ĐƯỜNG VỀ QUÁN VĂN qua cái nhìn cùa GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Ngày đăng: 30/01/2021 09:27:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Quyển “Đường về Quán Văn” là tuyển tập các bài bút ký của Lương Minh. Tác giả viết về văn hoá, xã hội và kinh tế ở miền Nam. Sách này có thể thỏa mãn được nhiều đọc giả ở trong nước cũng như ở nước ngoài muốn tìm hiểu các vấn đề này, nên quý vị không thể không đọc quyển sách này. Tác giả dùng lối văn giản dị và chơn chất, tác phẩm này có tính đại chúng và dồi dào với những tình tự của dân Nam Bộ. Nội dung của quyển sách được tác giả phân làm 6 đề mục:

Nghề báo và tôi:  Gồm những bài nói về những bước đầu của tác giả khi bước vào nghề làm báo, viết văn. Thú đam mê đọc sách của Lương Minh từ khi còn học ở các lớp tiểu học cho đến khi là sinh viên Đại học và cho tới tận ngày nay.

Nhân vật:  Gồm các bài viết về các nhà văn lão thành và sự liên hệ với tác giả. Như Sơn Nam chuyên viết về lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, có lẽ Lương Minh đã chịu ảnh hưởng về văn phong theo lối Nam Bộ của Sơn Nam. Như nhà thơ lão thành Phong Tâm với rất nhiều bài thơ rung động lòng người, Phong Tâm là bạn văn của Sơn Nam, Kiên Giang trước 1975. Như nhà biên khảo đầy uy tín Nguyễn Hiến Lê v… v…

Câu chuyện về chợ:  Gần 20 năm buôn bán ở Chợ với nhiều kỷ niệm đã ghi dấu ấn vào tiềm thức Lương Minh nên anh thích viết về văn hoá chợ: từ Chợ đầu mối đến chợ bán lẻ, “Chợ nổi” ở Cái Bè, và thị trường sách vở: từ sách cũ đến sách mới đại hạ giá. Lại còn có những món ăn nổi tiếng như “gạo nàng thơm chợ Đào” ở xã Mỹ Lệ thuộc quận Cần Đước,  tỉnh Long An v… v…

Du lịch: Như những video clip về du lịch, bằng lời văn mộc mạc, chơn chất Lương Minh dẫn dắt đọc giả đi đến các quán ăn nổi tiếng như Cháo lòng, bánh mì ở An Lạc, Bình Điền, thịt kho nước dừa, tép rang nước dừa, củ hủ dừa ở Bến Tre cùng với những sản phẩm thủ công nghệ được làm từ dừa cũng ở Bến Tre.

Đi tham quan các ngôi nhà cổ và mộ xưa ở Gò Công. Đi đến “Tràm Chim” ở Đồng Tháp Mười, đây là khu rừng thuộc huyện Tam Nông và là khu bảo tồn loài sếu đầu đỏ và nhiều loại chim quý khác.

Đến Ngan Rô ở huyện Trần Đề, thuộc Tỉnh Sóc Trăng, để viếng nhà thờ Ngan Rô, bên trái khuôn viên có thờ cha Trương Bửu Diệp, một vị Linh Mục đạo cao đức trọng và rất linh thiêng.  Đến Sóc Trăng thưởng thức “bánh Pía” có nhân đậu xanh trộn với sầu riêng thơm ngon mà rất nhiều Việt kiều rất ưa thích.Tác giả còn dẫn người đọc đi Đà Lạt đến xem thung lũng Hoa Đào, đến ngắm Hồ Xuân Hương. Đi Hà Nội để thưởng thức cà-phê ở đất ngàn năm văn vật.  Đi

thưởng lảm cảnh chợ ở Tuyên Quang. Văn hóa chợ là điều mà tác giả thích sưu tầm.

Đi Chùa:  Đi chùa lễ Phật là tập tục của người theo đạo Phật hay đạo thờ ông bà. Tác giả dẫn người đọc đi theo các cuộc hành hương vào ngày đầu xuân. Đi viếng chùa Tiêu ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, và viếng nhiều chùa được xây cất rất hoành tráng ở phương Bắc đã thu hút rất nhiều khách du lịch, giúp kinh doanh phát triển về “ngành du lịch tâm linh”.

Tác giả lại dẫn người đọc đến Chợ Thiếc ở quận 11, Sai Gon để biết nghề làm vàng mã, sản xuất đủ các loại làm bằng giấy để đốt cúng cho người đã chết như nhà lầu, xe hơi, xe gắn máy, cell phone v…v…

Chơi chơi cũng kiếm ra tiền:  Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhiều khi lúc đầu chỉ là đồ chơi mà lại ăn thiệt: bán ra kiếm lời nhiều. Như chơi kiểng, nuôi chim, chơi tranh, chơi vé số kiến thiết cũ, chơi tem thư cũ.

Cuối cùng tác giả kết thúc quyển sách bằng bài nói về “đám giỗ xưa và nay”.

Đám giỗ là một tục lệ đáng quý của dân mình để có cơ hội gặp bà con thân thuộc, lối xóm có dịp gặp nhau trao đổi tâm tình. Tóm lại, quyển Đường về Quán Văn có thể thỏa mãn cho các đọc giả muốn tìm hiểu về văn hóa, xã hội và kinh tế miền Nam.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng

————————————————————————

Lương Minh sanh ngày 19 tháng 12 năm 1952 tại tỉnh Vĩnh Long, xuất thân từ trường tiểu học Nam tỉnh lỵ Vĩnh Long, rồi về Chợ lách học Trung Học Chợ Lách, nắm 1967 học trường Trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, sau đó học được một năm ở trường Đại Học Luật Khoa Saigon và đồng thời ghi danh khoa Sử ở trường Đại học Văn Khoa Saigon. Sau năm 1975, Minh Lương về lại ở Chợ Lách kiếm sống bằng việc buôn bán ở chợ gần 20 mươi năm. Cuộc sống này đã gây nhiều kỷ niệm cho anh. Là người đã sống qua hai chế độ, Lương Minh biết nhiều, trải nghiệm sống nhiều. Anh đã hiểu biết về định hướng văn nghệ trong chế ộ mới thỉnh thoảng viết bài gởi đăng báo Xuân, và các báo định kỳ. Minh Lương muốn thay đổi công việc buôn bán ở chợ. Anh đã đem “quách cả sở tồn làm sở

dụng” vận dụng trong các bài viết cho đúng khuôn mẫu được quy định. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Báo chí trường ĐH.Khoa học nhân văn TPHCM, anh xin vào làm phóng viên báo Con Thoi của Bộ Tài Chánh khoảng năm 1994. Sau đó làm Biên tập viên cho báo Tài chính Thị trường , trong thời gian này LM cộng tác với nhiều

báo ở Sài Gòn như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Doanh Nhân Sài Gòn, Sài gòn Tiếp thị, Thị trường chủ nhật, Bà Rịa Vũng Tàu ở các mảng Chứng Khoán, Ngân hàng. Lúc ấy anh đã tròn trèm 40 tuổi, cái tuổi mà Khổng Tử đã nói:  “Tứ thập nhi bất hoặc” (có nghĩa tới 40 tuổi thì không còn bị mê hoặc tức là hiểu được lý sự trong thiên hạ, biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm)

Lương Minh đã xuất bản nhiều tác phẩm và vẫn còn tiếp tục viết cho nhiều đặc san, báo chí trong nước. Đọc các bài viết của ông, chúng ta thấy ông chuyên về văn hoá, xã hội và kinh tế. Anh không viết về chính trị, về các vấn đề nhạy cảm.

Nhờ vậy, sự nghiệp viết văn của LM như “thuyền đi theo gió xuôi” và sẽ còn phát triển thêm nữa. Kinh nghiệm sưu tầm, đọc sách, viết lách cộng thêm những trải nghiệm sâu rộng cùng với những suy tư sâu sắc đã giúp anh thành công tốt đẹp trong việc hình thành Đường Về Quán Văn. Rồi đây, Minh Lương sẽ có một chỗ đứng trong lịch sử văn học miền Nam vậy.

Toronto, ngày 26 tháng Giêng năm 2021.

Nguyễn Vĩnh Thượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác