Đọc tập thơ “Ẩn hương” của Lê Ngũ Nam Phong

Ngày đăng: 3/10/2019 11:31:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Lê Ngũ Nam Phong, hiện đang dạy học tại Trường THCS Mỹ Lợi A – Cái Bè – Tiền Giang. Ngoài giờ dạy học thì tác giả Lê Ngũ Nam Phong đam mê thơ và thường xuyên làm thơ. Thơ LNNP viết về tình yêu thương gia đình, bạn bè, trường lớp, cảnh đời. “Ẩn hương” là tập thơ đầu tay của Lê Ngũ Nam Phong đọc tựa đề tập thơ của LNNP tôi hình dung một tình yêu thương trong tập thơ lan tỏa nhẹ nhàng và ấm áp. Bởi đó chính là tình yêu thương gia đình ông, bà, mẹ, cha… nhiều nhất. Những tình cảm mà tác giả đã gởi gấm trong từng bài thơ ở “Ẩn hương”.

Những cái gì gọi là đầu tay đều luôn mang những thử thách mới lạ. Mà tôi nghĩ rằng một người thầy đã bỏ thời gian để viết nên những bài thơ tâm huyết. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận đứa con tinh thần đầu tiên của tác giả Lê Ngũ Nam Phong với một tình yêu thương thiết tha nồng ấm, như chính những vần thơ mà tác giả đã trải lòng ở tập thơ này. Mở đầu tập thơ “Ẩn hương” là những câu thơ da diết tình nồng mà tác giả đã dành cho người mình yêu thương những nhung nhớ nhẹ nhàng.

“Gởi người / một thoáng mai sau
Gởi người / áo lụa đã nhàu yêu thương”

Thoáng nhớ mai sau vẫn là những yêu thương thầm gởi của biết bao nhiêu người trên trần thế này. Nỗi nhớ thật dịu dàng và sâu lắng. Phải chăng “gió ẩn nguyệt ca” là nỗi lòng của tác giả? Tác giả đi tìm trời mây non nước để nói lên tâm trạng ưu tư của lòng mình. Và rượu bao giờ cũng là nguồn cảm hứng của thi nhân khi sáng tác. Ở đây tác giả đã hờ hững mượn vay để cạn tâm sự của mình. Lược gương rồi cũng vô tình cũng trôi vào dĩ vãng khi mà yêu thương đã xuôi theo dòng định mệnh.

“Rượu tình hờ hững mượn vay / Biết là số phận bủa vây mặc mình
Nào gương nào lược vô tình / Chải soi cho kiếp bình sinh khóc cười”

Khi tình đã ra đi thì tất cả chỉ còn là kỷ niệm mà Lê Ngũ Nam Phong đã thổn thức và chỉ còn biết tìm về quá khứ. Vì quá khứ là những buổi ban đầu đẹp đẽ nhất, cho nên một khi đã không còn thì hầu như người ta đều tìm về quá khứ. Không biết để làm gì nhưng chắc chắn sẽ làm lòng vơi đi được ít nhiều trong nỗi nhớ.

“Một thoáng thương đau từng tế bào quặn xiết
Lối cũ đong đầy cổ tích một tình yêu”

Lối cũ đong đầy cổ tích một tình yêu. Ôi sao mà thần thoại ở câu thơ đong đầy cổ tích. Một cái gì đó thật lãng mạn và thật đẹp như “Ẩn hương” âm thầm mà lan tỏa một mùi hương quyến rũ nhẹ nhàng. Với Lê Ngũ Nam Phong tình bạn thật đẹp, tình thầy trò cũng vô cùng cao quý mà những câu thơ tác giả viết về cuộc đời của người thầy giáo lặng lẽ với những tình thương yêu bạn bè và trường lớp vô tận những nỗi niềm thân thương của tấm lòng một người thầy trên bục giảng.

Tình bè bạn của tác giả thật ấm áp và nồng nàn. Bởi vì suy cho cùng thế gian này đâu phải dễ gì tìm được một tình bạn chân thành đáng quý. Cho nên Lê Ngũ Nam Phong trân quý tình bạn thiêng liêng vậy.

“Trong ta đọng cả trời tâm huyết / Tạc khắc trong tim bạn tấm lòng
Ngày mai không đuốc trong đêm tối / Tình bạn thiêng liêng mãi tận cùng”

“Phấn ơi! viên phấn góp đời / Phấn mòn gò nét i tờ”.

Tấm lòng của tác giả ở cương vị một người thầy thật thà với lớp học. Đến viên phấn mà thầy cũng không quên cho dù nó có vô tri vô giác nhưng nó giúp cho biết bao nhiêu học sinh đã nên người góp ích cho đời. Tấm lòng người thơ thật bao dung. Như câu thơ đầy tâm đức ước ao của tác giả: “Thầy cô ước nguyện từ lâu / Con ngoan trò giỏi muôn màu điểm tô”. Mà những tình yêu dưới mái trường của Lê Ngũ Nam Phong đã được nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ thể hiện qua hai ca khúc: “Thắm nồng tình ta” và “Tôi vào sư phạm”.

Dường như cuộc đời tác giả cũng qua những thăng trầm cho nên dù tác giả có hiền hòa dưới mái trường nhưng vẫn ngộ ra kiếp nhân sinh để bật thành con chữ:

“Những con ma chơi / Nó vẽ mặt người từng giờ từng phút
Ma vẫn còn lưỡi / Lưỡi điêu ngoa đặt điều gian dối
Địa ngục nào nhường chỗ ngọa cho ma”

Ai bảo sống trên thế gian này mà chẳng biết yêu? Không ít thì nhiều cũng đôi khi xa xót nhớ nhung. Ở đây tác giả cũng tơ tưởng về chiếc lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhưng đó chỉ là loài lá trong mơ của thi sĩ mà thôi.

“Tôi đi chiều vắng chiều vơi
Ghềnh non cuối biển giáp trời đâu đâu!
Người yêu nào thách trầu cau
Thách chi loài lá vô màu diêu bông”

Cái vô màu đó nhưng nó quyến rũ được người làm thơ. Vì người thơ luôn luôn ảo giác lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm đã từng đau khổ và đành để người yêu đi lấy chồng vì chẳng thể nào yêu được nàng… Và đa phần mối tình của những người làm thơ là vậy.

Lê Ngũ Nam Phong dành tình thương yêu cho gia đình nếu không nói rằng cũng hết sức mãnh liệt mà không phải người thơ nào cũng trải lòng mình hết thảy vì mọi người. Cũng như tình yêu tổ quốc luôn ẩn trong lòng tác giả. Nào là những dòng thơ nhớ bà & khóc em của tác giả thật tha thiết.

“Bà đi tiếng võng theo dòng lệ rơi / Cháu dâng hoa nến cầu trời / Thời gian đếm ngược nhớ lời bà ru.
Bây giờ em đã theo mây / Thương ôi ! / Tình nghĩa tháng ngày -Còn đâu…”

Lê Ngũ Nam Phong cám cảnh cho những số phận của cuộc đời mà buột lên những câu thơ than khóc cho phận số con người. Chỉ có ba mươi bảy bài thơ mà tác giả đã viết không thiếu một đề tài nào. Điều này đã chứng tỏ cho ta thấy cái tâm của tác giả vô cùng quý hóa.

“Nghèo giàu nghiệp số trách chua cay / Chân đất đầu trần suốt tháng ngày
Giàu sang hai hệ nên ngăn cách / Nghèo túng một đời bởi đoạn trường”

“Ẩn hương” là tựa đề tập thơ đầu tay của Lê Ngũ Nam Phong mà chúng ta sẽ đọc với một sự dễ dãi cảm thông. Bởi bước đầu ai cũng bỡ ngỡ như nhau. Dường như những tình cảm của tác giả dành cho tập thơ này là những nỗi niềm trăn trở ray rứt về một miền rất xa của những người đã khuất. Những câu thơ bình dị của tác giả như chính tấm lòng chân thật của người con miền sông nước Tiền Giang luôn chất chứa những tình cảm yêu thương.
Thơ Lê Ngũ Nam Phong ẩn ẩn hiện hiện một tấm lòng và đó chính là “Ẩn hương”. Chúng ta đang cầm trên tay một “Ẩn hương” thật quyến rũ, nồng nàn đầy tình nhân hậu của người thơ.

Dung Thị Vân

HV.Hội Nhà Văn TP.Hồ Chí Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác