MÊ SÁCH

Ngày đăng: 31/08/2019 11:18:30 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Mê sách theo tôi có nhiều nghĩa: mê đọc sách, mê chơi sách và mê mua sách. Tôi không nằm trong nhóm đầu. Có lẽ do mê sách nên hồi nhỏ đọc Thú chơi sách của Vương Hồng Sển tôi thích lắm nhưng chưa thấy đã bởi ở phần đầu thì hay, phần sau ông liệt kê những tựa sách quý mà ông sưu tầm được. Âu đó cũng là cái khoái của ông, còn tôi …

Thời tiểu học

Học ở trường Nam tiểu học tỉnh lỵ Vĩnh Long từ lớp tư đến lớp ba , theo bà nội về Chợ Lách sống và học lớp nhì (lớp 4). Chợ Lách năm 1962 là quận nhỏ của tỉnh Vĩnh Long, toàn quận chỉ có một tiệm bán báo dành cho người lớn, cở con nít như tôi không có gì để đọc. Gia đình tôi lúc đó có xe đò chạy Chợ lách- Vĩnh Long, chú ba tôi làm lơ xe mỗi ngày đi Vĩnh Long hai chuyến. Biết cháu thích đọc ông mua về cho tôi những tờ báo nhi đồng như Măng Non, loại sách Thiếu Niên, trong đó toàn là chuyện hoàng tử, công chúa và mụ phù thủy, một mô típ giống như Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Những tập này có giá là  2 $ tương đương với một ly xây chừng (cà phê đen nhỏ) nhật báo cũng giá 2$. Ngày chủ nhật không có học, tôi theo xe đi Vĩnh long chơi , dạo đường Tống Phước Hiệp lại tiệm Hồng Hưng (gần Miễu quốc Công) mua truyện Đạt Ta Nhang – ba chàng ngự lâm pháo thủ những truyện này chỉ tóm tắt gọn thôi chứ không phải sách từ nguyên bản dịch ra nên đọc dễ hiểu, mau hết. Những truyện Charlot, mấy truyện này chắc do người Việt sáng tác hay kể theo phim nên cũng có nhiều chuyện với những tựa khác nhau.

Mua truyện mới. Tôi gọi là truyện vì sách không phải sách, báo không phải báo, một truyện mới thì 16 trang, khổ A 5 giá 1$, truyện nào 32 trang thì 2$, cứ thế mà lượm. Tôi nhớ lần đầu tiên phát hiện ra tập truyện bán sôn (sale)ở trước  Sở Trường tiền, đối diện trường Tống Phước Hiệp của ông Chấn rỗ, tôi mừng lắm vì truyện ở đây giá chỉ 50% so với giá bìa. Thật ra, dù bán giá nào thì người bán cũng lời do mấy truyện đó cũ được phết mực xanh ở mép, bán ký lô. Là trẻ con biết gì , hơn nữa chữ bên trong còn nguyên có mất  đâu mà bị thiệt. Thế là tôi lựa khá nhiều , đem về nhà đọc cả tuần, sướng mê.

Ở trong xóm có một bạn đồng cỡ là anh Triều Hùng, con của ký giả Vũ Bình (Báo Tự Do)  gia đình sau về Vĩnh Long sống trên phố ngang chợ Long Châu, và ông Vũ Bình bị mất tích trong khi đi công tác (trước năm 1968). Nhà ông Vũ Bình có một tủ sách khá to , toàn là truyện Tàu. Tôi lân la mượn anh Triều Hùng các bộ sách này để đọc. Vì cả xóm chỉ có tôi có truyện nên việc trao đổi dễ dàng. Thế là truyện Phong Thần, Tây du ký, Nam du Huê Quang, Bắc du Chân Võ, Đông du Bát tiên tôi đều đọc hết, kể cả Tiết đinh San chinh tây, Tiết  Nhơn Quý chinh đông cũng nghía qua rất kỷ, duy chỉ có Tam quốc và Đông Chu liệt quốc trong tủ sách này là không đọc. Ở cái tuổi 10 &11 thì đánh phép , thăng thiên, độn thổ là hào hứng chứ chuyện khô khan làm sao nuốt vô. Thầy giáo dạy lớp nhất của tôi lúc bấy giờ là thầy Châu, ở trọ gần nhà nên đêm đêm hai thầy trò nói chuyện với nhau, thầy khuyên em nên đọc Đông Châu, Tam quốc vì như thế mở mang thêm hiểu biết. Nghe thì nghe vậy, chứ đọc làm sao vô. Nhớ lại thầy Châu, ông này người miền Trung có khuynh hướng cách mạng, có lẽ  chết trong vùng nên từ năm 1963 đến nay không nghe tin tức. Nói qua về chuyện này, tôi nghĩ giáo viên ngày xưa trình độ cở tú tài thôi mà sao phong thái họ oai nghiêm và có kiến thức được như vậy, còn giáo viên cấp ba ngày nay kiến thức lại hời hợt, chỉ biết những gì nhà trường dạy thôi, tôi có chủ quan lắm không(?)

Cùng lúc đó tôi lại mê “Long Hình quái khách”, in offset 4 màu,  xuất bản hàng tuần, giá 2$ đến khi đủ bộ thì tôi tự đóng lại thành sách. Long Hình Quái khách là truyện một hiệp sĩ kiếm thuật siêu quần (chưa có truyện chưởng) mang cái đầu rồng đi  trừ gian diệt bạo. Hình bìa nếu tôi nhớ không lầm là do họa sĩ Hoàng Nhung minh họa. Một loại truyện bằng tranh mà tôi mê nữa là “Tề Thiên đại thánh” giống như Dôremon bây giờ, phụ bản của nhật báo Buổi Sáng do ký giả Tam Mộc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Theo giới thiệu của báo thì những tranh vẽ trong truyện là do họa sĩ người Hoa phụ trách. Còn ông này có phải người Hongkong không thì không biết(?) 

Mấy  truyện có chương hồi và nhiều tập như vầy là tôi đóng bộ. Tháo một cuốn sách ra xem người ta kết như thế nào là tôi bắt chước theo, tuy không đẹp, không chắc tay nhưng nhờ hồ dán vô bìa cũng cứng chắc. Bìa sách được lấy từ các tờ lịch 6 tấm, phần hình đưa vào trong, phần lưng để trắng lộn trắng đưa ra ngoài để còn vẽ hình cho cuốn sách tự tạo.  Loại sách như vậy đến cuối năm lớp nhất tôi có được hơn hai chục quyển, tìm một thùng sữa bò dựng lên bàn học làm kệ sách , thỉnh thoảng có bạn lại mượn đọc tôi lấy làm vui mừng chứ truyện đọc rồi có bao giờ xem lại đâu!

Lên lớp đệ thất tôi bắt đầu mê chưởng, truyện Cô Gái đồ long của Kim Dung bấy giờ đăng hàng ngày trên nhật báo do Tiền phong Tư Khánh Phụng dịch từ Hongkong gửi qua tôi thấy mà không thích bằng Lệnh Xé xác của Lã Phi Khanh vì nhân vật chính trong truyện nội lực cao, võ công lại kỳ bí. Muốn đọc những truyện này tôi đến tiệm bán báo xin xếp báo để rồi được đọc ké. Nếu như độc giả phổ thông ở thôn quê thời bấy giờ ngày đọc một tờ báo thì tôi “coi cọp” hàng chục tờ mà không tốn tiền. Những truyện chưởng của Kim Dung chưa hấp dẫn  tôi bởi diển tả võ công “kém cõi” như Thần Đao Hồ đại đỡm. Hiệp Khách hành. Mãi 4 năm sau tôi mới thấy cái tuyệt diệu của Kim Dung với những chuyện Tiếu Ngạo Giang hồ, Lục mạch thần kiếm.

Không biết chuyện mê sách có lợi cho tôi những gì , chứ trước mắt tôi đã thi rớt đệ thất một năm, môn văn cũng không tiến bộ, chỉ có lợi sau này mỗi khi trà dư tửu hậu là được dịp tán dóc mà thôi

Lương Minh

h2

h3

Có 1 bình luận về MÊ SÁCH

  1. Luong Minh nói:

    Mấy cuốn như Long Hình quái khách, Đại phá Thiếu Lâm tự, Thiếu lâm trường hận, tìm hình không còn dù trê Google. Tính ra cũng hơn 50 năm rồi, tìm không được cũng phải, nhưng tôi nghĩ trong dân chơi sách có người còn giữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác