TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN XI)

Ngày đăng: 7/12/2018 09:50:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Khoảng thời gian còn lại cho đến khi anh khởi hành càng ngày càng ngắn, những ngày còn lại của chúng ta càng thêm ý nghĩa và quý giá. Kỷ niệm của chúng ta chất đầy trong kho tàng ký ức. Chúng ta tìm thêm được nhiều điều thú vị hoặc những hoạt động mà cả hai đều yêu thích. Với anh, âm nhạc là thức ăn tinh thần, không những đem nguồn vui mà còn là chỗ dựa cũng như đem lại sức mạnh cho anh trong giai đoạn khó khăn. Anh không nhớ nhà vì Beethoven, Mozart có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trước đàn dương cầm, những nét nghiêm nghị trên mặt anh như tan biến mất, chẳng khác gì mỗi khi anh nhìn vào mắt em.

 

Trong khi tình yêu làm nét mặt anh mềm mại hơn thì đàn dương cầm lại khiến nét mặt anh thanh nhã hơn.

Em ngắm nhìn tay anh lướt trên phím ngà và không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh đắm chìm vào giòng nhạc. Âm nhạc là tình yêu lớn nhất trong đời anh, đó là nơi ẩn náu, là nguồn cảm hứng, là sự cao cả mà anh muốn em cùng chia sẻ. Em không có kiến thức về nhạc vì vậy dù anh có đưa tay ra để đưa em tới nơi sâu thẳm của âm nhạc thì em chỉ có thể cố gắng để mà tiến được tới nơi nông cạn mà thôi. Em yêu thích khi anh đổi từ Beethoven sang Count Basie, từ Mozart sang Miller.

Em tự hỏi, không hiểu anh có cảm nhận được nỗi lo sợ về sự thiếu hiểu biết của em hay không, điều này đã cản trở em trong việc đắm chìm vào thế giới huyền diệu của âm nhạc, nơi mà anh đã quá quen thuộc. Anh đã mở cửa cho em hé nhìn vào để biết được

cách tạo nên không khí, hình ảnh trong các giao hưởng, trong hoà tấu cũng như trong các tấu khúc của các nhà soạn nhạc.
Anh đem đến cho em một dĩa hát trong ngày sinh nhật và nói với em “Hãy nghe đi, nghe lại nhiều lần. Khi nghe thật nhiều thì một lúc nào đó, tự nhiên em sẽ bắt đầu cảm nhận được.”

Đó là dĩa nhạc Beethoven’s Fantasia-C-Major. Em nghe dĩa nhạc này ngày đêm và rồi em đã cảm nhận được trong nơi cùng tận của em. Em bắt đầu hiểu, tại sao âm nhạc lại có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống của anh. Anh đã dẫn em đến một nơi mà âm nhạc tuyệt vời, văn chương thi phú, các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu làm em lay động. Một nơi mà em học được khái niệm tổng quát về cách suy nghĩ sáng tạo.

      

Một buổi chiều, em đọc cho anh bài thơ “How do I love thee”
How do I love thee
Let me count the ways
I love you to the dephth and breadth and height
My soul can reach when feeling out of sight
( Tình em dành cả cho anh,
Đếm sao hết được lối quanh tình nồng,
Yêu trong sâu thẳm, tận cùng,
Đỉnh cao, bờ rộng trùng phùng hồn em.)

Bài thơ này được viết như thể để cho em đọc anh nghe vì thế Elizabeth Barrett Browning có mặt trên kệ sách của em cũng như Shakespeare, Donne, Auden và ngay cả Elvis Priesley cũng dùng thứ tiếng mà em cảm nhận được. Thực ra, đó chỉ là một bài hát bình thường mà vì anh, em còn giữ mãi trong tim. Một bài dân ca xưa cổ của vùng Schwäbish mà anh vừa đàn, vừa hát cho em nghe. Bài “Muß i denn”, em biết qua tựa đề “Wooden Heart” trong phim GI Blues do Elvis hát. Tuy nhiên ý nghĩa của bài hát lại khác hẳn với bài dịch của Hollywood.

Muß i denn, muß i denn
Zum Städtele hinaus,
Städtele hinaus,
und du, mein Schatz, bleibst hier.

(Rồi anh phải đi, rồi anh phải đi
rời xa thành phố
rời xa thành phố
và em, em cưng
của anh, em ở lại đây.)

Bài hát này đã theo em biết bao năm tháng. Mỗi lần em ngồi trong quán nước hoặc trong buổi tiệc mà bài hát này vang lên, em lập tức bỏ đi nơi khác vì em không thể nào cầm được nước mắt. Khi làm việc ở đài phát thanh, em thường gạch bài hát này ra khỏi chương trình vì em biết, sau đó em không thể nào nói trong micro được nữa.
Trong những buổi họp mặt bạn gái, đôi khi những cuộc tình tan vỡ cũng được nhắc đến. “Hãy tưởng tượng xem, một ngày nào đó mình gặp lại người tình cũ”, một người nói.
“Có người nào trong quá khứ mà bạn vẫn còn mơ tưởng đến không?” Câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người và mỗi người đều kể chuyện của mình nhưng khi đến phiên em, em gần như không thốt nên lời.
“Chỉ có một người”, em nói. “Chỉ một người duy nhất. Người yêu đầu đời. Một người Đức, anh ấy đã đánh đàn bài Wooden Heart cho tôi nghe.”
Các bạn thấy là em không thể nói tiếp được nữa, họ chuyển cho người kế tiếp.
Đến bây giờ, em còn thấy ánh mắt anh nhìn em khi anh đánh đàn. Em thấy anh ngồi im trong giây lát sau nốt nhạc cuối cùng rồi đứng lên và ôm em trong tay.

-“Bây giờ hãy cho phép con kết hôn với anh ấy“, em van nài cha mẹ em. “Cho con cùng đi với anh ấy.”
– “Con còn trẻ quá, Bill”, cha em nói và dùng tên gọi ở nhà mà ông đặt cho em. “Các con còn có biết bao nhiêu thì giờ. Cha mẹ chỉ muốn các con chờ một năm thôi. Hãy để cho Karl có thời gian tìm việc làm, sửa soạn mọi việc cho vững chắc ở California. Một năm cũng chẳng lâu đâu, hơn nữa con chỉ mới mười tám.”
-“Mẹ có thể nói chuyện với cha được không?”, 
em van nài mẹ. “Mẹ thương mến anh ấy, con biết mẹ thương anh ấy thật mà.”
– “Dĩ nhiên là mẹ thương cậu ấy, cha con cũng vậy. Con còn quá trẻ, cậu ấy lớn tuổi hơn con nhiều quá, còn những chuyện khác nữa. Khi cậu ta thực sự yêu con, cậu ấy sẽ đợi chờ. Con phải thấy chuyện này là đúng.”
Em không thấy là đúng, đó là điên cuồng và em cảm nhận sự việc như một nỗi đau của thể xác mà đêm đến làm em hoảng sợ còn ban ngày lúc nào cũng đeo đuổi em.

-“Cô có thể bỏ trốn theo anh ấy”, Jackie nói. “Cô và anh ấy hãy tới Gretna Green, thật là lãng mạn. Anh ấy mượn một cái thang bắc nơi cửa sổ của cô; cô leo xuống rồi cả hai trốn đến Tô Cách Lan giữa đêm khuya.”
– “Cha mẹ cô có ý tốt cho cô thôi, cưng ơi”, bà Maxwell nói. “Ông bà biết những gì tốt cho cô, thời gian qua nhanh lắm. Rồi một năm trôi qua mà cô chẳng nhận ra được.”
-“Nào, cô Beard”, Bác Sỹ Muray nói. ” Anh chàng trai trẻ của cô dạo này ra sao?”
– “Anh ấy phải ra đi, không bao lâu nữa. Bác sỹ Muray, nếu tôi là con gái của ông thì ông có cho phép tôi ra đi cùng anh ấy không?”

Ông đập vào túi để kiếm cái tẩu thuốc nhưng lại thấy nó nằm trên bàn giấy nên nhét nó lại vào trong chiếc túi da cũ kỹ.

– “Nếu cô là con gái của tôi, tôi sẽ không ngăn cản “, ông trả lời một cách chậm rãi. “Nhưng mà sẽ không tốt cho cô. Cũng đúng thôi vì tôi không có con cái.”
– “Vậy là bất công quá”, 
em than phiền.
– “Tôi muốn kể cho cô nghe một câu chuyện“, ông nói rồi lặng thinh để đốt thuốc lá trong tẩu, đốt đi, đốt lại cho đến khi thuốc cháy hẳn. “Khi tôi quen nhà tôi thì nhà tôi mới mười tám tuổi, y như cô hiện nay và tôi ba mươi lăm tuổi, lớn tuổi hơn cả người yêu của cô. Tôi coi nhà tôi như thể một người đáng được tôn sùng trong thế giới xa vời của thượng đế và tôi nhất quyết phải cưới cô ấy cho bằng được. Vào thập niên ba mươi, lúc đó thời gian đính hôn kéo dài là chuyện bình thường. Hai năm sau chúng tôi mới có thể đính hôn và cha của cô bắt chúng tôi phải chờ thêm ba năm nữa. Tôi cưới cô ấy lúc tôi bốn mươi và cô ấy hai mươi ba tuổi. Bây giờ tôi sáu mươi tám tuổi và lúc nào cũng thấy cô ấy là người phụ nữ tốt nhất và đẹp nhất trên thế gian này. Cô ấy xứng đáng để tôi phải chờ đợi, và cô cũng thế. Cuộc sống còn dài, cô còn bao nhiêu năm tháng trước mặt. Người yêu của cô sẽ đợi cô và sẽ trở lại để kết hôn với cô rồi cô sẽ tự hỏi, tại sao trước đây cô lại thấy mọi chuyện ghê gớm như thế.
 “Đúng thế”, bà Wilmot nói trong khi bà gởi người đem thơ với hồ sơ chữ ký tới văn phòng của vị đại diện công ty. “Cô không thể đi với một người mà cô mới quen sang Mỹ. Chỉ có Chúa mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra.”
 “Một năm cũng chẳng lâu đâu”, Sally Palmer tìm cách an ủi em. “Cứ nghĩ xem, vào năm ngoái, cũng trong khoảng thời gian này, cô đã làm gì.”
– “Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ nữa”, em lẩm bẩm.
– “Cô thấy chưa, thời gian qua thật nhanh, trước khi cô lẫn lộn thì tất chúng tôi đang trên đường ra nghĩa trang rồi.”
– “Thật là một thời gian bất tận
“, Jackie nói. “Nếu tôi là cô thì tôi tự tử cho rồi. Tôi phải cho họ một bài học. Bảo đảm là họ sẽ  ước là phải chi họ để cho cô đi. Dĩ nhiên là cô sẽ phải vào địa ngục vì tự tử là một tội lớn. Cô biết không, tôi nghe nói là có những người cùng nhau tự tử để không có gì cũng như không ai có thể chia rẽ họ được, à theo kiểu Romeo và Juliet, tôi nghĩ thế. Như thế còn lãng mạn hơn là cùng bỏ trốn.


– “Nước Mỹ”, mẹ nói. “Xa xôi quá, nếu có gì xảy ra…”
– “Chẳng hạn, những gì?”
– “Nếu con và cậu ta chia tay thì bên đó con chỉ có một mình, cách nhà hàng vạn dậm, cách xa cả cha lẫn mẹ.”
– “Nhưng chúng con đâu có chia tay. Chúng con yêu nhau và Karl sẽ lo chăm sóc con. Anh ấy nói và mẹ biết là anh ấy luôn giữ lời.”

Mẹ quay đi để gấp quần áo còn em chạy lên lầu, vật người trên giường và khóc nức nở.

Vào buổi chiều thứ bảy mưa rả rích, chúng ta ngồi đối diện trong một quán trà gần nhà ga Victoria. Lần đầu tiên em thưởng thức món bánh kẹp với mật cây phong. Anh nói là ở San Francisco anh sẽ làm bánh này trong nhà bếp, chế mật cùng kem lên trên, rồi chúng ta ngồi bên nhau, cùng ngắm cảnh mặt trời lặn trên vịnh. Chúng ta sẽ ăn bánh Hamburger chính gốc Mỹ trong một tiệm ăn với băng ghế bọc da đỏ, một quầy hàng bằng nhôm bóng láng và uống limonade từ một máy bán các thức uống nhẹ. Chúng ta sẽ rúc vào nhau trong xe hơi của anh mà anh đậu ở rạp chiếu bóng ngoài trời, ăn túi bắp rang và mỗi đêm chúng ta ôm nhau thật chặt mà ngủ suốt đêm và những đêm kế tiếp là của chúng ta.
Cửa sổ quán trà bị mờ đi vì hơi ẩm các áo khoác ngoài của khách hàng. Họ vào quán để tránh mưa. Khi tiếng nhạc đầu tiên của bản “It’s Now or Never” vọng từ Juke box ra, nét mặt anh biến đổi. Thình lình trong mắt anh hiện ra một sự u ám gần giống như là tuyệt vọng. Cái nĩa của anh rơi xuống thành của dĩa và em có cảm giác như một khoảng thời gian vô tận trôi qua cho đến khi anh tìm lại được lời nói.
– “Tự nhiên anh có một linh cảm thật khủng khiếp là chúng ta không bao giờ còn gặp lại nhau nữa“, anh nói. Cảm giác này mãnh liệt đến nỗi anh không thở được và tay anh run rẩy.
– “Dĩ nhiên là chúng ta sẽ gặp lại nhau”, em đoan chắc với anh. Dù cho bao nhiêu khốn khổ vì sự chia cắt, em vẫn tin chắc là một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng chung sống với nhau. “Em sang Mỹ và chúng ta sẽ kết hôn.” Em nhoài trên bàn và nắm lấy tay anh, anh bóp thật chặt tay em làm cho chiếc nhẫn em đeo cắt mạnh vào ngón tay, em cảm nhận được sự tuyệt vọng sâu thẳm của anh.

Ngày trở nên dài hơn, bầu trời sáng hơn. Anh chụp hình em trong vườn và vào một buổi sáng chủ nhật, còn sớm lắm, anh gọi em ở phía dưới cửa sổ. Khi em mở cửa và nhìn xuống dưới, anh chụp một tấm ảnh cho em. Trên bãi biển Brighton vào một ngày tiết trời hơi lạnh, một luồng gió như gặm nhấm từ biển thổi vào và không khí như được trộn lẫn với muối bọt, anh đi theo  bờ dốc đá để xuống nước trước em. Em gọi tên anh và khi anh quay lại, tay để trong túi, cổ áo bẻ lên cao, em bấm nút máy ảnh và thu được ánh nhìn tươi vui cùng nụ cười mở rộng của anh.
“Lại đây, em yêu”, anh gọi trong gió, em chạy xuống phía dưới, nắm tay anh và chúng ta cùng chạy đến bến tàu. Hụt hơi, em dựa vào một cái cột bám rêu xanh cùng một lớp hào dầy đặc, anh cúi xuống hôn em. Khuôn mặt ấm áp của anh kề sát mặt em, anh hứa với em là chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau.

 

Một ngày trước khi anh lên đường, chúng ta bước trên cỏ ướt đẫm vì mưa, dưới bầu trời  tối đen vì trận mưa tiếp theo sẽ kéo đến, rẽ các bụi rậm, các cành cây làm ướt tay áo, làm các ngón tay lạnh cóng. Gần biển, nơi nước trắng xoá vì bọt biển đập vào các mỏm đá, chúng ta bám chặt vào nhau, hứa với nhau là sẽ viết cho nhau thật nhiều thơ và thề sẽ yêu nhau mãi mãi, cho đến khi cạn lời, những lời mà gió đã mang theo. Trong sự thầm lặng tuyệt vọng, chúng ta đứng đó cho đến khi hoàng hôn buông xuống, đi về qua các cánh đồng, đương đầu với sự chia cắt.

Em khóc trong giấc ngủ, thức dậy trong màu xám xạm của buổi ban mai ngày đó, ngày mà em hằng lo sợ. Như bị hoá đá, chúng ta ngồi trong xe. Khuôn mặt anh đông lại như mặt nạ, thân hình anh cứng nhắc. Em cảm nhận như có tiếng nấc trong hơi thở của anh, môi anh run lên khi anh hôn em và em bám chặt vào anh.

 

“Đừng xuống xe”, anh nói trong khi mở cửa xe và nắm lấy túi xách của anh. “Em làm ơn ở lại trong xe.” Mắt anh tối sầm vì đau khổ, khuôn mặt rắn lại khi anh đóng mạnh cửa xe, anh quay đi và bước về phía nhà ga. Em nghẹt thở, như chết đuối, như đã lìa đời. Phía trên kia, trước bậc thang đến chỗ xe lửa đậu, anh quay lại lần nữa, nhìn lại phía sau và rồi mất dạng.
(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

Có 3 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN XI)

  1. Cô ơi, em chỉ có thể nói mối tình của Liz và Karl quá đẹp quá lãng mạn nhưng cũng đầy trở ngại ngoài ý muốn. Cũng do số mệnh cả thôi, cô ạ.

    • Theo quan niệm của người Việt chúng ta thì sự lo lắng của cha mẹ Liz rất có lý khi ông bà yêu cầu hai trẻ nên chờ đợi thêm một năm nữa mới cho kết hôn, Karl có đủ thời giờ để sắp xếp mọi việc trước khi đem Liz sang Mỹ để tránh những việc không hay xảy ra khi Liz chỉ có một mình nơi xứ lạ, quê người.

      Như Đức Tính nói, mọi việc xảy ra ngoài ý muốn để cuộc tình bị tan vỡ, thật đúng như câu mà chúng ta đã biết là “người muốn nhưng trời định”.

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Một cô gái ngây thơ nhưng tâm hồn quá lãng mạn , một người đàn ông đa tình và lịch lãm.. Gặp nhau và Tình yêu tất sẽ đến…Chính vì vậy, khi xa nhau, T.Y nầy  là vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn, trong  hồi ức của cô… tâm lý nhân vật thật có chiều sâu …

Trả lời Trầm Hương Ptt Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác