BẾN SÔNG CHIỀU

Ngày đăng: 13/12/2020 10:36:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Ngồi trên Bến chiều quê nhà nhìn con nước xuôi về miệt dưới , hạ lưu sông Tiền trong lòng tui yên ả như mặt sông không gợn sóng . Từ đây mà tui…..thả trôi về Nha Mân quê ngoại tầm tầm 60 cây số. Cùng một dòng sông con nước lớn ròng chảy xuống chảy lên ngày một, vậy mà gần năm rồi từ Thanh Minh năm ngoái tui chẳng về thăm Sông Dưa đã một thời gắn bó tuổi thơ tui. Nơi đó ông bà bên tui và cả ba tui đang yên nghỉ ; còn nơi nầy ông bà cha mẹ bên chồng và cả chồng tui yên giấc ngàn thu. Nơi đó , cả năm tui về thăm giỏi lắm hai lần ; nơi nầy , tui lại siêng về , nghĩ mà ngậm ngùi cái câu ” nữ sanh ngoại tộc ” .

Tui thích bài hát ” Chiều về trên sông ” của Phạm Duy vì nó ca ngợi quê hương tui , càng thích khi nghe Thái Thanh hát, thương quê hương mình mênh mông hùng vĩ có cả sự yêu kiều như Bến Chiều chổ tui đang ngồi ngó mông nhìn con nước. Tui đặt tên bến sông nhà là Bến Chiều vì cứ chiều về , tui hay xuống bến ngắm hoàng hôn , ngắm mặt trời lặn bên kia sông chớ sáng hay chiều cái bến vẫn là cái bến có cầu dừa bắc xuống sông cho tiện trong việc đi xuống đi lên .
Bên kia sông là Cồn Phước. Cồn thì nhỏ hơn Cù lao nhưng đất phù sa mầu mỡ hơn nhiều. Nhà nào có bờ sông bên lỡ thì khóc lên khóc xuống vì lỡ đất, nhưng nhà bên bồi thì sung sướng dài dài bởi vì cứ hằng năm bà Thủy mến tặng cho vài mét đất do phù sa bồi đắp .
Tui xuống cây cầu dừa ngồi vọc nước , rửa mặt rửa chân bằng nước phù sa cho làn da bánh mật của tui càng sậm màu dân dã nhà quê . Tui ngâm bàn chân trần trong nước mát nghe dễ chịu đến lạ thường. Những con sóng dạt vào bờ làm đám lục bình bềnh bồng nhấp nhấp nhô nhô trông đến lạ. Mùa nầy lục bình chưa trổ hoa , tui cũng tiếc vì không ngắm được màu tím lục bình làm bát ngát khúc sông quê.Tự nhiên tui nhớ cái vị ngon ngót của đọt lục bình khi ăn kèm với mắm kho , cái vị quê nhà và cái mùi quê hương từ con mắm cá linh cá sặc , không đặc sản nào thay thế được. Hay tại tui-nhà-quê , nên tui chỉ thích món ăn quê . Hồi nhỏ khi thấy thợ cấy tước đọt lục bình làm rau chấm mắm đồng ăn cơm đơn giản , tui phát sợ vì nghĩ đọt lục bình ăn vô là ngứa họng chết luôn ! Sau nầy tui biết đọt lục bình ăn cũng được , nó là thứ rau dân dã luôn có sẵn trên sông , dưới bãi , khỏi mất công trồng .
Tui thích cái dáng vẻ thanh mãnh của hàng lau sậy mé nước dọc bờ sông , nó vừa đủ cứng để vươn lên vừa đủ mềm để ngã rạp theo chiều gió , rồi lại ngóc đầu đứng thẳng liền khi sau mưa gió. Cách nó đương đầu với phong ba dạy tui bài học sinh tồn, dù chỉ …bất thành văn . Mỗi ngày , nước sông Tiền vẫn trôi xuống trôi lên . Hồi nhỏ nghe Bà ngoại tui nói ” xuống Vãng Long ” hay ” lên Sa Đéc ” tui định vị hoài mà không biết thế nào là xuống hay lên. Sau nầy , bất học tự nhiên thành cũng ngộ ; sau nầy tui không bị sai khi nói đi xuống đi lên mà còn biết luôn miệt trên miệt dưới khi ở một chổ trên bờ , từ thượng nguồn xuống hạ nguồn hay ngược lại .Mỗi lần tui nói ‘ đi xuống đi lên’ , tui nhớ bà ngoại tui hết sức.
Thường khi về đây , tui hay ngồi chơi trên Bến Chiều cho tới khi mặt trời lặn hẳn bên Cồn Phước mới vô nhà. Bên kia Cồn , hồi xưa là nhà bác Bảy, là bác ruột của chồng tui. Cồn vẫn còn đó nhưng bác bảy đã không còn , cả nhà cửa và mã mồ của hai bác cũng bị di dời vì dự án.
Tui nhớ chị Út Nhạn , người chị bà con đầu ông nội nhà chồng cũng sống bên cồn. Chỉ ốm nhách ốm nhom, ốm còn hơn siêu mẫu , chị bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu qua lại cù lao Giêng làm mướn , buổi chiều chị chống xuồng về cồn Phước cũng từ bến sông nầy. Chị và chiếc xuồng chìm vào hoàng hôn , chìm vào bóng tối. Ông bà cho chị đất cát mênh mông vậy đó mà chị chết trong sự nghèo nàn và bệnh tật . Bây giờ con cái chị lại đổi đời , tụi nó giàu nhì nhất xứ nầy nhờ biết kinh doanh đất đai từ chính chị để lại cho chúng nó.
Ngồi chơi trên Bến Chiều , tui nhớ đủ thứ chuyện trong đời như xem lại những thước phim tư liệu riêng của mình. Hồi nhỏ ngồi bến chiều ở Nha Mân dưới sự giám sát của bà ngoại vì bà thấy mấy đứa trai làng đi qua đi lại dòm hành ! Thiệt ra trong lòng tui cũng …khoái mà bà ngoại lại không ưa. Biết tui là con gái ở tỉnh , về quê như cô Thắm về làng nên tụi nó hay buông lời trêu ghẹo , bà ghét chuyện đó còn hơn ghét hủi ; bà từng xách chổi tàu cau rượt tụi nó chạy có cờ , rồi bà lôi đầu tui lên bờ , vô nhà …”nhốt’ lại như cất đi …hủ mắm.
Cũng một dòng sông , trôi xuống là tuổi thơ của tui , là Sông Dưa quê ngoại Nha Mân, trôi lên là tuổi già của tui với làng Tấn Mỹ Cù lao Giêng. Hồi chín mười tuổi bà ngoại luôn canh chừng tui khi tui ngồi trên cầu ở bến sông múc từng gáo nước phù sa tắm mát vì bà sợ …ma da rút giò tui xuống nước ! Rồi lớn lên bà cũng phải .. canh chừng khi tui đòi xuống bến nhìn mặt trời lặn bên kia sông vì con trai lảng vãng trên bờ ! Giờ , một mình tui nơi Bến Chiều Cù lao Giêng cô tịch , tui hội ngộ với ký ức trùng trùng , tràn trề trong óc trong tim. Không có gì là buồn , cũng chẳng có gì vui , mà là sự yên tĩnh đất trời hòa quyện vào sự an định tự thân , dễ chịu.. Chắc già ai cũng vậy , ai cũng thích quay về một miền ký ức , để sống thêm lần nữa cho đủ tình trước khi nó bị phôi pha? Thích cái, tui khỏi phải xếp hàng , khỏi phải tốn tiền mua một vé trở lại tuổi thơ, thiệt tiện !
13.12.2020
Nguyễn Ngọc Hạnh
H1
H2
H3H4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác