TÌNH EM DÀNH CẢ CHO EM : QUYẾT ĐỊNH  (PHẦN XVII)

Ngày đăng: 29/12/2018 07:53:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Trên chiếc xe hơi đang lái vào ngõ, có hai người đàn ông tuổi trên sáu mươi. Một người lái xe còn người kia xem bản đồ. Người lái xe tắt máy và kéo thắng tay lại, ông ta nhìn chăm chú vào ngôi nhà xây theo kiến trúc Tudor, mặt tiền quét vôi trắng với những xà ngang bằng gỗ đánh vẹc ni màu đậm. Cửa sổ bằng kính hình quả trám, gắn chì; mái nhà rêu phong và dốc đứng.

– “Đây rồi phải không?”, người ngồi cạnh hỏi. – “Đây rồi”, người lái xe nói. “Smugglers Cottage.”
 “Ngôi nhà này bây giờ là cả một gia tài”, người ngồi cạnh nói. “Bây giờ làm gì?” 

Người lái xe im lặng rồi rút chiếc khăn tay đưa lên chùi mắt. Ông ta tằng hắng rồi nói.

– “Để xem có ai ở nhà hay không.”

Hình 1

Ông ta đi về phía cửa ra vào, cao lớn nên khi đứng ở hàng hiên, ông phải cúi người xuống. Ông giơ tay lên, vuốt nhẹ núm sắt tròn dùng để gõ cửa và cảm nhận được sự quen thuộc. Ông gõ liên tiếp nhiều lần rồi lùi lại phía sau để đợi.
Có tiếng chân và một người đàn bà nhỏ nhắn với búi tóc bạc và cặp mắt trong, mở phần trên của cánh cửa.
– “Chào bà”, người lái xe nói. “Rất tiếc là phải làm phiền bà. Tôi hy vọng bà có thể giúp dùm. Tôi muốn tìm một gia đình ngày xưa ở tại đây.”
Người ngồi cạnh tiến lên và người đàn bà quan sát thật kỹ cả hai người đàn ông. Bà nhận ra cả hai người đều có vẻ chân thật và đàng hoàng.
 “Các ông may mắn vì có người ở nhà, thường là tôi làm việc ngày thứ hai  nhưng vì có thợ đến làm nên tôi phải ở nhà”, bà nói.
 “Nhiều năm về trước, tôi là khách thường xuyên của nhà này”, người lái xe nói, lùi vài bước và chỉ lên cửa sổ lầu một. “Tôi thường ngủ trong phòng đó.

Ông ta thon người, râu quai nón màu xám và cặp mắt sáng màu xanh nước biển. Ông rút một chiếc phong bì để lấy vài tấm ảnh, mỉm cười và đưa cho bà ta. Trong hình, ngôi nhà trông gọn ghẽ, các bụi cây được cắt xén một cách cẩn thận, lối đi không có cỏ dại. Cây cherry to cao trổ đầy hoa trắng ở vườn trước nay không còn nữa. Trong hình có một người phụ nữ và một người đàn ông đứng ở cửa ra vào. Phía bên kia là một thiếu nữ mảnh mai, mỉm cười với người chụp hình. Trong tấm hình khác, cô ta từ cửa sổ phòng ngủ nhìn xuống phía dưới.
– “Không có kính nên tôi không thấy rõ”, bà ta nói. “Các ông hãy vào đây đi”. Lệ thường, bà không bao giờ mời người lạ vào nhà nhưng hai người đàn ông này có thể tin tưởng được.
Hai người đàn ông bước vào, bà dẫn họ vào bếp. Bà đeo kính và nhìn mấy tấm hình lần nữa.
– “Rất tiếc”, bà nói và lắc đầu. “Tôi không quen những người này. Mấy tấm hình được chụp hồi nào vậy?”
– “Vào năm 1962, ba mươi sáu năm về trước”, 
người đàn ông mắt xanh nói. Ông ta nói tiếng Mỹ nhưng có một chút âm hưởng Âu châu.
Bà cười “Từ thuở xưa. Tôi nghĩ từ đó đến nay, ngôi nhà đã đổi chủ nhiều lần. Các ông có uống cà phê không?”
Hai người đàn ông nhìn nhau rồi gật đầu.
– “Bà tử tế quá”, người đàn ông cao lớn nói và giơ tay để bắt tay bà. “Tôi tên là Karl, còn đây là Roger.”
 “Tôi là Jess”, bà trả lời. “Con trai tôi và vợ đã mua ngôi nhà này cách đây vài năm, tôi sống chung với chúng ở đây.”
Trong khi bà nấu nước và lấy tách từ trên kệ xuống bà cảm nhận được một nỗi đau thầm lặng và thấy Karl đang bị căng thẳng. Ông ta đưa mắt nhìn khắp phòng chừng như muốn tìm lại kỷ niệm. Roger bắt chuyện, hỏi về ngôi nhà, về thời tiết, khu vườn và về con chó to lớn đang quan sát mọi người qua khung cửa sổ.
 “Ông có muốn đi xem nhà trong khi chờ cà phê pha xong hay không? Con tôi muốn thay đổi chút ít nhưng đây là ngôi nhà tuyệt vời có sự tích lịch sử.”
Trong khi dẫn họ đi thăm tầng trệt, bà nói, con bà dù chỉ sửa chữa những cái nhỏ nhặt mà cũng phải khổ sở cũng như phải hạn chế để theo đúng luật bảo vệ các di tích lịch sử.
Bà linh động và hoạt bát, vừa nồng ấm, vừa dí dỏm một cách tự nhiên. Cuối cùng, bà dẫn mọi người lên lầu xem phòng ngủ.
 “Đúng y như trong ký ức của tôi”, Karl nói. “Tôi thường ngủ trong phòng này và ở đây…”
Ông bỗng nhiên im bặt rồi tằng hắng, cúi đầu để tránh khi đến ngưỡng cửa, nắm chắc tay cầm của cầu thang hơi dốc.
Trở lại bếp, Jess rót cà phê cho mọi người và cùng ngồi tại bàn. Roger hỏi thăm về cháu của bà. Anh ta ngưỡng mộ mấy cái tách đựng cà phê nên bà chỉ cho anh biết chỗ bán.
– “Bà tử tế quá”, Karl nói. “Làm sao diễn tả để bà hiểu là việc được phép vào thăm lại căn nhà có ý nghĩa lớn lao như thế nào đối với tôi.”
Jess cầm mấy tấm hình trong tay.
 “Những người trong hình”, bà nói và nhìn lại thật kỹ. “Ông nói họ tên là Beard phải không? Tại sao ông lại tìm kiếm họ? Họ có bà con gì với ông không?”
Im lặng một hồi, ông ta lắc đầu.
 “Nhiều năm về trước”, ông ta tiếp tục với giọng xúc động. “Nhiều năm về trước, tôi yêu cô con gái của họ. Chúng tôi muốn kết hôn nhưng cha mẹ cô cho là cô còn quá trẻ nên bắt chúng tôi phải chờ. Tôi phải trở về Mỹ. Tôi quả là một tên ngu dại….” Ông ta hướng cái nhìn về nơi khác.
– “Ông vẫn còn yêu cô ấy phải không?”
Ông ta gật đầu, nuốt nước bọt, lại im lặng một hồi rồi nói một cách nghẹn ngào. “Tôi không thể nào quên cô ấy được, tôi yêu cô ấy mãi mãi. Tôi phải tìm được cô ấy.”

Sự im lặng bao trùm cả gian phòng. Tiếng rú động cơ cưa máy cắt ngang sự yên tĩnh của buổi ban mai. Con chó sủa lên vì tiếng động lạ.
 “Bây giờ”, Jess nói. “Để xem tôi có thể giúp ông được gì không.”
Mắt ngấn lệ. “Xin cám ơn. Xin cám ơn bà thật nhiều.”

                                           ******                                 

Tây Úc, tháng 12 năm 1998

Hình 2

 “Liz, trước hết”, người phỏng vấn nói, “bà làm ơn kể cho chúng tôi: động lực nào thúc đẩy để bà viết về tương lai của nước Úc?”
Đầu tôi trống rỗng, tôi bỗng nhiên như bị mất trí nhớ hoàn toàn, óc như bị tê liệt. Tôi nhìn cô ta trừng trừng, cảm thấy mồ hôi đọng trên trán và mồ hôi đang chảy dài xuống lưng.Tôi quen với cô ấy, chúng tôi là bạn của nhau đã lâu. Dạo trước chúng tôi làm cùng với nhau nhưng tự dưng tôi cảm thấy cô ta như người xa lạ. Phòng phát thanh này cũng quá quen thuộc với tôi, tại đây tôi đã hoàn thành cũng như xướng ngôn hàng trăm chương trình trong những năm vừa qua, bây giờ nó cũng thành xa lạ. Tôi như đang ở trên không. Tôi nhìn xuống cuốn sách mà tôi đã tìm tòi và biên khảo suốt năm qua, ngó chăm chú vào tờ bìa và không biết nội dung của cuốn sách là gì nữa.

Verity nhận ra sự bối rối của tôi nên vội vã giúp.
– “Có phải vì thiên kỷ sắp đến làm bà có ý định như thế chăng?

Cô ta hỏi và ra hiệu cho tôi như để yêu cầu tôi nhìn vào tờ giấy, trong đó có ghi những điểm quan trọng để nói. Tôi bắt đầu nói và từ trên môi, thốt ra được những điều hợp lý. Tôi đã có kinh nghiệm về những cuộc phỏng vấn như thế này ở các đài khác và cũng biết lý do tại sao mình có mặt ở đây. Tôi nói về cuốn sách như người đã từng làm xướng ngôn viên bao nhiêu năm trước khi chuyển sang việc viết lách. Những gì tôi phát biểu rất hợp lý, trôi chảy và thú vị; tôi vốn là dân chuyên nghiệp.
Sau một tiếng đồng hồ Verity chấm dứt cuộc phỏng vấn rồi giới thiệu ban nhạc Eurythmics, các bản nhạc của họ được trình diễn cho tới lúc mười giờ, giờ phát thanh tin tức.
 “Chuyện gì vậy?” Cô ta muốn biết sau khi đã tắt micro.
 “Tôi bị mất trí nhớ”, tôi nói. “Đầu tôi như trống rỗng…tôi rất tiếc…tôi có cảm tưởng như kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ.”
– “Chỉ chừng bảy giây thôi”, 
cô ta cười. “Tôi bỏ qua cho bạn đó nhưng mà bạn có sao không?”
– “Tôi không sao cả, tôi đang sung sướng vì kỳ nghỉ hè sắp đến.”
– “Chúc cho cuốn sách được nhiều may mắn”, 
cô ta nói, mắt nhìn lên đồng hồ rồi chăm chú vào màn hình đang hiện ra chương trình tin tức của ban biên tập. “Gởi lời thăm đến Bồ Đào Nha và Anh quốc.”


Như bị lạc hướng, tôi rời toà nhà của cơ quan truyền thanh Úc để bước vào cái nóng nung người của mặt trời Tây Úc. Thình lình tôi nhận ra là mình đã bỏ lại đằng sau lưng bao nhiêu áp lực của các buổi truyền thanh trực tiếp, việc tìm kiếm không ngừng đề tài cũng như các đối tác thích hợp để phỏng vấn; lúc nào cũng vội vã, những cái hẹn chết người với các nhân vật nổi tiếng, tất cả tuy có lợi cho sự tự tin nhưng lại làm hại thần kinh. Tôi có cảm giác như bị bệnh và buồn nôn, muốn nôn vào gốc cây dương xỉ mà cành lá vươn ra đụng vào tường nhà.
Bao nhiêu năm tôi đã đi qua cái cửa kính này bất kể giờ giấc, ngày cũng như đêm. Cơ quan truyền thanh là quê hương thứ hai của tôi. Hai ngày tôi được nghỉ giống như hai ngày tôi bị chụp kín bởi một cái mền. Bây giờ toà nhà này và cuộc sống bên trong đó lại hoàn toàn xa lạ với tôi; tôi không còn thuộc nơi đây nữa.
(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

 

Có 2 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO EM : QUYẾT ĐỊNH  (PHẦN XVII)

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Những giây phút cảm động trong đời …Tìm nhau.

  2. Định mệnh đã chia rẽ những người tha thiết yêu nhau, chỉ biết nói như thế thôi cô ạ.

Trả lời Trầm Hương Ptt Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác