Giai Thoại Văn Chương : SƠ ĐƯỜNG TỨ KIỆT (2)
Ngày đăng: 22/10/2020 02:14:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Thùy Cũng nguyên niên đời Võ Hậu (685), vì ông chú tham gia cuộc nổi dậy của Từ Kỉnh Nghiệp chống lại Võ Tắc Thiên thất bại, nên bị vạ lây. Dương Quýnh bị biếm đi làm Tham Quân ở đất Tân Châu. Thiên Thụ nguyên niên (690), cùng với nhà thơ Tống Chi Vấn dạy học ở Tập Nghệ Quán trong cung Lạc Dương. Như Ý nguyên niên (692), cải nhậm huyện lệnh đất Doanh Xuyên, nổi tiếng là một huyện quan nhân đức. Dương Quýnh mất luôn tại đây, cho nên người đời còn gọi ông là DƯƠNG DOANH XUYÊN 楊盈川. Ông còn để lại một quyển thơ, gồm 34 bài và hơn 50 bài Phú, Tự, Biểu, Bia, Chí… Dương Quýnh sau được qui táng ở Lạc Dương. Năm Đường Trung Tông phục vị (705) truy phong ông là Trứ Tác Lang 著作郎。
Người đứng nhì Tứ Kiệt : DƯƠNG QUÝNH
Bình sinh, Dương Quýnh là người tính khí cao ngạo, ỷ tài, nên rất ít người thân cận. Bị người đương thời xếp sau Vương Bột, trong thứ tự của Tứ Kiệt VƯƠNG DƯƠNG LƯ LẠC 王楊盧駱. Quýnh rất lấy làm khó chịu mà nói rằng : “Ngô quý tại Lư tiền, sỉ cư Vương hậu 吾愧在盧前,耻居王後”. Có nghĩa : “Ta THẸN vì đứng trước Lư, NHỤC vì ở sau Vương”. Câu đầu tỏ vẻ khiêm nhượng “THẸN vì mình không bằng mà được đứng trước Lư Chiếu Lân”; Câu sau thì lại tỏ vẻ kiêu ngạo “lấy làm NHỤC vì bị xếp sau Vương Bột”. Tánh khí cao ngạo của Dương Quýnh, đôi khi cũng đem lại được những kết quả tốt, như vào những năm Điều Lộ, Vĩnh Long đời Đường Cao Tông (679-681), quân Đột Quyết, Thổ Phồn thường hay xâm lấn đất Thục và một dãy Cam Túc, nhà vua cử Lễ Bộ Thượng Thư là Bùi Hàng đi chinh phạt. Mắt thấy triều đình chỉ trọng võ mà khinh văn, nên Quýnh tức khí làm nên bài thơ TÒNG QUÂN HÀNH 從軍行 tuyệt tác sau đây :
烽火照西京, Phong hỏa chiếu Tây kinh,
心中自不平。 Tâm trung tự bất bình.
牙璋辭鳳闕, Nha chương từ phụng khuyết,
鐵騎繞龍城。 Thiết kỵ nhiễu long thành.
雪暗凋旗畫, Tuyết ám điêu kỳ họa,
風多雜鼓聲。 Phong đa tạp cổ thinh.
寧為百夫長, Ninh vi Bách Phu Trưởng,
勝作一書生。 Thắng tác nhất thư sinh !
Có nghĩa :
Khói lửa của chiến tranh đã chiếu đến kinh thành (Tây kinh), nên trong lòng người chiến binh không thể nào bình yên cho được. Binh phù của nhà vua đã truyền ra khỏi kinh thành (Phụng thành) rồi, nên đoàn thiết kỵ phải xông pha vây lấy long thành. Trời tuyết rơi ảm đạm làm đong lạnh các lá cờ có họa hình rủ xuống, gió thổi mạnh nên tiếng trống trận càng hỗn tạp dồn dập hơn. (Trước cảnh hào hùng của chiến trận), ta thà làm một Bách Phu Trưởng hiên ngang còn hơn là làm một thư sinh yếu đuối !
Diễn Nôm :
Tây kinh khói lửa rực trời,
Lòng người chiến sĩ khôn nguôi bất bình.
Lệnh vua vừa khỏi cửa thành,
Rần rần thiết kỵ Long Thành ruổi sang.
Màu cờ tuyết phủ trên ngàn,
Gió đưa tiếng trống rộn ràng vang vang.
Thà làm chiến sĩ hiên ngang,
Còn hơn khoát áo một chàng thư sinh !
Dương Quýnh nói lẫy : Thà làm một Bách Phu Trưởng (tương đương như Trung Đội Trưởng ngày nay) còn hơn là một thư sinh quèn chưa đậu đạt. Cái hào khí và chiến đấu gian khổ của người chiến binh trong cơn binh lửa còn được Dương Quýnh diễn tả trong bài CHIẾN THÀNH NAM 战城南 sau đây với bài ngũ Ngôn Luật Thi mà 4 cặp đều đối nhau chan chát :
塞北途遼遠, Tái bắc đồ liêu viễn,
城南戰苦辛。 Thành nam chiến khổ tân.
幡旗如鳥翼, Phướng kỳ như điểu dực,
甲冑似魚鱗。 Giáp trụ tự ngư lân.
凍水寒傷馬, Đống thủy hàn thương mã,
悲風愁殺人。 Bi phong sầu sát nhân.
寸心明白日, Thốn tâm minh bạch nhật,
千里暗黃塵。 Thiên lý ám hoàng trần !
Có nghĩa :
Đường lên tái bắc thì xa xôi diệu vợi, còn trận chiến ở thành nam thì khổ nhọc vô cùng. Cờ phướng tung bay như những cánh chim đang vổ phần phật. Còn áo giáp của các chiến binh thì ánh lên như vảy của những con cá đang lắp lánh vậy. Nước sông đong cứng làm thương tổn đến các con chiến mã, gió rít u buồn khơi dậy lòng sầu đứt ruột của các chinh phu. Tất lòng đối với non sông sáng tỏ như ánh mặt trời, trong khi ngoài ngàn dặm còn mịt mờ với cát bụi vàng hoe.
Diễn Nôm :
Đường lên ải bắc xa xôi,
Thành nam chiến trận dập vùi khổ thay.
Phướng cờ tựa cánh chim bay,
Giáp trụ tựa vảy cá ngoài biển khơi.
Nước băng ngựa hí thương ôi,
Gió sầu rít mạnh bồi hồi chinh phu.
Tấc lòng sáng tựa trời thu,
Bụi vàng ngàn dặm mịt mù nẻo xa !
Dương Quýnh nổi tiếng với các bài thơ Ngũ ngôn Luật Thi tả cảnh biên tái như đã nêu trên, ngoài ra ông cũng nổi tiếng với những bài thơ diễn tả nỗi sầu thương mong nhớ của người chinh phụ có chồng đi đánh trận xa xôi ngoài quan ải, như bài HỮU SỞ TƯ 有所思 sau đây :
賤妾留南楚, Tiện thiếp lưu nam Sở,
征夫向北燕。 Chinh phu hướng bắc Yên.
三秋方一日, Tam thu phương nhất nhật,
少別比千年。 Thiểu biệt tỉ thiên niên.
不掩嚬紅縷, Bất yễm tần hồng lũ.
無論數綠錢。 Vô luân sổ lục tiền.
相思明月夜, Tương tư minh nguyệt dạ,
迢遞白雲天。 Điều đệ bạch vân thiên.
Có nghĩa :
Tiện thiếp thì ở lại đất Sở phía nam, còn chàng chinh phu thì đi về đất Yên phía bắc. Một ngày ly biệt mà như xa cách đã ba thu, mới có biệt ly mà như đã ngàn năm xa cách. Không che dấu nếp nhăn khi đứng trên lầu vân vê sợi chỉ hồng; Biết bao lần đếm dấu rêu xanh như những đồng tiền xanh trước ngõ. Thiếp nhớ nhung chàng hơn trong những đêm trăng sáng, lúc bầu trời như xa xôi diệu vợi hơn với những áng mây trắng bay bay !
Đọc câu “三秋方一日 Tam thu phương nhất nhật” làm cho ta nhớ đến câu thơ tả Kim Trọng tương tư Thúy Kiều khi lần đầu tiên gặp gỡ :
BA THU dọn lại MỘT NGÀY dài ghê !
… và hai câu cuối :
相思明月夜, Tương tư minh nguyệt dạ,
迢遞白雲天。 Điều đệ bạch vân thiên.
như hai câu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc :
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San.
Chiến tranh thời nào cũng gây nên cảnh chia ly nhớ thương cho đôi lứa, kẻ hậu phương người tiền tuyến, nhất là những nàng chinh phụ, một thân một mình vò võ chốn phòng the :”Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai, Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây !”.
Diễn Nôm :
Thiếp ở lại nam nước Sở,
Chàng đi hướng bắc đất Yên.
Ba thu một ngày đằng đẵng,
Ngàn năm một thoáng triền miên.
Chẳng dấu mặt nhăn mày nhíu,
Đếm mãi rêu xanh đồng tiền.
Nhớ chàng những đêm trăng sáng,
Dật dờ mây trắng ngoài hiên !
Dương Quýnh cảm thấy những quan viên trong triều thường sống bằng bộ mặt giả dối, bề ngoài làm ra vẻ thanh liêm chính trực, nhưng bên trong thì chỉ mong có dịp để tham nhũng, bóc lột dân lành, hãm hại đồng liêu, nên ông gọi bọn quan lại đó là “Kỳ LÂN TUYÊN 麒麟楦”(Vỏ bọc của con Kỳ Lân). Có người hiếu kỳ hỏi sao lại gọi thế, thì ông trả lời rằng : Trên sân khấu đóng vai kỳ lân thường khoác cho con lừa cái lớp vỏ kỳ lân bên ngoài cho đẹp, nhưng thực chất bên trong thì vẫn là con lừa mà thôi ! Vì tính thẳng thắng cương trực như thế, cho nên đám quan viên trong triều đều xa lánh ghét bỏ, ít có người chịu thân cận với ông. Nhưng hễ ông kết bạn với ai thì cũng rất thiệt tình và rất quý trọng bạn như bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Dạ Tống Triệu Túng夜送趙縱 ” (Đêm đưa bạn Triệu Túng) dưới đây :
趙氏連城璧, Triệu thị liên thành bích,
由來天下傳。 Do lai thiên hạ truyền.
送君還舊府, Tống quân hoàn cựu phủ,
明月滿前川。 Minh nguyệt mãn tiền xuyên !
Có nghĩa :
Ngọc bích nhà họ Triệu có giá trị liên thành, đó là do thiên hạ đều truyền tụng như thế. Nay ta đưa bạn trở về nhà cũ, trong khi vầng trăng sáng chiếu đầy cả con sông trước mặt !
Hòa Thị Bích của nước Triệu rất đẹp rất qúy, vua Tần muốn lấy 15 thành để đổi lấy viên ngọc đó. Lạng Tương Như của nước Triệu mang ngọc qua cho nước Tần, vua Tần được ngọc không muốn giao thành. Lạng Tương Như đã tìm cách lấy lại viên ngọc giao trả về cho nước Triệu. Từ tích đó ta có thành ngữ “HOÀN BÍCH QUY TRIỆU 完璧歸趙” là “Trả ngọc bích về cho nước Triệu”, thành ngữ nầy có ý nghĩa như Vật Hoàn Cố Chủ, hay như Châu về Hợp Phố vậy. Ở đây…
Dương Quýnh ví bạn mình là Triệu Túng tài hoa và cao qúy như là viên Hòa Thị Bích của nước Triệu vậy. Bây giờ lại đưa bạn trở về quê cũ thì cũng như là Hoàn Bích Quy Triệu, là một cuộc trở về tốt đẹp, lại đưa tiễn nhau trong đêm trăng sáng vằng vặc trên bến nước mênh mông trải dài như tình người đưa tiễn !
Diện Nôm :
Ngọc Triệu giá liên thành,
Thiên hạ đều biết danh.
Tiễn bạn về quê cũ,
Trăng sáng bến sông xanh !
Lục bát :
Ngọc Triệu giá đáng liên thành,
Khắp trong thiên hạ đành rành chẳng sai.
Tiễn người quê cũ quy lai,
Giữa đêm trăng sáng trải dài bến sông !
Tương truyền, khi làm huyện lệnh ở Doanh Xuyên 盈川縣令 (Nay là huyện Cù Châu tỉnh Chiết Giang). Mùa hè năm 693, huyện Doanh Xuyên bị hạn hán lớn, cây cối khô cằn ruộng đồng nứt nẻ, dân chúng mất mùa, dân tình đói kém. Dương Quýnh lòng như lửa đốt. Ông lập đàn cúng vái ba ngày ba đêm trời vẫn không có mưa. Thất vọng, ông bèn nhảy xuống giếng khô để tự vận, nhưng ngay đêm hôm đó trời đổ cơn mưa lớn, nước tuôn đầy giếng làm nổi xác của Dương Quýnh lên. Năm đó, ông vừa 44 tuổi. Dân chúng trong huyện cảm cái ân đức của ông nên lập chùa tạc tượng mà thờ phượng, tôn xưng là Thần Hoàng, đến nay đã có hơn 1300 năm rồi !
Đền thờ Thành Hoàng Dương Quýnh
Vì tích trên,cho nên người đời còn gọi ông là DƯƠNG DOANH XUYÊN 楊盈川.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức