Em gái điên trên phà Đình Khao

Ngày đăng: 16/04/2018 08:06:15 Sáng/ ý kiến phản hồi (16)

 Quách Đào là nhà thơ quen thuộc với trang nhà, hiện sống tại Thiên Cấm Sơn. Gần đây do “tu luyện” nên ít sáng tác. Vừa qua , anh về quê nhà Chợ lách, đi qua phà Đình Khao gặp em gái điên và bài thơ này ra đời. Đọc thơ họ Quách lần này để thấy bút lực của anh (LM)

 

 

EM GÁI ĐIÊN TRÊN PHÀ ĐÌNH KHAO

Tháng Tư nắng lửa

Trưa miệt vườn inh ỏi tiếng ve kêu

Dội vào mặt sông Cổ Chiêng

Dội vào tiếng hát em điên

Ồn náo.

 

Rách nát quần áo

Rách nát tay chân

Ngỡ đâu em rách nát cả linh hồn!

 

Tháng Tư điên

Sông đục ngầu nước bùn hút cát

Nhớp nháp mồ hôi

Bức bối dòng người

Tiếng em ca lanh lảnh nụ cười

Nghiệt ngộ!

 

Tôi về hôm ấy chiều quê

Con sông chảy mãi mụ mê kiếp người.

Thanh Minh tháng Tư 2018

Quách Đào

 

Có 16 bình luận về Em gái điên trên phà Đình Khao

  1. Hoành Châu nói:

    ,,,”,,ngỡ đâu em rách nát cả linh hồn,,,,,”  !!!? ,,Không hiểu em này điên thật không ,,,em ấy  chỉ đi ngang Phà Đình Khao thôi vì em ấy  còn phải  thăm các bạn ở nơi xa ,,,Hihi. Chúc tác giả không mất ấn tượng đẹp khi có dịp  qua Phà Đình Khao nhé !
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Hồng Kim nói:

    Thưa ông Sãi và tác giả Quách Đào. Hôm nay trong bài thơ này tôi được thấy từ Cổ Chiêng hơi lạ. Trước đến giờ tôi chỉ được biết sông Cổ Chiên mà thôi. Như vậy tác giả dùng Cổ Chiêng có g là có ý gì ạ?

  3. My Nguyen nói:

    Lâu lắm mới được đọc thơ của nhà thơ Quách Đào, bài thơ thật nhiều cảm xúc. Lời thơ ẩn chứa nỗi bức xúc, xót xa cho một mảnh đời nghiệt ngã. Dòng Cổ Chiên vốn dĩ thơ mộng, hiền hòa…hôm nay lại “đục ngầu nước bùn hút cát” hay “Con sông chảy mãi mụ mê kiếp người”. Thật đầy tâm trạng…

  4. NHA nói:

    Trong tinh thần tìm hiểu tôi xin đưa ra hai thuyết về chữ Cổ Chiên theo sách cũ như sau

    Thuyết thứ nhất:

    …..Đầu thế kỷ 17, dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam phân đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì Cochinchine được người Phương Tây dùng để chỉ Đàng Trong, còn Tonkinchỉ Đàng Ngoài. Cuối thế kỷ 17, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh khi vào thu phục vùng đồng bằng sông Cửu Long thì triều đình Đàng Trong đã gọi sông Koh Chin theo âm Hán-Việt là Cổ Chiên Giang (鼓栴江), và cửa sông Koh Chin là Cổ Chiên Môn (鼓栴门). Trên một số bản đồ cổ của Phương Tây in vào thế kỷ 18-19 còn đọc Koh Chin bằng những âm khác như Kho Cin, Cocin. Coghien…, hoặc như bản đồ do Stielers Handatlas xuất bản vào tháng 8-1891 tại Đức còn ghi cửa sông Koh Chin là Ko-kien.

    Thuyết thứ hai:[sửa | sửa mã nguồn]

    Về tên Cổ Chiên cũng có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ XVIII. Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánhphải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quýt, sợ hãi đã làm rơi cả trống và chiêng lệnh xuống sông (theo từ Hán – Việt, Cổ là cái trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nhân dân địa phương gọi sông Cổ Chiên (do đọc trại từ “Cổ Chinh” mà ra)[2]

    Trích:

    https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_C%E1%BB%95_Chi%C3%AAn

     

    Kèm một ảnh phà có chữ Cổ Chiên <không g>

    • Quách Đào nói:

      Xin chân thành cám ơn anh Nha. Mình thích thuyết thứ hai hơn. Có nhiều câu chuyện dân gian kể về sông Cổ. Trong đó thơ mộng và hoài niệm nhất được nhiều người nói  là cứ mỗi trưa im ắng, mặt sông duềnh rộng, khách thương hồ hay dân ngụ cư cứ nghe văng vẳng trên sông, tiếng chiêng trống âm u dội về.

      Thật sự, tiếng chiêng trống nầy tôi cũng từng được nghe. Khoảng những năm 90, tôi về khai lập cồn Phú Bình, dựng láng trại tạm trên đầu cồn Phú Đa. Mặt sông Cổ đoạn nầy, từ bờ Phú Phụng của Bến Tre qua Mỹ An của Vĩnh Long, thật sự là “ mờ mờ nhân ảnh “.

      Hàng ngày cứ hai lần, sáng sớm và giữa trưa, từ bờ Mỹ An, cứ vang lên tiếng chiêng trống dập dồn. Tôi xác quyết là có một ngôi đình nào đó của người Mỹ An đến lúc đó, những năm 90, vẫn còn giữ lệ cúng vong hồn chiến sĩ trận vong.

      Lệ cúng diễn ra hàng ngày, không phải lâu lâu mới có một lần.

      Mình đang ở  giữa sông, tiếng chiêng trống cứ nghe âm u rùng rợn. Trong lòng định một lần qua sông tìm hiểu mà rồi không làm được.

      Chắc bây giờ, đình đó, người gióng chiêng đó đã không còn nữa.

      Một lần nữa, xin cám ơn anh đã đọc bài thơ.

      • NHA nói:

        -Thật tình khi gặp CỔ CHIÊNG thì mình cũng ngạc nhiên cứ ngỡ là …lỗi sơ ý khi viết. Hỏi LM… và từ đó mới tò mò đi tìm hiểu chứ từ xưa mình chỉ gặp CỔ CHIÊN mà thôi.

        -Anh cứ đọc tới / lui đoạn sau đây:

        Tháng Tư điên

        Sông đục ngầu nước bùn hút cát

        Nhớp nháp mồ hôi

        Bức bối dòng người

        Tiếng em ca lanh lảnh nụ cười

        Nghiệt ngộ!

         

  5. Hoàng Hưng nói:

    Vào tháng tư nào đó, tôi quên rùi, tôi cũng bị điên một thời gian, nhưng chỉ điên ít ít, chỉ uống đế thôi,  Nếu Quách tiên sinh thấy, không biết có viết mấy câu thơ tặng tôi không.

  6. Phong Tâm nói:

    Đọc bài thơ trên của Quách Đào, tôi ngẩn người vì “khoái”, quên có động tác gì.

    Đưa tay ra, rút tay vào

    Nắm hai tay chặt. Quách Đào tỉnh bơ

    Vượt ngoài thơ, chính là thơ

    Nhốt hồn! Thưa, đến bao giờ hóa thân?

    Bài thơ rất hay QĐ ơi.

    Từ Cổ Chiêng, thời còn gởi thư qua (bưu điện) mỗi lần nhận thư của nhạc sĩ Bắc Sơn, có đề cập tới sông Cổ Chiên là anh ấy dứt khoát viết chữ Chiêng có g, mặc dù biết rõ “Chiên” phổ biến đã là thành ngữ. Nhiều từ địa danh nghe lạ, đôi khi vô nghĩa, nhưng mỗi người thích theo cái lý riêng của mình. Có thắc mắc càng rõ thêm cũng vui.

    • Quách Đào nói:

      Đại huynh làm tiểu đệ sướng tê lỗ mũi, giống ngày xưa đi học được thầy khen. Đọc đại huynh luôn, và bái phục,

      Mong đại huynh cứ mãi như bây giờ, khỏe và dồi dào thi hứng.

  7. NHA nói:

    Mới bắt gặp ý này, không rõ đúng sai, xin chia sẻ:

    Cổ Chiên là tên người Óoc Eo gọi con sông, tức là Cổ con Lịch (nhỏ hơn con Lương) vì nhánh sông bị teo 1 khúc như cổ của nó.<Link:https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1055168207852470&id=535761946459768&substory_index=0&gt;

  8. Thanh My nói:

    Nếu có MỘT ĐIỀU ƯỚC

    Thì ĐIỀU ĐÓ LÀ 

    Cho tiếng hát em điên

    Bên mặt sông Cổ Chiêng

    Trong Tháng Tư điên

    Sông đục ngầu

    Mồ hôi

    Bức bối

    Lanh lảnh nụ cười

    Nghiệt ngộ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác