THỜI THƠ ẤU Ở TÂN HIỆP

Ngày đăng: 22/05/2021 08:02:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi sinh ra và lớn lên từ mảnh đất thân yêu nơi đây có tên gọi là kênh Rivera  thuộc Huyện Tân Hiệp- Tỉnh Kiên Giang, một vùng đất màu mỡ ngọt ngào phù sa, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Cũng vì cuộc sống mưu sinh nên gia đình tôi phải tạm biệt bà con họ hàng, xóm làng, bạn bè thân thiết về Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp.Tuy đi xa nhưng trong lòng tôi vẫn còn lưu luyến biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ.

Nghe ba tôi kể lại: vào khoảng tháng 10 năm 1954 những người dân miền Bắc di cư vào Nam bằng đường tàu, các cụ thường gọi là tàu há mồm ( tiếng Anh: Landing Ship, Tank viết tắt là LST) dùng để chở xe tăng, các loại xe khác vv…

Khi người di cư vào tới miền Nam, tất cả đều được ở tạm các lán trại tiếp cư. Đến tháng 3 năm 1956 gia đình tôi và đồng bào di cư lúc đó được Chính phủ giải quyết việc tái định cư lập nghiệp tại vùng Cái Sắn ( dải đất hình chữ nhật có DT 270.000 ha, lúc ấy Nha Định cư đưa khỏang  40.000 người về đây sinh sống), Vùng này có rất nhiều kênh rạch, nguời di cư được chia thành từng nhóm ở hai bên bờ kênh. Dọc theo QL 80 các kênh có hình xương cá, một bên được đặt tên theo số thứ tự: kênh 1, 2,3,4,5, tiếp theo là kênh: A, B, C, D. E, F, G và H, một bên là kênh Thầy Ký, Rivera, kênh 7, 8 nhà tôi thuộc kênh Ri-ve ra ( đối diện với truc lộ 80 là kênh B, để phân biệt giữa hai kênh, người ta thường gọi vui là B ra  và B dzô) từ trục lộ đi vào bên tay phải nằm sát ranh giới TP Cần Thơ, bên trái thuộc Tỉnh Kiên Giang..

Từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành, tôi đã gắn liền với mảnh đất và con đường quen thuộc này, hằng ngày hai buổi đến trường, vui chơi, nô đùa cùng bè bạn, con đường nằm dọc theo bờ sông dài 9km. Dòng sông quê tôi rất thơ mộng, trong xanh, người dân hiền hòa dễ mến nên người ta thường hay ví von:

Ri- ve- ra dòng sông nước mát

Ri-ve ra đường thóang dễ đi

Cô kia luẩn quẩn làm chi

Để cho anh ấy(cứ) đi đi về về.

Dòng sông quê tôi là nơi hằng ngày ghe thuyền vận chuyển hàng hóa đi các nơi, chở khách xa đi lại, chợ búa và phục vụ cho sản xuất nông nghịêp, ngoài ra sông có rất nhiều cá, tôm và nhiều lợi ích khác nữa cho người dân.

Vào những năm cuối thập niên 1950 từ trục đường đầu kênh đi vào, cứ khoảng 2km hoặc các điểm có nhà thờ đều được bắc cầu  bằng tre hoặc cây tràm cho người đi lại qua sông dễ dàng. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 9  là mùa nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước dâng lên có năm ngập cả đường đi, đến cuối tháng 12  nước mới rút cạn

Mấy tháng nước lớn và các tháng không vào vụ lúa, vụ màu người dân thường làm công  việc phụ như: đan  rổ, rá, giăng câu, thả lưới, buôn bán nhỏ để mưu sinh, khi nước rút dần hai bên bờ sông hoa rau muống nở màu tim tím nhạt trông rất đẹp và những cụm lau sậy xanh mướt cũng đua nhau trổ bông như báo hiệu chuẩn bị cho một mùa thu hoạch lúa sắp tới.

Bình thường hằng năm sau dịp lễ Noel, nguyên vùng Cái Sắn những cánh đồng lúa đã chín vàng, mênh mông thẳng cánh cò bay, nguời dân lại hồ hởi xuống ruộng tranh thủ gặt hái, thu hoặch lúa cho xong sớm để chuẩn bị đón Tết về. Sau Tết những mảnh vườn lại được bà con cày, cuốc chăm bón cho vụ thuốc Lào, khoảng 3- 4 tháng sau là thu hoạch, thuốc Lào khi hái lá về được thái nhỏ từng sợi phơi khô, sau đó được đóng thật chặt vào các thùng phuy để thuốc khỏi mất hơi, khi đem bán cho người dùng gọi là thuốc Lào Cái Sắn. Sau vụ thuốc Lào những miếng vườn này lại được gieo trông cây đay (bô), khi cây già nhổ về ngâm dưới sông một tuần rồi vớt lên đập lấy tơ đem bán.

Còn nhớ vào những năm thời bao cấp, kinh tế rất khó khăn, gạo ăn hàng ngày bà con phải dùng cối xay tự chế và giã gạo cũng bằng sức người, mãi về sau mới có máy chà lúa, thời đó vùng nông thôn chưa có điện, ban đêm làm việc đều nhờ ánh sáng trăng, hoặc ánh đèn dầu, thi thoảng vài nhà có đèn Măng xông (Manchon). Mãi tới cuối thâp niên 80 nhờ sự giúp đỡ của Chính quyền địa phương, lúc đó mới có điện về thôn ấp để dùng trong sinh hoạt, rồi có đường bê tông cho bà con đi lại, xe cộ lưu thông   thụân tiện hơn.

Giờ đây, quê tôi đã hòan toàn đổi mới, kinh tế của người dân đã khá giả hơn nhờ canh tác hai, ba vụ lúa, chăn nuôi heo, gà, vịt và làm các nghề khác, từ đó cuộc sống của người dân  mỗi ngày được cải thiện, thanh thản, an nhàn, ấm no. Những dịp về thăm quê hương, nhìn cánh đồng xanh bát ngát, cảnh chiều quê êm ả, lưng trời tiếng sáo diều vi vu, nhà nhà san sát nhau được xây dựng khang trang, đường xá giao thông thuận lợi, tình nghĩa xóm ấp, luôn gần gũi thân mật . Mỗi khi chiều xuống tiếng chuông Giáo đường thanh thót vọng ngân, trên đường thấp thoáng những tà áo dài thướt tha đến nhà thờ  dự thánh lễ, tự dưng lòng tôi chợt thấy bâng khuâng, ký ức xa xưa ùa về…một thời ấu thơ và lớn lên của tôi nơi đây đã xa rồi.

TP, HCM 04/2021

Nhật Quang

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác