Những ngày cuối tháng 4

Ngày đăng: 28/04/2018 06:03:07 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Chiều hăm tám tháng tư bảy lăm tôi chạy về Cầu Mới thăm nhà. Cầu Mới rất bình yên, cây cầu cũng không bị giựt sập vào tháng tư như một bài viết trên trang này cách đây mấy năm.
Má tôi đi ngủ sớm, khoảng tám giờ như thường lệ, vì ba giờ khuya má tôi đã thức dậy rồi. Đêm đó tôi trằn trọc khó ngủ, và khi thức dậy, má tôi đã ra chợ bán rồi, tôi không nói được với má tôi, những điều muốn nói.

Sáng hăm chín tôi chạy về Cần Thơ, ghé nhà người bạn, cô đang ngồi may cờ giải phóng trong phòng riêng của cô. Khi tôi bước vô phòng cô có vẻ bối rối, tôi trấn an cô:

– Tự nhiên đi! Anh biết hết rồi.

– Sao anh biết?

– Bà nội nói.

– Bà nội tin anh dữ vậy.

– Cháu rể mà.

(Khoảng thời gian sau cô nhắc chuyện đám cưới. Tôi nói với cô, duyên tình chúng mình khó kết hợp từ lâu rồi, ba em làm chủ tịch xã, ba anh là phó xã trưởng an ninh của chế độ trước, làm sao kết thông gia được)

Khoảng sáu giờ chiều, tôi vô phi trường 31, đi ra phi đạo, gặp mấy anh phi công đang đi đến một chiếc trực thăng. Mấy anh rủ tôi đi uống bia miễn phí. Khách sạn Phan Trung mới khai trương, mấy anh quen ông quản lý khách sạn, mời mấy anh ra đãi bia. Tôi nghĩ mấy anh bay thử máy chiếc này, sẳn đi chơi luôn, mấy anh bay ra đậu ở sân banh Cần Thơ, nơi này mấy tháng sau là pháp trường .

Khoảng hơn tiếng sau chúng tôi trở về phi trường, và đó cũng là lần cuối cùng tôi được đi trên chiếc UH-1.

Tôi tiếp tục đi lòng vòng phi đạo, khoảng gần mười hai giờ khuya, đi ngang một chiếc Chinook, thấy lố nhố quá nhiều người có cả đàn bà và trẻ em. Tôi đưa máy bộ đàm Motorola lên, định gọi, phía sau có một bàn tay giử tay tôi lại và nói:

– Em đừng gọi, chút nữa em có đi thì lên đi.

– Anh đi không lọt đâu.

– Anh đi được, anh chỉ bay cao hơn ngọn cây, bay dọc theo lộ 20.

– Em không đi, chúc anh đi bình an.

Tôi đi xa chiếc Chinook, lòng vòng một hồi, về phòng ngủ, sáng thức sớm ra cổng. Tôi chỉ uống cà phê, chưa ăn sáng, sau đó tôi chạy xe lại tiệm Phước Hứa làm máy xe lại. Lúc trước, chạy ngang thấy tiệm sửa xe Phước Hứa, tôi ghé vào hỏi, có phải tiệm Phước Hứa là người Vĩnh Long không. Người sửa xe xác nhận đúng là người Vĩnh Long, tôi hẹn hôm nào mang xe đến làm máy. Tôi chưa hỏi rõ, tiệm sửa xe Phước Hứa liên hệ như thế nào với tiệm vàng Phước Hứa ở Vĩnh Long. Khoảng 10 giờ xe vừa được làm máy xong, tất cả mọi người đều ngừng tay, chạy lại chiếc radio để trong tiệm. Mọi người đều im lặng nghe chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh lặp lại, kêu gọi quân nhân các cấp buông súng đầu hàng.

Khi trả tiền sửa xe, chị chủ tiệm bớt tôi 500, chị nói, nếu có về Vĩnh Long, ghé nhà chị, nói dùm bên này bình yên.

Tôi chạy về phòng trọ, tất cả mọi phòng đều vắng tanh, chỉ còn lại một chị mếu máo, chồng chị đi công tác chưa về, chị không còn tiền về Sài Gòn. Tôi móc đưa chị một ngàn đồng, nói với chị ráng ở lại thêm một ngày, ngày mai hãy về, quốc lộ 4 còn lộn xộn lắm.

Tôi nghĩ, ở lại phòng trọ không tốt, tôi chạy lại nhà cô bạn. Nhà cô đã biết kế hoạch đánh Cần Thơ nên tất cả đã di tản về quê, chỉ còn mình cô ở lại. Đến nhà cô, việc đầu tiên cô làm là lấy hết giấy tờ lính của tôi đi chôn, chỉ chừa lại thẻ sinh viên và căn cước dân sự. Rồi cô hỏi đồ đạc của tôi để ở đâu. Tôi nói, ở phòng trọ một ít, trong phi trường nhiều hơn. Cô khuyên không nên trở lại phi trường. Tôi nói: “Ai mở được kho tàng của anh, trúng mánh. Không biết người Mỹ làm gì, tháng rồi phát cho anh một ngàn cuồn phim, mấy trăm hộp giấy Kodak. (Năm sau về Sài Gòn gặp người bạn, bạn nói: “Mầy từng là triệu phú, tại mầy không biết, bây giờ ở Kim Biên bán một hộp giấy Kodak giá bằng một lượng vàng)

Cô bạn ngăn, không cho tôi trở vào phi trường, rất đúng. Người bạn không quân đang ở gần tôi, lúc đó còn kẹt trong phi trường nói, giờ chót trong phi trường rất lộn xộn, thượng sĩ Ngọc quân cảnh dùng XM18 bắn rơi hai chiếc trực thăng vừa cất cánh.

Gần xế chiều cô bạn nói với tôi, từ sáng đến giờ cô chưa ăn gì, tôi mới nhớ, tôi cũng chẳng ăn gì gần suốt ngày. Cô nói, bây giờ ăn cơm cũng chẳng nổi, nấu cháo ăn với cá kho tiêu. Tôi ăn rất ngon, nhưng cô ăn uể oải, đáng lẽ cô vui, cớ sao cô lại buồn.

Cám ơn cô bạn này nhiều lắm, lúc bối rối nhất, may mà có cô.

Nguyễn Hoàng Hưng

Có 2 bình luận về Những ngày cuối tháng 4

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Mỗi năm đến ngày cuối tháng 4 là gợi nhớ đủ thứ chuyện , có ngươi vui,kẻ buồn,người cười  kẻ khóc. Mỗi người một hoàn cảnh một số phận và từ ấy nổi trôi . . .,nhưng em thấy anh Hoàng Hưng luôn may mắn trong mỗi hoàn cảnh ,đúng là người có số ‘đỏ” .

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài. Đúng là có người vui, có người buồn, có người hối hận. Tàn cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn, thật là một điều may rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác