NHẠC SĨ PHẠM MẠNH CƯƠNG

Ngày đăng: 13/11/2020 06:11:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Xứ Huế là một trong những nôi phát triển rực rỡ của tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tiên. Xuất phát từ nhà xuất bản Tinh Hoa – Huế của ông Tăng Duyệt và đài phát thanh Huế, nhiều ca sĩ – nhạc sĩ người Huế đã được công chúng đón nhận và yêu mến cho đến ngày nay. Những nhạc sĩ này sau đó đã vào Sài Gòn và trở thành thế hệ tiên phong đóng góp, xây dựng nên làng nhạc miền Nam với trăm hoa đua nở, tiêu biểu có thể kể đến là nhạc sĩ Châu Kỳ, Văn Giảng, Lê Mộng Bảo, Đỗ Kim Bảng, và Phạm Mạnh Cương.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, ngoài việc đóng góp cho âm nhạc Việt Nam nhiều ca khúc bất hủ như Thu Ca, Thương Hoài Ngàn Năm, Mắt Lệ Cho Người Tình, Thung Lũng Hồng, Cho Nhau Lời Nguyện Cầu… Ông còn là người chủ trương thực hiện nhiều băng nhạc chủ đề Phạm Manh Cương có giá trị và rất phổ biến trước năm 1975, giới thiệu được nhiều bài hát đến với công chúng yêu nhạc, và rất nhiều bài trong số đó đã trở thành bất tử, sống mãi trong nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh năm 1933 tại Huế, tỉnh Thừa Thiên, là con thứ 5 trong một gia đình có 9 anh em. Cha của ông là một người yêu thích cổ nhạc và biết sử dụng đàn và sáo. Từ nhỏ, Phạm Mạnh Cương đã say mê âm nhạc Tây phương, năm 12 tuổi ông bắt đầu học sáo, sau đó chuyển sang học guitar, piano, kèn…Phạm Mạnh Cương chủ yếu tự mày mò và theo học các đàn anh ở Huế là nhạc sĩ Ngô Ganh, Văn Giảng, Nguyễn Hữu Ba, Lâm Tuyền…, sau đó được tham gia chơi nhạc ở đài phát thanh Huế.

Năm 1951, ông sáng tác bài hát đầu tay mang tên Mái Trường Xưa rất phổ biến ở Huế thời kỳ đó. Bài hát mang nhiều kỷ niệm của thời học sinh khi ông đang theo học trường Khải Định (sau này là trường Quốc Học) ở ngay bên cạnh trường nữ sinh Đồng Khánh.

Trong cùng thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng sáng tác nhiều bài hát như Nữ Sinh Ca, Nhạc Chiều Quê, Tình Mùa Phượng Thắm, Mái Tóc Thề, Em Tôi… được phổ biến trên đài phát thanh Huế.

Sau khi thi đậu Tú tài 2 ở Huế vào năm 1953, Phạm Mạnh Cương ra Hà Nội theo học Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân văn khoa. Khi từ biệt Huế, ông đã viết ca khúc Giã Từ Cố Đô để dành tặng cho vùng đất cố đô này, vì kể từ khi ra học ở Hà Nội cho đến năm 1954 thì ông vào thẳng Sài Gòn, chỉ về thăm lại Huế trong những dịp chấm thi, nên lần đi năm 1953 là lần giã biệt cuối cùng với Huế.

Khi vừa đến Hà Nội học vào mùa Thu năm 1953, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đi ngang qua trường Trưng Vương và được chứng kiến buổi tan trường với những tà áo dài nữ sinh xứ Bắc tung bay gợi nhiều cảm xúc, ông đã viết bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp là Thu Ca, là một bài tango kinh điển của nhạc Việt.

Năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, hai trường cao đẳng Sư Phạm và Văn khoa được chuyển vào Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đi theo và tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp 2 trường này năm 1955 và bắt đầu sự nghiệp dạy học. Ông bắt đầu đi dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Được 3 năm, ông chuyển về trường Petrus Ký, Sài Gòn trở thành giám sư Triết học và Quốc văn cho đến năm 1975. Song song đó, ông cũng dạy nhiều trường tư thục như Văn Học, Văn Lang, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thị Ngà…

Bài hát đầu tiên nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác ở Sài Gòn là Thương Hoài Ngàn Năm vào năm 1956. Ông cho biết đã lấy cảm hứng từ câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm”.

Vào năm 1961, trong một dịp ra Huế chấm thi Tú tài 2, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương gặp Như Hảo, một thí sinh từ Đà Nẵng ra Huế dự thi. Một năm sau hai người thành hôn, và Như Hảo cũng trở thành xướng ngôn viên trong những chương trình mang chủ đề đặc biệt do Phạm Mạnh Cương khởi xướng trên đài phát thanh và truyền hình.

              N.s Phạm Mạnh Cương, xướng ngôn viên Như Hảo khi thực hiện chương trình Hoa Thời Đại

Thăng 8 năm 1964, ông bắt đầu hợp tác với các đài phát thanh, đầu tiên là đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn với ban Hoa Thời Đại. Đến tháng 3 năm 1965, ông chuyển qua cộng tác với đài Quân Đội với ban Tiếng Hát Hậu Phương. Hợp tác cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên các đài phát thanh là ban nhạc với những tên tuổi lừng danh là Nguyễn Ánh 9, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Đan Thọ, Tuấn Khanh, Đào Duy…

Về lĩnh vực Truyền Hình, năm 1966, Phạm Mạnh Cương được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời thực hiện chương trình ca nhạc cho đài Truyền Hình Việt Nam dưới tên Hoa Thời Đại. Đây cũng là chương trình ca nhạc phát hình đầu tiên lúc đài truyền hình ở Miền Nam vừa mới được thành lập và còn được phát từ trên máy bay trực thăng bay lòng vòng trên bầu trời Sài Gòn mỗi tối.

Một năm sau, chương trình này chính thức đổi thành “Chương Trình Phạm Mạnh Cương” phát hình hàng tuần vào tối thứ bảy, từ 9 đến 10 giờ và kéo dài hoạt động cho đến tháng 4 năm 1975. Trong thời kỳ đầu tiên, chương trình Phạm Mạnh Cương có sự tham gia của nhiều giọng ca tên tuổi như: Thái Thanh, Lệ Thanh, Sĩ Phú, Hoàng Oanh, Mai Hương, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan…

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương còn là người sáng lập trung tâm băng nhạc Tú Quỳnh tại Sài Gòn từ năm 1966-1967 với các băng nhạc chủ đề Phạm Mạnh Cương, và ông cũng là người đầu tiên chủ trương thu thanh băng nhạc một cách quy mô (trước đó chỉ có dĩa nhựa) để kinh doanh, trung bình mỗi tháng một băng nhạc mới với sự cộng tác của hầu hết các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Thanh Tuyền, Sĩ Phú, Phương Dung, Thanh Lan, Julie Quang…

Điều đặc biệt trong các băng nhạc Phạm Mạnh Cương là thực hiện theo các chủ đề, mỗi chủ đề được ông mời các nhà văn nổi tiếng viết lời tựa, như Duyên Anh, Hoàng Hải Thuỷ, Tuý Hồng, Nhã Ca, Mai Thảo…

Sau năm 1975, Phạm Mạnh Cương ở lại Việt Nam. Đến tháng 3/1980, ông cùng hai con định cư tại Montréal, Canada vào tháng 6/1980.

Tại Montréal, ông thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương nổi tiếng trong cộng đồng, thường tham gia trình diễn và kinh doanh trong lĩnh vực vũ trường. Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương vẫn còn sinh sống tại  Montréal cho đến nay.

ĐÔNG KHA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác