TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN XXVII)

Ngày đăng: 1/02/2019 08:12:28 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Đây là chuyến bay dài nhất trong đời tôi. Tôi hồi tưởng đến chuyến xe lửa ngày xưa đến Luân Đôn và thấy mình còn bối rối và xúc động hơn thế nữa. Qua những lần điện thoại, chúng tôi chuyện trò càng ngày càng thân mật hơn, những câu nói, những cảm xúc, những giây phút im lặng cùng vô số nước mắt đã đưa chúng tôi vào cuộc hành trình về quá khứ. Một phần trong tôi trở về tuổi mười tám, một phần của anh trở về tuổi ba mươi mốt. Tôi nhớ lại hình dáng quen thuộc của anh, nhớ hình ảnh mà Jess đã kể lại rồi để cả hai nhập vào nhau, giống như trò múa rối bóng hình trên tấm màn bằng vải ở các nước Á châu .

Tôi đã biết anh trông ra sao nhưng tôi vẫn lo sợ trước những gì tôi sẽ thấy, trước hình dáng của anh. Khi chúng tôi gặp nhau lần cuối, anh là một người đàn ông già dặn, còn tôi là một thiếu nữ trong tuổi dậy thì.

Sự khác biệt giữa một người đàn ông ba mươi mốt với sáu mươi tám không nhiều như giữa một thiếu nữ mười tám với một thiếu phụ đẫy đà, đã lên chức bà nội ở lứa tuổi năm mươi bốn.

Anh ấy sẽ thấy tôi như thế nào, tôi cố bắt mình phải nghĩ đến chuyện khác bằng cách ngắm phong cảnh xung quanh.

         Hình 1

Đây là cuộc hành trình quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, tôi là nhà văn nên tôi phải ghi nhận mọi chuyện một cách chính xác. Ngay dưới máy bay bây giờ là nước Đức, một mảnh màu nâu và xanh trải dưới lớp mây. Màu xám của đá, màu ngói đỏ của mái nhà, xe hơi lướt đi không tiếng động trên hệ thống giao thông.

Tôi sẽ nói gì với anh? Bao nhiêu lời đã đem chúng tôi lại gần nhau liệu có trở lại được trên môi khi chúng tôi đối diện với nhau chăng? Động cơ rú lên, phi cơ sau khi hạ xuống phải vòng trên phi đạo. Anh sẽ có mặt ở đó, anh đến để đón tôi.

– “Chúng ta cần ám hiệu để nhận ra nhau”, mấy ngày trước anh nói. “Trong trường hợp chúng ta không nhận ra nhau.”

– “Em sẽ nhận ra anh”, tôi nói.

 “Bây giờ, nếu trường hợp đó xảy ra thì ám hiệu sẽ là ‘ba mươi bảy năm’, đừng quên nhé.”

– “Chắc chắn là em không quên.”

 

 

Frankfurt, năm tuần trước tôi đã đứng tại phi trường này để ngắm những đống tuyết cao như núi đang tan chảy, bây giờ cũng nơi đây, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Thật khó hiểu khi biết bao sự kiện đã xảy ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Phải đợi thật lâu để lấy hành lý nhưng rồi những chiếc va li đầu tiên cũng xuất hiện trên đường dây di động chuyển hành lý, va li của tôi đây rồi.

Tôi để va li trên chiếc xe chở hành lý, thở thật mạnh và đẩy xe về phía cửa ra. Anh đứng đâu đó ở bên ngoài và đang đợi tôi. Sau những năm dài xa cách, chúng tôi lại được đứng trên cùng một mảnh đất. Nhân viên thuế quan vẫy tay cho qua, chiếc cửa tự động mở ra, tôi run lên và gần như không đi tiếp được nữa.

Anh đứng đó, làm sao mà không nhận ra được. Tất cả đều quen thuộc: cử chỉ, gương mặt, hình dạng của đầu và nhất là cặp mắt cuốn hút, anh nhìn tôi với nụ cười quen thuộc. Chúng tôi không cần lời và cả hai đều không thốt được một câu, nước mắt dàn dụa trên mặt.

Vào buổi sáng tháng giêng lạnh lẽo, tuyết phủ đầy cảnh vật của một vùng cách thành phố Nürnberg vài cây số. Tuyết bám nhẹ trên các cành thông, phủ kín các cánh đồng, các đồng cỏ như một tấm thảm trắng xoá, gợn sóng. Anh lái xe đến gần lề đường rồi tắt máy. Trên cánh đồng bên cạnh có hai đứa trẻ đang chơi lướt tuyết với ông của chúng. Màu áo quần lạnh của chúng đã tạo nên những chấm đỏ và xanh di động trên cánh đồng trắng xoá, giọng trong trẻo vang lên trong cơn gió lạnh đã phá tan sự yên tĩnh không tưởng, một khung cảnh được tạo bởi tuyết trắng.

Bầu trời bỗng nhiên chuyển sang ánh xám, chừng như để báo hiệu một cơn mưa tuyết sẽ đến, tất cả đều đắm chìm trong một vùng sáng mà muôn màu rồi sẽ biến đổi.

 “Này em, chúng ta chụp vài tấm ảnh”, anh nói.

Chúng tôi leo lên một ngọn đồi, từ đó có thể nhìn thấy cảnh vật trải dài khắp các hướng, qua những khu rừng ở triền núi đến các tháp cao của Nürnberg, tiếc là không được rõ vì ánh phản chiếu kỳ lạ của tuyết. Khi xuống đồi, anh bước trước tôi vài bước, tôi nhìn anh giống như tôi đã nhìn thấy anh bao nhiêu lần trước đó.

 “Karl”, tôi gọi anh, anh dừng lại, quay người nhìn tôi và cười. Tất cả đều vẫn y hệt, cách quay đầu, nụ cười, vai trễ xuống, hai tay thọc vào túi áo khoác. Tôi bấm máy, chụp một tấm ảnh giống như tấm ảnh ngày xưa ở bãi biển Brighton, y như những tấm ảnh mà tôi thường chụp cho anh trong giấc mơ thấy anh đang đi trước tôi xuống con đường dốc ở San Francisco.

– “Gì vậy, em yêu!” Anh gọi. Tôi đi xuống theo anh, bị trượt vì tuyết, anh nắm lấy tay tôi và kéo sát vào anh, chúng tôi cùng đi xuống đồi.

Tôi quan sát những hình ảnh này để nhận ra được là, người đàn ông trong quá khứ và người đàn ông hiện tại, cả hai đã hoà lẫn vào nhau để trở thành một. Đây là bức ảnh mà tôi thích nhất bởi vì nó không phải chỉ là giấc mơ mà thôi. Chính nó cũng cho tôi thấy, những kỷ niệm tuy là nền tảng cho tình yêu nhưng không phải đã chứa đựng tất cả ý nghĩa của một cuộc tình, nó giúp cho tôi hiểu được, tình yêu vừa là của quá khứ cũng như của hiện tại, chúng tôi đã đánh mất đi và nay tìm lại được.

Khi tôi bước vào khu vực ‘đến’ của phi trường Frankfurt, nhìn thấy anh, tôi có cảm giác như suốt cuộc đời tôi chỉ tập trung vào những giây phút này thôi. Tôi không nhớ là chúng tôi đã đứng đó bao lâu mà không nói nên lời, tôi chỉ nhớ là tôi cảm thấy mọi người đều chăm chú nhìn chúng tôi. Tôi là người đầu tiên rời khu vực quan thuế  vậy mà khi chúng tôi trấn tĩnh được để trao đổi vài câu thì mọi hành khách đã rời khỏi nơi này từ lâu.

– “Em hy vọng là em đã hôn đúng người”, sau này khi đêm về, tôi thì thầm khi chúng tôi ngồi bên giường trong một căn phòng khách sạn ấm áp với ánh sáng êm dịu ở trung tâm vùng Oldenwald.

– “Mật khẩu là gì?”

– “Mật khẩu nào”, anh hỏi một cách thật là ngạc nhiên.

– “Làm sao mà em có thể ở cùng với người đàn ông mà họ lại quên mất mật khẩu?” Tôi muốn biết.

– ” Em chỉ cần tin là anh yêu em, anh tìm em và cuối cùng kiếm được em. Em chỉ cần nghĩ là anh đã trở lại với em.”

Tôi luôn nghĩ như thế và nghĩ đến đêm đầu tiên anh thận trọng để gần gũi tôi.

Anh hôn lên gáy tôi khi anh giúp tôi cởi áo khoác ngoài, khi anh cúi xuống để cởi đôi bốt cho tôi, khi anh nhìn tôi và nói: “Trong bao nhiêu năm, cho dù anh ở đâu, cho dù anh sống cùng với ai, bao giờ anh cũng chỉ muốn có em mà thôi.”

Tôi sẽ nhớ mãi mãi.

Chúng tôi ngồi một hồi, nói về quá khứ, trao đổi hình ảnh, kỷ niệm. Tôi hỏi anh có còn nhớ đến bài thơ tôi đã đọc cho anh nghe không, anh gật đầu và mắt ngấn lệ. Tôi kể anh nghe, ngày xưa, bao năm đã qua, tôi có đặt tập thơ “Sonnets from the Portuguese” rồi không bao giờ đến lấy và rồi cách đây ít hôm, tôi tìm được tập thơ đó ở Rye, đúng tập thơ xuất bản năm 1962.

                           Hình 2

Khi anh lấy tập thơ ra khỏi vỏ bọc màu vàng, lật từng trang một cách thận trọng, tôi đọc cho anh nghe những vần thơ như sau:

How do I love thee,

Let me count the ways

(Tình em dành cả cho anh,

  Đếm sao hết được lối quanh tình nồng)

Sau khi chúng tôi ngừng khóc, anh đứng dậy, vặn nhỏ đèn xuống, vất chiếc áo vét lên ghế và kéo tôi xuống giường bên anh.

– “Anh rất mến và rất quý cha em”, anh nói. “Ông là người đàn ông tuyệt vời. Anh đã giữ lời hứa với ông, ông muốn chúng ta chờ đợi. Em có đồng ý là chúng ta đã chờ nhau quá đủ rồi không?”

Và rồi trong một căn phòng êm ấm ở trung tâm vùng Oldenwald, trong một khách sạn nhỏ tuy giữa mùa đông vẫn treo những chậu hoa, chúng tôi đã trao cho nhau tình yêu toàn vẹn mà từ lâu chúng tôi hằng mơ ước.

Cũng tại đây, tôi thức giấc trong bóng đêm, cảm nhận là có anh bên cạnh, râu quai nón của anh quét nhẹ bên vai, hơi thở của anh bên gáy. Tôi nằm đó để tận hưởng sự gần gũi bên nhau.

Ngày đầu tiên, cả hai chúng tôi chừng như bị ảnh hưởng bởi một chấn động quá đẹp đẽ nên ngập tràn hạnh phúc vì tìm lại được nhau. Chúng tôi còn bảy ngày trước mắt, nhiều hơn là mơ ước. Chúng tôi tìm thêm phương cách mới mẻ để hiểu nhau hơn qua những lần cùng nhau leo những đường thật dốc để đến thăm thành luỹ Nürnberg Burg, qua những con đường nhỏ đẹp như trong tranh của tỉnh Michelstadt hoặc về đêm từ trong xe, ngắm cảnh đầy ánh sáng của lâu đài Frankensteinburg.

Chúng tôi tận hưởng sự lãng mạn qua câu nói, qua những ve vuốt, mơn trớn; tìm cách dung hoà những bất đồng và cùng nhau tìm đến tận những nơi sâu thẳm và đau đớn nhất của những năm tháng đã bỏ lỡ.

Rồi chúng tôi cũng phải đối diện với nỗi sợ hãi về việc phải chia tay lần nữa, ngày đó cũng chẳng bao xa, ngày mà chúng tôi phải bay khác hướng để trở về nhà.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

Có 4 bình luận về  TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN XXVII)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đoạn văn dịch đẹp. Mối tình sau ba bảy năm thật đẹp. Gần Tết được đọc đoạn tái hợp đẹp, Cô ạ!

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Đây có phải là những miêu tả tuyệt vời của hai từ Hạnh Phúc ? và tình cãm nầy được thăng hoa khi cả hai đều Tự Do trong cuộc sống hiện tại. Tôi nghĩ nếu một trong hai người còn chồng hay vợ thì giây phút nầy có tuyệt vời như vậy không ?

    • Dĩ nhiên là “không” bạn ạ vì niềm hạnh phúc tuyệt vời đó sẽ bị vẩn đục bởi mặc cảm phạm tội đối với người phối ngẫu của mình. Liz và Karl gặp lại nhau trong một điều kiện có thể nói là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để cuộc tình đã mất sau ba mươi bảy năm của họ được thăng hoa, giống như trong truyện cổ tích

  3. Em vẫn nghĩ đây không phải là cái kết cuói cùng của chuyện tình Karl và Liz ?!

Trả lời Nguyễn Đức Tính Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác