CÚC QUỲ Ở ĐÂU ?

Ngày đăng: 7/05/2019 09:08:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Không dưng tôi chợt nhớ cúc quỳ. Chắc tại sáng hôm nay có một bình hoa vàng mới thay trên bàn. Đúng lúc Chúc Mai kêu điện thoại nói thời tiết mấy hôm nay rất đẹp. Chúc Mai giục:

– Lên đi.

Nhìn ra đầu ngõ thấy hoa đã nở đầy rồi đó…

Saigon cả mấy tuần này như muốn chia sẻ lũ lụt với miền Trung nên những trận mưa cuối mùa thi nhau trút xuống, thủy triều cùng lúc dâng lên khiến chỗ nào cũng ngập lụt. Tôi nhét vội mấy bộ quần áo vào chiếc ba lô lúc nào cũng nằm góc phòng chờ sẵn những chuyến đi. Lên gặp Sơn Tinh mấy ngày tránh mặt Thủy thần vậy.

Từ năm ấy tôi không lên đó. Ẩn trong kỷ niệm anh đào chìm lẫn sương mù, bờ liễu Nhật lướt thướt trong gió lạnh và con dốc dài, con dốc tình bên hàng cúc quỳ rực rỡ giữa hân hoan trời đất, rực rỡ đến xót xa, đến nhói lòng…

Tôi đáp chuyến xe khuya. Chiếc xe bốn mươi sáu chỗ rộng rinh chỉ chừng mười mấy người khách. Xe chạy suốt đêm, nhìn qua cửa sổ trời tối như mực, cây cối nhà cửa lướt qua loang loáng, tôi ngủ say không biết lúc nào qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc… đến sáng thì tới Đà Lạt. Bụi cúc quỳ ngoài ngõ cành là sát xuống ngang vai như đón chào. Tôi dừng lại ngắt một bông, mùi nhựa ngai ngái. Cảm thấy lòng rộn ràng như kẻ lãng tử một ngày quay về thăm chốn cũ, gặp lại tình xưa…

Chúc Mai pha trà vào chén tống. Sân nhà trồng mấy cây mộc lan hoa trắng li ti. Ngắt hoa bỏ một vốc vào ấm trà sớm đưa khói lên mùi thơm dìu dịu. Ngoài cửa kính, lưu ly tím ngát khắp sân nhắc nhở đừng quên tôi nhé. Xứ lạnh nên cánh hoa nào cũng rực rỡ khoe sắc. Nhưng tôi lên đây chỉ để gặp cúc quỳ.

Cúc quỳ là dã quỳ hay hướng dương dại.

Hoa quỳ một dạ hướng dương

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt hay ngâm:

Phượng hoàng xuống đậu hai vai

Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về

Cúc quỳ không phiêu hốt và cổ thi như thế. Ở nơi trời xanh thật bao la, mây trắng bồng bềnh và đất đỏ thật rộng rãi khoảng khoát. Giữa thiên nhiên như vậy là cúc quỳ. Lá thật biếc và hoa thật nồng nàn. Cái giống hoa kỳ lạ dễ lay động lòng người làm sao.

Pleiku cúc quỳ mọc bạt ngàn như rừng. Lạc vào rừng đúng mùa ai cũng phải ngỡ ngàng khi bỗng nhiên bắt gặp hoa mọc thành dãy, thành vạt.

Trước kia Yali nhiều cúc quỳ lắm nhưng từ khi rừng bạt đi, nhà máy thủy điện xây xong, cúc quỳ giận hờn hay sao mà nhất định không mọc nữa dù người ta cố công trồng lại. Trên đường vào Yali nhìn sang vách núi Sê San phía bên kia, chỉ thấy toàn bằng lăng trắng gầy guộc bám vào vách đá thẳng tăm tắp.

Cúc quỳ thật ra có nhiều dược tính nhưng xưa kia người Pháp mang giống cây này vào Lâm Đồng chỉ để làm phân xanh bón cho các đồn điền trà và cà phê. Từ đó loài cây bụi này lan rộng vì khí hậu thích hợp. Cây mọc thẳng có khi cao đến vài mét. Mang xuống đồng bằng, cây trồng cũng mọc nhưng hoa không to, cánh hoa không dày và màu sắc không lộng lẫy như trên miền đồi núi. Tôi mấy lần cất công mang cúc quỳ về Saigon giâm cành trước nhà. Bụi hoa xuống phố chìm lẫn vào nhà cửa xe cộ chen chúc, vào khói bụi ngột ngạt, vào nắng cháy đến nám da. Đây là đất của dâm bụt, huỳnh anh, lồng đèn, ăng ti gôn… nên cúc quỳ đứng đó mới lạc lõng làm sao. Nơi ở của quỳ phải là đồi núi thênh thang. Vẻ đẹp hừng hực hoang dã ấy sao nhốt vào phù hoa chật chội được.

Chỉ trên cao nguyên rộng rãi với thời tiết lành lạnh, đồi lên dốc xuống đất trời hào sảng, mới là nơi cho cúc quỳ khoe hết vẻ rạng rỡ của mình. Cây mọc bên triền đồi, ven lối đi, ngẩng đầu nhìn lên lá cây xanh mướt ngang với tàng lá của hàng cây thân mộc. Cúc quỳ lâu năm, thân cây già đi cũng biến thành thân gỗ nhưng không có tán, không thấy cành và thân đâu, chỉ toàn lá xanh biếc và hoa đua nhau chen chúc hướng ra ngoài tìm ánh nắng.

Mặc dù suốt chiều dài Tây nguyên đều mọc cúc quỳ nhưng rừng núi xa xăm ít ai biết đến. Vì thế khi nói đến loài hoa này, cũng như mimosa, mọi người đều nghĩ đến Đà lạt là nơi xem hai loài hoa ấy như biểu tượng của riêng mình.

Không phải cứ đi lên phố núi lúc nào cũng gặp cúc quỳ. Hoa chỉ bắt đầu nở rộ vào mùa đông khi mùa mưa chấm dứt. Tháng 10 những cơn mưa cuối mùa rơi rớt bắt đầu cúc quỳ xuất hiện. Vì vậy khi màu vàng chói chan xuất hiện bên vệ đường cũng là dấu hiệu cho biết mùa khô đang sắp đến cùng lúc với gió lạnh của mùa đông.

Năm nay mùa mưa kéo dài. Bây giờ hạ tuần tháng 11 vẫn còn mưa, không phải mưa rào. Những cơn mưa dầm, mưa như trút nước trôi nhà trôi cửa xen kẽ với ngày nắng ráo. Hoa chỉ mọc trong khoảng ba tháng từ tháng 10 đến 12 và nở thành hai, ba đợt. Tháng 9 tháng 10 bắt đầu hoa lác đác, tháng 11 nở rộ đẹp nhất, sang tháng 12 thưa dần rồi tàn nhường chỗ cho màu vàng nhạt của mimosa đến Tết.

Cúc quỳ mọc không lâu.

Tôi nhớ kỳ rồi lên Bảo Lộc tìm hoa. Cuối tháng 12 chẳng còn thấy sắc vàng muộn mằn đó ở đâu. Chung quanh chập chùng toàn đồi trà và cà phê. Tôi đón giao thừa Tây trong trang trại Bảo Lâm. Chanh leo còn xanh lúc lỉu trên giàn, hàng rào chung quanh nhìn ra bờ hồ toàn ngũ sắc, chỉ một quãng ngắn cúc quỳ còn sót lại vài bông. Ngoài trời cuối năm lạnh ngắt sương mờ. Giữa một thời khắc chuyển giao thời gian ngây ngất, chén rượu trong tay chếnh choáng tiễn đưa năm cũ buồn nhiều hơn vui. Tôi thấy lòng trải ra mênh mang, cành cúc quỳ hái vội cắm trong ly thủy tinh như nụ cười mang cả đất trời cao nguyên lồng lộng vào gian bếp nhỏ ấm áp ấy.

Nắng đầu đông trải rộng không gian óng ả rải từng sợi tơ rơi trong không trung. Vàng rợi và trong veo. Nắng thủy tinh mà người nhạc sĩ từng nhắc tới hẳn phải là loại nắng này. Từ trong nhà nhìn ra, dưới bầu trời dịu dàng, chỉ một bụi hoa vàng đó vươn cao giữa bìm bìm bò lan hàng rào và ngũ sắc thấp. Từ lâu không bước chân ra khỏi nhà, Chúc Mai phá lệ chống gậy cùng tôi đi xuống mấy lối đi chung quanh tìm cúc quỳ.

Tôi nhớ khi xưa đến Đà Lạt, nhà nào cũng rất nhiều cây cối hoa lá, phố thị không có vườn thì cây trồng trong chậu. Bây giờ nhà ống thi nhau mọc lên như nấm và rất ít gia đình trồng hoa. Trốn Saigon phố phường ngột ngạt, lên đây cũng lại thấy nhà cửa san sát. Khu vực nhà Chúc Mai cách xa trung tâm thành phố nên còn bãi đất hoang phía sau nhô lên mấy bụi cúc quỳ thấp giữa cỏ dại lô xô.

Tôi lên xuống những con đường mòn quanh co nhưng cúc quỳ thì không nhiều, rải rác đây đó dăm ba bụi ven lề hay đầu tường. Có bụi hoa đã tàn, có bụi đang nở rực với rất nhiều búp tròn căng và những bụi khác lá xanh ngắt, xanh mươn mướt sẽ đậu búp, nở hoa vào đợt hai trong vài tuần nữa. Từng đợt nụ căng mọng chúm chím, từng đợt hoa mãn khai, từng đợt úa tàn. Một đời hoa trôi qua thật nhanh nhưng chứa chan đầy kiêu hãnh và hạnh phúc.

Buổi chiều trời đột ngột đổ mưa. Trên đường tới đồi Tương, dưới màn nước tầm tã trắng xóa của trận mưa níu kéo, những bông hoa rũ rượi càng dội lên màu vàng cứng cỏi, cánh hoa ướt át co lại nhăn nhúm như không chịu nổi sức nặng của hạt mưa chĩu xuống đẫm vào từng đường gân. Mưa rào rào như muốn xô ngã, dập vùi cánh hoa mùa khô. Con dốc lên đồi ngoằn ngoèo dòng nước chảy và những bậc thang trơn trợt rêu xanh rất dễ ngã. Mộ nữ sĩ Tương Phố trên đỉnh đồi thông. Trước măt mộ là mấy vạt hoa sặc sỡ. Thông mọc chung quanh như khu rừng nhỏ nhưng không hiểu sao một vạt đồi ngay bên con đường lên mộ lại bị xẻ bậc trồng rau trơ ra đất đỏ lổn nhổn.

Sáng hôm sau, nắng lạnh mau chóng hong khô mọi thứ, cúc quỳ lại nở bung ra những cánh hoa dày dặn, mạnh mẽ và chói chan như nắng vàng đã thấm vào đấy, bám chặt và đọng lại trong mỗi bông hoa để biến chúng thành vô số những mặt trời bé nhỏ tràn trề niểm hớn hở.

Nhưng vẫn chỉ những bụi cây đây đó, tôi không tìm thấy những con đường trải dài cúc quỳ, không thấy những lối đi ngút mắt trên nền lá xanh là màu vàng nổi bật đến nhức nhối, để ai đã một lần nhìn thấy sẽ không thể dứt ra. Chỉ là loài hoa dại ven đường sao có sức thu hút mãnh liệt đến thế.

Quanh nhà cúc quỳ không nhiều, tôi thả bước lang thang. Trong thành phố toàn nhà cửa chợ búa lấy chỗ đâu cho quỳ mọc. Ngang qua hồ Xuân Hương khô queo trơ trọi. Hồ nạo vét và xây lại cầu Ông Đạo từ đầu năm tới giờ chưa thấy nhúc nhích. Đáy hồ đầy cỏ xanh. Thay vì hạ thưởng lục hà trì đành xuân du thanh thảo địa vậy. Mọi lần chung quanh hồ rất đông người tản bộ, câu cá, xe ngựa với những chú ngựa đỏm dáng gõ móng quanh quẩn đón khách. Dân Saigon sau khi dạo chợ đều tụ tập ra đó. Giờ hồ khô nước nên chẳng có ma nào ra chơi. Chẳng lẽ ngắm cảnh lòng hồ cỏ mọc lam nham. Không có khách vãn cảnh nên xe ngựa cũng đi đâu mất chẳng biết đón khách chỗ nào.

Mấy chị bán tàu hủ và gỏi khô bò ế khách ngồi buồn hiu ai đi ngang cũng níu kéo mời chào. Gánh tàu hủ là chiếc thùng gỗ sơn xanh giống ngoài Hà Nội. Dân Saigon không dùng thùng gỗ ấy mà gánh nguyên chiếc nồi nhôm to.

Tôi đứng bên vệ đường ăn chén tàu hủ nóng đưa mùi gừng thơm thơm. Xa xa hồ thủy tạ giơ ra hàng cọc dưới chân, mấy vũng nước đọng giữa bãi cỏ mọc bìm dại tim tím. Sát bờ là đám vịt mắc cạn xếp hàng dài ngay ngắn chờ không biết chừng nào nước lên. Gần đấy, một con ngựa đơn độc thảnh thơi gặm cỏ…

Tôi lại qua Cam Ly Thượng, đường Tour de Chasse cũ, trên con đường đến thung lũng Tình Yêu hay khu đằng sau cây xăng Kim Cúc vốn được gọi là thung lũng hoa vàng… Tôi đến đúng mùa sao chẳng gặp lại màu vàng rợp trời đó. Ông tài xế rẽ ngang, rẽ dọc mãi chỉ thấy đây đó những bụi quỳ lẻ tẻ.

– Nhà cửa mọc ra nhiều quá, nhanh quá. Với lại bây giờ cúc quỳ bị coi là cây dại chiếm đất nên đốn đi nhiều lắm.

Tôi ngạc nhiên quá, tôi mong ông tài xế nói sai. Trong cuộc lễ hội hoa năm 1905, cúc quỳ đã được chọn làm biểu tượng của thành phố Đà Lạt. Nếu không có những bụi hoa ven đường đặc biệt này, thành phố chắc chắn sẽ kém duyên, kém thơ, kém lãng mạn đi rất nhiều. Sẽ không còn Đà Lạt nữa, không phải là Đà Lạt… nếu thiếu cúc quỳ.

Không tìm thấy những con đường rợp màu chói lọi quen thuộc, thêm cơn mưa bất thường tuôn như thác lũ, tôi giã từ Đà Lạt. Chắc tôi sẽ đi Kontum, Pleiku… nơi chưa bị nhà cửa xâm lấn. May ra tôi sẽ tìm thấy cúc quỳ trải dài tít tắp, nhìn thấy những đồng hoa lộng lẫy phóng khoáng sắc vàng kim. May ra tìm thấy cúc quỳ trong những vạt rừng xa xăm hoang dại ủ kín giấc mơ tinh khôi.

Tôi giắt một bông cúc quỳ trên ba lô. Chiếc xe khách sợ bị thổi phạt nên bò chậm hơn rùa. Về tới Saigon, cánh hoa bắt đầu rũ xuống sau chuyến hành trình lê thê mệt mỏi. Hồn hoa đã gởi lại trên cao nguyên đó rồi. Và tôi lỡ gửi trong hoa chút tình vương vấn…

Nguyễn thị Hàm Anh

 

 

 

Có 1 bình luận về CÚC QUỲ Ở ĐÂU ?

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay lắm ,,Cúc quỳ xưa và nay  cùng nỗi buồn của tác giả . Cảm ơn bài viết mang nhiều nữ tính .
    Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu ( Gia đình C  )

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác