HOANG SƠ CHƯ ĐĂNG YA

Ngày đăng: 1/04/2020 03:29:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ngang dọc ở Tây Nguyên, rất dễ nhận ra dấu tích của núi lửa qua dáng dấp hình thang của ngọn núi. Chư Đăng Ya là núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm qua, thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Đường đến Chư Đăng Ya không quá khó khăn, ấy vậy mà không hiểu cớ sao tới giờ tôi mới đến nơi này và cũng là lần đầu tiên tiếp cận trực tiếp với một núi lửa. Âu cũng chỉ biết tự trách mình. Nhắc tới núi lửa là nghĩ ngay đến một hiện tượng tự nhiên kinh hoàng không thể chế ngự. Phép ứng phó hữu hiệu nhất khi núi lửa phun trào đó là… tháo chạy, càng nhanh, càng xa càng tốt. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong 500 năm qua, toàn thế giới có ít nhất 300 ngàn người chết vì núi lửa. Riêng từ năm 1980 đến 1990, núi lửa đã làm thiệt mạng hơn 26 ngàn người.

Việt Nam là đất nước có nhiều núi lửa trải dài từ Nghệ An cho tới Đồng Nai, trong đó nhiều nhất ở vùng đất Tây Nguyên. Không thấy thống kê nào về thiệt hại về người và của do núi lửa ở nước ta. Hoạt động mớinhất của núi lửa ở Việt Nam diễn ra đã gần tròn một thế kỷ qua. Ngày 15/02/1923, tại cù lao Hòn ở Bình Thuận đã xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Thủy thủ tàu Vacasamaru của Nhật Bản ghi nhận một đám khói đen dựng đứng, bốc cao đến hai cây số, kèm theo từng đợt tiếng nổ lớn. Đến ngày 20/3 cùng năm, động đất và núi lửa phun trào lại tái diễn thêm một lần nữa tại nơi này. Nhiều thắng cảnh ở Việt Nam như núi Bà Đen, núi Hàm Rồng, đảo Lý Sơn, các thác Gia Long, Dray Sáp, Dray Nur, Trinh Nữ, ghềnh Đá Dĩa cũng từng là nơi núi lửa hoạt động. Ngay cả hồ T’Nưng, (còn gọi là Biển Hồ), nổi tiếng ở Pleiku cũng vốn là một núi lửa, nhưng là núi lửa âm lõm sâu trong lòng đất, tạo thành hồ nước, nên dễ bị quên lãng là núi lửa.

Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách thành phố Pleiku khoảng 30 km về phía Bắc. Chư Đăng Ya trong tiếng Ja Rai có nghĩa là “Củ gừng dại”, có lẽ để chỉ hình dáng núi hơn là sản vật tự nhiên dồi dào. Đường đến núi lửa băng qua nhiều phong cảnh tuyệt đẹp. Đó làkhông gian mát xanh rộng mênh mông của hồ T’Nưng;hàng thông cổ thụ giao tán lá, cao vút; những đồi chè xanh rờn trải ngút tầm nhìn; các bản làng người Ja Rai, Ba Na khép nép trong thung lũng; những vườn cà-phê rộ hoa trắng muốt, thơm lừng; bát ngát đồng lúa xanh rờn với dáng núi cao ngất xa xa. Cảnh sắc quyến rũ làm rối lòng lữ khách, khiến cho chuyến đi thêm hấp dẫn.

Làng Iagri của người Jarai nằm ngay dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Xe hơi đang bon bon trên con đường bê-tông trong làng thì bỗng xuất hiện một cô gái người dân tộc phóng xe gắn máy chạy cắt mặt, dáng vẻ nhanh nhẹn. Cô gái bảo nếu muốn lên núi lửa thì cứ chạy theo cô. Cũng chỉ có một ngã ba tỏa ra hai phía theo những lối đi vòng quanh chân núi, mà nếu có nhầm đường chắc cũng không quá cam go và biết đâu lại mở ra những cảnh sắc thú vị.

Xe vừa dừng ở bãi trống thì cũng là lúc có thêm hai xe gắn máy khác trờ tới. Đây là nhóm xe ôm chuyên chở du khách lên núi lửa. Năm chục ngàn đồng mỗi du khách cho hai lượt lên và xuống. Từ vị trí này, qua rặng dã quì, thấy rất rõ ngọn núi lửa bằng đất màu nâu đỏ không quá cao, trông bình dị, gần gũi, mời gọi.

Nhóm chúng tôi gồm có bốn người, đi ba xe gắn máy, bởi tôi muốn trải nghiệm cầm lái vượt dốc. Hai cô xe ôm chở khách vụt đi rất nhanh, mất hút sau những rặng cây. Xe lạ nên tôi mất chút thời gian kiểm tra tình trạng của máy và thắng, khiến không thể quan sát cách đi của xe phía trước. Đất đỏ mùa nắng rất tơi xốp, lối đi cũng không quá hẹp. Tuy nhiên, chỉ chừng năm trăm mét thì phải vượt qua một con dốc đứng, cũng tới cỡ 45 độ, đồng thời lại là khúc ngoặt cùi chõ. Gần lên tới đỉnh dốc thì xe bất ngờ trượt bánh và chổng bánh trước lên trời. Hai kẻ trên xe ngã nhào xuống đất, không đau nhưng cả thân hình nhúng trong bụi đất, lấm lem, vào ảnh chắc thê thảm. Hai cô xe ôm đón chúng tôi trên đỉnh dốc, sợ mất lòng khách nên chỉ mỉm cười kín đáo. Một cô bảo, từ trên này tụi em thấy hết. Nguyên nhân là do người bạn phía sau ngồi quá xa, dốc cao nên chổng vó, té là… đương nhiên. Với tôi thì do thiếu kinh nghiệm đi đường đất dốc cao, dẫn đến chuyện có thêm… kỷ niệm nhớ đời.

Đi chừng hai trăm mét nữa là hết đường có thể chạy xe máy. Nhìn quanh, thật bất ngờ tôi nhận ra mình đang đứng trong miệng núi lửa. Vị trí này chính là nơi dung nham núi lửa tràn ra ngoài khi hoạt động, tạo nên độ dốc thoải, trở thành đường vào miệng núi lửa. Xung quanh vắng tanh. Thảng nghe tiếng chim líu ríu đâu đó giữa không trung yên ả. Ánh nắng chiều chỉ đủ chiếu sáng một triền núi lửa, làm ửng lên màu đất đỏ bazan nồng nàn màu gạch cua. Ngọn núi lửa một thời hung hãn, kinh hoàng nay đã ngoan ngoãn xõa mình chan hòa, dung dưỡng vạn vật. Tất cả mặt trong và ngoài núi lửa đều được người dân phân thửa trồng khoai lang, khoai mì, đậu, bắp, bí, dong riềng. Mùa thu hoạch vừa kết thúc, những gì còn lại là đất đỏ, trần trụi như phơi bày trọn vẹn cõi lòng chân từ và phóng khoáng.

Từ trong núi lửa, tôi men theo một lối mòn hai bên đầy dã quì. Rải rác vẫn còn những cụm hoa trái mùa, vàng rộm hoang dã. Đang đi, bất ngờ bắt gặp hai chú bé người dân tộc Ja Rai. Cậu anh 14 tuổi và cậu em trai 13 tuổi. Đánh vần mãi tôi mới ngờ ngợ biết tên cậu anh là Py Din. Các em da đen nhẻm, tóc dài bờm xờm, đều đeo túi vải và cầm dao đi rừng. Cả hai bẽn lẽn trước người lạ, chỉ trả lời nhát gừng từng câu hỏi, mặt và mắt hiếm khi hướng về chúng tôi. Hai em đi bẫy chuột để dùng làm thực phẩm nhưng mùa này rất hiếm chuột do rau củ đã thu hoạch xong, mặt đất trống trơn không có chỗ cho chuột chui rúc, kiếm ăn. Trong chiếc túi vải của Py Din có chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt, theo dạng bẫy kẹp và một củ khoai lang rất to vừa mót được. Không có chuột thì có khoai qua ngày. Nhìn các em luôn chực chờ lẫn vào núi rừng bỗng dậy nên tình thương cảm. Những câu hỏi vẩn vơ cứ gợn lên mà không có lời đáp. Rằng các em sinh sống và học hành như thế nào, bắt chuột là trò chơi hay mưu sinh, có dám ước mơ gì không, đâu là trở lực để những điều tốt đẹp len lỏi đến với các em, v.v… Hai chú bé đi khuất,chẳng biết có vương vấn gì về khách lạ. Chỉ là tôi đoan chắc mình sẽ nhớ mãi hình ảnh đời thường của hai chú bé, nhỏ nhoi và hồn nhiên giữa núi rừng.

Sau một hồi len lỏi theo lối mòn dã quì, mồ hôi tứa ra theo chân chồn gối, tôi cũng lên được tới đỉnh cao nhất của núi lửa Chư Đăng Ya. Từ đây mới giật mình phát hiện, núi lửa này có tới hai miệng hình phễu nằm dính nhau bởi một triền dốc thoải. Đây là điều rất hiếm lạ khi hàng triệu năm đã trôi qua, thời tiết khắc nghiệt và con người tham lam tác động không ngơi nghỉ mà núi lửa vẫn còn giữ được dáng hình. Biểu tượng độc đáo của núi lửa là khối nham thạch khổng lồ nặng hơn hai tấn, tìm được tại chính nơi này và được đặt trên bệ đá với dòng chữ “Núi lửa Chư Đăng Ya. Tọa độ 14 độ 08 phút 16 giây Bắc; 108 độ 02 phút 48 giây Đông. Độ cao 975m”. Như vậy, núi lửa Chư Đăng Ya có độ cao gần một ngàn mét so với mực nước biển, không quá cao so với địa hình ba phần tư là đồi núi của Việt Nam. Khối nham thạch màu sậm nâu, thoạt nhìn ngỡ như một khối đất khô cứng nhưng kỳ thực lại là đá non, có nhiều bọng rỗng như tổ ong. Để ý kỹ, xung quanh còn đầy những cục nham thạch đủ kích cỡ, cầm ráp tay và rất nhẹ.

Từ đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya tầm nhìn trải dài tới những rặng núi điệp trùng và những ngọn núi đơn lẻ. Dưới thung lũng là buôn làng của người dân bản địa với những căn nhà nhỏ xinh lặng lẽ. Núi lửa của một thời cuồng nộ đã yên ả bù trả lại bằng dòng dung nhammàu mỡ trải rộng, nuôi nấng ngàn đời. Đứng trên đỉnh núi lửa ngẫm ra có những kỳ quan huyền bí mãi là… huyền bí, chỉ đơn giản bởi ta lười nhác, không một lần chịu dấn thân khai mở.

Từ năm 2018, vào đầu tháng 11, làng Iagri của xã Chư Đăng Ya đã diễn ra lễ hội hoa dã quì. Tuy nhiên, hoa dã quì hiện hữu ở nhiều nơi từ Nam chí Bắc, còn núi lửa Chư Đăng Ya chỉ duy nhất có một. Tới Chư Đăng Ya, bay trên dù lượn không lẽ chỉ để xem hoa dã quì? Đáng ra những nội hàm chính cần gìn giữ, nâng niu, quảng bá phải là núi lửa Chư Đăng Ya, các hoạt động văn hóa, ẩm thực hay là nhà rông, nhà ở truyền thống và chính con người thuần phác với bản sắc riêng độc đáo của các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất này. Tôi rất thất vọng khi vào thăm căn nhà rông nhỏ bé và rách rưới, đứng lọt thỏm thê lương trên bãi cỏ trống chính giữa làng Iagri. Còn đâu bóng dáng xưa hùng tráng của nhà rông, nơi quần tụ dân làng, nơi diễn ra những lễ hội, những buổi kể sử thi linh thiêng và huyền diệu.

Đến Chư Đăng Ya tôi được hòa mình với thiên nhiên kỳ vĩ. Màu xanh mát của cỏ cây, màu vàng hoang dại mà mê hoặc của dã quì in trên nền đất đỏ, tạo thành bức tranh quê tuyệt mỹ. Từ trên núi lửa, cảm nhận ra thời gian cứ mặc trôi, chậm rãi hay vội vã đều không còn ý nghĩa. Hoang sơ nơi đây khơi dậy trọn vẹn những cung bậc nhung nhớ, cuồng say, bất lực, yên bình và vô ưu.

 

Bài và ảnh: Trần Vọng Đức

h1

h2

h3

h4

h5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác