ĐỌC THƠ KHÚC THỤY DU

Ngày đăng: 21/10/2020 09:51:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Vĩnh Long xưa nay là một thành phố hiền hoà, cây xanh, bóng mát. Thành phố có bưởi năm roi, có khoai lang mắm sống, cá tai tượng chiên xù ….. lôi cuốn du khách. Tôi thích thành phố Vĩnh Long bằng một thứ ít ai lựa chọn, thành phố có hương hoa bưởi, hoa cau ngan ngát khắp những nẻo đường. Bây giờ, ngút ngàn cách biệt, tôi nghĩ về Vĩnh Long trong hoa bưởi hoa cau còn có hương thơ nữa.

Tôi thường đánh dấu những chuyến đi trong đời bằng những vật kĩ niệm, có thể chỉ là một viên đá cuội nhặt được trên đường, nhưng thường thì tôi mua. Thói quen trở thành nhu cầu từ bao giờ. Thói quen đó chi phối cả những khi tôi lang thang trên các trang mạng xã hội, thay vì nhặt viên đá, tôi nhặt những câu thơ, những bài văn. Thơ Khúc Thuỵ Du là một trường hợp như vậy.

    ĐÊM … TỪ HIẾU

 Đêm trên đồi thông Từ Hiếu

Trăng nửa gầy như rọi chiếu hồn ta

Ai biết ai có đậm đà

Ta cứ gọi dẫu người xa cách biệt !

 

Tình mới như nhành mai chiết

Lớn từng ngày …người có biết dấu vân

Của đôi tay thuở bâng khuâng

In rất đậm …dẫu chân trời vạn dậm

 

Đêm trên đồi trôi chầm chậm

Để ta ngồi nghe khắc khoải cô đơn

Về rồi còn lại dấu chân

In rất đậm …mà xa dần mất hút !

 

Đêm ơi , xin dừng một chút

Cho ta gọi người đã ngút ngàn xa

Ai biết ai có đậm đà

Riêng ta chết giữa ta bà từ đây !

Bài thơ như ánh sáng soi vào từng kĩ niệm, thuở học trò tôi được chú Hoà, chú Kỳ ở chùa Từ Hiếu mời ăn chuối, ăn cam ….. Nay chữ nghĩa và âm điệu trong “Đêm … Từ Hiếu” cứ nhảy ra, nhảy vào trong tâm trí, tôi băn khoăn tự hỏi, Khúc Thuỵ Du (KTD) là ai ?

Thì ra tác giả “Đêm … Từ Hiếu” là  người Vĩnh Long, một thành phố cũng từng hằn lên dấu chân tôi như đồi Từ Hiếu những năm xưa.

Để viết về một tác giả, tôi tìm đọc toàn bộ thơ của KTD xuất hiện trên trang Facebook, mỗi bài là một tâm trạng, một cấu trúc thơ khác nhau. Chữ nghĩa trong thơ KTD có khi lạ, bất ngờ. Gần như KTD đã là một phong cách, một dáng thơ riêng.

Mai tôi về -em ở lại thôi

Không đưa nhau mà luôn bên cạnh

Cuối Thu rồi sắc màu hiu quạnh

Tôi gọi em – người đàn bà cũ …Của tôi !

(Chia tay – Người đàn bà cũ)

Tình mới như nhành Mai chiết

Lớn từng ngày …người có biết dấu vân

Của đôi tay thuở bâng khuâng

In rất đậm …dẫu chân trời vạn dậm

(Đêm TỪ  HIẾU)

Không khí, nước và chữ nghĩa ai cũng dùng, nhưng chỉ chữ nghĩa là con người có thể khoác cho nó chiếc áo riêng. Khi nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn, chúng ta không lẫn lộn với bất cứ nhạc sĩ nào, Phạm Duy, Văn Cao hay Phạm Đình Chương cũng có những chiếc áo riêng. Trong thơ KTD chưa hẳn là chiếc áo, nhưng đã là một giải lụa.

BỈ NGẠN

Chen lấn chi trần gian

Nẻo Dục , Sắc …luân hồi

Ta buông tình tăm tối

Trên hai bàn tay trôi

Bỉ ngạn …thôi cùng qua

Đắm chìm chi mê ảo

Vô Sắc …lầm hương hoa

Để lòng riêng nhạt nhoà !

Chắp tay xua ảo vọng

Tìm khoác áo chân như

Bụi tro những dòng thư

Khói bay mờ cay mắt !

Đáo bỉ ngạn …về đâu

Đa đoan chi bể sầu

Đời người rồi qua mau

Đáo bỉ ngạn …về đâu !

Thơ KTD không chen lấn giữa rừng thi sĩ đời nay, nó như khóm cây, bờ dậu có hoa thơm. Nó như cánh chim bằng bay giữa trời xanh.

Ở trong thơ KTD ta nhận ra một phong cách riêng, bằng tâm cảm vượt ra ngoài thi pháp, đôi khi vướng vất nét tiền chiến, tuyệt nhiên nàng không chạy theo phong trào thơ mới, hiện đại, hậu hiện đại hay tân hình thức. Thơ KTD không làm cho người đọc dị ứng với chữ nghĩa.

Với KTD, thơ như là tặng phẩm của tâm hồn cho cuộc đời, cho tình yêu. Thơ làm phong phú cuộc sống và làm đẹp thêm cuộc đời.

Về thôi em !

Bóng chiều đã đổ

Ta chia tay , ghế đá lặng buồn

Ngày mai nhé !

Ta lại vào công viên nữa

Chỗ ngồi này …như cổ tích ngày xưa !

(Ngày xưa)

“Về thôi em, bóng chiều đã đổ” thơ hồn nhiên như nói, “ta chia tay, ghế đá lặng buồn” chàng với nàng chia tay, sao ghế đá lặng buồn.  Nắm bắt tình tiết diễn tả thành thơ thật điệu nghệ, duyên dáng, ghế đá lặng buồn là hình ảnh nói lên từng gặp gở, hẹn hò vừa thơ mộng, vừa thân thiết của đôi tình nhân.  Trong nỗi buồn ghế đá công viên, vẽ nên trong tâm tưởng chúng ta bao nhiêu là hình ảnh.

“Ngày mai nhé, Ta lại vào công viên nữa, Chỗ ngồi này   …  như cỗ tích ngày xưa”  Chỉ mấy câu mà tác giả diễn tả được mối tình lớn, lớn như chuyện cỗ tích.

Đọc thơ Khúc Thụy Du (KTD) ta không thấy tác giả trau chuốt chữ nghĩa, làm dáng trí thức, thơ KTD đầy ắp cảm xúc được uốn nắn qua tâm hồn.  Cùng với sóng nước Cỗ Chiên, hoa bưởi, hoa cau hồn nhiên, dung dị.  Thơ KTD đầy ắp tâm sự và những cảm xúc từ cuộc sống.  Đôi khi chúng ta gặp một vài danh từ triết học Phật giáo trong thơ KTD, đó chỉ là nét chấm phá trong đời sống hoà vào thơ làm cho tên tuổi KTD như phố, như ruộng đồng nam bộ  –   thiệt thà và rông lượng.

Là phụ nữ, đang là bà ngoại mẫu mực, nên thơ Khúc Thụy Du chỉ là những hoài niệm xa xót thời con gái, những ước mơ chỉ để mà mơ ước về tương lai, một tương lai phập phồng của tuổi thơ còn sót lại, đó chính là nguồn thơ trong KTD.

Zulu DC

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác