Mùa Giáng Sinh vui

Ngày đăng: 15/12/2018 10:13:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hồi xưa, quê mình tựu trường vào tháng Chín, học riết tới tháng sáu mới bãi trường, nghỉ ‘hè’ (tức ra hè mà nghỉ).  Còn Úc tựu trường vào cuối tháng Giêng; bãi trường vào cuối tháng Chạp, cũng là nghỉ ‘hè’, ra biển chọc cá mập cho nó ‘phập’.

Niên học chia ra làm 4 học kỳ; cứ học 9, 10 hoặc 11 tuần là nghỉ xả hơi hai tuần, ở nhà ‘quậy’. Cuối học kỳ 4, nghỉ lâu nhứt tới 5 tuần cả thảy, để học trò ăn lễ Giáng Sinh, Merry Chrisstmas và mừng năm mới, Happy New Year!

Mùa lễ hội của Mỹ bắt đầu từ lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) tới giao thừa Tây. Còn ở Úc là từ Melbourne Cup (Đua ngựa), thứ Ba đầu tiên, tháng mười một tới giao thừa Tây.

So lại, Úc ăn rồi chơi nhiều hơn Mỹ. Hổng có gì lạ đâu, thưa bà con, vì Úc nổi tiếng làm biếng nhứt thế giới mà. Riêng người Việt tỵ nạn mình ở Úc, hổng cần đợi tới cuối năm mới nhậu, cứ cuối tuần là có ‘độ’, tuần nào y như tuần nấy.

Mùa lễ hội, Mít mình thì khoái ăn thịt gà ta; còn Úc khoái ăn thịt gà tây. Nên đám gà ta cà nanh với đám gà tây “Tụi bây chỉ bị ‘xử đẹp’ vào ngày lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh thôi hả? Thiệt là may mắn! Bọn tớ, Chúa nhựt nào cũng đi chầu ông bà ông vải hết trơn hè!”

(Có anh mình hơi bị tự ti mặc cảm nên cảm thán rằng tây bao giờ cũng hơn ta. Ngay gà ta cũng thua gà tây nữa! Nghĩ vậy không hoàn toàn đúng! Đâu phải ta lúc nào cũng thua. Tùy lúc chớ! Như tui nè hồi mới chân ướt chân ráo, bị Úc nó chơi gác, ăn hiếp dài dài từ trong sở ra tới ngoài đời. Nhưng ở đây lâu, mình mọc nanh, đâu có ngán đứa nào. Biết điều, nhậu nhẹt bù khú với nhau; cầm bằng ra vẻ ta đây là ‘Úc rặt’, ngon hơn; thì xin lỗi… nhà ai nấy ở, rượu ai nấy uống; vợ ai nấy ‘cự’ vậy thôi. Làm gì nhau hè?)

***

Nhớ mùa Giáng Sinh năm ngoái, dắt em yêu đi mua sắm ở ‘High Point Shopping Centre’ trong tiếng nhạc rộn ràng Jingle Bells của mùa Giáng Sinh.

Trong siêu thị, có Santa Claus ngồi để bà con mình chụp hình kỷ niệm (có trả tiền, dĩ nhiên).

Santa Claus gọi tui bằng ‘bro’ tức ‘brother’ (anh); trong lúc gọi em yêu của tui bằng ‘cháu’. Em yêu khoái quá trời vì nghĩ mình vẫn còn thuở thanh xuân; chẳng qua em mới vừa nhuộm tóc. Còn tui, giận xanh râu luôn! “Ê! Santa kỳ thị tuổi tác phải không? ‘Boss’ của chú mầy là ai, kêu nó ra đây để tao chính thức ‘còm len’ (than phiền) một chút coi!”

Santa nghe tui hăm như vậy, mặt xanh chành như đít nhái, vì sợ mất ‘job’ nên giả lả là: “Take it easy mate!” (Thôi! Bỏ qua đi Tám!)

Tối về, khi em yêu của tui đã ngáy ‘ò ó o’, tui vẫn còn ấm ức, tức, nên sau vài ly rượu đỏ; lên Facebook, tui gọi cho thằng bạn học cũ bên Little Saigon để trút bầu tâm sự. Ai dè nó cũng va vào hoàn cảnh đau đớn hịt như tui.

“Để ăn mừng lễ Giáng Sinh, kiểu Mỹ, bắt chước thần tượng Sở Khanh, mày râu nhẵn nhụi; áo quần bảnh bao, tao bèn đi hớt tóc đầu đinh, xong còn nhuộm đen kịt, không quên xức nước hoa ‘Xà neo’ ba số 5.

Mặc cái quần jean mới nè, có xé te tua ở đầu gối, hết 150 đô, cái áo chim cò mới có chữ ‘Free hugs’ (ôm miễn phí) nè hết 100 đô; đôi giày thể thao Adidas gần 200 đô.  Xong dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đưa em xuống phố trưa nay đang còn nhức mỏi hai vai.

Sở dĩ đóng bộ đàng hoàng như vậy vì tao muốn ‘xứng’ với em yêu, mái tóc người vợ trẻ, từ Hốc Bà Tó Việt Nam tao khều ra, rồi lãnh qua đây.

Hai đứa ‘tính tình tang’ lang thang vô siêu thị. Em đòi chụp hình Giáng Sinh ở Mỹ để gởi về Tía Má em bên ấy an tâm là em đang sống trong một cuộc đời nhung lụa ở cái xứ tư bản giãy chết nầy.

Ôi muốn là chiều! Dù chụp chỉ mấy tấm hình mà bay hết một ông ‘Benjamin Franklin’. Trong lúc móc chi tới 100 đô, đau quá; thì em yêu lại khoái quá chừng vì được Santa gọi là cháu; còn hỏi em có muốn ngồi lên đùi nó để chụp hình kỷ niệm hay không?

Tao trừng mắt nhìn, em cụp xuống, hổng dám ho he gì ráo; xong tao chuyển đôi mắt hình viên đạn qua Santa thì bất ngờ thay, ‘giả’ phân bua bằng tiếng Việt: “Con giỡn chút chơi mà ghen tuông gì ông Ngoại?”

Tao ngạc nhiên đến ‘đứng hình’ luôn. Người Việt mình ốm yếu nhỏ con, thì làm sao kiếm được cái ‘job’ mập, làm Santa Claus, cho được chớ?

Santa Claus dê xồm nầy sợ tao ghen, nóng mặt lên là nó mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc; bèn tìm cách làm tao bớt giận bằng câu chuyện làm quà là: “Từ hôm Lễ Tạ Ơn là con Mỹ đen, vợ cháu đã tẩm bổ bằng gà lôi đút lò rồi. Ngày nào cũng gà lôi và gà lôi, bụng lồi lên nhưng trái khinh khí cầu. Mà nó cứ dụ: “Honey! Honey! Rán ăn đi, cho mập cho có da, có thịt hai đứa mình giống hịt…mới được! Chớ đứng gần nhau cứ số 1 và số 0 hoài, kỳ quá. Hai nhờ cái thể hình ‘ú nu’ như vậy mới kiếm được ‘job’ mập, làm Santa Claus, thêm chút đỉnh tiền để bánh mì bơ cho bầy con lủ khủ, ăn như xáng xúc! Vợ chồng dẫu cày sâu cuốc bẩm suốt năm chỉ đủ cái bỏ vào mồm. Phép thường niên 4 tuần, năm, honey cứ tụ bè tụ đảng ăn nhậu hoài thì trước sau gì nhà nầy cũng thành ‘homeless’!”

Nhưng công bằng mà nói: tay Santa Claus gốc Mít nầy nhận xét cũng hổng có trật! Hai đứa mình giờ cũng già rồi. (Giống như cây thông Giáng Sinh, chủ yếu để trưng bày, trang trí coi chơi; chớ đâu còn làm ăn gì được nữa?)

***

Mít dê Mít là chuyện thường tình! Úc cũng hay dê sảng con gái Việt Nam mình lắm. Vì mấy em, mình hạc xương mai, dáng đi uyển chuyển như ‘Thanh Tuyền’ và giọng nói ngọt ngào như ‘Đan Nguyên’ vậy. Còn con vợ Úc của nó, chụp hình Giáng Sinh hồi năm ngoái về nhà in ra để lộng kiếng (liệng cống) mà giờ vẫn chưa xong.

Mới đây nè bên Mỹ, có một em nặng tới 300 pounds vô ý đè chết ông chồng đó. Tay bạn nhậu người Úc nghe tui kể chuyện khó tin nhưng có thiệt nầy xanh mặt mày hết ráo, run run hỏi: “Hổng biết chừng nào sẽ tới phiên tui?”

Thằng bạn Úc nầy nó tên là ‘Ó zì’ (Ozzie), tui chọc quê gọi nó là “Ó đâm’ (‘đâm’ phiên âm chữ ‘dump’ nghĩa là ngu).

Qua nước người ta, nhiều phong tục tập quán sở tại, không biết hỏi ai; chi bằng mình hỏi dân thổ địa. Dẫu vậy có nhiều câu tui hỏi nó cũng bí lù hè. (Thiệt là ngu thấy ớn).

“Xứ tao chuông nhà thờ luôn óng ả; còn xứ nầy sao ít nghe tiếng chuông ngân?” Thì ‘Ó zì’ cắt nghĩa: “Ít thiệt! Nhưng lai rai cũng có! Úc, đất nước tự do, đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo: Anh giáo, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, Tin lành rồi đạo Phật, đạo Hindu, đạo Hồi… và còn nhiều đạo khác

Chuông nhà thờ, giáo đường, đền chùa cũng có luật có lệ. Nước Úc tự do không phải muốn làm gì là làm. Điều căn bản nhứt của quyền tự do là trước hết phải tôn trọng quyền tự do của người khác.

Như Anh giáo tấu nhạc thánh ca trong giáo đường; Phật giáo tụng kinh trong chùa; Hồi giáo trong ‘mosque; chớ không có bắt ‘ô bẹt lưa’ vọng ra ngoài đường như mấy cái xứ Trung Đông.”

Biết vậy, nhưng mỗi mùa Giáng Sinh, tui lại nhớ hoài, nhớ tha thiết tiếng chuông nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, tui cùng em yêu (40 năm tình cũ) tay trong tay tan lễ nửa đêm ngày ấy.

***

Thằng bạn Úc ‘Ó zì’ của tui cũng tin vào Thượng Đế nhưng không ngoan đạo lắm; ít khi đi nhà thờ trừ những ngày lễ lớn.

Năm rồi, Thánh lễ nửa đêm vừa xong, linh mục chánh xứ làm chủ lễ đứng trước cửa, bắt tay giáo dân chúc: “Merry Christmas!” Một mùa Giáng sinh vui!

‘Ó zì’ bước tới; vị linh mục bắt tay nó, rồi kéo sang một bên nói: “Con phải gia nhập Đạo quân Chúa Cứu Thế nhe!”“Thưa Cha! Con đã gia nhập rồi đó ạ!” “Ủa! Sao cha ít gặp con quá! Năm chỉ hai lần, một vào lễ Giáng Sinh; hai là vào lễ Phục Sinh?” “Thưa Cha chẳng qua trong Đạo quân Chúa Cứu Thế con làm việc cho Sở Mật vụ!”

‘Ó zì’ có một đứa con trai tên là “Oi’ năm nay lên 8 tuổi. Sở dĩ đặt tên con là ‘Oi’ vì năm nào tranh giải quần vợt quốc tế mở rộng, vào đầu tháng Hai tại Melbourne nè, Úc thắng được chỉ một cú đánh là cố động viên một đứa xướng lên “Ozzie! Ozzie! Ozzie” Cả khán đài phụ họa hò reo ‘Oi! Oi! Oi” Vui hết biết!  (Nếu dịch ra tiếng Việt mình là “Úc! Úc! Úc! Ơi! Ơi! Ơi!” vậy mà).

Một vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, vợ vẫn còn đi làm nên ‘Ó zì’ phải lui cui dưới bếp. Thằng ‘Oi’ đang chơi xe lửa chạy bằng pin, (quà Giáng Sinh) trong phòng khách.

Chiếc xe lửa ngừng lại và giọng của ‘Oi’ vang lên: “Tất cả những thằng ‘quỷ hó’ và những đứa con gái ‘cà chớn lửa’ xuống xe ngay. Đây là trạm cuối cùng. Hành khách nào còn lại thì dán chặt cái ‘mông’ vào ghế ngồi; vì chiếc xe lửa sẽ xuống dốc để quay đầu trở lại. Nghe rõ không mấy con bò tót ?!”

‘Ó zì’ nghe vậy, giận quá: “Nè không được dùng cái ngôn ngữ đường phố, đá cá lăn dưa chợ Victoria trong nhà nầy. Chú mầy là con nhà gia giáo! Giờ đứng vô góc phòng, hai tiếng đồng hồ để ăn năn tội lỗi của mình. Hết giờ phạt, chú mầy sẽ được tiếp tục chạy xe lửa; nhưng hãy nhớ dùng ngôn ngữ thiệt lịch sư nghe không?”

Hai tiếng sau, hết giờ phạt, ‘Oi’ lại chơi với chiếc xe lửa. Lần nầy thì: “Hành khách lưu ý! Lưu ý! Quý vị nào xuống xe lửa xin vui lòng nhớ mang theo tất cả các hành lý của mình. Xin cám ơn quý vị đã đáp chuyến xe nầy, Hy vọng đây là một hành trình thú vị. Mong quý khách sẽ tiếp tục đi xe lửa nầy lần tới. Xin đa tạ!

Còn quý vị nào còn ngồi trên xe, xin cảm phiền để hành lý dưới chỗ ngồi của mình và xin nhớ không được hút thuốc trong xe. Mong quý vị đã có một chuyến đi thoải mái và vui vẻ với chúng tôi hôm nay. Xin cám ơn.”

Khi nghe con mình nói vậy, ‘Ó zì’ rất lấy làm hài lòng, bỗng nghe nó nói tiếp: “Còn quý khách nào đã bị trễ hai tiếng đồng hồ; nếu bực bội thì xin than phiền với ‘ông già cà chớn’ đang nấu cơm trong bếp!”

Merry Christmas!

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác