LÊ VŨ HÙNG, “ông quan Giáo dục” nặng tình với quê hương & bạn bè văn nghệ

Ngày đăng: 20/09/2020 09:36:40 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Nếu ai từng làm cán bộ quản lý hay giáo viên Sở Giáo Dục-Đào Tạo Đồng Tháp và Bộ GD-ĐT từ 2003 trở về trước đều biết rõ người nầy: Đó là anh Lê Vũ Hùng, làm giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp những năm 1988-1997 và là thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách phía Nam từ 1988-2003. Cuộc đời hoạn lộ của “ông quan giáo dục” đã có xã hội, đồng nghiệp anh đánh giá tôi không bàn đến, ở đây tôi chỉ đề cập đến anh trên danh nghĩa là một nhà thơ, người bạn thơ nặng tình với quê hương và bạn bè văn nghệ thời còn đi học mà thôi.

Tôi gặp nhà thơ Lê Vũ Hùng lần đầu tiên khi anh lên Cần Thơ học sau khi đỗ Đại học sư phạm Viêt Hán năm 1971(khóa 6). Mặc dù mới gặp mặt nhưng chúng tôi đã biết nhau trên báo chí từ lâu. Khi anh còn học trung học Hoàng Diệu ở Sóc Trăng anh đã cùng nhóm bạn yêu văn chương lập nhóm Khuôn Mặt Học Trò, có nhiều thơ đăng trên báo chí Sài Gòn và cũng ra mắt được một tập thơ chung. Lúc đó thơ văn của tôi và các bạn trong nhóm Trăng Nguyên Thủy của Trúc Thanh Tâm và Trần Duy Cang cũng có mặt thường xuyên, thậm chí có lúc bài của chúng tôi in cùng trong một trang thơ của một tờ báo nên khi anh về Cần Thơ gặp chúng tôi anh rất mừng và hòa hợp nhanh chóng vào sinh hoạt chung của Văn Nghệ Cần Thơ thời ấy. Anh tham gia gởi bài cho chương trình thi văn Về Nguồn của Lê Trúc Khanh và các tờ báo của thân hữu. Nhớ năm 1972, nhà thơ Trần Mộng Hoàng chủ trương tạp chí Tham Dự ra mắt số 1 đầu tiên có bài của tôi, Lê Vũ Hùng, Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, tôi đã chở Lê Vũ Hùng, Trúc Thanh Tâm chở Trần Duy Cang qua Vĩnh Long dự. Anh có bài thơ Phong Điền, tôi có bài thơ Cơn Mê. Có gần gủi anh mới thấy anh là người rất điềm đạm và sống chân tình với bạn bè. Tôi có một vài kỷ niệm vui với anh không thể không nhớ. Năm 1973 anh ra trường và đã nhận nhiệm sở bên Lai Vung Đồng Tháp nhưng anh còn nấn ná ở lại trường để hoàn thành nhiệm vụ của người chủ tịch Hội Việt Hán. Ở các trường đại học thời đó, mỗi một phân khoa đều có tổ chức một hội làm cầu nối cho sinh viên với giáo sư hay đề đạt nguyện vọng với khoa mình đang theo học, hay tổ chức mời các học giả ở Sài Gòn về thuyết trình, tết làm giai phẩm xuân của hội… Chẳng hạn các bạn học khoa văn chương hay sư phạm Việt Hán thì tham gia vào hội Việt Hán, học Hóa Học tham gia vào hội Hóa học…Năm 1973 tôi chân ướt chân ráo vào học năm đầu tiên sư phạm Việt Hán(khóa 8) sau một năm học ở ĐHKH, tôi cũng như các anh em văn khoa, sự phạm khác dự đại hội Hội Việt Hán đầu năm học, Lê Vũ Hùng thấy tôi mừng quá anh đề nghị tôi ứng cử BCH Hội Việt Hán năm học 73-74. Dĩ nhiên là tôi không chịu vì điều đầu tiên có ai biết tôi đâu mà bầu, nếu đắc cử tôi biết gì mà làm hơn nữa việc học song song 2 ngành khoa học và sư phạm sau nầy sẽ chiếm rất nhiều thời gian của tôi nhưng trước những lời giới thiệu “có cánh” của anh về hoạt động báo chí của tôingoài đời nên tôi dễ dàng đắc cử vào BCH Hội Việt Hán phụ trách nội vụ, tôi cũng không muốn làm anh buồn lòng nên thôi
Từ khi Lê Vũ Hùng ra trường chúng tôi ít có dịp gặp nhau, tôi thấy anh cũng it viết bài hơn. Sau 75 anh hoạt động tích cực trong giáo dục Đồng Tháp, từng giữ chức chánh văn phòng tỉnh Đồng Tháp, giám đốc Sở GD-ĐT rồi thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách phía Nam.
Khi anh mất, đọc lại thơ anh tôi thấy có lẽ bài thơ Phong Điền là bài thơ hay nhất trong cuộc đời sáng tác làm thơ của mình viết về quê hương và truyền thống đấu tranh nơi chôn nhau cắt rốn Nhơn Ái-Phong Điền của anh. Rất tiếc khi viết bài nầy tôi lục lại trong thư viên lưu trử lại không tìm ra. Sau nầy tìm được tôi sẽ bổ sung vào bài viết của mình, tôi chỉ còn nhớ một vài câu:
…Kháng chiến quân về xây cảng gạch
Tàu Lang Sa bắn phá như mưa…
Một câu chuyện tôi tình cờ đọc trên trang Trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng, có một bài viết của một cô giáo từng dạy anh ở trường Hoàng Diệu. Năm đó có đoàn giáo viên Hoàng Diệu qua Đồng Tháp công tác, Lê Vũ Hùng đang là giám đốc Sở GD-ĐT, anh đã tiếp đãi hết sức ân cần chu đáo, nơi nhà hàng ẩm thực có trồng rất nhiều giò lan đẹp, cô giáo rất thích một giò lan, anh liền điều đình với nhà hàng để mua lại giò lan đó tặng cô giáo của mình, Các bạn thời đại học sư phạm và bạn thơ của anh mỗi khi có dịp qua Đồng Tháp nhắn tin cho anh, anh đều niềm nở tiếp đón chân tình, khi gặp lại tôi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau tôi cũng cảm nhận được điều chân tình đó.
Lê Vũ Hùng đột quỵ và mất ngày 27-05-2003 tại Hà Nội, gia đình đưa anh về an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần có dịp gặp lại bạn thơ sinh hoạt thời ấy nhắc đến Lê Vũ Hùng anh em đều buồn. Đời người ai cũng đều có số phận và đường đi riêng của mình. Nhắc lại để nhớ một thời hoạt động văn nghệ sôi nổi và có được một người bạn thơ chân tình yêu quê hương và trân trọng tình nghĩa bạn bè văn nghệ là một điều không phải dễ tìm trong đời của mình.

Nguyễn An Bình

Có 2 bình luận về LÊ VŨ HÙNG, “ông quan Giáo dục” nặng tình với quê hương & bạn bè văn nghệ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bất ngờ, đọc được bài của nhà thơ Nguyễn An Bình

    Cảm ơn Anh nhiều

    Cảm ơn Phi Rom đăng.

  2. Minh Lê nói:

    PHONG ĐIỀN

    Phong Điền có mấy con kinh nhỏ.

    Xuôi ngược trong hồn anh ấu thơ.

    Đò dọc Trà Niên ngưng bến đổ.

    Từ anh xa xứ sở quê muà.

     

    Tình nhau rún đó ghi muôn thuở.

    Hãy kể hằng đêm chuyện cũ xưa.

    Kháng chiến giặc về xây Cảng Rạch.

    Tàu Lang Sa đến bắn như mưa.

     

    Hãy dạo điệu đàn Nam ai cũ.

    Sáu câu vọng cổ khảy mùi tai.

    Lắng nghe để thấy tình quê đẹp.

    Mà giữ lòng son, một tấm hoài.

     

    Trầu vàng mới hái em ngồi liễng.

    Anh chợt thèm hôn những ngón tay.

    Bán cuộc đời anh chưa mua nổi.

    Mớ trầu em với mắt, môi nầy.

     

    Kinh xáng Xà No chung thủy không ?

    Mà sao con nước rẽ đôi dòng.

    Chèo ghe tam bản xuôi ra tỉnh.

    Áo mới vừa may, lấm nước sông.

     

    Trưa sớm về quê qua Cảng Rạch.

    Nhìn em phơi áo trước hàng ba.

    Nắng mang hơi nước từ trong áo.

    Và những cảm tình em với ta.

     

    Phong Điền và ngày xưa của anh.

    Tuổi ngoại già nua theo chiến tranh.

    Anh đứng bên nầy thời trẻ dại.

    Nhìn sang mộng ước tuổi thanh bình….

    10/1969 Lê Vũ Hùng.

     

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác