MỘT LẦN ĐẾN CHÙA BÀ ĐANH

Ngày đăng: 6/12/2019 02:00:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

“Vắng như Chùa Bà Đanh” là thành ngữ chỉ nơi hẻo lánh, hoang vu, rất ít hoặc không một bóng dáng người. Từ chuyện riêng tư vắng vẻ của một ngôi chùa đã trở thành biểu tượng ví von, chẳng rõ đẹp hay xấu, lan rộng khắp nhân gian, khiến nhiều người, trong đó có tôi, rất tò mò. Liệu có một ngôi chùa nào mang tên là Chùa Bà Đanh, chùa thường là chốn linh thiêng, thân thiện vì sao chùa này lại vắng bóng người và vắng từ ngay khi khánh thành chùa hay thời gian nào khác?

Gần 20 năm trước, tôi có dịp về thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Được người bạn giới thiệu có một ngôi chùa mang tên Bà Đanh nằm không xa thành phố. Nửa tin nửa ngờ, cộng với bận rộn công việc và nghe bảo phải đi đò qua sông mới đến được chùa, rất nhiêu khê, nên tôi bỏ luôn ý nghĩ thăm chùa. Để rồi suốt nhiều năm trời, lòng ân hận vì sự lười nhác của mình, rằng đã bỏ lỡ cơ hội thuận tiện cho việc ghé thăm một ngôi chùa dẫu có thể không nhiều vinh dự nhưng tiếng tăm lừng lẫy.

Năm nay, động lực đến thăm Chùa Bà Đanh tăng lên bởi sự ra đời của quần thể Chùa Tam Chúc, chỉ cách đó hơn năm cây số. Một công đôi việc, một lần đi thăm được cả hai ngôi chùa danh tiếng. Từ Hà Nội xuôi theo hướng Nam chừng 65 km là tới thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Từ đây, theo quốc lộ 21 khoảng mười cây số là tới Chùa Bà Đanh. Chùa nằm bên khúc uốn cong của dòng sông Đáy, ba mặt giáp sông, địa thế thơ mộng và cách trở. Mấy năm gần đây, khi cầu treo bằng sắt Cấm Sơn được xây dựng, đường vào chùa dễ dàng hơn hẳn. Có thể đi xe máy hoặc đi bộ, chừng 300 mét từ quốc lộ 21, là vào đến chùa.

Chùa Bà Đanh còn có tên gọi là Bảo Sơn Nữ, tọa lạc tại làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Theo truyền thuyết, khởi thủy, đây là ngôi đền thờ nữ thần Pháp Vũ có khả năng điều mưa chuyển gió, phòng trừ bão lụt, giúp mùa màng bội thu. Sau dần mới thờ Phật và được gọi là Chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là Chùa Bà Đanh.

Chùa có diện tích khoảng mười hecta với với gần 40 khối kiến trúc lớn nhỏ. Qui mô bề thế, phong cảnh hữu tình nhưng vì sao chùa lại được gắn với thành ngữ “Vắng như Chùa Bà Đanh”?. Với tôi, chùa là chốn linh thiêng được tạo lập trước hết bởi nhu cầu tâm linh của các nhà sư, sau đó mới đến giới Phật tử và sau cùng là người mến mộ, du khách. Chính vì vậy, trước đây, địa điểm được lựa chọn tạo dựng chùa thường là chốn u tịch, cách xa ồn ã đời thường. Chùa Bà Đanh thuở ban đầu cũng vậy khi tọa lạc ở khu rừng đầu làng, xa dân cư, ba mặt giáp sông, lối vào độc đạo, xung quanh nhiều thú dữ, ban đêm phải đốt đuốc, gõ trống mõ khi cần đi lại. Tương truyền, từ thế kỷ thứ VII, chùa chỉ là những gian nhà vách tre, mái lá. Đến thời vua Lê Hy Tông (1675 – 1705) chùa được xây dựng khang trang, rộng lớn hơn. Dẫu vậy, do vị trí cách trở, chùa vẫn thưa vắng bóng người. Còn theo giải thích của Ni trưởng Thích Đàm Đam, trụ trì Chùa Bà Đanh, thì từ trước tới nay dân làng Đanh Xá truyền tai nhau rằng ngôi chùa này rất linh thiêng, nếu thất lễ sẽ bị trừng trị. Vì vậy khách thập phương không dám đến. Tình trạng ấy được duy trì cho tới ngày nay, để rồi chưa rõ từ bao giờ, được khái quát hóa ra thành ngữ “Vắng như Chùa Bà Đanh”. Chùa vắng người thì tốt hay không tốt, cũng không rõ lắm, chỉ gợi lên trong tôi cảm giác hiu quạnh, u buồn.

Vừa qua khỏi cầu Cấm Sơn, phát hiện ra dòng chữ viết bằng sơn trắng trên bờ tường phía tay trái: “Lối vào chùa”, tôi cho xe xộc vào. Lối nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn tôi vào sân một ngôi nhà dân. Bà cụ chủ nhà chạy ra đon đả đón khách, mời mua nhang, còn tiền giữ xe thì tùy hỉ. Giữa nhà cụ và chùa thông với nhau qua một khung tường trống. Trao nén nhang cho tôi, cụ ân cần dặn dò: “Cứ thoải mái. Nếu ai hỏi thì bảo cháu bà Ng… nhé!”. Tôi hồn nhiên vào chùa.

Chùa Bà Đanh quay mặt về hướng Nam, có bậc thang đá dẫn tới mép nước của sông Đáy. Đây cũng chính là bến thuyền đưa đón khách sang sông để đến chùa. Nay thì không còn ai sử dụng lối đi thơ mộng này. Bến vắng, buồn cô quạnh. Mấy bà bán hàng rong cũng ngồi mong qua ngày, chẳng màng chào mời khách.

Chùa Bà Đanh tất nhiên thờ Phật, bồ tát nhưng bên cạnh đó còn có thêm các điện thờ của đạo giáo và tín ngưỡng dân gian thờ cúng Ngọc Hoàng, Thái thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Thần và Phật quây quần bên nhau, thật thú vị!

Quần thể Chùa Bà Đanh gồm nhiều khối kiến trúc liên hoàn với tam quan, chính điện, tả vu, hữu vu, nhà tổ, phủ mẫu, nhà ni, nhà khách và các công trình phụ trợ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật như tượng quí, cổ thư, khánh đá, đại tự, nhang án. Đặc biệt quí hiếm là sáu bộ vì kèo của tòa bái đường, được chạm khắc chìm và nổi rất tinh xảo, sống động ở cả hai mặt với nhiều hình tượng, động vật gồm tứ linh (long, ly, quy, phượng), ngũ phúc (năm chú dơi), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trời) và thực vật như tứ quí (tùng, mai, trúc, cúc), bát quả (dưa hấu, mãng cầu, đu đủ, xoài, sung, thơm, dừa, nho) và những vật dụng như đàn, bút lông, thư cuốn, bầu rượu, quạt. Mỗi khóm cây, cành hoa hay con vật không đứng riêng lẻ mà được kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một đề tài chung. Chùa Bà Đanh được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc đẹp nổi tiếng toàn vùng Bắc Bộ.

Chính điện của tòa bái đường có bàn thờ Phật. Ngay phía trên của điện thờ là khung kính treo “Bằng công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa” cấp quốc gia, mà chùa được trao năm 1994. Vị trí treo tấm bằng không được phù hợp, làm giảm sự tôn kính của điện thờ. Phía trong cùng của tòa bái đường là nhà thượng đường với tượng thờ Tam thế, Ngọc hoàng, Thái thượng Lão Quân và tượng bà chúa Đanh. Tượng bà chúa Đanh, tức là tượng Pháp Vũ, được tạc trong tư thế tọa thiền không phải trên tòa sen mà là trên chiếc ngai đen bóng. Gương mặt bà chúa rất đẹp, hiền từ, gần gũi, không thần bí hay ba phải như nhiều pho tượng khác.

Thật không hổ danh “Vắng như Chùa Bà Đanh”, ngày thứ bảy cuối tuần, tôi đi khắp tòa bái đường, nhà tổ, nhà mẫu đều không gặp bất cứ người nào, từ nhà sư cho tới Phật tử hay du khách. Tất cả các lư hương trên những điện thờ đều không có cây nhang nào cháy đỏ. Đơn độc trong thú vị, bởi được thong thả chiêm bái mà không phải chen lấn, không sợ lạc giày dép, không lo vái lưng và mông người khác, không ngại bị dòm ngó số tiền cúng dường nhiều hay ít.

Khi đi qua sân nhà thờ mẫu, tôi nghe được những tiếng trò chuyện trong bữa ăn trưa của mấy ông, hình như trong ban quản lý chùa. Họ nói chuyện rổn rảng đúng trong tâm thế thoải mái ở chốn không người. Thật bất ngờ, bởi chen trong những câu nói, thỉnh thoảng lại đệm thêm những tiếng “đ…”. Một góc chốn linh thiêng bỗng bị dung tục hóa. Rất chối tai, phản cảm!

Thực ra, Chùa Bà Đanh cũng không phải vắng lạnh suốt năm. Những dịp lễ hội vào tháng hai âm lịch hàng năm, chùa cũng thu hút được nhiều người đến tham dự các nghi thức tế lễ, các trò chơi dân gian như đua thuyền chài, chọi gà, kéo co, cờ người. Tuy nhiên, nếu kết luận như trong lời giới thiệu trên tấm bảng cỡ lớn treo ngay trong tòa bái đường về di tích chùa Bà Đanh, rằng: “…Chùa Bà Đanh ngày càng hấp dẫn đông đảo thiện nam, tín nữ, Phật tử, du khách xa gần”, thì tôi đành phải nghi ngờ về tính xác thực của thông tin này.

Một lần nữa, tôi vẫn muốn quay trở lại để lý giải nguyên nhân chuyện “Vắng như Chùa Bà Đanh”. Chùa Bà Đanh vắng vẻ nếu cho rằng do thuở ban đầu ngăn sông cách trở thì thời nay đã không còn phù hợp. Chùa nằm ngay ven quốc lộ, cầu đã bắc qua sông, lối vào chùa rất thuận tiện. Vậy thì chùa vắng bóng người phải còn do những nguyên nhân khác.

Tôi thử đưa ra vài lý giải ban đầu theo nhận định riêng của mình về nguyên nhân của sự “Vắng như Chùa Bà Đanh” đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ cho tới ngày nay. Trước hết, các chùa ở miền Bắc thường là Phật giáo đại thừa, nhiều chùa đã lập thêm điện thờ thần. Từ khởi thủy là một ngôi đền nhỏ, chuyển sang thành chùa, rồi tiếp nhận thêm đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, thờ rất nhiều thần thánh bên cạnh Đức Phật và bồ tát. Sự dung nạp đa dạng này đã đã làm cho Chùa Bà Đanh bớt đi vẻ thuần khiết của một ngôi chùa đích thực, khiến cho người mộ đạo lưỡng lự trong quyết định đến chùa.

Thứ hai, lẽ ra chính danh xưng “Vắng như Chùa Bà Đanh” sẽ là động lực khơi dậy sự tò mò của Phật tử và du khách nhưng điều này đã không xảy ra. Sự xuất hiện của quần thể Chùa Tam Chúc hoành tráng, ở vị trí rất gần Chùa Bà Đanh, đã khiến sức hấp dẫn của ngôi chùa tồn tại nhiều thế kỷ này có phần suy giảm. Người mộ đạo hay du khách, đi hành hương hoặc theo tour du lịch, đều chăm bẳm đích đến là Chùa Tam Chúc, đi ngang qua Chùa Bà Đanh mà không một chút phân vân.

Một lý do nữa, với tôi, tạm gọi là “Văn hóa chùa”. Đành rằng, đến chùa để chiêm bái Phật nhưng một ngôi chùa thân thiện, tôn nghiêm vẫn dễ giữ chân người mộ đạo. Việc lỡ được nghe vị nào đó trong ban quản lý chùa văng tục đã khiến tôi chết lặng người. “Văn hóa chùa” không chỉ là vẻ đẹp của vị thế, kiến trúc, nét cổ kính, của các pho tượng, của những bậc chân tu uyên bác, mà còn là lối ứng nhân xử thế của tất cả những người có mặt trong chùa. Tôi có còn tha thiết thêm một hay nhiều lần nữa đến Chùa Bà Đanh hay không, điều này rất khó xảy ra. Thật tiếc cho tôi khi phải quyết định điều này, bởi lòng kính trọng, niềm tin đã bị lung lay.

Thêm một lý do cũng khá bất ngờ. Tôi đã lầm đường khi vào Chùa Bà Đanh. Lối vào chùa phải đi vòng lên thêm một đoạn nữa, không phải lối ngang qua sân nhà cụ Ng… Tôi biết điều này khi lững thững dạo trong sân chùa rộng mênh mông, bỗng bắt gặp một tấm bảng dựng e ấp dưới một lùm cây. Đó là “Thông báo phí tham quan di tích lịch sử và trông giữ xe” của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong đó qui định, mức phí cho người lớn là 30 ngàn đồng, trẻ em dưới sáu tuổi và “người khuyết tật đặc biệt nặng” được miễn phí. Vì sao đến chùa lại phải nộp tiền trong khi hòm công đức dựng nhan nhản khắp các phủ thờ? Ấy là do chùa được công nhận là di sản quốc gia, được cấp kinh phí cho duy tu, sửa chữa. Việc thu phí có thể không sai nhưng rõ ràng là máy móc và mức thu phí quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của đông đảo người lao động. Đây có thể là một lý do cản trở, làm nản lòng những người muốn đến chùa. Vậy là, tôi trở thành kẻ đi lậu vào chùa. Cũng may không ai tra hỏi “Cháu bà Ng…”. Tôi đành tự an ủi rằng mình đã góp một chút cúng dường cao hơn mức phí tham quan, cộng thêm một khoản tiền, chí ít là ngang mức này, để trả cho cụ Ng… công giữ xe máy và mua một nén nhang nhỏ.

Tôi rời Chùa Bà Đanh trong bối rối. Khá khen cho ai đó đã đúc kết ra thành ngữ “Vắng như Chùa Bà Đanh”. Bởi tôi ngờ rằng, không chỉ trong quá khứ, mà nối tiếp tới mai này, Chùa Bà Đanh “Vắng như Chùa Bà Đanh” có thể còn rất linh ứng.

 Bài và ảnh Trần Vọng Đức

h2

h3

h4

h5

Có 2 bình luận về MỘT LẦN ĐẾN CHÙA BÀ ĐANH

  1. Neang Phi Rom nói:

    “Vắng như chùa Bà Đanh” là câu của tôi thường hay nói, những lần tôi trực cơ quan trong những ngày tết, ngày lễ, ai ai cũng đều nghỉ, người thì về quê, kẽ đi du lịch, chổ tôi làm, đường xá vắng que, nhưng chẳng biết chùa Bà Đanh ở đâu, vắng như thế nào, giờ đọc bài viết của tác giả Trần Vọng Đức rất hay đã biết sự tình, riêng tôi chắc cũng không phí thời gian muốn biết chùa ấy nữa.

  2. Văn Năng nói:

    Tôi cũng thường hay nghe mọi người nói câu “Vắng như chùa Bà Đanh”. Đọc bài và xem hình thì quả là vắng thiệt. Bài viết không ghi rõ tác giả đến đây vào lúc nào nên không rõ hiện nay còn vắng không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác