TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN XXVI)

Ngày đăng: 28/01/2019 05:55:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

Mưa phùn nhè nhẹ khi tôi trên đường trở về Little Smugglers. Không vào nhà, tôi leo ngay lên xe, lái trên đường làng, rẽ sang trái và đang trên con đường ngày xưa tôi vẫn đi làm hàng ngày. Trong đám cây xanh gần trường Felbridge tôi thấy chiếc ghế dài, nơi mà tôi ngồi dưới mưa và đọc lá thơ đoạn tuyệt của Karl. Tôi đậu xe lại, trong khi tôi đi đến chỗ ghế ngồi thì trời mưa mạnh hơn. Tôi ngồi ở đây, trong cơn mưa tầm tã, trên chính cái ghế này và trong túi có tấm thiệp và mấy tấm ảnh của anh. Tôi ngắm mấy tấm ảnh và nghĩ xem, anh ấy có còn yêu tôi nữa không một khi chúng tôi đối diện với nhau. Thay vì một thiếu nữ mười tám tuổi thì lại là một thiếu phụ năm mươi bốn. Một giấc mộng mà tôi chưa bao giờ dám mơ tưởng tới mà nay đã thành sự thật và tôi thực sự như đang bay bổng, đúng như Jess đã nói. Tuy thế một chút sợ hãi cũng dày vò tôi. Tóc tôi ướt đẫm, nước mưa rớt vào cổ áo, chảy xuống ngực, xuống lưng làm tôi rùng mình. Tôi sợ gì? Ở Úc, cuộc sống cũ đang chờ đợi tôi.

 Tôi đâu có dùng gia đình tôi, nhà tôi, việc làm và cũng không dùng tiền lẫn sự an toàn của tôi để làm trò chơi. Tôi chỉ sợ làm mất đi những gì mà tôi mới tìm lại được.

Qua điện thoại, những năm tháng hầu như tan biến đi trong không gian nhưng tình yêu thì vẫn hiện hữu, giống như nó vẫn mãi còn đó, chẳng khác gì anh vậy. Liệu tình yêu của chúng tôi có còn bền vững khi chạm vào thực tế hay không? Đó là tất cả những gì còn lại  trong cuộc đời. Giấc mộng đã tan biến của tôi cùng phản ứng của bạn bè lại là vấn đề khác. Jess nói đúng, họ phản ứng như thể họ quan tâm đến câu chuyện của tôi nhưng thực ra là họ đang bận tâm đến sự sợ hãi lẫn những thất vọng của chính họ.

Tôi nhìn thấy mẹ ngồi bên thành giường của tôi vào ngày mà tôi gởi lá thơ cuối cùng cho Karl. Tôi nghe bà hỏi, chuyện sẽ ra sao nếu Karl bỏ rơi tôi tại Mỹ, nơi cách xa vạn dặm. Tôi còn nhớ những lời bóng gió là anh không có ý định đứng đắn cũng như bà thấy nhẹ gánh vì cuộc tình của chúng tôi chấm dứt. Ngay từ ban đầu bà đã cho là không thích hợp. Tôi nhìn thấy lại Jackie, bà Maxwell, bà Wilmot cùng các thư ký riêng của các ông lớn, nghe thấy lời báo động, lời khuyên và thường xuyên nhất là những câu: Chúng tôi đã biết ngay mà; anh ấy lớn tuổi quá mà lại ly dị, còn cô thì quá trẻ; quá nguy hiểm, quá xa; anh ta không yêu cô đâu, cô mê mẫn anh ta quá đỗi; lần sau phải thực tế hơn.

Nếu không có những lời nói này thì trong thơ, tôi đã van xin anh, tôi sẽ giải bày với anh mọi chuyện qua điện thoại và cũng sẽ không viết cho anh lá thơ cuối cùng, trong đó còn gạch dưới câu “Em sẽ không sang Mỹ”.

Tôi là sản phẩm của một gia đình trung lưu, thủ cựu và hẹp hòi, ngoài ra tôi còn được giáo dục một cách nghiêm khắc trong trường dòng của các Sơ. Với lứa tuổi mười tám tôi vẫn còn quá ngây thơ, vô tội trong khi đó Karl lại hoàn toàn khác hẳn. Năm mười sáu tuổi, sau khi chiến tranh chấm dứt, anh phải thường xuyên vượt ranh giới của vùng để đem hàng lậu như cá, rượu mạnh. Anh bị bắt và bị giam hai lần nhiều ngày cho đến khi anh trốn sang Tây Đức lúc anh mười tám tuổi. Khi tôi quen anh, anh đã ly dị và đã có con. Anh dọn đi ở ngoại quốc hai lần và một cuộc tình sâu đậm vừa tan vỡ vẫn còn trong tâm trí anh.

Sự khác biệt về quá khứ của chúng tôi quá lớn lao khiến mọi người phải lo lắng, chỉ riêng chúng tôi là không quan tâm đến.

Vì sợ những gì mình chưa từng biết đến, sợ sự thay đổi, đa nghi nên tôi đã để cho mọi người ảnh hưởng. Năm 1962, tôi không đủ sức mạnh để quyết cuộc đời của chính mình. Những người khác đã quyết định dùm tôi: cha mẹ tôi, Karl và những người khác nữa, những người lấy danh nghĩa là muốn mọi sự tốt đẹp cho tôi. Cuối cùng, họ cho tôi thấy, tôi không có đủ khả năng, không xứng đáng với tình yêu của Karl. Tôi phải hài lòng với những mẩu bánh mì vụn mà tôi nhận được. Cái cảm giác này tôi mang theo suốt đời mặc dù tôi đã cố gắng để phấn đấu, để thành công trong cả đời tư lẫn việc làm. Mặc dù tôi không nhận được tình yêu đong đầy nhưng tận trong đáy lòng, một cảm giác sâu kín vẫn còn sống mãi.

Tôi vẫn mắc phải lỗi lầm như khi tôi còn trẻ, đó là kể chuyện của mình cho nhiều người , muốn nghe ý kiến của người khác rồi bị ảnh hưởng thay vì nghe theo bản năng của mình. Không nghe theo tiếng gọi của cảm xúc cũng như tiếng gọi của con tim mà chỉ hành động sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, hay nói cách khác là chỉ nghe theo lý trí. Ít năm sau này tôi mới phá vỡ được thói quen đó và nhờ vậy tôi từ từ nghe theo tiếng gọi của lòng, của cảm xúc.

Bầu trời trên đầu tôi từ từ sáng sủa hơn, một mảnh trời xanh nho nhỏ và một sợi nắng mong manh hiện ra giữa những đám mây dầy đặc. Mặt trời mùa đông qua cơn mưa, chiếu trên cỏ ướt để tạo ra hàng ngàn chiếc cầu vòng tí hon rực rỡ.

Bây giờ, tôi không còn là người cũ, tôi đã thay đổi. Trong cuộc hành trình về nội tâm, tôi chẳng cần đến ý kiến của ai cả. Tôi bắt đầu hiểu được sự thay đổi hoàn toàn trong tôi, ngoài ra còn nhận thức thêm được rất nhiều điều mới.

Tôi tin là tôi đã được giải thoát. Tôi chỉ còn trách nhiệm với hai con của tôi, Neil ở Bồ Đào Nha và Mark với vợ và hai con sinh đôi ở Perth, cũng như với mẹ tôi đã  tám mươi bảy tuổi hiện đang ở trong viện dưỡng lão tại Perth.

Nhiều năm nay, vòng bạn bè đã trở thành gia đình của tôi, tôi kể cho họ nghe về tương lai, về ước mơ, về hy vọng, về thất vọng về mục đích trong cuộc đời của tôi. Tôi quý tình bạn vì nơi đó, tôi vừa cảm thấy yên ổn vừa hưởng được sự tự do.

Theo quan niệm của tôi, với tình bạn, người ta phải có một số bổn phận cũng như trách nhiệm nhưng không bị hạn chế như với người bạn đời. Tôi chờ đợi ở những người bạn của tôi là chúng tôi vẫn mãi mãi là bạn của nhau dù có ở nơi nào đi nữa, tình bạn không bị lệ thuộc vào công việc cũng như chốn ở, đôi khi thân thiết, đôi khi lơ là nhưng tình bạn vẫn không hề thay đổi.

Bây giờ tôi mới thấy rõ, một số bạn đã đòi hỏi và chờ đợi một cách quá đáng nơi tôi. Tôi cố giữ cho sự độc lập của tôi vẫn như thường lệ nhưng lần này tôi không để cho ai cản trở tôi được, đề tài này không còn đem ra để bàn luận nữa.

Trời đã tạnh mưa, mặt trời đang phấn đấu với các đám mây khi tôi lái xe trở về. Trong bếp Irene lấy quần áo ra từ máy sấy, tôi đứng cạnh cô ta để gấp từng cái một trong khi mắt tôi dán vào màn ảnh truyền hình.

 “Sao rồi”, cô ta hỏi. “Bạn đã thu xếp xong mọi việc ở Úc chưa?”

– “Đã xong những chuyện bình thường”, tôi nói. “Những chuyện khác thì phải cần thêm ít thời gian nữa.”

Cô ta gật đầu, cô hiểu tôi muốn nói gì, cúi mình qua để đưa thêm cho tôi đống quần áo đã khô. Khi tôi đưa tay nhận, cô ngừng một khoảnh khắc và nhìn chăm chú vào đống quần áo đó.

 “Đừng giận tôi nhé”, cô chúm chím cười rồi nói. “Tôi nghĩ là đã đến lúc bạn phải mua đồ lót mới rồi đó!” 

Ngày hôm sau tôi mua quần áo lót mới, không phải là ít và cũng không phải làm bằng vải trắng và giặt ở nhiệt độ cao.

Neil đã trở về Bồ Đào Nha, vài ngày nữa tôi sẽ đi theo nhưng trước đó tôi phải lái xe đến Rye, bờ biển của Sussex. Tôi cần tài liệu cho một cuốn sách nên tôi phải ghi chú và chụp một số hình ảnh các ngôi nhà trong thành phố.

Tôi đi dạo trên đường phố, ngắm khung cảnh cùng thưởng thức không khí phố xá, kiểm lại các bảng chữ tại các nhà thờ.

Tôi nghỉ đêm tại một khách sạn nhỏ, mặt tiền bị che khuất bởi các giây leo . Ban đêm tôi ngồi trên giường trải khăn trắng xoá để viết thư cho Karl.

Trong khung cảnh xa lạ này, tôi cảm thấy dễ dàng trải hết tấm lòng cũng như tất cả những gì có trong tim tôi cho Karl. Tôi cho anh biết, việc trở lại của anh đã tạo nên một ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời tôi. Tôi viết một lá thư tình để kể cho anh biết là từ sau lá thơ cuối cùng của tôi gởi đến anh, tôi đã không còn viết một lá thư tình nào nữa. Tôi giải bày, một phần trong tôi đã chết kể từ ngày anh bỏ tôi, ba mươi bảy năm và bây giờ được hồi sinh.

Tôi hỏi, anh có còn nhớ đến đêm mà chúng tôi ngồi bên nhau ở Smugglers Cottage và tôi đọc cho anh nghe bài thơ của Elizabeth Barrett Browning không:

How do I love thee, 

Let me count the ways

(Tình em dành cả cho anh,

  Đếm sao hết được lối quanh tình nồng!)

Tôi bắt đầu viết cho anh, ngoài những bức thư tình còn có những bài thơ mà tôi đã quên đi từ khi anh rời xa tôi để làm anh ngạc nhiên. Tôi đã suy nghĩ từ lâu về món quà mà tôi sẽ mang sang Đức tặng anh, bây giờ tôi biết món quà đó là gì. Tôi ngưng viết về bài thơ để viết về những kỷ niệm khác.

Ở phố chính của Rye có ba tiệm sách. Ngay sáng sớm hôm sau tôi lục lọi các kệ sách để tìm ấn bản tập thơ “Sonnets from the Portuguese”. Lần thứ hai trong đời tôi cố công tìm tập thơ này và cũng gặp phải khó khăn như lần trước. Tôi chỉ tìm thấy tập thơ trong chương mục nhưng không thấy trong hiệu sách. Tôi muốn có cả bốn mươi bốn bài thơ trong ấn bản. Liệu ngày nay có được in như loại sách bỏ túi hay không? Tôi cần có ngay chứ không có nhiều thời giờ để chờ đợi như ngày xưa, năm 1962.

Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra. Vì quá thất vọng nên nước mắt tôi chảy dài. Đó là một món quà hoàn hảo nhưng bây giờ tôi phải đi tìm một món quà khác thay thế.

Buồn bã tôi bước trên con đường lát đá về hướng nhà thờ ở trên đồi, ngang qua hiệu sách Rye old und rare Bookshop.

Có một cái gì đó bắt tôi phải dừng lại. Tôi quay người và đi trở lại. Trong cửa kính chưng bày toàn sách truyện cho thiếu nhi, truyện phiêu lưu của thế kỷ XX, chẳng có gì hấp dẫn để tôi phải bước vào phía trong ngoài sự yêu thích các sách cổ xưa của tôi.

Bộ phận thơ nằm tận phía cuối, gần với các sách cổ. Tôi bước thẳng đến đó và tìm mẫu tự B.

Đây rồi, giữa những gáy sách bằng da màu tím than, màu xanh olive có khắc chữ vàng và trước các cuốn thơ của Browning, Burns và Byron là một cuốn sách mỏng, màu vàng, không có tên tác giả lẫn tựa đề. Tôi với lấy và kéo cuốn sách ra khỏi kệ.

Hình 2 :  Bìa và phần trong tập thơ của E.B.Browning xuất bản năm 1962

Một bìa bọc để trang hoàng màu vàng và cuốn sách là một tập mỏng không có đề tựa. Bìa sách làm bằng vải đỏ với sợi dây bằng lụa vàng. Tay run lên, tôi giở trang đề tựa “Sonnets from the Portuguese”, tôi đang cầm trên tay ấn bản lộng lẫy của nhà xuất bản Folio Society vào năm 1962.

Đây là thực hay là mộng? Tôi mừng rỡ nhưng đồng thời cảm thấy sao huyền bí quá khiến tôi nổi da gà.

Người phụ nữ Ái Nhĩ Lan lớn tuổi quản lý khu sách cổ, hăng hái giảng giải cho tôi về nữ thi sĩ cũng như về cuốn thơ này. Bà kể cho tôi về Henry James, E.F. Bensons, Joseph Conrad, H.G. Wells và Rumer Golden, những người này đã sống tại đây ngắn hạn hoặc dài hạn để viết lách.

– “Tôi cũng có một câu chuyện về tập thơ này”, tôi nói trong khi bà đang gói cuốn sách.

Tôi kể cho bà nghe chuyện của mình, bà đi vòng qua quầy, ôm lấy tôi trong khi nước mắt chảy dài trên má.

 “Chúa ban phước lành cho bà!” Bà nói và lau nước mắt. “Đây là câu chuyện tình đẹp nhất mà đã bao năm tôi mới được nghe, nhất là bà đã tìm được cuốn sách tại đây, thật giống như trong phim!”

Tôi trả mười Pound cho cuốn sách và mỗi xu đều đáng giá. Tôi như muốn nổ tung vì hãnh diện, vì hài lòng khi rời tiệm sách cổ. Lần đầu tiên trong đời, tôi tìm được một món quà lý tưởng. Một món quà trễ nãi đến ba mươi bảy năm.

Mười ngày sau Neil đẩy xe chở hàng lý của tôi đến quầy của hãng hàng không Lufthansa tại phi trường Lisbon. Tôi cảm thấy như mình là một cái xác đầy cảm xúc. Từ giã con cái bao giờ cũng đau buồn không kể là chúng bao lớn, cộng thêm với những bối rối và lo lắng trước những chuyện đang chờ tôi.

 “Tất cả sẽ tuyệt vời, mẹ ạ”, Neil nói và choàng tay lên vai tôi. “Đây là điều tốt đẹp nhất xảy đến cho mẹ. Mẹ đừng lo gì cả.”

– ” Nhưng rồi sẽ ra sao nếu anh ấy không cảm nhận giống như trước khi nhìn thấy mẹ.”

– “Ông ta sẽ cảm nhận giống như trước, dĩ nhiên là ông ấy sẽ cảm nhận như vậy. Trong trường hợp không thì mẹ cũng có mất mát gì đâu.”

Jess đã nói vậy, rồi Irene và bây giờ là Neil, dĩ nhiên họ có lý về nhiều phương diện. Chỉ có điều họ không biết là tôi sẽ bị mất giấc mộng ba mươi bảy năm. Tôi đã chấp nhận rủi ro khi tôi nhận cú điện thoại của anh ấy.

 “Nếu chuyện xảy ra”, Irene nói. “Giả dụ bạn nhận ra là mọi việc đã đổi thay thì hãy coi như là bạn đã trải qua một tuần lễ vui vẻ với một người bạn cũ vậy.”

Cô ấy có lý nhưng đó không phải điều mà tôi muốn. Tôi mong tìm lại được những gì lãng mạn, những đam mê mà tôi đã đánh mất vào năm 1962. Điều mà tôi mơ ước là chính Karl của năm 1962, người mà tôi tin là “tất cả” đối với tôi. Tôi muốn gặp lại người đàn ông đẹp trai, nhạy cảm, nồng nàn với cặp mắt xanh quyến rũ, nhất là anh sẽ yêu tôi với tất cả tình nồng cháy và dịu dàng của năm 1962. Tôi đâu muốn chỉ trải qua một tuần vui vẻ với một người bạn cũ.

 “Mẹ ơi, chắc chắn sẽ tốt đẹp”, Neil nói. “Ông ấy vẫn như xưa, vẫn yêu mẹ, ông đâu có bao giờ quên mẹ, ông ấy đã đi vòng qua nửa quả địa cầu để tìm được mẹ.”

Trong giây lát, nỗi đau phải xa Neil đã làm tan biến mọi chuyện khác. Bao giờ tôi mới gặp lại con tôi. Có phải vì quá bận tâm với chuyện của Karl và với quá khứ nên tôi đã lơ là với con. Không hiểu Neil có cảm thấy như vậy không. Bây giờ thì đã quá trễ để hỏi xem sao. Tôi đi qua khu vực kiểm soát, quay người để nhìn con tôi đang rời phi trường để trở về với cuộc sống, với công việc, với bạn bè của mình. Tôi đưa mắt nhìn lên tấm bảng báo hiệu các chuyến bay cất cánh để xem tôi phải đến cửa nào, nơi mà máy bay của tôi đang đợi.

                          Hình 3 

Cũng vào một buổi sáng tháng giêng nóng nực ở Fremantle (Tây Úc), cô y tá trực ra lấy thơ từ thùng thơ và lựa chúng trên bàn giấy trong phòng làm việc của y tá trưởng. Trong đó có một tấm thiệp từ Bồ Đào Nha. Cô ta đem vào một phòng nhỏ có hai giường, một bà cụ ngồi lim dim trong ghế trước cái cửa sổ thật cao.

– “Rob”, cô ta nói và sờ nhẹ vào cánh tay của bà cụ. “Rob, nhìn này, bà lại nhận được tin của Liz đây.”

Bà cụ từ từ mở mắt, nhìn chung quanh, hơi bối rối cho đến khi cảm thấy an toàn trong khung cảnh quen thuộc. Bà mến cô y tá này vì cô ta luôn quý trọng bà. Cả hai thường trò chuyện vui vẻ với nhau, chỉ có điều là bà không thể nào nhớ được tên của cô ta. Thời gian sau này bà có còn nhớ được tên của ai đâu. Trí nhớ đã bỏ rơi bà mất rồi và đôi khi cũng làm cho bà rối bời. Mới ngày hôm qua bà hỏi xem bao giờ thì mẹ bà đến thăm và được trả lời là mẹ bà đã qua đời từ bao nhiêu năm nay rồi.

 “Trời ơi Rob”, cô y tá nói. “Bà đã tám mươi bảy tuổi nên mẹ của bà năm nay phải bao nhiêu tuổi rồi?” 

Bà có vẻ ngạc nhiên vì bà đã nhìn thấy mẹ mình trước khi mẹ bay đi nghỉ hè ở Bồ Đào Nha mà.

– “Chắc bà muốn nói là Liz chứ gì, cô ta là con gái của bà.”

Cô ta sửa lại một cách kiên nhẫn. Cuộc sống thật rối beng, đôi khi bà không nhớ phòng của bà ở đâu.

– “Tôi đọc cho bà nghe nhé”, cô y tá nói và đưa tay ra.

– “Vâng, cưng ơi,cô tử tế quá.”

Mẹ yêu quý,

Con còn ít ngày nghỉ nữa.

Mẹ còn nhớ Karl không? Anh chàng người Đức mà con đính hôn với anh ta năm con mười tám tuổi. Sau chừng ấy năm, anh ấy tìm được con và chúng con sẽ gặp lại nhau một tuần tại Frankfurt trong chuyến bay trở về Úc. Anh ấy vẫn nhớ mẹ và cha và gởi lời chào thân ái.  Con sẽ trở về sớm. Con nhớ đến mẹ và hy vọng mọi việc nơi mẹ đều yên ổn.

Thương mến,  

            Liz 

– “Rồi”, cô y tá nói có vẻ xúc động. “Thật là kỳ diệu. Bà có còn nhớ ông ta không? Nhớ đến ông Karl này không?” 

Vì sự lú lẫn của cụ già nên cô y tá không chờ đợi câu trả lời. Cô ta ngạc nhiên khi bà cụ nhìn vào mắt cô sau một thoáng suy nghĩ.

– “Tôi nhớ cậu ấy chứ”, bà nói. “Tôi nhớ là cô ta muốn kết hôn với cậu ấy nhưng chúng tôi không cho phép. Sau này tôi vẫn nghĩ, tôi và Len đã sai lầm, chúng tôi đã lầm lẫn.”

Cô y tá đưa cho bà tấm thiệp, chỉ cho bà phong cảnh của Lisbon

– “Cảnh đẹp quá”, cô nói lần nữa. “Tôi hồi hộp xem chuyện sẽ tiếp tục xảy ra như thế nào. À mà chẳng bao lâu nữa Liz sẽ về và sẽ kể cho chúng ta rõ ràng mọi chuyện.”

Rob quay qua, quay lại tấm thiệp. Mọi việc như mờ ảo. Karl, đúng rồi, cậu ta là người Đức nhưng mà cũng dính dáng gì đến nước Mỹ và Liz, cô ta buồn bã lắm.

– “Tôi nghĩ là tôi mến cậu ta lắm. Tôi tự hỏi, tại sao chúng tôi lại không cho phép họ kết hôn”, bà nói to.

Con mèo của viện dưỡng lão đi lững thững vào cửa từ hàng hiên, vừa nhảy vào lòng bà vừa kêu gừ gừ. Bà vuốt đầu nó, nó duỗi người ra, móng bấm vào lớp chăn mỏng nhưng không làm bà đau. Giây phút tỉnh táo bất ngờ bây giờ đã biến mất.

 “Tôi không nhớ cậu ấy trông ra sao”, bà kể cho con mèo nghe. “Tôi cũng không biết tại sao chúng tôi không cho cô ấy kết hôn. Tôi phải hỏi lại cô ấy khi cô ấy đến đây.”

Đoạn bà nhắm mắt lại, dựa đầu về phía sau trên gối rồi lại lim dim ngủ trong khi con mèo vẫn kêu gừ gừ.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

Có 5 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH  (PHẦN XXVI)

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Tâm lý nhân vật được diển tả thật hay..Sự xung đột giữa tình cãm và lý trí trong tình yêu…Ngày xưa của cô gái 18 và bây giờ của người thiếu phụ tuổi đời trên năm mươi.

  2. Tình yêu trong Liz vẫn còn nguyên vẹn, em mong bà không phải thất vọng khi gặp lại người xưa, cô ạ.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những ngày chờ Tết , sau những lúc lu bu dọn dẹp, đặt lưng xuống nghỉ xả hơi, đọc tiếp truyện dịch dài 2 năm của cô Hồng Khanh, tới đoạn này thấy vui và hồi hộp, không biết sau ba mấy năm, bà Liz và ông Karl gặp lại như thế nào?

  4. Hoành Châu nói:

    Cô  kính ,
    Em đã về đây  ,,,hôm nay có chút ít thời giờ  ,,đọc  được đoạn gần cuối hay quá ,,chắc Tết rảnh rỗi  ,,, em sẽ đọc lại các đoạn trước  cho có liên tục  nội dung   ,,,
    Em Hoành Châu  ~ Lãng Uyển Châu ( Gia đình C  )

Trả lời Nguyễn Đức Tính Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác