Đọc “Mùa thương gọi nhỡ”…

Ngày đăng: 28/02/2021 09:56:16 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tuần trước, có dip đi Bến Tre, tôi được gặp Nhà thơ Kim Ba và nhà thơ Kim Chi tại quán cà phê Gu Việt. Trước khi ra về Kim Chi còn kéo lại gửi cho tâp thơ Mùa Thương Gọi Nhỡ. về đọc thấy hay muốn giới thiệu nhưng mình là người ngoại đạo nên mượn anh Kim Ba giới thiệu giúp. Đây là bài giới thiệu của nhà thơ Kim Ba (LM)

Là một cô giáo ở trường huyện, Kim Chi đã đến với thơ từ rất sớm, hồn nhiên, trong trẻo đầy dự cảm. Từ buổi ban đầu đầy hứa hẹn đó đã có những bài thơ về quê hương và mái trường. Song, “Cơm áo không đùa với khách thơ” và những lý do khác, Kim Chi đã ngừng viết. Trở lại với thơ lần này là do sự thôi thúc của nội tâm hơn là mục đích tìm kiếm phù phiếm và hư ảo.

Năm 2018, Kim Chi đã cho trình làng tập thơ “Mưa tháng Chạp” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) đã là một bất ngờ cho bạn bè đồng nghiệp. Tuy đã có thành tựu ban đầu, trong tập thơ này (“Mùa thương gọi nhỡ” – Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ) vẫn thấy còn đó một Kim Chi tinh tế và nhạy cảm, thật giàu cảm xúc và đầy bản lĩnh thơ. Vẫn còn đó một Kim Chi luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi và cả táo bạo “thử nghiệm” nữa! Khác với buổi đầu đến với thơ đầy ngẫu hứng, lần trở lại này đã thật sự lắng đọng hơn, trầm tĩnh hơn, nội tâm thơ không còn náo động, xao xác mà tự bản thể đã dần mở một chiều sâu quán thế và chiêm nghiệm. Vẫn không thể ngăn được những đợt sóng lòng đột ngột bừng thức nhưng sông giờ đã lắng sóng, trở lại bình yên… Đó là một hướng ít nhiều mờ tỏ mà tập thơ đã hé lộ chứ không thể khẳng định vì khẳng định điều ấy có khi là chủ quan, nông cạn. Khát vọng hạnh phúc vẫn là điểm đến cuối cùng của mỗi con người. Khát vọng hạnh phúc có giá trị trường tồn làm nên sức sống mãnh liệt mà thiếu nó cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt và đơn điệu…

Khát vọng sống – hay chính xác hơn – khát vọng về một hạnh phúc bình dị và viên mãn là thông điệp cốt lõi toát ra từ rất nhiều câu thơ, rất nhiều bài thơ trong tập thơ này. Vì thế, sự hoài vọng về một hồi âm, một sẻ chia mới ắp đầy và riết róng đến thế. Sự hoài vọng ấy với nhiều tâm trạng khác nhau, lúc kìm nén âm thầm như tự nhủ với chính mình, khi da diết bày tỏ như muốn nói cùng ai đó, sẽ không vô ích, mong và tin là sẽ như thế…

Tâm sự, giãi bày, thể hiện cảm xúc là nhu cầu của nội tâm chính đáng, để mình hiểu mình hơn, để người hiểu mình hơn, những mong qua đó tìm được những đồng cảm, đồng điệu, đồng hành trên bước đường rong ruổi mà với phụ nữ trót mang nghiệp thơ – đó còn là những nẻo đường độc hành thăm thẳm…

Phải thành tâm ghi nhận ở tập thơ này, đối với một người có nhiều ẩn ức tâm tư chỉ chực chờ bùng phát, Kim Chi đã không để cho bạn đọc yêu thơ mình phải bị bội thực bởi những “nỗi riêng” bằng cách hướng tới sự quan tâm đặc biệt đến quê hương, đất nước, những cảnh ngộ, những con người chân chất, bình dị chung quanh. Đây là một nỗ lực làm đa dạng, phong phú hơn thế giới nghệ thuật của riêng mình. Còn hiệu quả hay không, hiệu quả đến độ nào thì phải tùy vào lựa chọn của bản thân, tự xác định thế mạnh của riêng mình…

Vì vậy, chúng ta lại tiếp tục chờ những tập thơ tiếp theo của tác giả!

Nhà thơ Kim Ba

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác