, làm việc hết mình và đối đãi với nhau bằng cả tấm lòng chân thật”.

Thế hệ của nhà văn Phạm Văn Nhàn là thế hệ của những Hà Thúc Sinh, Trần Hoài Thư, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Hảo Dũng, Phạm Cao Hoàng, Mang Viên Long…, thế hệ đó Trần Hoài Thư gọi chua chát và cay đắng nhưng cũng rất tự hào là “thế hệ chiến tranh”, thuở ấy từ xa tôi nhìn họ với cặp mắt ngưỡng mộ và háo hức theo dõi từng bước chân của họ trên con đường văn học. Đối với nhà văn Phạm Văn Nhàn bằng lối kể chuyện dung dị, không rào đón hay tạo những nếp gấp bất ngờ hầu bẩy người đọc, ngòi bút của ông giống như con sông đưa nguồn nước rỉ rả đi về mọi hướng bằng những câu chuyện xưa cũ, kỷ niệm nào đó thời đi học, những con người một thời thân quen gần gũi nay không còn hay đang ở một phương trời xa lắc,và nhất là hình ảnh người lính, anh viết về đồng đội của mình một thời đồng cam cộng khổ, một thời tù đày cải tạo với một niềm cảm thông và quí mến, những Nó, Hắn, Anh như nói đến một người nào khác nhưng thật ra tôi biết đâu đó trong Nó, Hắn, Anh có hình ảnh của anh bên trong. Những người đã mất hình như vẫn còn đâu đó, đan xen vào những giấc mơ khi thì đằm thắm dịu dàng, khi thì cay đắng xót xa, khi thì ngậm ngùi buồn bã… nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy nét hận thù căm tức hay sự nguyền rủa khinh bỉ đối với những kẻ đã đày đọa mình sống như một loài cầm thú, gánh lấy những oan khiên đầy khổ nạn của những người lính bên thua cuộc.

Đất nước trải qua một cuộc chiến tranh kỳ lạ, đau đáu trong lòng người cháu trước hoàn ảnh gia đình của người bác:

“Để ngày ngày bà ra ngồi nơi cách cửa phía sau nhà nhìn ngôi mộ của anh mà buồn da diết. Cha theo về phía bên kia. Con cháu về phía bên này. Cứ đánh nhau hoài. Bà ăn chay niệm Phật hằng đêm để cho cha con đừng giáp mặt nhau. Nhưng làm sao biết được, có thể cha con cùng đánh nhau trên một mặt trận mà không hay biết. Chiến tranh kỳ quặt, rõ ràng nồi da xáo thịt trong ngôi nhà của bác tôi.” Và ngay cả bản thân người cháu cũng bị cuốn theo guồng máy của cuộc chiến tranh kỳ lạ ấy để rồi ba năm đi lính và bảy năm cải tạo, cũng phải rời bỏ quê nhà mà không biết bao giờ trở lại.

(Một Chút Ngậm Ngùi)

Hương Xưa cũng là một truyện ngắn khác làm tôi trăn trở rất nhiều về chính sách lừa dối mị dân của chính quyền mới thời đó: Hắn sau nhiều năm đi tù cải tạo vì là lính miền Nam, ra tù vất vả kiếm sống “Hắn không từ bỏ một chỗ làm nào, miễn làm sao có tiền để sống”.Trong một lần ngồi nghỉ trước cổng căn nhà khang trang của một gia đình có vẻ quyền thế trong một xã hội đã thay đổi chủ, hắn đã tần ngần say mê nghe lại một bản nhạc cũ, nhìn sự xơ xác của hắn đến nỗi mấy đứa con gái trong nhà tưởng hắn là lão ăn xin “ Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho tôi gặp người xưa ước mơ… hay chỉ là giấc mơ thôi …” Một loại nhạc vàng mà chế độ mới cấm đoán vì là nhạc đồi trụy phản động nhưng nó lại được vang lên một cách tự do mạnh mẽ trong những ngôi nhà sang trọng của kẻ thắng cuộc. Cuộc đời có những cái phản diện, phi lý và dối trá đến thế.

Khi gặp lại chị của người bạn cũ, anh nhận ra những thay đổi rất lớn ở chị của bạn. Những khổ đau trong cuộc sống mà con người đã trải qua, họ lại mong muốn chẳng thà mình điếc hẳn luôn để không nghe thấy những điều buồn bã, đau khổ trong cuộc đời nầy nữa:

“Thời gian đã làm thay đổi đi tất cả, con hẻm ngày nào im ắng chậm chạp, chây lì trước những biến thiên của thời cuộc, bây giơ sau cộc đổi đời đã trở nên ồn ào náo nhiệt, Tôi đi chậm trên con hẻm vào nhà chị, chẳng ai nhìn ra tôi. Ngược lại tôi cũng thế. Chẳng lẽ thế hệ của tôi, ngày hôm nay, trong con hẻm này chẳng còn ai để nhìn ra nhau, hay để tôi nhìn ra họ để có một lời hỏi thăm mừng rỡ.Con người sống trong kỷ niệm, nặng lòng với quê hương, Những kỷ niệm như ùa về: “Tôi vẫn bước những bước đi thật chậm, để nhìn thấy tôi trên con hẻm này mấy mươi năm về trước. Để nhìn thấy lại những viên gạch bằng đất nung đỏ au dùng loát đường, nay thay bằng nhựa. Tôi đi thật chậm để nhìn thấy bóng tôi và Hạo, em trai của chị, mỗi lần tôi đến nhà chị chơi với Hạo.” Một người chị của bạn, 40 năm sau tìm về thăm, tai điếc nặng hỏi sao không gắn máy trợ thính, người con gái trả lời thay mẹ:

– Mẹ cháu muốn vậy. Chẳng muốn nghe ai nói chuyện gì hết. Chửi cũng được. Khen cũng được. Mẹ cười tất. Chỉ thế thôi cũng đủ làm ta trỉu lòng, còn gì đau đớn hơn một nỗi đau u hoài và thầm lặng đến thế không nhỉ?

(Sống Với Kỷ Niệm – web Văn Chương Việt)

Trong một câu chuyện khác cũng buồn như thế, đất nước đã không còn khói lửa chiến tranh thì tại sao mình lại rời bỏ quê hương không biết bao giờ mới quay về?

“Cuối cùng rồi chuyến bay cũng cất cánh vào lúc nửa khuya. Tôi nhìn Sài Gòn qua khung cửa nhỏ của con tàu. Sài Gòn vẫn ngập trong ánh đèn. Và bạn bè tôi, cùng Cầm chắc giờ này đã ngủ. Và, như năm 68 với Cầm, tôi vẫn biệt tăm khi con tàu mang tôi rời khỏi quê hương không biết khi nào trở lại”.

(Vẫn Mãi Mãi Biệt Tăm – web Văn Chương Việt)

Trong truyện ngắn của anh, Chiến tranh hiện ra như con quái thú, bi thảm kì quặc và trần trụi hận thù thành một vết sẹo lớn nhăn nhúm khó coi hằn sâu vào tâm khảm những người còn sống không thể gột rửa hay trút bỏ khỏi xác thân dù quá khứ ấy đã đi qua cuộc đời họ lâu lắm rồi như hình ảnh Tiểu Lan trong Thị Trấn Nhỏ, Toán trong Cô Bạn Gái Năm Xưa, người mẹ trong Nghe Tin Ngừng Bắn, người thầy giáo trong Bông Mía Lau, Hắn trong Hương Xưa, tôi trong Khoảng Đời Còn Lại, Người lính già trong Nơi Góc Phố Cũ, Hắn trong Tìm Về, Ông trong Màu Thời Gian, thằng Ân khi nhìn thấy xác của thằng bạn bị bắn chết trong Đất Khô. Người Khổ… và còn biết bao nhân vật đi qua trong tác phẩm của anh mà không có lấy một cái tên cụ thể nào, mà thật ra cũng cần chi gán tên cho một ai đó mà trong thâm tâm họ cũng cố muốn quên đi những ký ức đau buồn mà. Hãy để “Màu Thời Gian” cho nó tàn phai đi có lẽ hay hơn cả thì phải. Hiếm hoi có một chút niềm vui gượng gạo của người vợ trẻ khi đưa chồng xuất viện mà thân thể còn khá lành lặn dù bị thương tật rất nặng (Mùa Hoa Mận Nở).

Đúng như lời mở của nhà văn Trần Hoài Thư khi giới thiệu tập truyện ngắn “Màu Thời Gian” của anh: “Được đọc tác phẩm của một tác giả mình yêu thích là một niềm vui. Càng vui mừng hơn nữa khi tác giả ấy là một người cùng một thế hệ, cùng một lứa tuổi, trên vai mang cùng chung những thăng trầm của lịch sử. Bởi vì, ít ra, từ tác phẩm, chúng ta có thể tìm lại cái bóng của mình của một thời…”

Tôi quí ở nhà văn Phạm Văn Nhàn tình bạn không gì thay đổi dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay lúc sa cơ lỡ vận qua lời kể của nhà văn Trần Hoài Thư: “Cám ơn Thượng đế đã cho tôi có một người bạn như anh. Anh chơi với bạn thật tình. Anh chơi với bằng hữu thật tình. Anh đến với bằng hữu không câu hỏi, và thắc mắc. Anh cho nhiều hơn là nhận. Căn nhà khu Sáu ở Qui Nhơn vào những năm 68,70,71 là một bằng chứng. Một người lính nghèo như anh lại dám bỏ ra thuê một nơi dùng để dung dưỡng bao bọc những bạn bè bằng hữu và cả những người lao công đào binh của đơn vị mà anh bảo lãnh ra ngoài.”

Tôi ví các tác phẩm của anh như là những cánh chim lưu lạc bay qua dòng sông định mệnh vì ngay từ nhỏ bản thân anh đã là một cánh chim lạc loài bay vô định trong cơn lốc chiến tranh: Nằm trong một đầu thúng được mẹ gánh chạy Tây càn qua các vùng quê của Đại Nẫm bên nhánh sông Cà Ty đầy lau sậy, lớn lên một chút mấy đứa bạn một thời chăn trâu tắm sông thân thiết thì đứa ở bên nầy đứa ở bên kia cầm súng bắn giết lẫn nhau. Sau tháng 4-1975 kẻ thì hả hê sung sướng người thì lâm vào cảnh tù đày cải tạo. Nhà văn Phạm Văn Nhàn cũng không thoát khỏi vòng xoáy định mệnh ấy như bao người lính miền Nam lúc bấy giờ nên với anh: “…Viết không phải để trở thành nhà văn, nhà thơ. Vì nhà văn còn có thể “hư cấu” tạo ra một câu chuyện để trở thành một truyện, dù ngắn hay dài. Còn tôi thì không. Trước 75 và bây giờ cũng vậy. Viết những gì mà tôi đã thấy, đã nghe, để ghi lại như một câu chuyện kể, bạn bè đọc cho vui. Nhưng, nói gì thì nói, viết gì thì viết, người lính miền Nam vẫn còn mãi trong tôi với những cái đẹp của người lính…”. Anh viết như thể trả món nợ ân tình với bạn bè, đồng đội với quê hương khổ đau của mình như nhân vật trở về và ở lại trong Vùng Đồi. Điều nầy làm tôi nhớ lại mấy câu thơ của Tô Thùy Yên:

“ Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi

Hãy kể lại mười năm chuyện cũ

Một lần kể lại để rồi thôi”.

(Ta Về)

Vâng! Một lần kể lại để rồi thôi. Những bài ký, truyện ngắn của anh trong Vùng Đồi, Màu Thời Gian hay đăng rải rác ở đâu đó trên mạng chắc cũng chỉ muốn có vậy.

Giờ đây cánh chim lưu lạc ấy đã trôi qua một dòng sông định mệnh khác nhưng không phải là một dòng sông chết chóc hận thù mà là dòng sông đầy ánh sáng và màu sắc, yên bình hơn nhưng trong lòng lại luôn hoài vọng về một dòng sông định mệnh trong quá khứ đầy khốc liệt và bão dông vùi dập bao kiếp người nhưng cũng thấm đậm nhân bản và hạnh phúc dù rất mỏng manh đầy đau đớn. Ta có quyền hy vọng những dòng tinh huyết ấy lại có điều kiện tuôn trào dù bây giờ chỉ còn là những dòng nước nhỏ nhoi nhưng lại tinh túy và thanh khiết biết bao nhiêu.

Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 6-2021

NGUYỄN AN BÌNH

_____________________________________________________

*Tham khảo:

1- Tập truyện ngắn Vùng Đồi, Màu Thời Gian, các tác phẩm khác đăng trên web vhnt Văn Chương Việt của Phạm Văn Nhàn.

2- Phạm Văn Nhàn Những hiển lộ từ miền ký ức của Nguyễn Lệ Uyên

3- Với Phạm Văn Nhàn của Trần Hoài Thư

*Nhận xét của nhà văn Phạm Văn Nhàn:

Cảm ơn Nguyễn An Bình đã viết về một PVN.

Bài viết đúng về anh.

Từ xưa chơi với bạn bè anh vẫn nói : tôi đâu phải nhà văn nhà báo, dù anh viết phóng sự cho Nhật báo Quyết Tiến. Và có thẻ báo chí.

Qua Mỹ ngoài ở tù 8 năm đưa thẻ báo chí ra. Mỹ bắt tay và hẹn gặp ở Mỹ. Không hỏi một câu.

Nói cho vui vậy mà.

Cảm ơn em đã viết về một người bạn. PVN.

(gởi qua email ngày 22/06/2021)

 

Có 1 bình luận về PHẠM VĂN NHÀN, CÁNH CHIM LƯU LẠC BAY QUA DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

  1. Nguyễn An Bình nói:

    Cám ơn ông bạn Minh Lương đã đem bài viết về trang nhà. Mời các bạn cùng đọc nhe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác