ĐƯỜNG VÀO HỘI HỌA CỦA LÊ TRIỀU ĐIỂN ( bài 3)

Ngày đăng: 4/01/2021 10:01:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Có lúc tôi tự hỏi, tôi là ai? Tôi đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Tâm trí rối bời và những cảm xúc chồng chất không kiểm soát. Sức sống trong mỗi con người cần được nuôi dưỡng, vun bồi. Cảm xúc cũng cần được khơi dậy thông thoáng thì sự sáng tạo sẽ bùng vỡ tự thân. Tôi lần hồi bỏ hết những sự khéo léo, bỏ hết những trò múa chữ múa bút để trở về sự ngây thơ hồn nhiên, như đứa trẻ về những nét giản đơn kiểu những người cổ đại vẽ trên vách đá trong hang động với những xúc cảm trong suốt như mạch nước nguồn lần qua đá sỏi tràn về bình nguyên. Tôi vẽ, bôi xóa rồi lại vẽ, lại bôi xoá, hân hoan hào hứng với những màu sắc nhảy múa như những cơn lên đồng. Có đôi khi ngồi ngắm lại, cảm giác như mình đang đi lạc đã rất xa, rất xa.

Để tránh việc bị bắt đi Thủ Đức, tôi cùng vài người bạn đăng ký vào Không quân ngành cơ khí với mục đích được sang Mỹ học, nhưng rủi thay năm đó họ lại tổ chức huấn luyện ở Việt Nam thay vì ở Mỹ như các khoá trước, vậy là tôi vẫn loay hoay với các bản vẽ kỹ thuật, mặc cho thế sự xoay vần. Xong khoá huấn luyện năm 1964, tôi bị chuyển về Đà Nẵng và một cuộc sống mới bắt đầu.

Sau thời gian học xong cơ khí hàng không tại Sài Gòn, tôi được chuyển về phi trường Đà Nẵng. Trong thời chiến tranh, Đà Nẵng là một cứ điểm quân sự quan trọng ở miền trung, là nơi hội tụ nhiều thành phần hoạt động trong xã hội, nơi giao lưu của nhiều tầng lớp trí thức văn nghệ sỹ. Vừa qua tuổi hai mươi, tôi bắt đầu đọc sách Phật giáo, lịch sử Thiền tông, Góp nhặt cát đá, thơ văn Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Krisnamurti, Suzuki, Nhất Hạnh, Nguyễn Hiến Lê…. hiểu thêm về thân phận con người, tôi thấy mình bớt bi quan, bớt bế tắc trên con đường đi tìm chân lý. Tôi lao vào vẽ, vẽ để quên đi nỗi cô đơn, vẽ những nỗi buồn sâu kín trong tâm hồn, vẽ để tìm thấy chính mình, trở về với nhưng vui buồn đau khổ của một kiếp người, đón nhận từng khoảnh khắc cảm xúc của cuộc đời đang sống.

Đà Nẵng bấy giờ đang trong cơn bão dữ, chiến tranh, bom đạn, dân chúng biểu tình đem cả bàn thờ giăng đầy đường phố, vết xích xe tăng xé nát mặt đường. Lính Mỹ, gái điếm ngập đầy phố xá. Không gian ngập ngụa sự chán chường, buồn bã, không có con đường nào bùng thoát khỏi số phận, tôi vẽ như điên cuồng. Tác phẩm là những hàng dừa cụt ngọn, những cô gái với nỗi buồn chất ngất, những bức tranh bắt nguồn từ cuộc sống hiện tại như minh chứng cho sự có mặt của tôi trong thời điểm đó.

                                                                       Chợ Phường 3 nơi họa sĩ sống Vĩnh Long

Sống ở Đà Nẵng nhưng tôi vẫn luôn nhớ Vĩnh Long, nhớ con đường từ rạch Cá Trê ra cầu Công Xi Heo rồi đến chợ Vĩnh Long. Đoạn đường cong cong có nhà vẽ của họa sỹ Quí Hữu, ngoài vẽ bảng hiệu chữ nổi hình khối ba chiều sắc sảo, ông còn vẽ phong cảnh, tranh thờ. Mỗi lần đi qua nhà vẽ, nhìn ông làm việc, tôi vô cùng thán phục. Thời gian gia đình tôi sống ở đây, ông thường lui tới uống cà phê ở quán Đỡ Buồn, tôi mới biết thêm ông vốn từ Sa Đéc- Đồng Tháp chuyển về. Ông là người khéo léo, hiểu biết chuyện đời, nói chuyện rất thu hút, ông còn là người đại diện đàng trai đi cưới vợ cho tôi sau khi ba tôi đã qua đời. Ngoài nhà vẽ Quí Hữu, tôi còn gặp một hoạ sĩ vẽ chân dung thường ngồi vẽ trước tiệm hớt tóc Tòng Bá ở chợ Vĩnh Long. Hoạ sĩ này chỉ có mặt vài tháng ở Vĩnh Long rồi di chuyển qua tỉnh khác. Trường tiểu học Tân Giai có một giáo viên dạy vẽ cho học sinh là thầy Trần Hổ, tôi được ông dạy vẽ cơ bản và thường đến nhà xem ông vẽ tranh, sau này lớn lên, tôi về Vĩnh Long mời ông tham gia triển lãm chung ở Cần Thơ. Lúc tôi học ở Sài Gòn biết thêm một hoạ sĩ tài hoa gốc Vĩnh Long là Hoạ sĩ Lê Mậu. Ông học Mỹ thuật Biên Hoà, sau đó, chuyển ra học Mỹ thuật Đông Dương. Ông dạy Mỹ thuật Biên Hoà, Gia Định cho đến lúc về hưu. Trước năm 1975, miền Tây Nam bộ có rất nhiều hoạ sĩ tài danh, An Giang có hoạ sĩ Hà Khê; Cần Thơ có Trần Đình Nghĩa; Trà Vinh có hoạ sĩ Văn Đen; Mỹ Tho có hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm…

Sau 1975, hai miền thống nhất, nhiều hoạ sĩ gốc miền nam từ miền bắc về như Diệp Minh Châu, Ca Lê Thắng, Nguyễn Sáng, Thanh Châu, Trần Trung Tín..Số lượng hoạ sĩ càng ngày càng đông đảo. Vùng đất phù sa sản sinh nhiều tài năng nghệ thuật sáng danh trong nước và thế giới như hoạ sĩ Lê Văn Đệ từng đoạt giải La Mã. Tôi mang ơn cô Băng Lĩnh, thầy Tôn, thầy Trần Hồ, những người đã khơi mở tâm hồn nghệ thuật cho tôi và tôi dấn thân vào đó như một cái nghiệp đeo đẳng suốt đời.

Chiến sự ngày càng lên cao, đêm giao thừa Tết Mậu Thân tôi và vài người bạn lang thang giữa phố Đà Nẵng. Tiếng súng nổ rền vang hoà cùng tiếng pháo, những thân người ngã xuống, chúng tôi hốt hoảng chạy giữa làn mưa đạn. Tiếng nổ trước mặt, tiếng rít sau lưng, xen lẫn tiếng còi xe cấp cứu. Tôi như đi trong cơn ác mộng, từng dãy, từng hàng băng ca sắp dài hành lang bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. Những thân người cháy nám, những cơ thể oằn oại đau đớn, người băng đầu băng bụng, người đứt hẳn cả hai chân, những thân thể nhàu nát, những đôi mắt hốt hoảng trợn trừng. Chẳng thể nào thể hiện hết những nỗi đau tàn khốc của chiến tranh, sự chết chóc, sự đau khổ bủa vây đầy trên mặt đất mà chúng tôi đang sống. Mang nỗi đau đó, người bạn của chúng đã thực hiện bức tranh Chứng tích triển lãm ở Sài Gòn làm xao động giới hoạ sĩ, báo chí lúc bấy giờ.

Sau bốn năm ở Đà Nẵng, tôi xin chuyển về Cần Thơ. Như nước về nguồn, giang hồ lưu lạc nay trở lại quê nhà,lòng tôi vui vô kể. Những năm tháng ở Đà Nẵng, không gian trải dài nửa phần đất nước, tôi đã ngắm nhìn đất nước quê hương với bao nỗi buồn vui.

Từ trên cao nhìn xuống màu xanh bát ngát của núi rừng, màu hồng của đất đai, màu vàng của đồng ruộng, những mảng màu tươi xanh xen lẫn những ô vuông dài ngắn của phố xá nhà cửa như một bức tranh tuyệt đẹp với nhiều màu sắc thay đổi theo thời gian, tôi thấy lòng mình bồi hồi xúc cảm. Tiếc thay lịch sử khắc nghiệt, chiến tranh tàn khốc đã huỷ diệt từng ngày, từng ngày, hàng tấn bom đạn đã đổ xuống tàn phá quê hương. Buổi xế ở quán cà phê Mây Hồng, bạn bè tụ họp, điểm danh ai còn ai mất, hay kể chuyện xảy ra hằng ngày trên mảnh đất mình đang sống. Có lần người bạn kể chuyện nhà thơ Luân Hoán trong một lần áp tải tù binh từ tiền đồn về thị trấn, đến một đoạn đường hoang vắng gồ ghề, anh cao hứng bắn súng chỉ thiên và thả cả ba người tù binh chạy trốn vào rừng. Với chúng tôi, chiến tranh vô cùng phi nghĩa, chẳng ai muốn cầm súng bắn giết anh em cùng dòng máu, cùng màu da, cùng dân tộc mình, nhưng cái chết vẫn xảy ra hằng ngày, hằng giờ, nỗi đau thương như bao trùm khắp xóm làng khi súng đạn nổ vang. Xe vẫn chạy, bụi cuốn lên mù mịt, những người bạn nhìn nhau buồn bã, biết bao giờ cho hết chiến tranh. Làm thế nào để thoát khỏi không gian mờ mịt u ám của cuộc chiến? Những quyển sách, những câu kinh, những đạo đức, những hoà ái, những bài học ở trường như tan vỡ trong tôi. Tôi đang trốn chạy hay tìm đường thoát? Tôi là ai? tôi phải làm thế nào? tôi là người khách lạ trên quê hương hay là chứng nhân của lịch sử, tôi rối bời trong đám bùng nhùng của ý tưởng và cuộc sống cứ đẩy tôi trôi.

Về Cần Thơ, tôi như cá gặp nước. Tôi trở về với dòng sông đầy ắp phù sa, về với bao kỷ niệm thuở ấu thơ. Tôi gặp gỡ bạn bè, anh em văn nghệ. Tôi lao vào sáng tác, những tác phẩm mang nỗi buồn, dấu ấn thân phận con người trong cuộc chiến. Tôi tìm thấy sự thức tỉnh trong sáng tạo, sự thánh thiện và bình an trong từng nhát cọ. Tôi tìm thấy sự truyền đạt bằng ngôn ngữ yêu thương của màu sắc. Tôi đọc thêm nhiều sách, gặp thêm nhiều người. Dường có sự thúc giục nào đó trong tôi, giúp tôi thêm nhiều niềm tin vào con đường mình đang tới. miền Tây tương đối yên tĩnh hơn, các cuộc chiến không khốc liệt như miền Trung, dù lính Mỹ và các cố vấn Mỹ cũng hiện diện khắp phố. Năm 1970, tôi tổ chức triển lãm tại Thư viện Vĩnh Long. Sau đó, triển lãm nhóm tại Cần Thơ.

Năm 1971, tôi triển lãm cá nhân tại Trung tâm Văn hoá Mỹ tại Cần Thơ. Năm 1973, triển lãm cá nhân tại trường Phan Thanh Giản. Sau mỗi cuộc triển lãm, tôi có thêm nhiều bạn bè văn nghệ. Trong đó, có một số hoạ sĩ như Nguyễn Thân, Ngô Bá Đản, Trần Đình Nghĩa và quen biết thêm nhiều nhà văn nhà thơ như Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Hoài Thư, Trịnh Bửu Hoài, Trần Kiên Thảo. Chúng tôi cùng nhau thành lập quán Góp Gió để anh em văn nghệ có nơi họp mặt, giới thiệu sáng tác. Đặc biệt là quen biết thêm nhà thơ Chu Tấn và hoạ sĩ Ngy Cao Uyên. Họa sĩ Ngy Cao Uyên làm việc ở Cần Thơ nhưng thường xuyên về Sài Gòn hoạt động nghệ thuật, ông là một trong những người thành lập Hội hoạ sĩ trẻ Sài Gòn. Tôi gặp ông cũng là một duyên may, ông đã giúp đỡ cho tôi có môi trường để sáng tác. Ngoài giờ rảnh, ông cho phép tôi đến nhà xem kho sách về nghệ thuật thế giới mà ông đã sưu tầm, đã mua gần ba tấn sách từ Mỹ mang về. Nhờ có ông, tôi không cần phải có mặt ở phi trường, ba bốn tháng, tôi chỉ vô trình diện một lần, còn bình thường tôi ở nhà sáng tác và hoạt động văn nghệ, báo chí cùng với bạn bè. Lúc đó, Góp Gió là một quán cà phê nằm bên bờ sông Cái Khế, ngay chợ Mít Nài, là nơi để anh em văn nghệ lui tới, đủ mọi thành phần, sinh viên học sinh, lính tráng, kể cả những anh em trốn lính, đào ngũ tụ tập hoạt động văn nghệ. Chúng tôi tổ chức in báo, đọc thơ, triển lãm và có lúc mời cả gia đình nhạc sỹ Phạm Duy tổ chức đêm ca nhạc.

                                                                                 Họa sĩ Ngy Cao Nguyên

Anh em văn nghệ góp tiền thuê nhà làm quán cà phê Góp Gió với sự hỗ trợ lớn của Trần Như Huỳnh và hoạ sĩ Ngy Cao Uyên. Góp Gió quy tụ anh em văn nghệ Cần Thơ và cả các bạn văn nghệ giang hồ lưu lạc, trốn lính, tạo nên không gian sinh hoạt thơ ca văn nghệ thuật rất sôi động. Trong những đêm thơ, hoà nhạc, bình luận văn chương lúc đó có tổ chức cả đêm thơ Quang Dũng chủ đề Đôi mắt người Sơn Tây gây tiếng vang lớn, càng ngày anh em càng đông, Phan Tấn Thi, Vũ Hữu Định, Tường Bá, Bùi Đức Long có mặt thường xuyên.

                                                                  Tác phẩm của Họa sỹ Ngy Cao Uyên

Họa sỹ Ngy Cao Uyên sáng lập ra nhà xuất bản Con Đuông và bỏ tiền in thơ cho các tác giả Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Du tử Lê, Nguyễn Tôn Nhan, Trần Hoài Thư, Thanh Nam, Trần Dạ Từ, Hồng Lĩnh, Ngy Cao Uyên, Trần Hữu Dũng, Chu Ngạn Thư, Lúc đó, tôi là người vẽ bìa cho các tập thơ, mỗi một tập là mỗi tranh bìa, không bìa nào giống nhau, đó cũng là những kỷ niệm độc đáo mà tôi đã làm cho bạn bè văn nghệ.

Đất nước đang lâm vào cảnh chiến tranh khốc liệt, tôi may mắn gặp một số anh em nghệ sỹ yêu thương mở không gian sống, sinh hoạt sáng tác nghệ thuật, tôi lao vào sáng tác chỉ mong đền đáp ơn đời. Trong lòng tôi lúc nào cũng luôn nhớ ơn nhà thơ Nhân Hậu, họa sỹ Ngy Cao Uyên hay bạn bè thân tình như Đặng Văn Cử, Lương Bạch Mai…

Cuộc đời con người là một hành trình qua bao chặng đường, có những chặng bình an dễ dàng vượt qua, nhưng có những chặng khó khăn nguy hiểm cứ tưởng có thể làm ta gục ngã, nhưng với ý chí và sự quyết tâm, chúng ta có thể chinh phục những đỉnh cao hoặc đi qua những vực sâu mà chính chúng ta đôi khi cũng không biết được.

Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lênh đênh, lăn lóc trong một đất nước chiến tranh triền miên, tiếp cận những mảnh vỡ của các nền văn hoá của những dân tộc xung quanh, tôi còn hạnh phúc gặp gỡ những người anh, người bạn giúp tôi thêm nghị lực tiếp tục niềm đam mê khát vọng của mình.

Tôi vẫn vẽ, vẫn sáng tác, nhưng có lúc cũng cảm thấy lạc lõng mơ hồ. Những cảm xúc, những mơ mộng có lúc vỡ oà trong tôi, nhưng cũng có lúc chìm khuất trong bóng đêm của trí tưởng. Đôi khi tôi tự nói với chính mình, nhưng cũng có lúc tôi buông hết để cho dòng xúc cảm trôi đi. Tôi vẽ, rồi lại bôi xoá, rồi lại vẽ. Những nhát bay, nét cọ cào xước trong tâm tưởng, tôi như chìm trong cơn mơ. Vẽ là niềm vui, là sự giải toả những nỗi đau cùng cực trong tôi. Tôi sợ những cơn mơ với hình ảnh người chết cháy, người rên siết trong cơn đau. Tôi sợ những đôi mắt trợn trừng, những tiếng khóc nỉ non của người còn lại. Có khi tôi như người chìm đắm trong quá khứ và lạc lõng giữa tương lai. Có đôi khi tôi quên mất mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì? Đọc ngàn trang sách vẫn không hiểu hết, sống ngày qua ngày vẫn không biết được sẽ sống đến đâu? Màu sắc như biến ảo, đường nét như nhập nhoà. Có lúc tôi thấy mình như trẻ thơ, cứ để những nét vẽ trôi đi trong vô thức, có lúc tôi thấy mình như người cổ xưa ghi dấu những nét khắc trong hang động xa xưa. Dòng chảy của cuộc sống đã kéo tôi trôi. Có lúc tôi quăng cọ, mê đàn, mê những câu hát, câu hò, câu kinh, câu thơ trong từng trang sách. Tôi mê say tiếp cận thu lượm mọi thứ, văn chương, bình luận, nghiên cứu, sân khấu điện ảnh. Nhưng hình như góp nhặt mọi điều bỏ vào ba lô không đáy, Túi càn khôn vẫn mãi trống không. Nhìn lại mọi chặng đường, tôi thấy mình không có gì. Mọi thứ đều mất hút. Những khoảnh khắc trôi qua thật vô nghĩa và tôi lại tiếp tục đi tìm.

Cần Thơ là một tỉnh thành lớn ở miền Tây nam bộ, lác đác còn vài công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Từ khi lính Mỹ có mặt ở miền nam, Cần Thơ là điểm chiến lược quân sự có hai phi trường Bình Thuỷ và Trà Nóc. Đêm về, Cần Thơ soi mình qua mặt nước sông Hậu mênh mông. Chợ Cần thơ nép mình bên bờ sông, bến Ninh Kiều ghe tàu tấp nập. Bên kia sông, xóm chài bóng đèn hiu hắt, khu vực này tàu chiến, tàu tuần tra qua lại lên xuống trên sông suốt ngày đêm. Trên bầu trời đêm, những phi cơ thám thính ru dài tiếng động cơ vang trong gió, cùng tiếng đại bác vọng từ xa như nhắc nhở cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Dòng sông Hậu hiền hoà vẫn chảy theo con nước. Mùa mưa, nước đỏ ngầu do phù sa từ nguồn đổ xuống, bỗng cuộn sóng khi những chiếc tàu chiến đi qua. Ánh sáng đèn dập sóng như những mảnh thuỷ tinh tan vỡ. Đêm dường như bất an khi những chiếc xe nhà binh nối đuôi nhau, Bình Thuỷ, Cái Răng, Cái Tắc. Trong tôi phập phồng nỗi lo khi tiếng pháo kích nổ vào phi trường. Chiến tranh càng ngày càng lan rộng.

Dòng sông Hậu vẫn cuộn chảy mang đầy phù sa, tôm cá nuôi dưỡng sự sống cho con người. Dòng chảy vẫn thắm đẫm tình yêu thương đồng loại. Sự đùm bọc chia sẻ của người miền Tây rất đỗi đậm đà, nó đánh thức niềm tin yêu trong tâm hồn con người lang bạt trôi nổi của tôi. Dòng sông như lòng người luôn bình dị, bao dung, dù có lúc giận hờn phút chốc rồi cũng trở về bình thản, sông vẫn lặng lờ trôi.

Con đường từ Cần Thơ về Vĩnh Long hơn ba mươi cây số, mỗi tuần tôi về thăm ba má và các em ở Cầu Cá Trê. Tôi được người bạn lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một chiếc Honda dame đầy xăng, ăn sáng xong rồi mới lên đường. Tôi có thói quen muốn đi đâu thì đi không báo trước, bất ngờ, thình lình, có khi ở lại Vĩnh Long cả tháng, bất cần kỷ luật, bất chấp hệ thống làm việc, nếu không có sự rộng lượng và bao dung của bạn bè không biết tôi sẽ ra sao?…

Sinh ra từ vùng đất phù sa, đồng bằng mênh mông nằm giữa những dòng sông bao quanh, tháng ngày đối diện và soi rọi từ dòng nước bao la sâu thẳm, dòng sông dài chất chứa bao nhiêu câu chuyện cổ tích, bao nhiêu thánh tích, huyền thoại, tôi lớn lên từ những bài hát ru, câu hò câu hát dân dã yêu thương. Như một bản trường ca bất tận dòng sông chảy miệt mài theo năm tháng, theo từng mùa mưa nắng, có lúc vơi lúc đầy, lúc ngọt lúc lợ. Tôi trôi theo dòng sông như đám lục bình trôi qua bao bến bờ, lau lách.

(Còn tiếp…)

              LÊ TRIỀU ĐIỂN

T                                                                 Tác phẩm Trâu xanh của Lê Triều Điển

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác