TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN 31) 

Ngày đăng: 22/02/2019 08:37:14 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Mối lo anh có thể đột ngột qua đời vẫn còn hiện hữu nhưng không còn chi phối hoàn toàn cuộc sống của tôi, từ từ tôi đã có thể viết lách trở lại. Tôi đã làm xong một số hẹn về công việc, hướng dẫn những cuộc hội thảo, dẫn chương trình về vấn đề   “Ma tuý và Truyền thông”, viết và cho đăng nhiều bài báo, trong đó có bài nói về chuyện tình của chúng tôi dưới tựa đề “Gặp em ở Frankfurt”, câu truyện được đăng dưới hình thức định kỳ, từng đoạn một trên tuần báo ‘Weekend Australia’. Khi tôi đọc bản in, tôi thấy những gì mình đoán thành sự thật, lối viết của tôi đã thay đổi vì anh đã giúp tôi đem cảm xúc và trái tim lại gần nhau. Tôi tạm hài lòng với bài viết của mình, cắt bài báo đó và bỏ vào phong bì để gởi đến anh.

H1

Một vài giờ sau, điện thoại reo vang, vào những ngày kế tiếp, bao nhiêu là điện thơ cũng như thơ thường bay đến, thơ của bạn bè, người quen và nhất là thơ của độc

giả từ khắp nơi của Úc châu. Họ đã xúc động vì câu chuyện tình của chúng tôi. Ba đài phát thanh khác nhau đã truyền thanh câu chuyện, đồng thời yêu cầu thính giả tham gia gọi điện thoại để kể lại những kỷ niệm về mối tình đầu của chính họ, những mối tình đã mất, những mối tình đã tìm lại được. Trong những thơ mà tôi nhận được, họ kể lại những cơ hội bị bỏ lỡ, những lầm lỗi ngu ngơ, những ân hận suốt đời nhưng đôi khi cũng có những kết cuộc vui vẻ và bất ngờ.

Ở xa tôi hàng trăm cây số, một nhạc sĩ đã ngồi vào đàn dương cầm, sáng tác một bài hát dựa vào cốt truyện. Ông viết, cuộc tình của chúng tôi đã gợi hứng cho ông. Ông hy vọng, ông đã tạo nên nhạc điệu phù hợp.

– “Anh không thể hiểu được”, anh nói. “Mọi người lại thấy câu chuyện này lãng mạn . Một gã đàn ông viết một lá thư điên khùng, bỏ rơi cô thiếu nữ mà hắn ta yêu. Ba mươi bảy năm sau gọi điện thoại để xin lỗi và để nói là hắn ta vẫn còn yêu cô ta và tìm thấy là người phụ nữ này vẫn còn yêu hắn ta. Tại sao không ai nói, gã đàn ông đó là một tên ngu đần.”

– “Anh biết rõ là không phải như vậy, anh lãng mạn lắm và đừng cho mình là người vô liêm sỉ.”

– “Anh may mắn quá sức vì em còn nói chuyện với anh mà rồi còn chấp nhận anh nữa, thật là ngoài sức tưởng tượng.”

– “Mọi người đều thích những chuyện tình đẹp”, em nói, “chuyện của chúng mình đã chứng minh rõ ràng là trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra được.”

Việc thay đổi lối viết của tôi đã phản ảnh sự biến đổi trong tôi vì những gì tôi đã trải qua cũng như vì tôi đã từ từ hiểu rõ mọi việc. Anh thật sự là người yêu đầu đời của tôi, anh đã đánh thức bản năng tình dục nơi tôi khiến tôi trải qua những cảm xúc mà tôi chưa từng biết đến. Tôi đã được dẫn đến một giới hạn không hề nguy hiểm để khám phá những gì đầy ý nghĩa trên bước đường trở thành một phụ nữ. Chúng tôi đã đặt những viên đá nền tảng để xây dựng sự mật thiết, không giống với các mối liên hệ tình cảm khác mà điển hình là mối liên hệ giữa cha mẹ tôi cũng như những người trong vòng quen biết của ông bà.

Thật là lãng mạn và đầy khoái lạc nhưng đồng thời cũng ngập tràn tâm linh sâu thẳm, không có chỗ cho mưu mẹo lẫn những ràng buộc của xã hội.

Theo căn bản trong giai cấp xã hội của gia đình tôi, người ta đánh giá rất cao về bề ngoài, sự công nhận cũng như việc được mọi người ngưỡng mộ. Nếu chúng ta tiến vào một lãnh địa mới, dọ dẫm để tìm hiểu về tâm hồn cũng như con tim trên một bình diện khác với những gì đã có sẵn để hướng đến sự trưởng thành mới lạ thì đó là đồng nghĩa với sự nổi loạn.

Khi lá thơ của anh đến, họ nghĩ là họ bảo vệ tôi bằng cách hữu hiệu nhất là chối từ tất cả những gì mà hai chúng tôi đã có với nhau.

Họ nói với tôi, cuộc tình giữa anh và tôi đã sai trái ngay từ lúc đầu, anh không khi nào yêu tôi, tôi còn quá trẻ để mà hiểu, tôi si mê anh quá đỗi, cũng vì đó mà những mầm mống tự nhiên của tình yêu đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước.

Dù sao đi nữa trong suốt quảng đời phụ nữ, tôi cũng tìm được phương cách để trải qua một cách êm thắm nhưng trong cuộc sống tình cảm, tôi luôn luôn giữ một khoảng cách, chẳng khác gì tôi chỉ là khán giả, rất e dè để sự an toàn của mình không bị nguy hại. Tôi ao ước được gần gũi nhưng lại ghê sợ tất cả mọi mật thiết để có thể trải lòng cho người khác rồi phải phó mặc trong tay họ.

Việc trở lại bất ngờ của anh đã đẩy tôi trở về giai đoạn trưởng thành mà tôi không được trải qua. Tôi có cảm tưởng một phần của tôi ngày xưa bị giam hãm nay được trả tự do. Nó biến thành một động lực riêng thúc đẩy, không ai ngăn cản được và cũng không cần quan tâm đến hậu quả.

Trong những tuần đầu, những tháng đầu, tôi trở về tuổi mười tám nên thật khó khi tôi muốn trở lại với hiện tại bởi vì cách giao tiếp của chúng tôi phần lớn đều là phản ảnh của quá khứ.

Trong đầu cũng như trong tim, tôi luôn muốn mình là người thiếu nữ của năm 1962.

Vì tôi sống một mình và bám chặt vào sự lẻ loi nên tôi cũng phần nào thực hiện được mong muốn của mình. Khi tôi đi suốt trong nhà rồi ra ngoài vườn, khi tôi liên lạc với anh qua điện thoại hoặc qua mạng thì tôi là cô thiếu nữ đó nhưng cơn sốt sẽ đến thường xuyên khi tôi phải rời khỏi cái vỏ an toàn thuộc địa phận của mình.

Nhìn dáng hình mình trong cửa kính hay gặp một người quen ở ngoài phố, tôi bất chợt phải đương đầu với nhận định, tôi đâu còn là cô gái ở tuổi dậy thì mà là một thiếu phụ ở tuổi năm mươi lăm với cuộc sống khác, với những trách nhiệm khác.

Khi hẹn gặp bạn bè tôi luôn tự nhắc nhớ, tôi thực sự đang sống cuộc sống nào.

Trước khi gặp lại anh vào tháng giêng, tôi có mối lo về  sự đổi thay mà anh nhận thấy nơi tôi. Liệu anh có chấp nhận hoặc có thể dung hoà cô Liz, thiếu nữ trẻ, kiểu mẫu của 1962 với người phụ nữ già nua hiện thời chăng? Bây giờ tôi phải thành công trong việc đưa hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau của “cái tôi” đến gần nhau.

Người phụ nữ già dặn, luôn sẵn sàng tranh cãi để bảo vệ nữ quyền với một ý niệm xã hội vững chắc, đối diện với một thiếu nữ vừa được hồi sinh, thủ cựu, phục tòng và chưa bao giờ đụng chạm đến vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ hoặc có một ý niệm gì về xã hội.

Cô thiếu nữ muốn chiến thắng, người phụ nữ bị gạt sang một bên để cho cô thiếu nữ lên ngôi. Vấn đề phải đương đầu là làm sao cho cả hai hoà hoãn với nhau bởi vì cô thiếu nữ vừa hồi sinh có những đặc tính mặc dù đã bị quên lãng nhưng tôi thích và tôi muốn duy trì còn người phụ nữ thì đang ở trong một thời điểm thuận tiện để thực hiện một số thay đổi.

Đã đến lúc tôi phải nhận ra con người của tôi hiện tại có thể trở thành con người khác một cách trọn vẹn và dễ dàng, tôi phải tìm ra được sự nhận thức này sẽ dẫn tôi tới đâu.

Tất cả đều rắc rối và phức tạp, đó là một quá trình lâu dài mà chúng tôi phải trải qua chứ không phải chỉ là những nẻo đường ngập tràn lãng mạn mà chúng tôi chưa thể bước vào.

Tôi là người làm vườn muốn nhổ cỏ dại nhưng tôi đang đứng trước vấn đề mà người làm vườn nào cũng gặp phải: đôi khi nhổ cỏ dại xong cũng chưa đủ mà còn phải nhổ bỏ đi một số cây hoa để cho những cây cối còn lại có thể phát triển một cách tốt đẹp hơn.

Khi đi du lịch tôi thường bị lôi cuốn khi thấy những hoa cỏ ở nhà bị coi là cây dại thì ở nơi khác được trồng như hoa, như cây cảnh và ngược lại. Việc sắp đặt này mang tính cách chủ quan, quá trình để tìm kiếm đang kéo dài trong khi tình trạng khủng hoảng tinh thần khi tìm lại chính mình lại nở thêm hoa.

– “Vào cuối tháng sáu anh được nghỉ vài tuần”, anh nói. “Chúng ta có thể gặp nhau ở Frankfurt rồi từ đó sang Anh.”

– “Chúng ta tới thăm Northumberland Crescent.”

– “Cũng có thể chúng ta sẽ gặp Joan và Jock và họ sẽ ngạc nhiên biết bao.”

Tôi tưởng tượng sẽ gặp Joan và Jock như thế nào, sẽ kể chuyện cho họ nghe và tôi sẽ không còn cay đắng nữa. Tôi say sưa khi nghĩ đến việc cho họ thấy, kết cuộc chúng tôi được sống bên nhau, ngày xưa bản năng tự nhiên của chúng tôi không có gì sai trái và khả năng phán đoán  của chúng tôi đã không phản bội chúng tôi.

Hình 2 : Lombard Street – San Francisco

– “Và rồi…”

– “Và rồi chúng ta sẽ tới San Francisco.”

– “Em có chắc là em muốn như vậy không?”

– “Vâng, em chắc chắn.”

– “Nhưng cuộc sống của em ở Úc, bạn bè, mẹ em, công việc của em và còn Basil nữa? Anh thông cảm nếu em chịu khó chờ cho đến khi anh dọn về Úc.”

– “Anh thích lựa chọn nào nhất?”

– “Anh thích có em ở bên anh tại San Francisco. Lúc nào anh cũng muốn vậy nhưng đó thật là ích kỷ, anh không có quyền yêu cầu em làm như vậy.”

– “Chính em cũng thích như thế. Bạn bè của em sẽ thông cảm. Mẹ em, bây giờ em phải chấp nhận…Công việc của em thì lưu động, ở đâu em cũng có thể viết được.”

– “Ngoại trừ việc em viết tại bàn giấy của anh ngay trong giây phút này!”

– “Buồn cười quá nhỉ, đó chỉ là trường hợp ngoại lệ. Theo lý thuyết thì em có thể viết lách ở khắp mọi nơi, em mong ước được sống với anh tại San Francisco ít nhất là một thời gian. Sau đó chúng ta có thể yên lòng để suy nghĩ tiếp cho việc sắp xếp lâu dài.”

– “Anh cũng mong muốn có em tại đây, em yêu. Bao nhiêu năm nay, anh chỉ mong ước được như vậy thôi.”

– “Em chỉ thực hiện một việc mà đáng lẽ em phải làm từ ba mươi bảy năm về trước.”

Im lặng ở đầu dây và tôi biết, anh đang lập lại câu nói cuối của tôi trong đầu, đồng thời anh cũng cảm nhận được một sự thay đổi lớn trong tôi nhờ công của anh đem đến cho cuộc đời của tôi.

– “Cũng có thể là mọi chuyện không lý tưởng như em nghĩ”, tôi nói. “Ở Đức, em chỉ mới cho anh thấy mặt tốt của em mà thôi.”

-“Anh cũng thế! Em không thể tưởng tượng được là anh dễ ghét như thế nào.”

– “Ồ, có chứ!”

(Còn tiếp)

 

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst 

du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

 

Có 2 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN 31) 

  1. My Nguyễn nói:

    Cô ơi! Dạo trước Tết nhà em có việc nên em không vào trang nhà thường xuyên. Vì thế cũng đã bỏ qua nhiều kỳ truyện dịch của Cô. Mấy hôm nay rảnh rổi em đã xem lại gần hết những phần đã bỏ dở. Càng về sau câu chuyện càng hấp dẫn với những tình tiết bất ngờ…Một cuộc tình đẹp tưởng đã mất đi lại trở về sau ba mươi bảy năm xa cách. Những ngày hạnh phúc tuyệt vời rồi lại phải chia xa với nỗi băn khoăn trăn trở cho những ngày sắp tới. Trạng thái tâm lý hết sức phức tạp của nhân vật Liz đã được Cô diễn tả một cách tài tình. Như ở phần này, nhân vật đôi lúc muốn sống lại ở tuổi mười tám nhưng lại phải chấp nhận cuộc sống của một thiếu phụ ở tuổi năm mươi lăm…

    Dù câu chuyện còn đang tiếp diễn, em cũng xin cảm ơn Cô đã bỏ nhiều công sức dịch thuật để mọi người được thưởng thức một tác phẩm rất hay. Kính chúc Cô luôn khỏe…

  2. Cô rất vui khi thấy My Nguyen dù bận rộn vẫn tìm cách theo dõi những đoạn kế tiếp của cuốn hồi ký do cô chuyển ngữ. Những giòng chữ của em đã cho cô thấy là cảm nghĩ của cô về cuốn truyện tự thuật của Liz Byrski quả cũng không khác gì với cảm nhận của các em. Vì là nhà văn nên Liz đã cho chúng ta trải nghiệm một cách chính xác những trạng thái lẫn những diễn biến tâm lý của chính mình, có thể nói là hồn nhiên, trong sáng ở lứa tuổi dậy thì khi mới biết yêu lần đầu cho tới những trạng thái tâm lý phức tạp, khó hiểu ở người phụ nữ già dặn khi tìm lại được tình yêu mà tưởng chừng như đã mất sau ba mươi bảy năm. 
    Cô rất ngưỡng mộ mối tình sâu thẳm của Liz dành cho Karl bởi vì trên cuộc đời này khó mà có một người dành cho một người một tình yêu “lớn” như vậy được. 
    Chỉ còn vài ba phần nữa là cuốn truyện chấm dứt.
    Mong là quý vị đọc giả cũng như các em sẽ theo dõi đến giòng cuối cùng và nếu có thể xin được cho biết cảm tưởng của quý vị cũng như của các em về cuốn truyện tự thuật này.

Trả lời Lê-Thân Hồng-Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác