EM HỌC TRÒ

Ngày đăng: 12/04/2020 07:22:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

1.Mỗi lần kiếm cái kiếng bỏ đâu không nhớ đeo vào đọc sách, lên …phây, là tui hờn giận vu vơ bà Nguyễn Thị Hoàng dễ sợ. Nếu không có cái “Vòng tay học trò ” của bả thì con mắt của tui đã không bắt đầu có độ, và cái độ cứ đi lên theo thời gian. Mà bố già của tui cũng đới liên trách nhiệm với việc nầy vì đã quyết liệt ngăn cấm con nhà đàng hoàng của bố đọc loại tiểu thuyết ngoài luồng phá rối trật tự tôn ti đời thuở, làm mất thể thống Nho gia Khổng học. Bố chỉ muốn con trai, con gái học và hành như Lục Vân Tiên.

2.Phàm cái gì cấm lại là cái có sức hấp dẫn nhất trong hệ mặt trời mới khổ cho sấp nhỏ tụi tui. Khi Vòng Tay Học Trò nở rộ, thách thức với lệnh cấm bất thành văn từ gia đình, từ nhà trường, học trò tụi tui cũng truyền tay nhau mà đọc, đọc công khai không được thì đọc lén, đọc ở trong mền dưới ánh sáng mỏng lét của cái đèn cà na nhỏ xíu, đọc dưới quyển sách Quốc Văn trong khi thầy cô đang thao thao giảng dạy trên bục. Cảm giác đọc lén tiểu thuyết trong giờ học, ăn vụng trong lớp mà thầy cô không bắt tại trận nó cũng tuyệt vời y như cảm giác bài kiểm tra trả về có số điểm là 19 , 20 . Hồi đó, cả cái Hội Phụ huynh đều liệt những nội dung tình yêu, tình ma học đường là luồng gió độc , nhưng học trò lại thích độc phong mới chết, ngây thơ như chú tiểu lần đầu tiên xuống núi cùng thầy, khi trở về chùa cứ mãi nhớ nhung …”con cọp cái” ở miệt đồng bằng . Lúc đó tui đã học lớp 9, lớp 10 , tui đã thấy các nam thần trường Tống ngồ ngộ hay hay, nhưng tui chưa trúng… chưởng, dù đã nghe các bậc đàn chị lớp 11, lớp 12 tâm tình về chuyện tình yêu , loại chiều một , loại hai chiều hoặc xà quần tay ba. Tui còn ngố trong vùng đất cấm trong khi chuyện không học mà hành đó không những chỉ lây lan trong học trò mới lớn mà nó còn êm đềm truyền nhiễm trong thế giới các anh chị thầy cô giáo trẻ . Tui biết các chị lớn trong lớp, trên cấp đã là chú tiểu đang đem lòng tơ tưởng những anh thầy giáo trẻ, đẹp trai lại có tài. Mấy luống hoa trong sân trường đầy những hạt giống tình yêu gieo xuống, có hạt đã nẩy mầm ra hoa kết quả nhưng phần lớn đã tự ung thúi ngay từ đầu. Dạo đó tui như cái thùng rác cho các chị đổ vào những tâm sự về những nổi niềm chỉ biết tỏ mình tui vì tui là cư dân luôn ngồi bàn nhất, chẳng là tui vẫn còn vừa ngố, vừa ngu!- Tui luôn luôn lắng nghe nhưng lâu lâu mới hiểu tâm tình của các chị, được cái các chị yêu chiều luôn biết điệu trả công, khi ly chè, lúc cây cà rem loại một … Rồi khi chị đi lấy chồng có nhờ tui giữ lại bài thơ. Bài thơ anh thầy đã viết cho chị ngày nào, ở nhiều năm trước .  …”Em học trò, hôm nay sao em không đến lớp, Trong sân trường, em có biết, lá rụng đìu hiu ….’

Chị nói , nhiều năm sau chị vẫn chờ anh thầy trong vô vọng, nhiều năm sau tình yêu của chị dành cho anh giáo trẻ cũng đã thành lá rụng đìu hiu. …………………

Gần nửa thế kỷ mới gặp lại một số thầy cô giáo trẻ Tống Phước Hiệp(TPH) ngày xưa. Giờ thầy trò cũng tóc bac như nhau, sự đời trãi nghiệm đã từng. Ngồi bên nhau kể lại một thời TPH, không khí anh em thay cho khoảng cách thầy trò, thân ái và vô cùng gần gủi để nghe những chuyện bây giờ mới kể . Thầy TTH , ngày xưa cũng đình đám trong trường, giờ thầy cũng có cái nhìn bao dung về hiện tượng tình yêu học đường. Thầy kể , hồi còn là anh giáo trẻ, thầy cũng từng bối rối trước những em học trò diễm lệ, từng nhủ lòng giữ chặt trái tim không lỗi nhịp khi đường hoàng đứng trên bục giảng. Và thầy chỉ dám nhìn lũ học trò từ bàn nhất tới bàn ba. Khu vực đó toàn là con nít, còn khu vực dưới kia có nhiều em học trò xinh đẹp quá, sợ một ánh.nhìn , một nụ cười thôi là thầy sẽ không thể tập trung . Thầy nói, xứ Vĩnh long sinh nhiều con gái đẹp, mà trường TPH tuyển nữ sinh toàn có chuẩn hoa khôi. Ôi, câu nói hay nhất trong ngày làm tui hạnh phúc, như mình cũng là một trong những người đẹp TPH ngày xưa ! TPH là một nơi cho bao nhiêu thầy cô và học trò tưởng nhớ, không chỉ vì đó là nơi để thầy cô cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, không chỉ đó là nơi cho tui mài đủng quần học cho giỏi với người ta. TPH là nơi cho nhiều người thương nhớ vì ở đó luôn lưu giữ chữ tình. Cái tình lớn của môi trường giáo dục vẫn không thể sánh bằng những cái tình con con, nho nhỏ. Có một mối tình vắt vai như các chị lớn vẫn là kỳ tích đó thôi. Những anh thầy, chị cô trẻ khỏe ngày xưa đã đi vào cổ tích, trong cổ tích có bà tiên, có bạch mã hoàng tử và có cả lọ lem. Lọ lem có mơ một ngày được ướm thử chiếc giày thủy tinh thì cũng có anh bạch mã hoàng tử ôm giày táo tác đi tìm chủ nhân của nó đó thôi. Và cũng có anh giả danh hoàng tử , cũng đem chiếc giày thủy tinh để …thả thính mà thôi.

3.Chiều nay dạo trên vùng đất cấm, tui chợt nghe tiếng lòng của một anh giáo trẻ , nếu anh không xao xuyến, không nhớ em học trò trường Tống, sao anh viết được những câu thơ “Em học trò, sao hôm nay em không đến lớp ? Trong sân trường, em có biết, lá vẫn rụng đìu hiu …” Anh giáo trẻ nhớ nàng sao không dám hẹn ? Hay chỉ vì anh là Luc Vân Tiên đỉnh đạc với đời mà anh phải đóng vai ?

NGUYỄN NGỌC HẠNH

12/04/2020

 

H1                                                                         Em học trò ngày xưa

h2                                                                  hai anh giáo trẻ ngày xưa

h3                               Thầy cô Trần Thái Hùng- Thầy Trần Phú Tôn và học trò cũ làng hoa Sa Đéc 2018

Có 1 bình luận về EM HỌC TRÒ

  1. Tri Phạm nói:

    Có thắc mắc xin hỏi người viết..Có phải cô T.T.Hùng là học trò của thầy không ? Vì thấy hình cô trẻ hơn thầy rất nhiều lại đẹp nữa.
    Thầy cưới học trò đa phần là mấy cô đẹp đẹp, xinh xinh !

Trả lời Tri Phạm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác