Góc Việt Cổ Thi : Thơ NGUYỄN TRUNG NGẠN (Phần 2)

Ngày đăng: 13/12/2020 07:12:59 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
6. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu :
     黃鶴樓                  Hoàng Hạc Lâu
旅懷何處可消憂,    Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu ?
黃鶴磯南一倚樓。    Hoàng hạc cơ nam nhất ỷ lâu.
夏口遠帆來別浦,    Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
漢陽晴樹隔滄洲。    Hán Dương tình thọ cách thương Châu.
樓前歌管迴翁醉,    Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
檻外煙波太白愁。    Hạm ngoại yên ba Thái Bạch sầu.
猛拍欗杆還自傲,    Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
江山奇絕我茲遊。    Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du !
              阮忠彥                        Nguyễn Trung Ngạn
     Inline image
* Chú Thích :
  – Lữ Hoài 旅懷 : LỮ là Ở xa nhà, HOÀI là Nỗi lòng, nên LỮ HOÀI là Nỗi lòng của người xa xứ.
  – Tiêu Ưu 消憂 : là Tiêu trừ ưu tư, là Làm cho hết buồn lo.
  – Hoàng Hạc Cơ 黃鶴磯 : là núi đá nhô lên trên Xà Sơn của thành phố Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Tương truyền có tiên nhân Tử An cởi hạc ghé ngang qua đây, nên mới có tên là HOÀNG HẠC CƠ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên Hoàng Hạc Cơ nầy.
  – Hạ Khẩu 夏口 : Nằm trong quận Giang Hạ, là Hán Khẩu của thành phố Vũ Hán hiện nay, nằm ở phía đông của Hán Thủy và bờ bắc của sông Trường Giang.
  – Hán Dương 漢陽 : Địa danh nằm ở phía tây Hoàng Hạc Lâu và ở bờ bắc của sông Hán Thủy.
  – Thương Châu 滄洲 : Phiếm chỉ Đại từ dùng để chỉ những bến nước hay cồn đảo, nơi mà ngày xưa các ẩn sĩ hay tìm đến để ở. Còn THƯƠNG CHÂU 滄洲 (địa danh) là thành phố lớn phía đông nam của tỉnh Hà bắc, phía đông giáp biển Bột Hải, phía bắc giáp thành phố Thiên Tân, cách Hoàng Hạc lâu rất xa.
  – Hồi Ông Túy 迴翁醉 : Chỉ Ông đạo sĩ trở lại uống rượu say sưa lần chót trên lầu, rồi thổi tiêu cho hạc bay xuống và cởi hạc đi mất.
  – Thái Bạch Sầu 太白愁 : Thi tiên Lý Bạch buồn vì không làm thơ được trước bài thơ qúa hay của Thôi Hiệu.(Mời đọc bài Hoàng Hạc Lâu theo link dưới đây sẽ rõ :   57 . Hoàng Hạc Lâu & …. – Đỗ Chiêu Đức 1

57 . Hoàng Hạc Lâu & …. – Đỗ Chiêu Đức 1

 

  – Mãnh Phách 猛拍 : là Vỗ mạnh, vỗ đánh đét vào …cái gì đó.
  – Tư 茲 : là Nay, là Nầy. TƯ DU 茲遊 là Nay ta được dạo chơi ở đây.
                       Inline image
* Nghĩa Bài Thơ :
                                    LẦU HOÀNG HẠC
        Nỗi lòng của người xa xứ biết nơi nào mới có thể tiêu sầu được đây ? Chỉ có đứng vựa vào lầu để ngắm lầu Hoàng Hạc trên Hoàng Hạc Cơ mà thôi ! Từ cửa Hạ Khẩu ta thấy những cánh buồm xa xa đến từ những bến bờ khác, Cách các cồn đảo trên sông nước ta thấy hàng cây xanh bày ra bên bờ Hán Dương xa xa. Trước lầu tiếng tiêu thiều ca múa như lúc ông đạo sĩ uống say trở lại, và bên ngoài lầu khói sóng trên sông làm cho Lý Thái Bạch phải buồn bã vì không làm thơ được. Ta vỗ mạnh vào lan can mà tự mãn nguyên rằng, ngày hôm nay, tại nơi đây ta cũng đã ngắm được cảnh núi sông kỳ tuyệt nầy.
         Vẫn giữ vần điệu và âm vận bất hủ của bài “Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu” với các vần như LÂU, CHÂU, SẦU … làm người đọc có cảm giác như đây là  một tục bản của Hoàng Hạc lâu thuở nào . Sau nầy cụ Nguyễn Du và Phan Thanh Giản khi đi sứ phương bắc cũng có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu, mặc dù không theo các âm vận trên, nhưng cũng có nét độc đáo riêng của Lầu Hoàng Hạc nên thơ và gợi cảm theo cách nhìn và cảm xúc của từng người theo từng thời đại …
* Diễn Nôm :
                       HOÀNG HẠC LÂU
                  Inline image
                 Nỗi lòng viễn xứ tỏ nơi đâu ?
                 Đứng tựa nam cơ Hoàng Hạc Lâu.
                 Hạ Khẩu buồm xa từ bến lạ,
                 Hán Dương cây tạnh cách thương châu.
                 Trước lầu tiêu sáo ông say đến,
                 Ngoài bãi khói sông Lý Bạch sầu.
                 Vổ mạnh lan can lòng tự mãn,
                 Núi sông tuyệt đẹp khỏi tìm đâu !
    Lục bát :
                 Lòng sầu lữ khách khôn khây,
                 Lên lầu Hoàng Hạc ngắm mây cuối trời.
                 Cánh buồm Hạ Khẩu ngoài khơi,
                 Hán Dương trời tạnh cây phơi bãi cồn.
                 Trước lầu tiêu sáo dập dồn,
                 Ngoài hiên Lý Bạch chợt buồn vì thơ.
                 Lan can vổ mạnh chẳng ngờ,
                 Núi sông thắng cảnh hiện giờ riêng ta !
                                               Đỗ Chiêu Đức
 
7.Bài thơ Hồi Nhạn Phong :
    回鴈峰                     HỒI NHẠN PHONG
竹露松煙曉翠岩,   Trúc lộ tùng yên hiểu thúy nham,
參差亭下出青嵐。   Sâm si đình hạ xuất thanh lam.
山頭回去秋風雁,   Sơn đầu hồi khứ thu phong nhạn,
誰為傳書到嶺南。   Thùy vị truyền thư đáo Lĩnh Nam ?
               阮忠彥                        Nguyễn Trung Ngạn
   Inline image
* Chú Thích :
  – Hồi Nhạn Phong 回鴈峰 : Địa danh, nằm ở thành phố Hành Dương tỉnh Hồ Nam. Độ cao hơn mặt nước biển 96.8 m, đứng đầu trong 72 ngọn núi cao của Nam Nhạc, xưng là Nam Nhạc Đệ Nhứt Phong. Tương truyền, khi nhạn xuôi nam, bay đến đây đều quay ngược trở về, nên mới có tên là Hồi Nhạn Phong.
  – Hiểu Thúy Nham 曉翠岩 : HIỂU là Buổi sáng, THÚY là Màu xanh biếc, NHAM là Nham thạch, là những tảng đá xanh biếc trong buổi sáng.
  – Sâm Si 參差 : Vốn là chữ THAM 參 và chữ SAI 差, ở đây ghép lại thành Hình Dung Từ, nên đọc là SÂM SI : có nghĩa là So le, cao thấp không đều nhau. Trong Thiên ” Chu Nam. Quan Thư 周南. 關雎 ” trong Kinh Thi có bài :
          參差荇菜,左右流之。Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
          窈窕淑女,寤寐求之。Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi.
          求之不得,寤寐思服。Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục.
          悠哉悠哉,輾轉反側。Du tai du tai, Triển chuyển phản trắc.
Có nghĩa :
           So le rau Hạnh, phải trái xuôi dòng.
           Yểu điệu thục nữ, đêm nhớ ngày mong.
           Cầu mà chẳng được, thức ngủ nhớ mong.
           Dài thay dài thay, trăn trở mấy vòng !
Lục bát :
              Inline image
                    Kìa xem rau hạnh so le,
              Theo nước trong xè, phải trái chảy đi.
                    Cô em yểu điệu nhu mì,
              Ngày mong đêm nhớ kể gì thời gian.
                    Cầu mà chưa được chẳng an,
              Thức ngủ mơ màng, đêm nhớ ngày mong.
                    Dài ghê đêm tối mông lung,
              Nằm mãi trong mùng, trăn trở trở trăn !
                                       (ĐCĐ diễn Nôm)
  – Thanh Lam 青嵐 : THANH là màu xanh, nhưng LAM 嵐 ở đây là “Sơn Lam Chướng Khí” chứ không phải màu xanh LAM 藍.
  – Lĩnh Nam 嶺南 : Xưa chỉ Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và vùng đồng bằng sông Hồng bắc Việt Nam. Ngày nay chỉ dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông, Hải Nam và Hương Cảng. Trong bài thơ Nguyễn Trung Ngạn mượn để chỉ Việt Nam nơi quê nhà.
* Nghĩa bài thơ :
                           HỒI NHẠN PHONG
        Những cây trúc đẫm sương đêm, những cây thông mờ hơi khói và những tảng đá xanh biếc trong buổi sáng, nằm so le ẩn hiện dưới mái đình nhuốm đầy sơn lam chướng khí. Trên đầu núi những con nhạn bay đến khi gió thu thổi đã bay hết cả trở lại, thì còn ai đâu có thể giúp ta đưa thư về quê nhà ở đất Lĩnh Nam của ta đây ?
* Diễn Nôm :
                         HỒI PHONG NHẠN
                  Inline image
                  Đá xanh tùng trúc khói sương pha,
                  Ẩn hiện dưới đình lam chướng xa.
                  Thu nhạn quay đầu trên đĩnh núi,
                  Thư ai đưa đến Lĩnh Nam ta ?!
     Lục bát :
                  Khói sương tùng trúc đá xanh,
                  Thấp cao ẩn hiện dưới đình sơn lam,
                  Núi cao ngăn nhạn xuôi nam,
                  Ai người đưa hộ Lĩnh Nam thư nhà ?!
                                                 ĐCĐ diễn Nôm
8. Bài thơ Kinh Môn :
      荊門                           KINH MÔN
溪風溪雨作黃昏,    Khê phong khê vũ tác hoàng hôn,
夜泊東昌近酒村。    Dạ bạc đông xương cận tửu thôn.
歡伯澆愁眠正熟,    Hoan bá kiêu sầu miên chính thục,
西風吹夢到荊門。    Tây phong xuy mộng đáo kinh môn.
               阮忠彥                               Nguyễn Trung Ngạn
          Inline image
* Chú Thích :
  – Kinh Môn 荊門 : KINH là một loài cây cỏ mọc từng bụi, cao bốn năm thước, lá như cái bàn tay, hoa nhỏ, sắc tím hơi vàng, cành gốc cứng rắn, mọc rải rác ở nơi đồng áng làm lấp cả lối đi, tục gọi là Cỏ Gai. Nên KINH MÔN là cửa đan bằng cỏ gai, ý chỉ cửa sơ sài của quê nghèo; chớ không phải chỉ Thành phố Kinh Môn nằm bên bờ sông Trường Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Hoa.
  – Khê 溪 : là Khe nước trong núi chảy ra sông lớn.
  – Đông Xương 東昌 : Địa danh được đặt vào đời nhà Nguyên, nay thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Hoa.
  – Hoan Bá 歡伯 : là Cái “Ông bác vui vẻ”, tên riêng để gọi Rượu.
  – Kiêu 澆 : có 3 chấm thủy bên trái, nên KIÊU có nghĩa là Tưới tiêu. Hoan Bá Kiêu Sầu 歡伯澆愁 : Có nghĩa Rượu tưới lên sầu, ý nói “uống rượu để giải sầu”.
* Nghĩa bài thơ :
                                           KINH MÔN
       Gió và mưa trong khe suối tạo nên bức tranh của cảnh hpoàng hôn, ta ghé thuyền đậu ở bến Đông Xương gần xóm rượu. Định uống rượu để giải sầu không ngờ lại ngủ quá say, nhờ gió tây thổi đưa giấc mộng về đến quê hương.
* Diễn Nôm :
                           KINH MÔN
                      Inline image
                   Gió khe mưa núi cảnh chiều tà,
                   Đêm ghé Đông Xương xóm rượu qua.
                   Mượn chén tiêu sầu say tuý luý,
                   Gió tây đưa mộng đến quê nhà !
     Lục bát :
                   Mưa khe gió núi hoàng hôn,
                   Đêm về thuyền ghé tửu thôn ben bờ.
                   Tiêu sầu quá chén vào mơ,
                   Gió tây đưa mộng dật dờ về quê !
                    Đỗ Chiêu Đức 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác