TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI Phần VII

Ngày đăng: 24/06/2018 11:34:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Vào ngày đầu tiên, ngày Giáng sinh, không ai thực sự đi săn. Chúng tôi phải giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, phải nhét khăn vào giữa các cửa sổ vì qua chỗ hổng, gió lạnh sẽ lùa vào. Chúng tôi đi vào rừng để tìm một đống cành thông khô. Mặc dù bận bù đầu nhưng chúng tôi vẫn tìm được thời giờ để đặt một số bẫy dưới gốc các cây olive đầy quả rụng màu đen và đông cứng nằm trên cỏ Baouco.

Lily quấn các cành liễu trong giấy thấm ướt và cất trong hộp nên các cành này vẫn tươi tốt. Mấy cái bẫy đặt giữa các cây olive đã quyến rũ được cả chục con chim Drossel từ trên cành xuống bẫy để thành một xâu chim nướng, nhờ đó mà buổi tiệc mừng Giáng sinh trở nên hoàn hảo.

Bữa ăn tối với mười ba món tráng miệng đã được thực hiện ngay trong đêm, trước ngọn lửa tí tách nơi lò sưởi.

 

 

Hình 1/ Buổi tiệc đêm Giáng Sinh với Lili

(nguồn hình : phim Le Château de ma Mère)

 

Lili-thượng khách của chúng tôi-quan sát cử chỉ của tôi và tìm cách bắt chước người lịch sự, người mà hắn nghĩ là tôi.

Trong góc phòng ăn, một cây thông vươn cao một cách trang trọng, trên cành có treo  cả tá bẫy chim, một con dao săn, một hộp thuốc súng, một chiếc xe lửa có dây kéo, dây thép để làm thòng lọng, ngoài ra còn có đường phèn, một cây súng bằng bấc và biết bao nhiêu thứ tuyệt vời khác nữa. Lili tròn xoe mắt và không nói được một lời, lúc đó  nếu người ta móc túi hắn, hắn cũng chẳng biết gì cả.

Thật là một đêm dài khó quên mà tôi chưa bao giờ được trải qua. Tôi thưởng thức một cách vương giả, chà là, mứt trái cây và kem sữa, Lili cũng ăn tiếp sức tôi nên đến nửa đêm hắn gần như không thở nổi, miệng không khép lại được. Mẹ tôi đã ba lần bảo chúng tôi đi ngủ nhưng chúng tôi đều từ chối vì vẫn còn nho khô, món ngon xa xỉ mà chúng tôi thấy uổng phí nếu không tiếp tục nhấm nháp.

Vào lúc một giờ đêm, cha tôi tuyên bố là bụng bọn trẻ sẽ nổ tung vì quá no, ông đứng dậy.

Ngay khi đó dường như tôi nghe thấy từ xa tiếng xe đạp của chú Jules kêu kẽo kẹt.

Việc chú đến thật khó mà tưởng tượng được vì đã một giờ đêm và mọi thứ đều đông cứng. Tôi không tin và nghĩ là mình đang mơ khi mẹ tôi cũng lắng nghe rồi nói một cách ngạc nhiên:

“Joseph! Jules đến! Hy vọng là không có gì xảy ra.”

Cha tôi cũng lắng nghe, tiếng kẽo kẹt càng ngày càng gần.

Chú ấy đó!” Ông nói. “Đừng hồi hộp, nếu có chuyện gì xảy ra thì làm sao mà chú ấy lại có thể đạp xe lên đây.”

Ông đứng dậy và mở toang cửa. Chúng tôi chỉ thấy dáng như một con gấu khổng lồ đang tháo hành lý ra khỏi dây buộc, rồi chú bước vào trong chiếc áo măng tô lông thú, đầu quấn một chiếc khăn nhiều vòng. Chú đặt một gói to trên bàn, nói: “Giáng sinh vui vẻ!” và cởi  khăn ra.

Tôi nhào tới gói quà, thêm bao nhiêu là đồ chơi, bao nhiêu là bẫy chim, một gói mứt hạt dẻ và một chai rượu ngọt.

Cha tôi nhăn trán, tìm tòi kỹ lưỡng nơi tấm nhãn sặc sỡ và có vẻ hài lòng.

“Cuối cùng cũng có một chai rượu ngọt đúng nghĩa”, ông nói. “Rượu vang nóng, đúng như cái tên, bao nhiêu chất rượu đều bay mất khi đem nấu lên.”

Ông rót cho chúng tôi mỗi người một chút xíu rượu và buổi tiệc lại tiếp tục. Mẹ tôi ẵm Paul lên lầu vì hắn đã ngủ say.

– “Chúng tôi vui lắm vì chú đến được”, cha tôi nói, “nhưng chúng tôi không ngờ. Bộ chú để Rose và cháu bé một mình sao?”

– “Joseph ơi, làm sao mà tôi có thể đem vợ con theo để dự lễ Giáng sinh nửa đêm được, một buổi lễ mà từ lúc còn nhỏ cho đến giờ tôi chưa từng vắng mặt. Mặt khác, nếu tôi về đánh thức vợ con vào lúc một giờ đêm thì thật là không phải chút nào. Tôi quyết định, sau khi dự lễ nửa đêm ở nhà thờ La Treille là đến đây để cùng mọi người ăn mừng Chúa chào đời.”

Tôi thấy là chú có ý kiến hay vì tôi đang mở gói hạt dẻ ngào đường, món này Lili chưa bao giờ biết đến. 

“Buổi lễ nửa đêm thật là đẹp”, chú Jules nói. “Nhà thờ được trang hoàng bởi những cành Hương thảo đầy hoa. Một máng lừa thật lớn và trẻ em hát vang những bài thánh ca Giáng sinh từ thế kỷ thứ XIV của vùng Provence. Tiếc là anh không đi dự.”

– “Tôi cũng có thể đến vì tò mò”, cha tôi nói. “Nhưng những người chỉ đến nhà thờ để xem và để nghe nhạc là không tôn trọng đức tin của người khác, tôi thấy như vậy.”

– “Thật là một cảm giác tuyệt vời”, chú nói. “Dù thế nào đi nữa thì…gia đình anh cũng hiện diện ở đó.” chú xoa tay một cách thích thú.

– “Tại sao tôi lại có mặt ở đó?” Cha tôi hỏi với một thoáng diễu cợt.

– “Anh và cả gia đình đều có mặt ở đó vì tôi đã cầu nguyện thật lâu cho tất cả mọi người!”

Vì câu trả lời bất ngờ này, cha tôi chưa nói gì được thêm, mẹ tôi mỉm cười đầy thương mến với chú trong khi chú vẫn tiếp tục xoa hai tay thật mạnh.

Nếu xét lại việc vừa làm thì có lẽ chú như một ông quan cao cấp phải tức giận lắm.Thay vì đem đức tin đến cho chúng tôi thì chú lại đem ba bốn tiếng sét tới để đập tan căn nhà chúng tôi đang trú ngụ. Khi nghe tiếng ngáy yên bình của chú xuyên qua tường, tôi tự an ủi với ý nghĩ là, Chúa, người mà chú tôn thờ không đối với chú quá tàn nhẫn, ít nhất cũng là trong đêm nay. Tôi cũng sẽ làm như vậy…

Buổi săn sáng hôm sau chẳng có gì cả vì các thợ săn lên đường không có chúng tôi. Chúng tôi thức dậy vào giữa trưa, ăn một chén súp tỏi và trải qua một buổi chiều thật bình lặng trước lò sưởi. Em Paul, không mệt mỏi vì không thức suốt đêm như chúng tôi, đang thưởng thức những hột dẻ ngào đường còn lại, chế nhạo chúng tôi là yếu xìu.

Vào đêm thứ nhì, mọi việc lại như cũ và những chuyến đi săn mùa đông bắt đầu.

Tám ngày lễ Giáng sinh trôi qua như mơ, tuy thế làm sao sánh được với kỳ nghỉ hè, chúng tôi như đang ở trong một vùng đất khác.

Vào sáu giờ trời vẫn tối. Tôi ra khỏi giường, run rẩy vì lạnh và đi xuống nhà để nhóm củi lửa.

Đoạn tôi lo pha cà phê mà tôi đã xay sẵn từ tối hôm qua để mẹ không bị thức giấc. Trong khi đó, cha tôi cạo râu, chẳng bao lâu là tiếng xe kẽo kẹt của chú Jules, đến đúng giờ như một xe lửa ngoại ô. Mũi chú đỏ như trái dâu tây, râu của chú còn vướng những mảnh nước đá, chú chà hai tay thật mạnh một cách thật hài lòng.

Chúng tôi ăn sáng trước lò sưởi và nói chuyện thật nhỏ. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng  bước chân của Lili trên con đường đóng băng.

Khi hắn vào nhà, tôi rót cho hắn một ly cà phê sữa lớn, thoạt tiên hắn từ chối và nói là hắn đã uống rồi nhưng điều này chắc chắn là không đúng. Sau cùng cả bốn chúng tôi lên đường khi trời chưa hừng sáng.

Trên bầu trời như nhung tím thẫm, vô số các vì sao lấp lánh. Đây không phải là những vì sao nhẹ nhàng của mùa hè, chúng lấp lánh thật mạnh, thật trong sáng và lạnh lẽo giống như đá pha lê trong đêm băng giá. Phía trên Tête-Rouge mà trong bóng đêm người ta chỉ có thể đoán để biết, một hành tinh treo lơ lửng thật gần như một ngọn đèn lồng, khiến người ta tưởng như có thể trông thấy cả một gian phòng rộng lớn ở phía sau. Không một tiếng động, không một tiếng kêu trong khoảng không im lặng giá buốt ngoài những tiếng bước của chúng tôi trên đá cứng.

Các con chim trĩ trở nên ngờ vực, tiếng vọng rõ hơn từ trước đến nay đã báo cho chúng biết là chúng tôi đang tiến tới gần. Tuy vậy các thợ săn cũng bắn được bốn con thỏ rừng, một ít chim Schnepfe và một lô thỏ. Các bẫy của chúng tôi cũng đem lại thường xuyên nào Drossel lẫn Sơn ca khiến chúng tôi chẳng còn ngạc nhiên về sự thành công này nữa.

 

 

            Hình 2/ Diều hâu (Sperber)

 

Tôi vui thích và cũng không kém phần hãnh diện khi giết được một con diều hâu mà cha tôi đã đem hắn từ trên mây xuống tại vực Lanzelot. Lớn như một cây dù nhìn ngang, nằm ngửa giơ móng lên trời, con chim nhìn tôi tiến gần. Cặp mắt vàng của hắn như nảy lửa căm hận. Tôi tưởng chừng con diều hâu này muốn móc mắt tôi nên tôi điên lên và dùng đá để đập nó chết.

Khi trời tối, chúng tôi trở về, trước ngọn lửa thơm mùi nhựa thông, chúng tôi nằm xấp, giết thì giờ bằng các trò chơi, cờ Dame, Domino trong khi cha tôi thổi sáo. Đôi khi cả gia đình cùng chơi đánh số Lotto.

Bắt đầu lúc sáu giờ rưỡi, xiên chim Drossel được đem nướng; lớp mỡ nâu của các con chim nóng hổi thật tuyệt vời khi ăn với miếng bánh mì miền quê đậm đà.

Những ngày dài tuyệt diệu mà mỗi sáng tôi đều tưởng như vô tận đã trở nên ngắn ngủi khi giờ giã biệt đến nơi!

Vào đêm cuối cùng khi chúng tôi đang buộc hành lý, mẹ thấy tôi quá buồn bã nên bà nói:

– “Joseph, mỗi thứ bảy chúng ta nên lên đây.”

– “Khi có xe điện thì may ra có thể. Hiện tại thì…..”

– “Khi có xe điện thì mấy đứa nhỏ đã có râu. Anh nhìn xem, chưa bao giờ thấy chúng khoẻ mạnh như vậy. Em cũng chưa bao giờ ăn được nhiều và ngon miệng như thế.”

– “Anh thấy chứ”, cha tôi nói một cách tư lự. “Nhưng mà chuyến đi mất cả bốn tiếng đồng hồ. Ngày thứ bảy chúng ta tới đây lúc tám giờ tối và chiều chủ nhật đã phải về lại.”

– “Tại sao không về vào sáng sớm thứ hai?”

– “Vì anh phải có mặt ở trường đúng tám giờ sáng để trực như em đã biết đấy.”

– “Em có một ý hay!” Mẹ tôi nói.

– “Ý gì vậy?”

– “Rồi anh sẽ biết!”

Cha tôi ngạc nhiên. Ông suy nghĩ một lát rồi nói:

– “Anh biết em nghĩ gì rồi.”

– “Không đâu”, mẹ tôi nói. “Anh không biết đâu nhưng đừng hỏi nữa, đây là bí mật của em và anh sẽ rõ khi dự định của em thành công.”

“Đồng ý”, cha tôi nói. “Để chờ xem.”

Dự định của mẹ tôi thật hay.

Mẹ thường gặp vợ ông hiệu trưởng ở chợ, một phụ nữ đẹp và cao, đeo sợi giây chuyền vàng có thánh giá và một cái đồng hồ ở nơi thắt lưng xếp nếp bằng lụa.

Mẹ tôi, thấp nhỏ và rụt rè, chào bà một cách kín đáo từ xa. Bởi vì con cái của mẹ nên mẹ có thể làm được mọi việc nên lời chào của mẹ mạnh dạn hơn, mẹ tìm cách càng ngày càng đến gần bà Hiệu trưởng hơn và cuối cùng, trong khi với tay lấy giỏ khoai tây mẹ làm như vô tình đụng vào tay bà.

Bà Hiệu trưởng là người tốt bụng, khuyên mẹ không nên mua những củ khoai héo và đã đông đá một nửa này, bà dẫn mẹ đến một hàng bán rau củ khác. Hai ngày sau họ cùng nhau đi chợ và trong tuần kế tiếp, bà Hiệu trưởng mời mẹ tới uống trà.

Joseph không biết gì về việc chinh phục này, ông quá ngạc nhiên khi đọc tờ chỉ thị do chính ông Hiệu trưởng ký tên gắn trên bảng đen. Ông xếp đầy quyền uy thình lình nhận ra và quyết định là từ bây giờ, cha tôi sẽ giữ nhiệm vụ trực vào sáng thứ năm, bù lại thầy dạy thể thao và thầy dạy hát sẽ lo trông coi học sinh vào sáng thứ hai, nhờ đó cha tôi chỉ phải có mặt lúc một giờ rưỡi mỗi ngày thứ hai tại trường.

Quý ông không thể nào hiểu được bí mật của quý bà nên cha tôi cũng chẳng bao giờ biết được lý do nếu thầy Arnaud, người quen biết nhiều với cô giúp việc của bà hiệu trưởng, không kể lại mọi điều cho cha tôi nghe.

Bây giờ lại có hai điều phải giải quyết: thứ nhất liệu ông có phải cám ơn ông hiệu trưởng không? Ông tuyên bố nơi bàn ăn là ông không làm điều này. Làm như vậy tức là đã công nhận, ông hiệu trưởng vì thiên vị để cho một nhà giáo được an nhàn hơn nên thay đổi thời khoá biểu của một trường công lập.

– “Tuy thế”, ông nói có vẻ ngượng ngập, “cũng phải tìm một cách khác.”

– “Cứ yên trí, em đã tính hết rồi”, mẹ tôi vừa cười vừa nói.

– “Em định thế nào?”

– “Em đã gởi tặng bà hiệu trưởng một bó hồng thật đẹp rồi.”

– “Nhưng mà, nhưng mà..”, ông nói một cách ngạc nhiên, “anh không biết nữa, như thế có vẻ thân thiết…và thái quá không. Trông bà rất có cảm tình nhưng không hiểu nhận món quà đó bà nghĩ sao….”

– “Bà vui khi nhận quà và nói, em thật là một người bạn quý!”

Ông trố mắt nhìn mẹ.

– “Em nói chuyện với bà hả?”

– “Dĩ nhiên rồi”, mẹ tôi cười và nói. “Bà cùng đi chợ với em mỗi ngày và gọi em là Augustine.”

Nghe thế, cha tôi nhấc kính xuống, chùi thật lâu bằng góc khăn bàn và lại đeo kính lên để nhìn mẹ chăm chú một cách như không hiểu gì cả. Đây trở thành vấn đề thứ hai của cha tôi. Bắt đầu từ vụ mấy củ khoai tây, mẹ tôi phải kể mọi chi tiết cho cha tôi nghe. Cuối cùng ông lặng thinh và lắc đầu nhiều lần rồi trước mặt toàn thể gia đình, ông bày tỏ sự ngưỡng mộ một cách phẫn nộ về việc làm của mẹ tôi: “Em thật đúng là một mưu sĩ đại tài!”

Kể từ lễ hội hoá trang vào ngày thứ ba, thứ bảy nào chúng tôi cũng đi về miền quê. Tháng ba, bụi bặm bám chặt vào những đôi giày bốt của chúng tôi. Tháng tư, lá xanh của cây cành hoặc các bụi rậm đã thấy vượt qua các bức tường, đôi khi còn giao lại với nhau ở đôi nơi như những vòng cung trên đầu mọi người. Con đường đẹp tuyệt vời nhưng thật xa.

Với hành lý thường lệ và nhiều lần nghỉ chân ngắn nơi bóng râm, cuộc hành trình của chúng tôi kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Cuối cùng đến nhà, chúng tôi đều mệt lả, nhất là mẹ tôi, đôi khi còn phải ẵm em gái ngủ trên tay nên dường như kiệt lực.

Vẻ xanh xao, đôi mắt quầng thâm vì mệt mỏi của mẹ khiến tôi từ bỏ những chuyến đi chơi vào ngày chủ nhật. Tôi than đau sóc hông hoặc nhức đầu khủng khiếp để vào giường sớm.

Khi tôi nằm trong căn phòng tối và nhắm mắt lại, ngọn đồi yêu dấu của tôi lại đến với tôi và tôi ngủ thiếp đi dưới gốc olive, trong mùi thơm xa vời của hoa Oải hương….

Vào một buổi sáng thứ bảy tháng tư khoảng năm giờ, phái đoàn chúng tôi tuy mệt mỏi nhưng sung sướng, rảo bước theo những bờ tường vàng ươm ánh mặt trời, cách chúng tôi chừng ba chục thước, một cách cửa hé mở. Một người đàn ông bước ra và sau đó khoá cửa lại.

 

 

                    Hình 3/ Dòng nước kênh đào

                (nguồn hình : phim Le Château de ma Mère)

Khi chúng tôi đi ngang qua, ông ta nhìn cha tôi và kêu lên: “Thầy Joseph!”

Ông ta mặc bộ đồng phục thẫm màu có nút đồng, đội mũ giống như nhân viên hoả xa. Ông có bộ ria mép đen, mỏng và cặp mắt nâu to, sáng lên vì vui thích.

Cha tôi cũng nhìn ông ta, cười rồi nói: 

– “Bouzigue! em làm gì ở đây?”

– “Em? Em làm việc ở đây thầy ạ. Em là người trông coi dòng nước và đó cũng là nhờ công thày, nếu em được phép nói. Trước kỳ thi ra trường, thày đã tốn công vì em nhiều lắm. Từ bảy năm nay, em là người trông coi dòng nước ở đây.

– “Nhân viên kiểm soát?” Cha tôi hỏi. “Em kiểm soát những gì?”

– “Dạ,” ông ta nói một cách chiến thắng. “Bây giờ đến lượt em giảng giải cho thầy! Em trông coi hệ thống kênh đào ở đây…!”

– “Bằng cái gì?” Paul hỏi.

– “Bằng cái chìa khoá treo ở thắt lưng”, Bouzigue nói và nháy mắt như không hiểu, “và với cuốn sổ đen nhỏ này. Tôi mở và đóng các cửa cống, xem có chỗ nào bị hư hại không. Nếu thấy có chỗ nứt ở bờ đê, có bùn đọng lại, những cây cầu bị hỏng, tôi phải làm bản phúc trình. Nếu thấy có con chó chết, tôi phải vớt nó đi. Nếu tôi bắt gặp ai xả rác hoặc tắm trong dòng nước, tôi sẽ viết báo cáo và thưa những người đó.”

– “À, ra thế!” Cha tôi nói, “em là nhân viên của chính phủ!”

Bouzigue lại nháy mắt và cười một cách hài lòng.

– “Ngoài ra”, cha tôi nói, “công việc có mệt lắm không?”

– “Ồ không”, Bouzigue nói. “Ở tù còn tệ hơn!”

Với giọng than vãn như muốn khóc, ông ta nói tiếp:

– “Nhưng như em thì làm sao họ lại bắt em phải làm công việc của tù nhân, những công việc nặng nhọc được! Em chưa bao giờ làm việc gì sai trái ngoài những lỗi chính tả! Còn thầy, như em thấy thì gia đình thầy có thêm người. Cô không cao hơn nhưng vẫn duyên dáng như xưa.”

Đoạn ông ta để tay lên đầu tôi và hỏi:

– “Gia đình ta đi đâu mà mang xách nặng như vậy?”

– “Học trò trung thành ơi”, cha tôi nói một cách hãnh diện. “Gia đình thầy đi về nhà ở miền quê để ở lại ngày chủ nhật tại đó.”

– “Ồ!” Bouzigue có vẻ thích thú, “Thầy trúng số sao?”

– “Chưa đâu. Thầy bây giờ dậy lớp bốn vì vậy lương bổng cũng khá hơn.”

– “Tốt quá, em thật tình mừng cho thầy!” Bouzigue nói.“Thầy đưa cho em đỡ ít gói xách, em tháp tùng thầy!”

Ông ta xách bớt cho tôi túi xách trong đó có ba kí xà bông và cầm dùm cặp táp chứa đầy đường và mì nui của Paul.

– “Em thật tử tế”, cha tôi nói, “nhưng em đâu biết là chúng tôi còn phải đi bao xa.”

– “Em đánh cá là thầy muốn tới Accates!”

– “Xa hơn!”

– “Chắc tới Camoins?”

– “Xa hơn nữa!”

Bouzigue trố mắt.

– “Thầy không nói là thầy sẽ đến La Treille?”

– “Đúng, chúng tôi phải xuyên qua làng rồi lại đi tiếp nữa.”

– “Nhưng sau La Treille đâu còn gì nữa!”

– “Còn”, cha tôi nói. “Còn có Les Bellons!”

– “Trời đất ơi!” Bouzigue nói một cách hoảng sợ. “Nơi đó kênh đào đâu chảy tới và chắc chắn là sẽ không bao giờ tới. Làm sao mà thầy có nước để dùng?”

– “Nước trong bồn chứa và trong giếng.”

Bouzigue đẩy cái mũ xuống gáy để gãi đầu cho dễ và nhìn bốn chúng tôi, lần lượt từng người.

– “Mọi người đi xe điện đến tận đâu?”

– “Tới La Barasse.”

– “Ồ, tội nghiệp quá!”

Ông ta tính thật nhanh.

– “Ít nhất là phải đi bộ tám cây số!”

– “Chín!” Mẹ tôi nói.

– “Mọi người thường đi như vậy?”

– “Hầu như thứ bảy nào cũng thế.”

– “Thật là tội!” Ông ta nhắc lại.

– “Hơi xa một chút”, cha tôi nói. ” Nhưng khi đã đến nơi thì không ai ân hận vì đã phải mệt nhọc.”

– “Em”, Bouzigue nói một cách nghiêm trọng, “lúc nào em cũng ân hận khi phải quá cực nhọc. Nhưng em có một sáng kiến! Hôm nay thầy không phải đi bộ chín cây số nữa. Thầy đi với em dọc theo kênh đào, đi đường thẳng, ngang qua nhà đất tư của các sở hữu chủ và chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ là đến La Treille.”

Ông ta rút nhanh chiếc chìa khoá, dẫn chúng tôi tới cửa mà ông ta vừa mới khoá để mở ra.

“Thầy theo em!” Ông ta nói.

Ông ta bước qua cửa nhưng đến ngạch cửa, cha tôi lưỡng lự.

– “Bouzigue, em có chắc là em được phép không?”

– “Thầy nói như vậy là gì?”

– “Cấp trên của em đã tín nhiệm để trao chiếc chiều khoá cho em nên em có quyền đi trên đất đai của người khác. Bởi thế, em có nghĩ là chúng tôi có được phép đi theo em không?”

– “Đâu có ai biết chuyện này?”

– “Em thấy không!” cha tôi nói, “em mong là đừng ai biết, như vậy, em đã công nhận là em làm một việc không đúng.”

– “Nhưng chúng ta đâu làm chuyện gì xấu xa đâu?” Bouzigue nói, “em gặp được thày giáo cũ và em hãnh diện chỉ cho thầy xem nơi em làm việc.”

– “Nếu cấp trên biết được thì em sẽ gặp nhiều khó khăn…”

Bouzigue nháy mắt hai ba lần một cách bí mật, đoạn nhún vai hai lần rồi vừa lắc đầu vừa cười như chế nhạo. Cuối cùng ông ta nói:

“Từ nãy giờ đã nói hết rồi, bây giờ em phải thú thật với thầy là nếu có chuyện gì xảy ra, em có bổn phận phải giải quyết ổn thoả, chị của em lập gia đình với ông cố vấn tối cao và là cánh tay trái của ông ta.”

Thoạt tiên tôi không hiểu được câu nói này nhưng rồi chợt trong óc tôi hiện ra hình ảnh của người chị thuận tay trái đang khoác tay ông cố vấn trong bộ đồng phục, từ trong toà thị chính bước ra. Ông ta giúp chị những lời khuyên chính đáng.

Thấy cha tôi vẫn còn lưỡng lự, Bouzigue nói thêm:

“Ngoài ra chị cũng là người đã giúp Bistagne được chức Giám đốc kênh đào thứ nhì nên nếu hắn để em phải gặp khó khăn, dù chỉ một khó khăn thật nhỏ thì chị cũng sẽ cho hắn ta chết trên gối.”

Tôi cảm thấy ngưỡng mộ người phụ nữ can đảm này đã có khả năng để loại trừ kẻ thù của em trai mình mà không làm cho họ bị thương tích. Cha tôi chắc cũng đồng cảm với tôi nên chúng tôi theo Bouziigue để đi trên đất đai của người khác.

 

 

Hình 4/ Theo Bouzigue đi đường tắt

(nguồn hình : phim Le Château de ma mère) 

Dòng nước chảy lên cao giữa hai bờ đê với hàng rào toàn Hương thảo, Goldregen và Clematis.

Bouzige giải thích là những bụi cây này rất hữu ích vì chúng giữ cho bờ đê không bị lở nên các chủ đất không được phép đụng vào.

Lòng kênh được tráng xi măng không rộng hơn ba thước. Nước trong phản chiếu những đám mây trắng của bầu trời tháng tư.

Chúng tôi, kẻ trước người sau bước theo con đường mòn nằm giữa bờ kênh và hàng rào cây.

– “Đây là kênh đào của em!” Bouzigue nói. “Thầy thấy sao?”

– “Thật là đẹp!” cha tôi nói.

– “Trông đẹp nhưng đã có dấu hiệu già nua. Em nhìn bờ xem, từ trên xuống dưới đều có   đường nứt. Do đó mà nước sẽ thất thoát đi, nhiều nơi lại lỗ chổ như cái xàng.”

Những chữ này gây ấn tượng mạnh cho Paul nên hắn ta cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Khi chúng tôi tới một cây cầu, Bouzigue cắt nghĩa một cách hãnh diện.

– “Từ năm ngoái, chỗ này đã được sửa mới lại. Em cho làm lại và dùng cả xi măng chịu nước.”

Cha tôi quan sát bức tường dốc của bờ kênh trông còn mới.

– “Vậy mà vẫn có khe nứt”, ông quả quyết.

Bouzigue cúi xuống trên mặt nước và bỗng nhiên hốt hoảng.

– “Đâu?”

Cha tôi chỉ cho ông ta một vết xám rất nhỏ, từ đó, ông dùng đầu kim để móc ra vài hột, ông chà nát những hột này giữa hai ngón tay và quan sát một lúc.

– “Đây không phải là xi măng chịu nước”, ông nói. “Ngoài ra còn trộn quá nhiều cát”

Bouzigue hoảng sợ trố mắt.

– “Cái gì ? thầy có chắc không?”

– “Chắc chứ, thầy biết khá rõ về các vật liệu mà. Cha của thầy làm việc trong nghành xây cất.”

– “Thật tình!” Bouzigue nói. “Em sẽ viết ngay báo cáo và sẽ thật mạnh tay với nhà thầu đã làm việc này!”

– “Nếu em không lo sửa ngay thì trong vòng bốn tháng, chỗ nứt này sẽ lớn bằng bốn ngón tay”

– “Trông như một cái xàng!” Paul kêu lên.

– “Em sẽ lo chuyện này”, Bouzigue nói.

Ông ta lấy hai mảnh, gói bằng tờ giấy của cuốn sổ và tiếp tục đi.Chúng tôi đi qua bốn khu đất tư rộng lớnKhu đầu tiên là một lâu đài với nhiều tháp cao có những luống hoa rộng bao quanh, nằm giữa đồi nho và vườn trái cây.“Đây là lâu đài của một nhà quý tộc, có lẽ ông ta bị bệnh hay sao mà chẳng bao giờ thấy ông ta cả.”Khi nhà quý tộc bắt gặp chúng ta tại đây, chắc chắn là ông sẽ bất bình”, cha tôi nói. “Tôi không ưa mấy người quý tộc.”

Bài vở trong trường tiểu học đã để lại dấu vết khó tan được nơi ông. Tuy thế nhờ sự thông thái, ông cũng tìm thấy một số quý tộc đáng được trọng vọng: Du Guesclin, Bayard, La Tour d’Auvergne, Chevalier d’Assas và nhất là Heinrich IV, bởi vì ông ta đã bò ra làm ngựa phi để làm cho cháu ông được vui. Nói chung thì ông cho là giới quý tộc dã man và vô liêm sỉ và họ bị chặt đầu là bằng chứng cụ thể. Thảm hoạ không tạo được niềm tin và  nạn nhân sẽ ghê tởm những tên sát hại vô số dân lành.

– “Ông ta là bá tước”, Bouzigue nói. “Dân ở đây không nói gì xấu về ông.”

– “Có thể vì họ không biết rõ ông ta”, cha tôi nói. “Chắc chắn là ông ta cũng phải có vài gián điệp trong thời gian làm việc.”

– “Ông có một người quản gia và một người gác cửa. Ông quản gia già tử tế lắm và người gác cửa cũng chẳng còn trẻ gì, hắn ta như người khổng lồ, tôi gặp hắn đôi lần nhưng hắn chưa bao giờ trò chuyện với tôi ngoài câu chào là hết.”

Không bị cản trở, chúng tôi tiến đến song cửa thứ hai. Dòng nước chảy xuyên qua đây dưới một vòm cong của bức tường thấp, mấy dây leo treo lủng lẳng chấm tới mặt nước. Bouzigue mở khoá và chúng tôi đi vào một khoảng rừng rậm.“Đây là lâu đài của công chúa ngủ trong rừng. Các cánh cửa sổ đều khép kín và chẳng bao giờ thấy ai ở đây. Mọi người có thể ca hát, la hét mà không sao cả.”Một khu rừng đầy cả cây dâu tằm và Pistazie mọc dại trên những cánh đồng bỏ hoang.Những cây thông cả trăm năm che kín một toà nhà vuông vắn. Có vẻ khó mà vào nhà được vì những bụi Ginster đầy gai cùng các bụi rậm dầy đặc bao dài đến tận phía trên rừng. Paul hoang mang với ý tưởng là nàng công chúa đang ngủ say sau các cửa sổ đóng kín và nhờ Bouzigue, chúng tôi là những người duy nhất biết được điều này.

Rồi lại một hàng rào và một cánh cửa nữa, chúng tôi bước vào công viên của lâu đài thứ ba.

“Chỗ này thuộc ông chưởng khế”, Bouzigue nói, “như mọi người thấy, cửa đều đóng kín trừ khi tháng tám đến. Chỉ có một gia đình nông dân sống ở đây. Đôi khi tôi gặp ông già chăm lo mấy cây mận. Ông ta điếc đặc nhưng tử tế. Ông ta luôn kể lại chuyện chiến tranh vào năm bảy chục và muốn lấy lại cho được vùng Elsaß-Lothringen.”

– “Ông ta là công dân Pháp tốt”, cha tôi nói.

– “Đương nhiên”, , “chỉ tiếc là ông ta bị thọt chân!”

Chúng tôi không gặp ai cả và chỉ thấy từ xa, một nông dân đang gieo hạt giống cà chua trên luống đất.

 

                 Hình 5/  Lâu đài kinh khiếp Buzine

                   (nguồn hình : phim Le Château de ma mère)

 

Rồi Bouzigue mở thêm một cửa nữa, một lâu đài được bao xung quanh bởi những bức tường gạch, phía trên cao gắn các mảnh chai làm người ta hiểu ngay sự rộng rãi ra sao của chủ nhân.

“Lâu đài này”,  Bouzigue nói, “là toà lâu đài lớn nhất và đẹp nhất nhưng chủ nhân lại sống ở Paris. Chẳng thấy ai ngoài người trông coi công viên. Mọi người hãy nhìn đi!”

Qua bờ dậu, người ta nhìn thấy hai cái tháp cao, từ mặt ngoài, người ta có thể nhận ra

là toà lâu đài này phải có mười tầng. Tất cả các cửa sổ đều đóng kín, trừ những cửa sổ của các phòng ở sát mái.

– “Người gác lâu đài ở trên đó, từ đó hắn có thể trông chừng những kẻ muốn trộm trái cây.”

– “Ngay lúc này, hắn ta có thể đang quan sát chúng ta”, cha tôi nói.

– “Không đâu, hắn đang trông chừng vườn trái cây ở phía bên kia.”

– “Hắn ta là bạn của em hả?”

– “Không đâu, hắn ta là cựu quân nhân.”

– ” Như vậy thì cũng không dễ tính đâu.”

– “Hắn ta cũng giống như những người khác, lúc nào cũng say khướt. Ngoài ra một chân của hắn bị cứng nhắc. Khi mọi người gặp hắn dù đó là điều khó xảy ra, quý vị nên ba chân, bốn cẳng chạy, hắn không thể đuổi kịp, kể cả con chó của hắn.”

– “Hắn có con chó?” mẹ tội sợ hãi hỏi.

– “Dạ, một con chó khổng lồ”, Bouzigue nói. “Nhưng nó hai mươi tuổi rồi, chỉ còn có một mắt và gần như chẳng muốn động đậy gì nữa. Chủ nhân của nó phải xích lại bằng xích sắt và phải kéo nó theo. Cô đừng sợ, nhưng để cô yên tâm, em đi thám thính xem sao. Mọi người ở yên nơi bụi rậm!”

Trong hàng dậu bao che, có một chỗ hổng. Bouzigue bước qua chỗ hổng đó và đứng ở giữa khoảng đường nguy hiểm, tay thọc trong túi, mũ kéo về phía gáy, nhìn về hướng lâu đài rồi về hướng vườn trái cây.

Chúng tôi nép sát vào nhau như những con cừu, ngồi xổm dưới tàn cây dâu tằm nơi trú ẩn. Mẹ tôi tái mặt, thở nhanh hơn; Paul ngừng gặm cục đường mà hắn lấy trộm trong gói. Cha tôi căng thẳng, nhìn qua các cành cây.

Cuối cùng, Bouzigue trở lại:

“Đường đi an toàn, mọi người đi nhanh lên nhưng nhớ khòm xuống!” Ông ta nói thêm.

Cha tôi đi trước, cúi người xuống đến nỗi gói đồ kéo lê trên mặt đất; em Paul còng lưng như ông cụ trăm tuổi trong làng và mất dạng trong đám cỏ cao. Tôi ôm gói mì nui trước ngực và bò sát bụng. Cuối cùng là mẹ tôi vì không quen với trò thể dục này nên cúi đầu, so vai một cách vụng về như một người mộng du đi trên mái nhà. Trông mẹ gầy gò và mỏng manh dù mẹ mặc váy và áo ngực cót sét.

Chúng tôi phải thực hiện chiến thuật này hai lần mới đến được bức tường tiếp nối. Bouzigue mở cửa và thình lình chúng tôi đã đứng trước quán cà phê Quatre Saisons.

Quả là một sự ngạc nhiên kỳ thú!

“Không tưởng được!” Mẹ tôi nói một cách vui thích.

“Quả thật là thế đó”, Bouzigue nói. Chúng ta đã tránh được biết bao nhiêu đường vòng!”

(Còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển sang tiếng Việt từ:

Bản dịch bằng tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguyên tác: Le Château de ma Mère của Marcel Pagnol

Hình : nguồn Net &  phim Le Château de ma Mère

Có 3 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI Phần VII

  1. Hoành Châu nói:

    Đoạn này hấp dẫn làm sao  từ nội dung lẫn hình thức . Văn  dịch thật mượt mà , tự nhiên , dễ cảm ,,, ! Nhờ gặp được duyên may,  cả gia đình  cậu bé đi bằng lối tắt mà không ai biết từ trước đến giờ  ! Nhân vật Bouzigue  cũng mang lại cho người đọc nhiều điều kỳ thú   ở đoạn cuối ,,Kiến thức là của chung , không của riêng ai ,,tất cả đều học hỏi lẫn nhau nếu muốn được tiến bộ . Càng đi sâu  vào tác phẩm  ta càng thấy thú vị thế nào .!Cảm ơn cô đã dày công  chuyển ngữ  từ bản dịch tiếng Đức ..Chúc cô  luôn được dồi dào sức khỏe ạ . Con kính  chúc  Bà luôn được vạn an  Kính
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Mẹ của Marcel và chị của em học trò cũng ” chạy” , cũng ” lách luật” dữ hén cô?

    Chương này hé lộ ra một số toà lâu đai trong rừng, chẳng biết có liên quan gì đến toà lâu đài của mẹ tôi như tựa tác phẩm không cô nhỉ?

  3. Cùng hai đọc giả trung thành,

    Trong phần VII này các em đã thấy thấp thoáng bóng dáng của toà lâu đài của mẹ tôi rồi đó. Người dịch không thể tiết lộ là toà lâu đài nào trong số các lâu đài mà gia đình tác giả đã thấy khi theo Bouzige đi dọc kênh đào. Mục đích là để hai em và quý vị đọc giả sau khi theo dõi những đoạn kế tiếp sẽ tự nhận ra, khi tình tiết của cuốn truyện được Marcel Pagnol đưa đến đỉnh cao nhất (climax).

    Chúc hai em vẫn thích thú để đọc cho đến hết dòng cuối của cuốn truyện.

     

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác