THƯ DUY – BÙI CHÍ HIẾU:TUỔI GIÀ – THƠ CHÍN

Ngày đăng: 7/10/2020 07:39:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tập thơ anh gởi tặng tui đầu năm 2019 nhân lần anh …túm được tui-người-quen của anh từ thời trung học . Chả là tui : hậu bối cái đỉnh Báo Chí Trưởng Ban sau ‘nhiệm kỳ’ anh làm sếp hai năm còn …vang bóng ; còn tui chỉ có một thời ! Mới hơn năm thôi, đọc lại thơ anh , tui đà thấy khác . Cảm nhận ban đầu là hơi thấy …ghét vì anh cho vào tập thơ bao nhiêu là kiến thức Phật học, Hán ngữ , cộng thêm triết lý nhân sinh của anh rồi cõng thêm bóng hồng bên Thiên Chúa giáo . Tui nghĩ anh dùng “phương tiện” như Phật từng dùng khi hoằng pháp độ sinh !!! Chỉ để anh show off cái tôi ? dù tui không chối cãi thơ anh vẫn hay, vẫn mượt mà , vẫn đẹp như hồi anh còn là nam thần trường Tống. Kiến thủ kiến như vậy đó , vậy mà bữa nay khi đọc lại tập thơ  “Ngồi Hát Một Mình , rồi đọc lại những ghi chú của tui trên những trang thơ. Tui thấy , tui-đã-khác, bình tâm đồng cảm với Thư Duy – Bùi Chí Hiếu cùng dòng thơ đã chín vàng từ hồi năm ngoái , khi anh là thanh niên cao tuổi đã nhiều năm.

2. Anh tự thú hết rồi , anh đã phân tích chính mình trong Ngồi Hát Một Mình . Chân dung anh lồng lộng , thành thật như cái chất Nam bộ là máu là xương. Sự hiển thị tâm hồn trong lời thơ anh tỏ ngỏ không cần tui …soi mói về những chổ khuất của tâm hồn như cách tui hay …vạch lá tìm sâu ! Anh thẳng thắn , dạt dào với chữ tình của… ‘ kẻ sĩ’ ngày nay .

“Gặp nhau khói đã lam chiều

Giữ chung niềm tiếc , chia đều nổi đau

Yêu thì cũng đã yêu nhau

Xa thì cũng đã bạc màu tóc xưa

Nhớ tan trường dáng tiểu thơ

Chia đôi mái tóc cột vừa nhớ thương ”

Với tình yêu mãi lưu hương thời xa lắc , anh cũng bày tỏ cạn lòng từ những nhớ thương , hoài niệm rồi góp lại thành trang thơ đằm thắm nhẹ nhàng.

” Ai đang chìm trong ký ức trong xanh

Để thấy lại một bầu trời rực rỡ

Có hoa vàng và tình yêu ở đó

Sợi khói nồng nàn như một vòng tay “

Tui tâm đắc những hình tượng …ngược chiều , sự đối nghịch làm người thưởng thức thơ cũng bị chấp chới theo anh

” Hạnh phúc nào đâu ở chân trời

Đôi bàn tay lạnh cầm tay ấm ”

Chữ ‘ lạnh ‘ chữ ‘ ấm ‘ đối kháng trong thơ, đầy chất liệu tạo thành cả nhạc và thơ tròn trịa .

” Phía bên kia trời thu lạnh không ngờ

Làm sao vẫy khi bàn tay nắm chặt? “

Anh đưa cảm xúc đến người đọc bằng tu từ nghịch lý : thu lạnh ; vẫy tay khi tay còn nắm chặt …. Đó là nghệ thuật , như sự vô tình nhưng hữu ý của Thư Duy.

Một bóng hồng gây nhớ , một quá khứ tình yêu chưa được đặt tên nhưng bây giờ đã khác trong buổi hoàng hôn.

“Những khúc quanh xưa là kỹ niệm

Không còn trẻ nữa để chơi vơi ”

Khoác lên vai nổi hoài niệm , thấm dầm , thấm sâu trăn trở triền miên , nổi buồn thầm đã vào máu , thấm tận tủy xương .

” Riêng chi một nổi buồn thầm

Như ngầm trong đá như trầm trong cây

Bái phục chữ ” ngầm ” , chữ ” trầm ” anh ném vào tâm sự làm cảm xúc như bị lẩn quẩn vì . …lưu kho quá hạn, đến …rợn người .

” Đi về một chốn đìu hiu

Trăm năm cõi tạm bấy nhiêu cho vừa

Bao giờ cho hết ngày xưa

Con sông vẫn chảy, CHỜ mùa hợp tan ”

Tui nghĩ , nếu anh đổi chữ CHỜ thành chữ CHỞ thì đầy hương vị thiền môn , ý nghĩa luân hồi vạn biến mà bất biến của Vô thường lẽ thật .

Thơ của anh thấm nhuần tinh thần Phật giáo , nhận thức cao về kiếp nhân sinh trong cõi ta bà , phân minh quá khứ hiện tại vị lai ba chiều bất tịnh , nhưng đôi khi anh cũng tự nhốt mình trong quá khứ, thưởng thức cái thú đau thương như một cách yêu đời vì đời chỉ là khổ , là không !

” Cuối năm ngồi tựa quán KHÔNG

Cuối con dốc đứng cây mong xuân thì “

Nghịch lý chăng ?

” Cuối năm lòng bổng nhẹ tênh

Cõi phù sinh chợt vui bên bóng mình “

Thuận lẽ thật mà sống , an yên cái tuổi về chiều , ngộ đạo, ngộ đời , anh thanh thản trôi cùng dòng chảy của thời gian. Là dấu gạch nối giữa thời còn hơi hướng nếp xưa nên lời thơ của Thư Duy cũng gói luôn Hán Ngữ . Súc tích không tui không biết nhưng hiểu bài thơ nầy chỉ hiểu bằng tim , trong khi câu …thoại đầu chắc cần phải diễn Nôm mới hiểu !

” Linh cẩu linh hầu lai viễn kiều

Cố tượng ngây thơ hồn đồng xanh

Thuyền không đậu bến sông cô quạnh

Rực rỡ làm chi tình rong rêu ”

Cách gạch nối những con chữ vô hồn , tạo thành dòng điện có cường độ cao đi từ mắt đến trái tim người thưởng thức hiệu quả mà không cần diễn dịch dông dài . Những cái gạch nối tạo cái ngữ có nghĩa anh cần sử dụng ; cho nên dù nó không nằm trong phạm trù văn phạm cú pháp Việt hiện hành , nó vẫn có cái hay riêng , mới mẽ , nó là tự điển của riêng trái tim anh . Người làm thơ cần như thế , sáng tạo hay phá cách , thậm chí …nổi loạn , cũng bằng hay ! Như vầy , như vậy là đây :

“Tháng tư

ca phê phố

những giọt – đắng – không – thời – gian sóng sánh biệt ly ẩn hiện trong đáy cốc ”

” Tháng tư

tôi tìm những mùa hạ đã qua

cố giữ đời – thì- quá – khứ

chấp chới ảo vọng già nua…”

Cách giải thích bằng dấu gạch ngang (-) thường chỉ dùng trong văn bản , vậy mà nó lại tạo thành sức mạnh phân bua trong câu thơ của anh , hơn là dấu phẩy (,) .

” Những tưởng trời cao và đất rộng

Một mình ta đứng – một mình ta ”

” Một thuở ta mơ làm thi sĩ

Tim ngông cuồng – duy ngã độc tôn”

‘Duy ngã độc tôn ‘ trích từ bốn câu Phật nói , cụm từ quen thuộc trong kinh Phật , anh mượn để xưng tán về mình .

Phật nói

” Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử ”

‘Ngã ‘hay ‘ Vô ngã ‘ ? xin hỏi Thư Duy , ốc đảo tự thân anh mới tỏ tường , tui không dám đoán .

Dù gì anh cũng xứng đáng để hãnh hiện về những tham vọng , cũng như những thành tựu khả dĩ của anh cho đến khi anh làm thân trâu già nhơi cỏ ngẫm đời.

Những dấu chấm ( …. ) , như bỏ lững ý tình , bỏ lững cả câu thơ , nó như một chuyện tình không đoạn kết , kết có hậu hay kết bi thương là do người thưởng thức.Và trong thơ anh những dấu chấm ( ….) làm người đọc phát huy thêm sự tưởng tượng về một nổi bâng khuâng , một chấp nhận đành thôi.

” Buông thôi người đã xa rồi…:”

“Úa theo nắng, nhạt màu môi

Chút hương xưa, chút bồi hồi, bước đi …”

” Tôi tiễn tôi đi vào mưa gió

Bào ảnh theo cùng tiếp cuộc chơi …”

“Ừ thì xem nhau là thì quá khứ

Sao thầm tiếc phải chi đừng gặp lại

Cứ tháng sáu về , tình mãi …hình như…”

Thì quá khứ , simple past tense nói về sự đã xảy ra và không còn nữa , có tiếc chỉ để mà thương .Mơ hồ , lãng đảng một tình yêu chưa có tên mà tuổi quá đủ cho một đời người. Anh vẫn lãng mạn như thuở mười tám đó Thư Duy .

Không chừng có người sẽ chụp mũ anh , cho là anh đang cổ súy cách sống vội vã phù hoa thiên về thân xác !!! Với tui , đọc hai câu nầy , tui như trào ngược , vì tui chỉ cần sớt chia nổi nhớ khi thèm một cái ôm chớ cần chi sớm muộn chiều hôm ! Nhân bản quá mà , có phải vậy không?

“…Đôi khi thèm một cái ôm

Sớt chia nổi nhớ, chiều hôm muộn rổi …”

Những dấu chấm thang (!) , dấu chấm hỏi (?) anh hay sử dụng như đang ở trong tâm trạng thảng thốt hoang mang . Thường tình , người ta ít khi dùng vì nó mang ý nghĩa nhấn mạnh hay mệnh lệnh cách khuôn phép nặng nề , mất sự thanh thoát của lời thơ và cả ý thơ. Với anh , cách chấm thang (!) , chấm hỏi (?) có vẻ kỳ đời là phục vụ cho ý thơ càng thêm mạnh mẽ .

” Người nghìn trùng nên người cũng như mơ

Có thảng thốt mai nào phai tóc nhuộm

Tình xưa ơi sao tình chẳng hẹn hò !”

Hay , như tự hỏi

” Sóng xô đá vào nhau

Triệu năm thành cát nóng?

Đời xô ta , qua mau

Bao năm , thành tuyệt vọng? ”

Cảm mến tâm hồn dễ bị tổn thương , Tui yêu miệt vườn của mình và trong đó có anh , không phải tui yêu miệt vườn vì có anh trong đó ! ( Ôi chữ nghĩa !) Tui bổng sinh niềm ái ngại khi đọc mấy câu nầy , thương cho sự cô đơn hằng vĩnh cửu, cho người nặng tình đời mà đời thì cứ dửng dưng vô cảm , cứ lặng lẽ trôi bình thường trong cái lẽ vô thường .

” Cuối năm ngồi hát một mình

Tiếng mưa gõ nhịp nhân sinh đêm dài “

“Chiều cuối năm còn ngồi trong quán

Tuổi già cửa hẹp khách vãng lai

Người đi , kẻ đến dần quên hết

Sao còn thương nhớ một mùa mai”

Bỗng tui lại chạnh nổi niềm của một quan chức về hưu , đã qua đi cái thuở nhất thời , về vườn làm dân …vạn đại ; cuộc đời vắng vẻ , bè thì đã rã mà còn bạn , mấy ai gần? Bản lĩnh như anh , cảm thán đời cho bằng thích, cho đầy cái-sự-về hưu- trống vắng , chớ anh cầu chi nữa lợi danh trong cuộc trần ai !

Nhưng rồi …con tim tui bổng vui trở lại với ông già hóm hỉnh , còn dễ thương muốn chết đó Thư Duy !

” Cuối năm ngồi hát bát âm

Lên cao giọng vỡ , xuống trầm đứt hơi ”

” Nên hôm rồi ta bổng gặp lại nhau

Cùng cười , đùa : may , không là cục nợ !”

3. Hơn một năm rồi từ ngày anh ‘ phát hành ‘ nội bộ tâp thơ mang tên ‘ Ngồi hát một mình ‘ . Sự có mặt của đứa con tinh thần nầy trong cuộc sống an nhàn của anh hiện tại như nét chấm phá làm phong phú đời sống tinh thần vốn dĩ phì nhiêu. Từ dạo đó , thơ anh đã chín , hương thơ cứ ngan ngát thổi vào tuổi già , chuẩn mực và lắng sâu. Hay tại tui cũng già cùng thế hệ với anh nên sự đồng điệu dễ dàng chiếm ngự ?. Tui cũng có cùng cảm xúc như anh , những hoài niệm na ná như vậy về cảnh cũ người xưa, về tình-yêu-hình-như của một thời áo trắng và bây giờ là nhận thức về sự khắc nghiệt của thời gian mà thế hệ mình đang trôi lăn trong đó. Cám ơn Thư Duy đã nói dùm người cùng thế hệ bao điều người ta muốn nói qua những bài thơ đẹp. Đọc thơ anh mà thấy mình trong đó vì ta cùng một cuộc hành trình mà thời gian còn lại quí giá biết dường bao . Thơ chín nhưng trái tim anh vẫn còn run rẩy với cảm xúc vừa quen vừa lạ , luôn luôn. Một năm hơn rồi , bây giờ dòng thơ mới của anh chắc còn nồng men hơn thế? Ở đây , chốn nầy , tui đang chờ những bài thơ chín rục của anh đó nghen , Thư Duy thân mến.

1/10/2020

NGUYỄN NGỌC HẠNH

                                                                         Nguyễn Ngọc Hạnh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác