Thác Bản Giốc

Ngày đăng: 15/11/2019 08:02:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, đó là thác nước đẹp nhất Việt Nam với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng đến cả trăm mét. Mùa thu, nước dòng Quây Sơn có màu xanh biếc trong nắng vàng óng ả. Trên mặt thác, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi soi rọi dưới ánh nắng tạo nên một không gian với những sắc màu rực rỡ khác thường. “ Đất nước ta kéo dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau” Bài học khai tâm từ bé vẫn in sâu trong tiềm thức nên giấc mơ đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau là giấc mơ của tất cả người dân Việt. Vậy mà Ải Nam Quan đã xa tít mù khơi và Thác Bản Giốc chỉ lại một phần ba.
Đứng bên này nhìn qua bên kia thấy nghẹn lòng, những chiếc bè của họ nghênh ngang trôi trên dòng thác của mình, những chiếc bè của mình đứng yên buồn bã chẳng có du khách nào bước xuống, không hiểu vì sao ?!…
Thật lòng tôi rất muốn ngồi trên chiếc bè đó để lênh đênh trên con suối chảy từ thác nước đổ xuống mà ai cũng lắc đầu từ chối. Thác của ta, suối của ta sao họ đi được mà ta không đi.
Tôi nhìn xuyên qua dãy núi nơi khởi thuỷ của dòng thác bị chia cắt mà hình dung ra vùng đất phía bên kia của tổ quốc.

Đất của tổ quốc và đất hương hoả của một dòng tộc có gì khác nhau không nhỉ ?!
Trước khi mất, ba tôi đã chia cắt mảnh vườn hương hoả của gia đình cho 8 anh em tôi mỗi đứa một phần, tôi là đứa con gái duy nhất, nhưng ba tôi đã chia cho tôi phần đẹp nhất của mảnh vườn đó. Đất đang lên giá, nhưng anh em tôi đã hứa với nhau dẫu cho chết đói cũng không bán đi phần đất của mình trong khu vườn hương hoả ấy. Trong khu vườn ấy me tôi đã chôn cuống rốn của anh em tôi ở đó, từng bờ cỏ đất, từng gốc cây, từng viên gạch đều in dấu chân anh em tôi. Đất hương hoả thiêng liêng chẳng khác gì đất của tổ quốc. Tôi đang ngồi bên cột mốc của thác để lắng nghe tiếng suối, tiếng gió, tiềng lá thì thầm kể chuyện ngàn xưa ngàn sau với những đau đớn bi ai.
Tịnh Thy nghẹn ngào nói với tôi: “Uống đi chị. Hãy uống một ngụm nước đầu nguồn thiêng liêng của tổ quốc”.
Nước mát trên tay, ngọt trong miệng mà sao Chúng tôi lại cùng cảm nhận được vị đắng trong lòng của nước?!…

Tôi đã đi qua những đường biên giới của cánh rừng bạch dương xanh mướt, những thảo nguyên mênh mông chỉ có đàn bò gặm ngon lành từng vạt nắng yên bình, những dòng sông có thể vượt qua bằng cách trượt Zipline, những quán cà phê chỉ cần một bước chân về phía có bộ bàn ghế là đã bước qua biên giới… Đó là biên giới của hoà bình.
Thật sự có cần một biên giới để rào chắn bảo vệ và phải trả giá bằng những bi thương đã khắc sâu trong mỗi người dân Việt?!

Trần Thị Trúc Hạ

h1

h2

h3

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác