Bánh ú nước tro ở Ninh Hòa

Ngày đăng: 12/10/2020 10:02:47 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Trong họ hàng nhà bánh làm từ nếp như: bánh tét, bánh ú, bánh chưng, bánh cúng…thì bánh ú nước tro là loại bánh bé nhất, hình dáng lạ nhất, hương vị đặc biệt nhất-hương vị rất dân dã và gần gũi với thiên nhiên.

Bánh tro nhỏ xíu nhỉnh hơn cái hột xúc xắc một tí thôi hình dáng là một khối tam giác có 4 chóp chéo nhau được gói bằng lá trảy (một loại tre không gai). Cầm chiếc bánh tro lột lớp áo lá trảy ta thấy hiện ra một mẩu bánh bé tí phần nếp kết dính thành một khối màu nâu đỏ trong veo như nhựa thông, phần nhưn đậu xanh vàng tươi làm cho chiếc bánh xinh xắn như một búp hoa. Nhai miếng bánh tro dẽo thơm ngọt ngào trong miệng ta thấy mình như đang đi dưới hàng tre của quê nhà mà không gian thoang thoảng mùi khói lam chiều.

Tôi không được đi nhiều ,nhưng vài nơi tôi đã đi qua không thấy bánh tro có hương vị như bánh tro ở Ninh Hòa đặc biệt là bánh tro xóm Rượu. Có lẽ xóm Rượu làm bánh tráng nên có nhiều tro là nguyên liệu cần thiết để làm bánh tro. Cách làm bánh tro không cầu kỳ nhưng nếu nói là đơn giản thì không đúng. Có vài chi tiết mà nếu chúng ta bỏ qua thì sẽ không có được hương vị đặc biệt và màu sắc hấp dẫn của loại bánh này.

Khi mua nếp làm bánh nên chọn nếp không bị nhiễm phèn hoặc có lộn gạo tẻ. Để chắc chắn mua được nếp như ý nên mua nếp Banmêthuột hoặc nếp Bắc. Tro bếp sạch (tro củi) đem rây mịn quậy với nước sạch lóng lấy nước trong lượt xong bỏ nếp đã vo sạch vào ngâm khoảng một ngày vớt nếp dội sạch để ráo.

Phần nhưn bánh không có gì đặc biệt so với các loại bánh khác. Đậu xanh đãi sạch vỏ hầm chín xào với đường cát không quá khô quá nhão nhớ xào mịn và tới nước đường thì bánh để được lâu. Nhớ không bỏ bất cứ hương liệu nào khác vào để giữ mùi vị đặc biệt của tro và lá trảy.

Lá trảy rộng và dài hơn lá tre lá trúc lại mềm hơn nên được chọn để gói bánh. Bắt chéo chiếc lá để tạo một hốc tam giác ở giữa thân lá, cho vào hốc lá ấy một ít nếp và một ít nhưn, xếp hai tua lá còn thừa xuống quấn quanh chiếc bánh rồi dùng dây chuối buộc ngang thân bánh ta có ngay một chiếc bánh tro xinh xắn. Nói đơn giản như thế nhưng không dễ chỉ có nhà nghề mới gói nhanh được loại bánh này.

Bánh tro bé nên mau chín chỉ cần luộc khoảng 2 giờ thì vớt bánh. Khi luộc nhớ lót dưới đáy nồi một ít măng khô, nhờ măng khô bánh có màu nâu đỏ trong veo rất đẹp.

Mùi măng tre mùi lá trảy mùi tro bếp là mùi đặc trưng của làng quê Việt Nam. Có lẽ bánh tro là một đại diện cho thức ăn thuần túy Việt Nam.

Hiện nay ở Ninh Hòa vẫn thấy có bánh tro nhưng màu bánh không đẹp, phần nếp trắng đục như bánh tét, mùi vị không khác gì các loại bánh nếp khác. Có lẽ do không biết hoặc sợ tăng thêm chi phí mà người làm bánh không sử dụng măng khô khi luộc nên bánh tro không ngon không đẹp không tạo sức hấp dẫn như hồi trước đây. Nhưng họ không biết sau khi luộc bánh măng cũng đã mềm đem kho với thịt hoặc cá ăn cơm thì ngon hết chê.

Người xóm Rượu, người đi chợ Dinh vẫn còn nhớ bánh tro nhà bà Sáu Giò. Mỗi sáng chị Nghệ vẫn bưng một rổ bánh tro bốc khói ra chợ bán. Bánh tro là quà mẹ đi chợ về cho các con. Mỗi đứa một chùm 10 chiếc bánh xinh. Nhà nghèo đông con thì “xé lẻ” mỗi đứa vài ba chiếc cũng mừng vui ghê lắm.

Bánh tro ơi ! xóm Rượu ơi ! ! Ninh Hòa ơi ! Có ai đọc bài này mà kêu lên như thế vì nhớ quê nhà không nhỉ ?

Bài và ảnh Lương Lệ Minh Trí

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 1 bình luận về Bánh ú nước tro ở Ninh Hòa

  1. Huong cao nói:

    Có biết Lương Lệ Mỹ Hảo không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác