RỦ NHAU ĐI HÁI VÚ BÒ…

Ngày đăng: 26/10/2018 06:28:55 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Ngày nhỏ, anh em chúng tôi và bọn trẻ chăn trâu thường hay tụ tập triền đê lộng gió. Rồi chạy chân trần xuống đồng khô, lật những thớ đất cày bỏ ải chờ mùa để tìm dế lửa, dế than. Chán chê, chúng tôi chơi đá gà. Thế là những cọng cỏ gà bị tàn sát nhanh chóng. Có hôm, không thèm đá dế, đá gà, bọn tôi dắt nhau vào rừng, một vạt rừng nhỏ ven suối. Vậy mà trong đó là cả một “kho báu”, cả một “thiên đường” tuổi thơ của chúng tôi. Nào trâm ổi, nào trái giác, trái giấy, chùm đuông, gùi, chai, bứa… Và đặc biệt, một loài “quả dại trái rừng” vô cùng thú vị: Trái vú bò! Ôi, những chùm vú bò treo lơ lửng trên cao như gọi mời, mới hấp dẫn làm sao! Trái còn xanh, lẫn trong tán lá rất khó tìm thấy.

Mà tìm làm chi cho phí, để dành đó, hái lần sau, vì những trái xanh non, ăn chát ngầm. Xanh già ăn chua lè chua loét, ê răng nhăn mặt, lé cả con mắt. Còn trái chín thì ôi thôi, cả chùm đỏ ối. Với con mắt “nhà nghề” của chúng tôi-như những con mắt của chú bê con dáo dác đi tìm vú mẹ, ngó nghiêng một chút là tìm thấy ngay. Có chùm vài ba trái, có chùm năm sáu trái. Cũng có nhiều chùm sai trái có tới cả chục. Nhìn chùm trái chín đỏ, căng mọng như vú chị bò sữa chuẩn bị được vắt sữa đem đi bán. Ai đầu tiên đã so sánh và đặt tên cho loài quả dại này nhỉ? Chắc hẳn không ngoài những những chú bé chăn bò thuở xưa tuyệt vời thông minh và giàu tưởng tượng! Mắt chúng tôi sáng lên, tiếng reo mừng rộn vang cả cánh rừng. Dễ chừng những con chim đang hót cũng giật mình bay vù lên cao. Thân vú bò là loại dây leo. Dây có thể dùng để bện vành ky để xúc đất hoặc hốt rác. Dù cho chùm trái cao cỡ nào cũng không thoát khỏi chúng tôi. Mấy thằng con trai nhanh như sóc, leo như khỉ dễ gì “tha” cho. Thoát cái, chùm vú bò nằm gọn trong tay chúng tôi. Mỗi chùm có một cái cuống gắn liền với nhánh cây. Từ cuống chính ấy, có thêm nhiều cuống nữa dính liền với cuống chính. Mỗi cuống treo một trái tạo thành một chùm như chùm vú bò. Trái chín đỏ choét. Thơm lựng. Nếu chia không đủ mỗi đứa một trái, chúng tôi có thể chia mỗi đứa một hạt sau khi bóp mềm từng trái và bóc vỏ. Nếu không vò mềm ăn sẽ rất chua. Bên trong trái có nhiều hạt nhỏ như hạt khổ qua. Bột xung quanh hạt rất ít. Nhưng với tôi cái thứ bột ấy có một hương vị đặc trưng khó quên và không thể lẫn vào đâu được. Gọi trái vú bò chắc chỉ vì hình dạng của nó giống vú bò sữa, chứ hương vị của nó có “ăn nhập” gì với sữa bò đâu. Tôi cảm thấy mình thật khiếm khuyết, tôi thành thật thú nhận rằng mình không thể nào tả được mùi hương quyến rủ của chùm vú bò trong kí ức tuổi thơ. Ngày nay, nhắc tới trái vú bò chắc ít đứa bằng tuổi tôi biết được nó như thế nào. Thậm chí chúng không tin có loại trái thật ngộ nghĩnh như vậy. Kể không khéo chúng lại nói mình bịa. Ôi! Thương quá con suối xưa đã cạn, cánh rừng nhỏ bên suối đâu rồi. Những chùm vú bò tuổi thơ giờ chỉ còn lúc lỉu trong kí ức.

                   Trần Nhã My

h2                                                            cây vú bò hoang dại

(*)  Vú bò là loại cây mọc hoang dại trong rừng, còn có tên vú bò sẻ, vú lợn, ngải phún, sung ba thùy. Vú bò sẻ là cây bụi cao 1 – 2m, mọc thẳng đứng, ngọn non có lông, thân hình trụ, ít phân nhánh, có lông dày. Ngành đông y dùng là rễ và vỏ rễ, dùng thay thế hoàng kỳ nên có tên là thổ hoàng kỳ, trong vú bò có nhiều acid hữu cơ, các acid amin, các chất triterpen, alcaloid và coumarin.

Có 4 bình luận về RỦ NHAU ĐI HÁI VÚ BÒ…

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Trái vú bò trong ký ức tuổi thơ của bạn rất lạ, tôi mới nghe lần đầu.

    Tuổi nhỏ của chúng tôi, chỉ biết trái thù lù, giờ cũng chỉ còn trong ký ức.

    Và một loài hoa mà nay tôi kể không ai biết đến: bông dỏ dẻ.

  2. Hoành Châu nói:

    Ảnh đẹp quá , từ trước đến giờ  mới biết loại trái cây này .Cảm ơn tác giả nhé
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển )Gia đình C  )

  3. Hoàng Nam nói:

    trái màu đỏ nhìn giống trái nhót hơn

  4. Bacsi Suu nói:

    Bài viết đầy ắp những kỉ niệm tuổi thơ… Mà bạn ở địa phương nào vậy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác