Hạnh phúc của một nhà khoa học (Phần 2)

Ngày đăng: 8/02/2018 12:07:40 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Hạnh Phúc đối với Huỳnh Văn Thanh

Huỳnh Văn Thanh học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban sử, ĐH Văn Khoa SG cũng ban sử. Trong giới dịch giả, nhà nghiên cứu, biên khảo sách hiện nay ở Việt Nam, Thanh là một trong những nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất với hơn 100 đầu sách được ấn hành, trong đó có nhiều (quyển/bộ) tự điển, sách tham khảo, còn số bài viết cho báo, tạp chí thì không nhớ nỗi! Thanh có dùng bút danh Phong Thiên ở vài tác phẩm, chủ yếu anh dùng tên trực tiếp Huỳnh Văn Thanh, là một trong số ít dịch giả Việt Nam có sách được lưu trữ tại Thư viện Quốc Hội Mỹ (Library of Congress) và cũng không phải chỉ một quyển. Quyển đầu được thư viện nầy lưu trữ trong lần lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. HCM tìm đến nhờ anh dịch quyển Những Nguyên Tắc Tiếp Thị Thị Trường Hoa Kỳ sau khi chính phủ Hoa Kỳ bỏ cấm vận. Anh cũng là dịch giả, nhà biên soạn sách đa năng thuộc nhiều lãnh vực: Sách học làm người, sách và tự điển kinh tế, y học, sách và tự điển văn hóa, sách và tự điển Phật học, Phong Thủy, Đạo giáo, Địa Lý, Huyền Bí học… Bộ sách 2 quyển Nguyên Lý Tiếp Thị của anh có thể nói là bộ sách dịch đầu tiên ở Việt Nam nói về ngành tiếp thị một cách đầy đủ, có hệ thống, mang tính sư phạm, được sinh viên các ngành kinh tế thời đó quan tâm tìm đọc. Bộ sách khi phát hành tại Tp. HCM đã làm giới biên soạn sách lúc đó phải quan tâm, lái sách Hà Nội phải bay vào liên hệ với anh. Rồi quyển tự điển Anh-Việt Quản Trị Kinh Doanh có anh tham gia biên soạn nhằm 2 mục tiêu: dịch từ ngữ kinh tế Anh sang Việt và giúp người đọc có thể dịch các câu thuộc lãnh vực QTKD sang tiếng Anh, dù tiếng Anh chủ yếu anh tự học (tiếng Anh là sinh ngữ 2 của anh khi học cấp 3), bộ Bí Thuật Đạo Giáo với 8 quyển, quyển tự điển Phật Ngữ Anh Việt… Với số đầu sách đã được lưu hành trên thị trường nếu sống ở một nước khác Thanh phải là một triệu phú “đô”, nhưng ở nước ta người dân vẫn nói “nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo!” nên nguồn thu từ những công trình nầy, trước đây, chỉ tạm đủ chu toàn cuộc sống cho gia đình với vợ (cũng là GV dạy môn sử!) và bốn con.

Với Thanh có vài giai thoại vui. Bạn bè nói: “Mầy nghèo là phải. Mầy phải nuôi quá trời ‘người ăn theo’ mà!” do anh là người có số đầu sách “bị luộc”, sách bị in giả, bị in nhái rất nhiều! Anh chỉ sống tại Tp. HCM, chưa đi quá đèo Hải Vân nhưng có rất nhiều sách được in ở các tỉnh phía Bắc, ở Hà Nội. Gần đây nhất là giai thoại Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (con trai cố thủ tướng Lý Quang Diệu) không biết bằng cách nào lại có quyển Hồi Ký Lý Quang Diệu do anh dịchđể mang sang Hà Nội tặng thủ tướng nước ta. Năm 2016 anh bị một cú sốc lớn khi máy vi tính nhiễm virus mất toàn bộ dữ liệu lưu trữ trong máy, trong đó có những công trình gần hoàn thành sau nhiều năm nghiên cứu, biên soạn, nhiều tư liệu quý có thể nói anh đã mất cả đời thu thập và ghi lại. Mất mát nầy khiến anh suy sụp, đỗ bệnh. May mắn là lúc nầy các con anh đã lớn, đã có việc làm ổn định, có thu nhập khá cao nên các cháu hợp nhau tìm một căn nhà “khang trang, có khung cảnh thích hợp để tạo cảm hứng sáng tác lại cho ba!” Qua đoạn văn dưới đây thuộc ở trang cuối, phần mở đầu tác phẩm biên khảo sắp ấn hành của anh các bạn có thể biết tâm trạng hiện nay về hạnh phúc:

(In đoạn văn của HVT)

Qua kinh nghiệm bản thân anh có khuyên tôi nên mở thêm một địa chỉ email để ghi vào đó những tài liệu quan trọng, và tuyệt đối không giao tiếp với người khác qua địa chỉ nầy. “Làm như vậy tài liệu sẽ không bao giờ mất. Không lo virus, không lo thất lạc USB, không lo hư ổ cứng… Chỉ khi nào internet sập mới bị mất dữ liệu nhưng một khi Google đã phóng vệ tinh thứ nhì vào không gian thì lo sợ nầy hơi bị… xa!”

Ảnh 4. Dịch giả, nhà biên khảo Huỳnh Văn Thanh

Ảnh 5. Một số sách của tác giả Huỳnh Văn Thanh. (Chỉ một số sách trong ảnh là của anh, nếu sưu tập đầy đủ số sách sẽ nhiều hơn.)

HẾT

NGUYỄN HOÀNG LONG

Năm 2016 là cái năm hình như không ưa tôi lắm thì phải. Gần suốt cả năm ấy đầu óc tôi cứ như trống rỗng hoàn toàn. Công việc chẳng đi tới đâu cả. Vậy mà cũng cứ suy nghĩ, hết suy nghĩ rồi lại suy nghĩ. Chẳng biết để làm cái gì. Nhiều khi ngồi vào bàn làm việc rồi mà tôi không viết nỗi một đoạn hay dịch được một trang sách nào cho ra hồn. Thế rồi, đùng một cái, máy vi tính của tôi lại bị ransomeware. Nhìn mấy tác phẩm ấp ủ của mình trong suốt 6-7 năm trời nay đang ngơ ngát nhìn nhau cầu cứu mà thật não lòng. Tôi chỉ biết thẫn thờ rồi lại ngơ ngác. Thấy vậy, bà xã tôi cùng với mấy đứa con của tôi bèn quyết định dời nhà ra ngoại thành. Xem như một công cuộc dã ngoại thật lớn vậy mà.

Nhìn cảnh vật chung quanh đây không thể nào mà chẳng sinh tình cho được. Những cơn mưa ào ạt. Đường xá không có lấy một bóng người. Màn sương mờ đục lạnh lẽo lúc bình minh. Tiếng chim sáo, vạc, bồ câu nghe thật lẻ loi. Mấy đám dừa nước chen chúc nhau rung rẫy cạnh mép nước. Mấy chiếc xuồng đuôi tôm hăm hở lướt sóng giữa cơn mưa tầm tã. Bạn bè còn lại dăm ba người. Mất mát, thật là mất mát. Chuyện đời thật mịt mù. Câu “Nhân sinh ai oán” nghe đúng thật là như thế nào ấy. Rồi không biết sao nữa tôi lại đọc lại quyển Sādhāna. Rồi không biết sao nữa, có vẻ như tôi mơ hồ nghe thấy những cơn sóng ì ạch vỗ vào bờ rạch giống như những tiếng vỗ tay thật lớn, “Này anh kia. Cái anh đang đeo chiếc đồng hồ đếm ngược kia. Khà khà, anh có nghe thấy chúng tôi đang ồn ào và vội vã không? Có thấy chúng tôi đang hoan hỉ không?”. Ý nghĩ dịch lại quyển sách này chợt như tỉnh giấc.

Dưới mỗi bước chân là một dấu ấn, và dưới mỗi dấu ấn là một kỷ niệm. Sādhāna là dấu ấn củabước chân Tagore, bước chân của các thế hệ, bước chân của nhân loại. Thật lòng tôi không biết còn có bản Việt dịch nào khác và có đang lưu hành rộng rãi hay không, nên nay tôi chỉ mong được nối tiếp người trước để giới thiệu trở lại với bạn đọc thời nay tác phẩm này của Tagore như một kỷ niệm. Như một kỷ niệm. Một kỷ niệm dễ khiến cho người ta phải bâng khuâng. Tôi nhớ có một bản dịch thơ của Tagore sang Việt ngữ mang tựa đề “Tâm tình hiến dâng”. Vâng, có thể xem bản dịch này như một tâm tình của người dịch vậy.

Rất mong được các bạn đọc đón nhận.

HUỲNH VĂN THANH

Sài Gòn, Bình Chánh, 2017

Có 2 bình luận về Hạnh phúc của một nhà khoa học (Phần 2)

  1. Hoành Châu nói:

    Ngưỡng mộ người tài ba ,   một đời người , một rừng sách  ,,chúc mừng anh Huỳnh văn Thanh  có những quý tử biết tạo điều kiện cho thân phụ thực hiện được hoài bảo của mình lúc tuổi gần xế bóng , hôm nay học tập thêm kinh nghiệm nhằm bảo tồn  tư liệu quý báu  qua Mail  ,,Hihi Cảm ơn người viết Nguyễn Hoàng Long cho người đọc  học hỏi thêm kinh nghiệm quý  của anh Huỳnh văn Thanh  với cuộc đời  nhé . Chúc  Hoàng Long vui Tết cổ truyền của dân tộc .
    Hoành Châu~ Châu Lãng Uyển  (Gia đình C  )

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Chưa đâu Châu Lãng Uyển, bạn Huỳnh văn Thanh đang ở giai đoạn sáng tác hăng, sẽ còn cho ra đời nhiều tác phẩm hay. Mình có gửi kèm một đoạn văn của H.V.T. để đọc giả trang thưởng thức nhưng sao không thấy đăng, lại thấy ghi phần chú thích nơi in đoạn văn. Có lẽ cuối năm các bạn bận quá nên quên.

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác