VIẾT TÁC PHẨM NÀY LÀ MUỐN MỌI NGƯỜI HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

Ngày đăng: 22/02/2020 09:25:40 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Theo dõi các đầu sách đã xuất bản, được giới thiệu và phát hành, truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” của nhà văn Tiểu Nguyệt là tác phẩm thứ 12. Sau một số tập truyện ngắn, tùy bút và tiểu luận được nhiều bạn đọc yêu thích, được đánh giá là “bài học luân lý cần thiết cho đời sống” (Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài); là “cánh cửa mở đi vào hạnh phúc” (Nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân); là “hiện thực sinh động của đời sống” (Nhà thơ Nguyễn An Đình); là “được ảnh hưởng sâu rộng, nhuần nhuyễn của tư tưởng Phật giáo” (NV Trần Như Luận); là “nỗ lực vươn lên của những cảnh đời bất hạnh, từ một quê hương nghèo khó” (NV Nguyên Cẩn). Truyện dài của nhà văn Tiểu Nguyệt, là một tập hợp rất tinh tế, về các phẩm tính trên. Sau đây, là cuộc trao đổi thân tình của NV Mang Viên Long với NV Tiểu Nguyệt, về truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” .

MANG VIÊN LONG (MVL):  Câu hỏi đầu tiên, cũng là điều một số bạn đọc cần biết thêm là, Nhà văn đã viết truyện dài 10 chương, hơn 150 trang nầy trong thời gian nào? bao lâu hoàn tất tác phẩm?
TIỂU NGUYỆT (TN)  Thưa anh! Một truyện dài mà nói viết trong bao lâu, thật khó trả lời. Em nghĩ, đó phải là những ấp ủ tâm huyết, trong một thời gian khá dài, mới có thể hình thành được. Khi em có dịp đọc lại cuốn tiểu thuyết “Gone With the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) của nhà văn nữ người Mỹ Margaret Mitchell, cách nay mười mấy năm; đã khiến em rất thích nhân vật nữ chính Scarlett O’Hara và cảnh chạy loạn, chiến tranh trong truyện hơn; để em nhìn lại cuộc di tản trên con lộ đầy máu và nước mắt – liên tỉnh lộ Bảy vào tháng 3/1975, có phần giống nhau về nỗi đau thương, mất mát mà trong cuốn tiểu thuyết đã miêu tả. Một phần nữa, ở xóm em, có một người mẹ đã lạc mất con trong cuộc di tản tháng 3/1975 này. Từ đó, em luôn suy nghĩ về điều này, mỗi ngày, là mỗi thôi thúc, ao ước, mong muốn được giải bày, chia sẻ chín mùi hơn. Để bắt đầu cho truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người”, em phải cho ra đời những tập truyện ngắn, tùy bút, hay tiểu luận, để có thể có thêm kinh nghiệm từ cách viết, câu cú, cũng như ý tưởng giải bày, thể hiện. Và em bắt đầu chương một vào ngày đầu tháng 8/2019 – một ngày đẹp trời của mùa thu, mùa mà em rất thích từ những ngày còn đi học; kết thúc chương 10 vào giữa tháng 12/2019, em liền gởi bản thảo xin giấy phép xuất bản, để đầu năm 2020 kịp in.
MVL:  Thông thường, tựa của tác phẩm là rất quan trọng, vậy TN chọn tựa “Một Ngày Dài Một Đời Người” có ý nghĩa tiêu biểu thế nào?
TN : Thưa, đúng vậy, anh! Đặt tựa cho một tác phẩm rất quan trọng. Em nghĩ, mình phải chọn một cái tựa sao cho đơn giản mà thích hợp, tiêu biểu với nội dung; bạn đọc nhìn vào có thể “biết” được phần nào điều mình muốn nói, muốn gởi gắm trong tác phẩm. “Một Ngày Dài Một Đời Người” có thể hiểu rằng – một ngày với bao biến cố, đổi thay, mà những vết thương hằn sâu về sự mất mát, chia ly, còn kéo dài suốt một đời người, có khi cả một thế hệ, không dễ “hàn gắn” như các cơ sở vật chất. Em không biết, liệu anh có đồng cảm với em về vấn đề này không?

MVL: Anh rất đồng ý với TN về suy nghĩ cần có cho một tựa đề tập sách. Ngay Chương Một -“Một Ngày Của Tháng Ba…”, ngày của biến cố lịch sử 1975, nhất là trên con lộ huyết mạch số Bảy nối liền các tỉnh cao nguyên với đồng bằng Phú Yên, trên lộ trình “tháo chạy”. TN đã làm sống dậy những thời khắc đau buồn của tất cả, Nhà văn muốn giải bầy điều gì chăng?
TN: Thưa anh! “Một Ngày Của Tháng Ba”, ngày của biến cố lịch sử 1975, nhất là trên liên tỉnh lộ Bảy, đã xảy ra nhiều đau thương, chia ly, trong cuộc “tháo chạy” gây xáo trộn, bàng hoàng cho tất cả. Em đã chứng kiến những người dân vô tội thoát chết trở về từ con đường Bảy, tập trung ở các trường học; mà học sinh chúng em đã quyên góp tiền bạc, gạo, thức ăn đến cứu trợ. Nhìn họ rũ rượi, đói khát, rất thương tâm. Có người khóc vì lạc mất con, vợ mất chồng, chồng mất vợ, con mất cha v v… đã làm học sinh chúng em chảy nước mắt.
Em muốn chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau đó. Sự mất mát luôn là nỗi bất hạnh, niềm ray rứt khôn nguôi, mà con người sống trong cuộc chiến phải gánh chịu – cho dù đã hòa bình (ngưng tiếng súng), không còn bom nổ, đạn rơi, nhưng nỗi đau của mỗi thân phận con người vẫn dai dẳng, kéo dài, suốt một đời người, khó mà hàn gắn, lành lặn nhanh chóng được. Em ao ước mọi người được sống trong hòa bình, không có chiến tranh, không hận thù, phân biệt, không chết chóc; để con người cùng nhau sống khoan hòa, hạnh phúc. Chỉ vậy thôi! Em nghĩ, chắc ai cũng có mong ước, kỳ vọng như em, phải không anh?
MVL: Rất đồng cảm với TN về ước mơ chính đáng ấy – đó cũng là niềm mơ ước lớn nhất của con người trên hành tinh nầy.Từ ngày hôm ấy, qua 9 chương sách, Nhà văn đã đưa người đọc đi theo số phận của người đàn bà – người mẹ bất hạnh, người vợ thủy chung, người con chí hiếu, người Phật tử chí thành Kim Trâm.(…) Hình tượng người phụ nữ Kim Trâm, theo Nhà văn, có thể “đại diện”: cho số đông người đàn bà Việt Nam trong mọi cảnh ngộ – nhất là trong chiến tranh hay không?
TN:  Kim Trâm, nhân vật nữ chính trong truyện, theo em, đó là mẫu người phụ nữ, có thể đại diện cho số đông người đàn bà Việt Nam trong mọi cảnh ngộ, nhất là trong chiến tranh. Người đàn bà ấy, thủy chung với chồng con, lo tròn hiếu thảo, tin tưởng vào “nhân quả”, luôn ray rứt, đớn đau, tìm kiếm đứa con gái thất lạc, dù mấy mươi năm trôi qua, và có thể là cả đời của bà. Em tin tưởng, người chí thành, thiện tâm như bà Trâm, sẽ được chư Phật, chư Bồ Tát nhìn thấy; và bà đã có “thiện duyên” gặp lại đứa con gái thất lạc sau mấy mươi năm tìm kiếm, như một đền đáp vậy.
MVL:  Khi viết và giới thiệu truyện dài nầy, nhà văn muốn chia sẻ “thông điệp” gì đến với người đọc?
TN:  Khi viết và giới thiệu truyện dài này, em muốn chia sẻ một điều tâm huyết “Hãy Yêu Thương Nhau” đến với tất cả; bởi yêu thương, sẽ gắn kết mọi người với nhau, không còn định kiến, hận thù, phân biệt; từ đó, con người sống trong khoan hòa, xây dựng đất nước, hướng tới sự công bình, hạnh phúc, phồn vinh hơn. Với lại, sống trong tình yêu thương, trí tuệ sẽ phát triển, con người sẽ tiến bộ, thông minh và thiện lành, cuộc sống từ đó sẽ có ý nghĩa hơn. Em tin vậy.
MVL: Để tác phẩm được giới thiệu rộng rãi, nhưng hệ thống phát hành cả nước ngày nay rất giới hạn, ngoài  phát hành ở Tuy Hòa, Nhà văn có nghĩ đến việc tác phẩm được đến tay người đọc sâu rộng hơn không?
TN : Mỗi lần giới thiệu và phát hành một tác phẩm mới, ngoài giới thiệu và phát hành ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) – quê em, em luôn gởi sách đến những bạn đọc phương xa có gởi yêu cầu, những bạn Văn quen biết ở khắp nơi, có thể nói là trong nhiều tỉnh như: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Tp HCM, Phan Thiết, Châu Đốc, Gia Lai, Lâm Đồng v v…. Em muốn chia sẻ với bạn đọc mọi miền, trong và ngoài nước, anh ạ!
MVL: Câu hỏi cuối, theo nhà văn, viết là phải thế nào? Có nên “đặt ra” cho chính mình một “con đường” nào trên lộ trình dài lâu đến với văn học không? Trong tương lai, Nhà văn có dự định gì tiếp theo không?
TN : Cảm ơn anh đã đưa ra câu hỏi này, để em có dịp được giải bày thêm. Em luôn đặt ra cho mình một con đường đi rõ ràng – xây dựng truyện làm sao phải có tính Nhân văn và Giáo dục; luôn lấy “Yêu Thương, Cảm Thông. Khoan Dung” làm nền tảng cho truyện. Mọi nhân vật, cho dù trải qua bao khổ đau, bất hạnh, luôn mạnh mẽ đứng lên trong niềm tin yêu và hy vọng. Những người có tâm thiện lành, trong sáng, luôn được tùy duyên “đền đáp”. Em nghĩ, với nội dung thiết thực, gần gũi như thế, bạn đọc có thể chia sẻ được điều mình muốn tâm sự, gởi gắm đến họ, khi khép trang sách lại. Nói theo người xưa, (có hơi “cổ” một chút) là “Văn dĩ tải đạo” anh ạ!
Sau truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời NGười”, em dự định sẽ có một tác phẩm in chung (dành cho mùa Vu Lan), tiếp theo là một tập truyện ngắn, rồi một tập tạp văn, đã khởi viết. Còn sau đó, chuyện “tương lai xa hơn” xin để thời gian trả lời, khi cuộc sống này là “vô thường”, phải không anh?
MVL:  Đã gần hết buổi sáng rồi, cảm ơn Tiểu Nguyệt đã vui vẻ, thẳng thắn chia sẻ mấy điều tôi đã nêu ra. Chúc Nhà văn Sức khoẻ, để vững bước trên con đương văn học yêu thích đã chọn. TN có muốn gởi thêm lời gì cho bạn đọc thân quý của mình không?
TN : Dạ, có! Em muốn gởi đến tất cả lời biết ơn chân thành về những sự động viên, khích lệ, ủng hộ cho những Tác phẩm của em đã giới thiệu, phát hành. Tiểu Nguyệt xin chân thành cảm ơn anh về buổi sáng vui vẻ hôm nay. Kính chúc anh luôn An vui, Sức khỏe, mọi việc thuận duyên, may mắn!

Tuy Hòa, Trung tuần tháng 2.I2020.
MANG VIÊN LONG (thực hiện)

Có 1 bình luận về VIẾT TÁC PHẨM NÀY LÀ MUỐN MỌI NGƯỜI HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

  1. Hoành Châu nói:

    Thương và ngưỡng mộ nhà văn nữ này quá ,,, mình thích  ánh nhìn về ý nghĩa   cuộc đời và  tâm huyết của nhà văn này ,, mình cũng thích  lắm tác phẩm ” Gone  with the Wind *của nhà văn nữ người Mỹ   Margaret Mitchell,,,Chúc NV  Tiểu Nguyệt  vui với lý tưởng ” văn dĩ tải đạo ” của mình nhé  ..
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác