Nhà báo Lương Minh

Ngày đăng: 19/06/2020 10:35:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Anh chị em trang nhà đọc bài nhà báo Lương Minh trên web và fb Bạn bè tongphuochiep-vinhlong nhưng chắc không mấy người biết hành tung của anh. Nhân ngày nhà báo, trang nhà đăng lại bài phỏng vấn LM của nhà báo Nguyễn Khanh cách nay mấy năm về trước, để bạn đọc biết thêm.

Phi Rom

 

                 Nhà báo Lương Minh

Cuộc đời lăn lộn thương trường

Anh sinh năm Nhâm Thìn-cái tuổi mà thầy coi bảo là sướng- nhưng anh cho rằng đời anh có nhiều gian nan. Hồi nhỏ cũng có may mắn được ghi danh học Luật (ĐH Luật khoa SG) và khoa Sử ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng chưa tốt nghiệp, mãi gần 40 tuổi anh mới tiếp tục học xong Ngữ văn Báo chí. Anh hiện là phóng viên báo Tài chính Việt Nam, nhưng cộng tác với rất nhiều báo và cả Đài truyền hình. Anh than rằng, giai đọan cuối đời vẫn chưa được thong dong!

PV: Được biết anh là người con đất Vĩnh Long, nhưng thời gian sống ở Chợ Lách(Bến Tre) nhiều hơn. Ở Chợ Lách anh sống bằng nghề gì vậy?

-Tôi làm nhiều nghề: bán tạp hóa, bán xăng ở dưới bè, bán vé số trên bờ. Tóm lại, con người của tôi lúc nào cũng lăn lộn trên thương trường để sinh sống.

PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề báo?

Tôi thích làm báo từ hồi còn học ở trung học, năm đệ lục (lớp 7) tôi đã cùng với một người bạn làm một tờ “tạp chí” hàng tuần, phát hành có 1 bản, viết và vẽ tranh trên giấy caro, lưu hành nội bộ, được sự tài trợ của các cô bạn gái (giấy, viết). Gia đình rất lấy làm lo sợ tôi mê làm báo mà sao lãng việc học. Lớn lên, có thời gian sống dưới bè xăng dầu, giống như bị giam lỏng. Buôn bán không đắt nên dư dã thời gian viết tiểu phẩm cho báo Thanh Niên, SGGP, Đồng Khởi. Lại còn tập tành viết văn, có nhiều bài đăng ở Văn nghệ Cửu Long, Văn Nghệ Bến Tre, nhưng biết rằng mình không có duyên nên không dám theo đuổi nữa.

-Được biết anh có những người bạn vong niên nổi tiếng như nhà văn Sơn Nam.

Anh hãy kể vài câu chuyện khó phai giữa anh và nhà văn.

Cho tôi được đính chính, tôi chỉ là một học trò nhỏ không chính thức của ông. Tôi heo ông uống cà phê hầu để được nghe những câu chuyện xưa, địa danh lạ và nhất là những kinh nghiệm viết lách của người già. Các câu chuyện về Sơn Nam tôi biết rất nhiều nhưng tiếc là mình bất tài, không viết được gì trong lúc này. Có lúc tự hỏi tại sao có người chưa gặp Sơn Nam lần nào, thế mà khi ông vừa nằm xuống là có hàng lọat bài viết rất hay trên báo. Tôi phục quá.

-Anh nghĩ về nghề báo như thế nào?

Nói như nhà văn Sơn Nam đó là nghề… ba trợn. Riêng tôi thì nghề báo cũng như bao nghề khác để nuôi sống mình và gia đình. Tôi không bao giờ có ảo tưởng đây là nghề cao quý. Nếu mọi người có quý anh thì đó là quý cá nhân của anh thôi. Ăn ở thế nào cho người ta mến, chứ không phải anh là nhà báo mà người ta nể.

Anh thích nhà báo nào nhất? Vì sao?

Có lẽ tôi là người có đầu óc xưa cũ, cho nên người mà tôi thích cũng thuộc về thế hệ xưa: Ngô Tất Tố. Tôi không mê Tắt Đèn của ông ta, mà mê những bài chính luận, tản văn của ông. Kế đến là Phạm Quỳnh, những bài báo của ông đăng trên Nam Phong. Tôi thích những bài báo có nhiều thông tin, nhiều tư liệu, đọc xong có thể “nói dóc” được với bạn bè, chứ không coi trọng văn chương lắm. Tôi sợ nhất là đọc 2 trang báo nghe rất kêu, rất hay, nhưng ngẩm nghỉ lại, chẳng rút ra được bài học gì.

PV: Như cách nói về nhà báo anh thích ở trên, thì hình như anh không mê văn chương?

Thú thật, hiện nay tôi không có thời gian để đọc sách. Phải nói là lạc hậu trong cái thế giới sách hiện nay. Có điều an ủi là tôi còn giữ được cái thú chơi sách. Một tuần đi nhà sách một lần, chọn một vài quyển sách để rồi về nhà chỉ đọc được dăm ba trang. Sách được bạn bè giới thiệu thì đọc kỹ vì mình biết sẽ không bỏ phí thời gian. Tôi thích những nhà văn như Bùi Ngọc Tấn, Sơn Nam.

PV: Đồng nghiệp cho rằng anh là người lãng tử, luôn phớt lờ mọi chuyện “sân si”, có đúng không anh?

Tuy vậy, nhưng tôi vẫn có thái độ yêu-ghét rõ rang. Tôi yêu sự cao thượng, những cái mà tôi khó khăn lắm mới bắt chước được. Tôi cổ vũ cho mọi người sống tốt khi con người của mình chưa hoàn chỉnh. Tôi ghét nhất sự giả dối. Anh có hành vi xấu, nhưng trình bày thật tôi vẫn thích hơn anh lúc nào cũng ra vẻ đạo đức mà hành xử xấu với mọi người.

Anh lo ngại điều gì trước thực trạng báo chí hiện nay?

Tôi ngại nhất là hiện tượng sao chép. Đã nhiều lúc tôi nói đùa rằng, thế giới mà sập mạng, sẽ có nhiều người không viết báo được. Kế đó là sự thờ ơ trước cái xấu.

Bệnh này tôi cũng đang mắc phải, nên không dám nói nhiều thêm.

Anh có viết quyển sách Đời chợ, viết về những cái chợ ở TPHCM, từ đâu anh có ý tưởng này và đây là cuốn sách thứ mấy.

Tôi không có ý định làm sách. Cuốn sách Đời Chợ là tập họp những bài viết về chợ đăng hàng tuần trên tờ Doanh nhân Sài Gòn mà chị Minh Hiền, Tổng biên tập của báo này đã đặt bài cho tôi và Các Ngọc viết cách nay hơn 10 năm. Hiện giờ, tôi còn khỏang 100 chợ đã đăng rồi trên báo nhưng chưa in sách. Bạn bè khuyến khích cứ in đi, nhưng Các Ngọc (đồng tác giả) thì muốn biên tập lại cho sát với thực tế .

Bởi vì có chợ hiện nay còn, có chợ mất như chợ Cây Quéo, chợ Cây Thị (Bình Thạnh)… Viết sách mà không chính xác thì cũng kỳ. Nhưng cũng có người cho rằng, sách cần tư liệu xưa, khác với báo chí cần thông tin mới. Có lẽ tôi cũng in để đọc giả biết và có tư liệu.

Anh được nhiều báo “sủng ái” đặt bài. Vậy phải “cày ải” khổ lắm không?

Đúng như anh nói là tôi được người ta thương, giúp đỡ. Cầm tiền cho không tôi thì không được, nên bạn bè tìm cách đặt bài, một hành động để hỗ trợ tài chính. Thế nên, tôi cám ơn họ và cố thực hiện đúng hạn giao. Có người cho rằng tôi tham lam, ôm đồm nhiều quá chi cho khổ. Còn tôi thì nghĩ rằng, người viết báo cũng giống như con gái có lúc xuân thì. Giờ không viết thì mai sau, không ai đặt bài, lúc đó có viết cũng không ai đăng cho.

Phải nói rằng nhận viết nhiều cũng có cái hay, “chủ báo” thúc bên hông, nên cái đầu phải nghĩ ra đề tài, tay phải viết, nhờ vậy mà bảo đảm được số lượng.

Anh thấy lĩnh vực tài chính hiện nay ra sao?

Rất khó viết, báo nào cũng thiếu, bởi nhà báo viết tài chính chứng khoán phần nhiều chưa được học về lĩnh vực này. Người tốt nghiệp đại học ngành kinh tế- tài chính, thì không thích và không có kinh nghiệm viết báo. Do vậy, có lắm khi sai sót đến độ lỡ khóc lỡ cười. Bản thân tôi cũng không được học bài bản, nhưng nhờ cơ quan phân công theo lĩnh vực chứng khoán từ khi mới có thị trường nên có chút kinh nghiệm, viết cũng tạm được. Tuy nhiên, do học lóm nên dù viết nhiều cũng không sâu, dù cố gắng tự học.

Anh đã có lần nào bị mua chuộc chưa? Và anh đã làm gì để giữ mình?

Tôi lăn lộn thương trường nhiều nên biết được cái giá của bản thân. Làm nhà báo thì viết lĩnh vực nào cũng có thể tạo tiêu cực, bị mua chuộc theo mục đích và ý đồ riêng của người mua. Có điều nên nhớ mình là công dân, giống như mọi người, không có quyền hạn gì thì làm gì có người mua chuộc. Cũng giống như cửa hàng trong chợ, anh không treo bảng có bán món hàng đó thì ai biết mà đến mua ?

Lĩnh vực nào mà anh thích viết?

Tôi chuyên viết về chứng khoán, ngân hàng, là để mưu sinh, vì ở mảng này có nhiều báo cần mình viết. Còn sở thích của mình thì thích viết về du lịch, chợ búa.

Đến giờ này, mỗi khi đi đến đâu tôi cũng liền đi thăm chợ. Đi du lịch nhưng không tả cảnh đẹp thế nào, núi non hùng vĩ ra sao, mà thích viết về món ngon vật lạ, đời sống con người, phong tục tập quán ở đó. Nếu viết cho báo kinh tế, mình có thể chỉ cho đọc giả là doanh nhân biết nơi đó còn có hàng hóa gì dư thừa để có thể đến đó khai thác, hàng hóa nào thiếu để mở rộng thị phần.

NGUYỄN KHANH

H1

H2

H3

H4

Có 1 bình luận về Nhà báo Lương Minh

  1. Cảm ơn baì viết, giúp tôi biết thêm nhiều góc cạnh phong phú khác của nhà báo Lương Minh.

Trả lời Nguyễn Đức Tính Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác