VẼ TRONG CHIẾN TRANH (Bài 4)

Ngày đăng: 10/01/2021 10:03:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi ngắm nhìn dòng sông như nhìn ngắm lại khoảng đời thơ bé, hay ngắm nhìn những cồn bãi tươi xanh. Tôi ngắm nhìn những mảng màu cày xới tung hoành trên khung vải như ngắm nhìn những cánh đồng mùa trĩu hạt, hay những khu rừng xơ xác vì chất độc khai hoang. Màu sắc đỗ tràn, những vết cắt loang trên bờ tường rêu của một thời quá khứ, hay những nét mơ hồ mờ mịt của tương lai. Tôi tự hỏi, nước trôi đi đâu? nước tụ về đâu? cũng như những bước chân đi về phía mặt trời hay đi về bóng tối. Tôi ngồi im trước khung vải trắng, chẳng tìm thấy được gì trong màu sắc u ám và buồn bã, không còn phân biệt đâu là phương hướng, Đông hay Tây? Bóng tối nhập nhoà. Có tiếng chuông chùa vang vọng trong đêm, tiếng côn trùng rả rích, dòng sông vẫn thầm thì chảy về cửa biển, đêm vẫn tịch mịch cô đơn.

Những khi đứng trước khung bố trắng, có khi lòng tôi buồn vô kể, dường như tôi thấy mình đâu đó, đơn độc giữa con phố khuya, nước mắt tự dưng tuôn trào. Tôi đi như trôi không phương hướng, bỏ qua hết mọi thứ suy tưởng, sách vở, lịch sử, cuộc đời, tôi hoài nghi với mọi thứ chung quanh, hoài nghi cả chính mình…nhưng may mắn thay có lần, tôi lạc vào một ngôi chùa cổ, gương mặt hiền từ, nụ cười thanh thoát của đức Phật, bình dị và bao dung, bao la và từ bi đã khiến tôi sực tỉnh. Tôi nhìn thấy những tảng đá đã bào mòn qua thời gian, những bức tường gạch rêu bám loang lỗ nhưng những nụ cười vẫn hiền hoà an nhiên, tôi quyết định trở về nhà.

Đêm đầu tiên trở về Vĩnh Long bên nhà hàng xóm có đám tang một người lính trẻ. Tiếng than khóc, tiếng thở dài, những giọt lệ rơi, tiếng pháo vọng trong đêm, tiếng máy bay vần vũ, chiến sự càng ngày càng khốc liệt, tuổi trẻ Việt Nam bị vùi chôn trong những trận chiến đầy đau thương và mất mát. Biết bao tấn bom đạn đã đổ xuống, nhà cửa làng mạc tan hoang xơ xác, biết bao gia đình đã tan tác đau đớn vì sự ra đi không biết trước. Chiến tranh, chiến tranh, tôi căm ghét vô cùng.

Chiến tranh tràn lan khắp mọi nơi kể từ sau cuộc chiến Mậu Thân, thảm khốc nhất là ở các tỉnh miền trung. Mùa hè đỏ lửa ở Quảng trị biết bao thanh niên tuổi trẻ cả hai phía đã ra đi. Mỗi ngày, tin chiến sự tràn ngập trên mặt báo, bệnh viện đầy thương binh, thường dân bị chiến nạn. Những người nghệ sỹ, hoạ sĩ trong mọi hoàn cảnh vẫn phải sáng tác, những tác phẩm phản chiến, phản ánh cuộc chiến tàn khốc, những bài hát mong chờ hoà bình vẫn vang lên hàng ngày. Sinh viên học sinh xuống đường đi chấm dứt chiến tranh phản đối bắt lính. Tôi vẫn không bỏ qua các cuộc triển lãm, xem tác phẩm của các nhóm họa sỹ, ở Sài Gòn có Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Mai Chửng, Nguyễn Thanh Thu. Ở Huế có Trịnh Cung, Đinh Cường, Trương Đình Huế, Cần Thơ có Ngy Cao Uyên, Cao Bá Minh. Các không gian Hội hoạ luôn sinh động cùng với các hoạ sĩ nước ngoài như Pháp, Đài Loan…

Vẽ là tiếp năng lượng sống cho xúc cảm tâm hồn. Xem tranh, đọc sách, nghiên cứu nghệ thuật giúp tôi thêm niềm tin cái đẹp sẽ thay đổi cuộc sống. Tôi vẽ và cứ vẽ, bất chấp mọi trường phái, xu hướng, tôi cảm thấy tôi vẽ cho chính tôi, cho chính tâm hồn mình đang chịu đựng mọi nỗi đau của quê hương đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tôi vẽ cho những ước mơ, những hi vọng về tương lai bình yên, vẽ cho niềm vui và tiếng cười đùa của trẻ thơ trên cánh đồng hạnh phúc. Tôi vẽ những đền đài tan hoang nhưng vẫn thấy chồi non đang lên trên gốc cây đã cháy. Những ấn tượng, trừu tượng, lập thể chan hoà trong ánh sáng và âm thanh. Tôi như kẻ đang mơ đứng lơ ngơ giữa muôn trùng màu sắc và cứ thế, tôi trôi theo dòng nước đang trôi.

Thời gian trôi qua để lại bao nhiêu dấu vết trong cuộc sống, có dấu vết phớt qua nhưng cũng có những dấu tích hằn sâu không thể nào phai nhạt trong ký ức của con người. Nhờ hoạt động văn nghệ, tôi quen rất nhiều bè bạn. Những cuộc triển lãm, những sinh hoạt, họp mặt trao đổi, những gặp gỡ sáng tác, in ấn báo chí, tôi quen được rất nhiều người đầy tài năng, đầy đam mê khắp các vùng miền. Có những người bạn rất thân như anh em ruột thịt, cùng nhau chia sẻ khó khăn đau khổ cũng như chung tay gầy dựng xã hội theo mơ ước của mình.

Chúng tôi tập họp những người bạn có cùng tâm ý, góp sức, góp tiền dựng lên những hội quán Văn nghệ, Vũng Tàu có quán Nhớ, Sài Gòn có quán Mù U, Vĩnh Long có Đỡ buồn. Cần Thơ có Góp Gió, Thằng Cuội. Anh em Văn nghệ các nơi thường họp mặt ở những nơi này để giới thiệu thơ nhạc mới sáng tác, hoặc trưng bày tranh ảnh vừa hoàn thành, đó còn là nơi chúng tôi họp mặt để chọn bài in báo văn nghệ như Vượt Thoát, Sóng Cửu Long, Phù Sa, Khai Nguyên.

Cần Thơ vẫn là điểm nóng của cuộc chiến, mặc dù thành phố tương đối yên tĩnh, nhưng đêm đêm pháo sáng vẫn rực lên ở lộ vòng cung. Phi trường thỉnh thoảng vẫn bị pháo kích ầm ì. Tiếng còi xe cứu thương, xe quân cảnh vẫn giăng đầy đường phố. Những cuộc bố ráp vẫn xảy ra thường xuyên. Thanh niên trốn lính, quân nhân đào ngũ phải tìm cách lẫn trốn. Xa xa vẫn vọng lên tiếng súng từng tràng như tiếng bò rống từ các phi cơ tập kích vào các làng mạc liên hồi. Tuổi trẻ chúng tôi ngồi trầm ngâm bên ly cà phê trong âm thanh nhạc buồn phản chiến. Những bạn bè văn nghệ khắp nơi ngồi trong quán bên bờ sông, nhìn dòng sông trôi lấp lánh ánh đèn, ai cũng mơ một ngày quê hương hoà bình không còn tiếng súng.

Đêm vẫn lặng lẽ trôi đi.

Những lúc tinh thần bế tắc, không tìm được đường thoát, tương lai mờ mịt, cô đơn cùng cực, tôi có lúc bê tha, buông thả, Cuộc chiến càng lúc càng gay gắt, mỗi ngày nhìn thấy từng đoàn máy bay Mỹ mang bom tàn phá đất nước, tôi cùng các bạn bỏ ngũ trốn về quê. Trên đường về quê, đi qua những đoàn đường bị đắp mô chia cắt, những rừng dừa cụt ngọn cháy xém, những cánh đồng tan hoang vì thuốc khai hoang, có người bạn rủ chúng tôi nhảy núi, nhưng vì nhớ nhà nhớ ba má, tôi đánh liều vượt qua. Về đến nhà, cả gia đình đều vui mừng, nhưng cảnh sát, quân cảnh bố ráp tìm bắt người đào ngũ nên một tháng sau, tôi bắt buộc phải đến phi trường Tân Sơn Nhất trình diện và nhận kỷ luật.

Ở Đà Nẵng, tôi tham gia các cuộc sinh hoạt văn nghệ, cùng bạn bè tổ chức sáng tác, in ấn báo chí, gặp gỡ giao lưu cùng bạn bè thơ văn nhạc hoa đủ mọi thành phần, từ nhà báo, nhà giáo, nhà binh, cho đến bác sĩ, kỹ sư… Không gian hoạt động ngày càng rộng hơn.

Miền Nam bây giờ sinh hoạt báo chí, sáng tác tương đối tự do. Cứ tập hợp một số anh em văn nghệ, sáng tác mới là có thể hình thành một tạp chí, một tập san văn nghệ. Lúc bấy giờ, Phương Tấn chủ trương tờ Cùng Khổ, tôi chỉ tham gia vài minh hoạ, trang trí bìa báo một vài số. Ngoài ra, còn có nhóm Sau lưng các Người ở Đà Nẵng, Trước mặt ở Quảng Ngãi, nhóm Tham dự ở Vĩnh Long, Khai phá ở Châu Đốc, Ý thức ở Huế, Thế Đưng, Động Đất, Thái độ, Trình Bày, Đối diện…những tác phẩm là tiếng nói của người nghệ sỹ về thân phận con người trong thời chiến, qua nhiều phong cách đa dạng.

Sau khi bỏ trốn về Vĩnh Long, trình diện ở Sài Gòn, tôi được trả về Đà Nẵng. May mắn, tôi được ở dưới đơn vị một nhà thơ tên Nhân Hậu, cái tên cũng như con người ông đúng là Nhân Hậu. Biết tôi sinh hoạt cùng với anh em văn nghệ, ông mời đến nhà, sau khi nghe kể tình cảnh của tôi, ông nhẹ nhàng nói: ” tôi biết chú rất ghét chiến tranh nhưng tạm thời cứ ở đây lo sáng tác, lúc nào buồn thì ra nhà uống rượu với tôi, chú đừng bỏ trốn nữa, nếu chú bỏ ra ngoài thì bộ máy chiến tranh này sẽ nghiền chú nát như cám”. Ơn ông, tôi càng ngày càng thấy thoải mái hơn để tham gia hoạt động văn nghệ cùng với bạn bè.

Đầu năm 1967, tôi tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại trụ sở Hướng đạo Đà Nẵng, Triển lãm bán được ba tranh, còn lại 30 bức có một phụ nữ đề nghị mua hết đem về trưng bày một gallery Đà Nẵng. Toàn bộ số tiền bán tranh lúc đó tôi cho người bạn mượn để cưới vợ và bây giờ đã hơn năm mươi năm, chẳng bao giờ nghe anh ấy nhắc nhở tới. Với tôi, tiền bạc chỉ là phương tiện, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, có lẻ nhờ tôi sống đơn giản và không coi trọng vật chất, tôi được bạn bè thương mến, cưu mang trong những ngày đất nước còn chiến tranh.

Trong lúc quê hương tràn ngập đau khổ, chiến tranh bom đạn đổ xuống từng ngày, từng ngày, bãi biển Mỹ Khê, nơi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, bến cảng là kho bom đạn khổng lồ. Phi trường quân sự mở rộng, phi cơ chiến đấu ngày đêm vần vũ, đường phố ngập tràn quân lính. Đêm Đà Nẵng hoả châu thắp sáng, thỉnh thoảng còi báo động hú vang, phi trường bị pháo kích, từng đoàn tăng lội nước vận chuyển vũ khí vào sông Hàn, tiếng máy nổ rền vang của những chiến hạm trên sông. Đêm chập chờn soi bóng, cà phê Thuỷ tạ vẫn dập dìu người qua lại, thành phổ tối dần. Vẳng xa, tiếng bom rền bên kia đèo Hải vân, từng lượt từng lượt những phi cơ thám sát rầm rì, ánh sáng lập loè trên nền trời đêm.

Năm 1970, nhờ bán được ít tranh tôi về Vĩnh Long dựng quán cà phê Đỡ buồn. Sau đó, được hai người bạn Lương Bạch Mai và Lương Tỷ hỗ trợ thêm, quán mở rộng, trang trí mộc với tre, trúc, gỗ rừng nên thu hút nhiều bạn bè văn nghệ và sinh viên học sinh tới ủng hộ. Ngoài các anh em văn nghệ địa phương như Việt Chung Tử, Trần Mộng Hoàng, Nguyễn Sinh Từ, Nguyễn Hiền Lương, Trần Công Tân, Nguyễn Thế Đệ,

Quán là nơi họp mặt thường xuyên của nhóm Du ca của Đoàn Xuân Kiên với phong trào hoạt động rất mạnh mẽ. Ở Vĩnh Long, tôi có hai người bạn đặc biệt là nhà đạo học Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Thế Nghiệp. Ông Nguyễn Minh Tâm cùng với ông Đào Hữu Nghĩa là người dịch sách Krisnamurti rất sớm cùng với một số sách thiền của các triết gia châu Âu, cùng với bè bạn, chúng tôi gặp nhau hàn huyên về các mạch nguồn tư tưởng triết học trên thế giới lúc bấy giờ. Nguyễn Thế Nghiệp là một người bạn rất đặc biệt. Lúc mới quen tôi, anh vừa đỗ thủ khoa Đại học Luật, một người trẻ tuổi nhiệt thành, ước muốn sáng tạo xây dựng xóm làng, quê hương tươi đẹp. Anh đã cùng tôi đốn tre, vác gỗ về dựng thư viện tại quán do chính anh đề xuất. Đầu tiên, thư viện có trên một ngàn sách đủ loại cho tuổi trẻ, học sinh tham khảo. Tôi lên Sài Gòn mua thêm các sách nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, các tạp chí Văn, Văn học, Bách khoa, Sử địa, Trình bày, Đối diện… Phòng đọc sách hoạt động rất tốt được hơn một năm thì tỉnh trưởng Vĩnh Long quyết định xây dựng cho tỉnh một thư viện hoàn chỉnh hơn và to lớn hơn tại chợ Vĩnh Long.

Bạn tôi là người thông minh, học giỏi lại rất nhiệt tình, anh luôn ao ước đất nước thống nhất, hết chiến tranh cho người dân bớt khổ, Chúng tôi ngồi với nhau hoạch định tương lai. Khi đất nước hoà bình, anh mong muốn một ngày nào đó quê hương sẽ cường thịnh như nước Nhật và rạng danh cả Đông Nam Á, nhưng rốt cuộc anh cũng bị bắt lính và vài năm sau trở về nhà với một chân bị trọng thương. Sau 1975, tôi gặp lại anh tự pha chế sữa đậu nành bán mỗi sáng tại chợ Vĩnh Long. Một thời gian sau, anh chuyển sang chạy xe đạp ôm, rồi xe gắn máy, cuộc sống âm thầm cho đến ngày tóc bạc phơ, ông lão xe ôm cười cười lặng lẽ quên hết những ước mơ, quên cả chuyện đời, ngắm bóng mình xiêu vẹo giữa dòng đời nghiệt ngã. Còn nhà đạo học Nguyễn Minh Tâm sau mấy năm học tập cải tạo, ông trở về khu vườn nhỏ ở Vĩnh Long. Có lần tôi đến thăm ông, hai bác cháu ngồi trầm ngâm, nỗi buồn hiu hắt hằn sâu trên gương mặt của con người trí thức đam mê nghiên cứu triết học, thiền học. Vài năm sau vì bệnh tật, vì tuổi già, ông đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Có những đêm ngồi quán cà phê góc phố Cần Thơ cùng bè bạn, chợt nhớ Sài Gòn, bao kỷ niệm thân thương của thời đi học, nhớ những lần lội bộ lang thang trên hè phố dọc đường Lê Lợi qua quầy sách cũ, nhớ cà phê Thanh Thế, rạp Vĩnh Lợi, Givral, Thương xá Charner, Crystal Palace, nhớ nước mía Viễn Đông, khô bò phá lấu đường Pasteur, nhớ bạn bè chủ nhật rủ nhau đạp xe đi Bến cát, Lái thiêu. Nhớ có lần dừng lại con rạch nhỏ cặp đường xe lửa gần Ga Bình Triệu bơi lội, rượt bắt nô đùa thật thơ thới, vô tư. Những gương mặt thân quen Lê Minh Cường, Phạm Văn Ngọc, Charle Nguyễn, Đặng Văn Cử, nhớ cuối năm lãnh tiền học bổng tụ tập uống bia tán tỉnh những cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương dạo phố. Thời gian trôi qua, chiến tranh cùng khắp, không biết bạn bè trôi dạt phương nào, nỗi nhớ cứ nhân lên theo ngày tháng rồi cũng phôi phai.

Hành trình dài đời sống của con người biết bao sự thay đổi. Tôi sinh ra từ một vùng quê, lớn lên bằng tiếng ru ầu ơ trên chiếc võng thời gian, được nuôi dưỡng bằng tình yêu mộc mạc của gia đình làng xóm,văn hoá của trường quê, xô dạt lên Sài Gòn tiếp cận đời sống sinh hoạt thị thành, học hỏi tiếp thu kinh nghiệm kiến thức văn hoá nhiều nền lịch sử, kinh sách, tôn giáo nghệ thuật Đông Tây, đôi khi nhìn lại mình, cảm thấy méo mó với nhiều lăng kính, nhiều dòng chảy xuôi ngược, tôi là ai? đâu là hướng đi ? Vẫn trống rỗng, vẫn mơ hồ, như đám lục bình trôi trên mặt nước, lúc lớn trôi lên, lúc ròng trôi xuống chẳng biết về đâu?

Tiếng pháo kích dồn dập, pháo nổ ầm ì, từng đoàn xe chở đầy quân lính nối đuôi nhau. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác lo sợ. Sau cuộc chiến bùng nổ thảm khốc ở Quảng Trị, ở Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, cuối cùng là Sài Gòn, thành trì chế độ Cộng hoà miền Nam sụp đổ. Quan chức, quân đội kéo nhau di tản vũ khí đạn dược, quần áo ba lô quăng vất đầy đường. Cơ quan dinh thự bỏ trống, xe cộ bỏ không, phi trường bến cảng chen lấn hỗn loạn. Trong ngày đầu chấm dứt chiến tranh trên toàn miền nam, thành phố Cần Thơ trở nên ngỗn ngang náo loạn, những người tù từ trại giam túa ra đường phố nhuộm màu xám ngắt, xe GMC, xe thiết giáp nằm im lìm bên các ụ quân sự.

Người dân, người lính lẫn những người tù đồ về bến xe, chen lấn nhồi nhét trong xe, chất đầy lên mui xe, ai cũng mong trở về quê nhà, mặc cho chủ xe la hét xua đuổi. Còn lại ở thành phố, nhiều nhóm hôi của tràn vào các công thự tư gia bỏ không lôi tất cả vật dụng bàn tủ, ti vi, tủ lạnh vung vãi đầy đường. Ở các góc phố, năm bảy giải phóng quân khăn rằn quấn cổ, nón tai bèo, tay đeo băng đỏ, trang bị súng AK băng đạn vòng trước ngực, chạy tới chạy lui giữa dòng người xuôi ngược. Thỉnh thoảng vài chiếc xe Jeep cắm cờ giải phóng chở đầy người chạy tuần hành phóng loa yêu cầu trật tự. Xa xa cuối phố vài loạt đạn vang lên.

(Còn tiếp…)

LÊ TRIỀU ĐIỂN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác