BÁNH TỔ VÀ NGOẠI TÔI
Hình 1
Tết gần đến là Ngoại tôi luôn mua mấy cái bánh tổ màu vàng nho nhỏ với chữ Tàu đo đỏ bà đặt khiêm nhường bên cạnh bánh chưng to đẹp mà ba mẹ tôi chưng trên bàn thờ tổ tiên…
Hình 2
Bánh chưng được cả nhà dùng trong buổi tiệc đầu năm với củ hành muối chua kèm dĩa củ kiệu và tôm khô trong bầu không khí vui vẻ…Riêng những cái bánh tổ đáng thương kia vẫn nằm trơ trọi không ai để ý tới cũng giống như bà thôi.
Tết trôi qua nhanh mọi người bắt đầu lao vào cuộc sống mới…Ngoại tôi đem mấy cái bánh tổ khô cứng rửa sạch bỏ mấy chỗ cứng rồi bắt chảo lên chiên…Trời ơi! Thật là ngon mùi nếp và đường quyện vào nhau ăn đến đâu ngọt thơm đến đó…
Hình 3
Ngoại ơi! Bánh này là bánh gì? ở đâu ?
Ngoại nói với giọng lơ lớ: “Ở quê tao Tết là cúng bánh này! Đó là bánh Tổ tiếng Tàu gọi là NianGao có thể để lâu được…Vì làm từ nếp nên có chất dính! Ăn bánh vào mùa Xuân với những người thân chung gia đình sẽ luôn kết dính gắn bó với nhau trong cuộc sống nhất là ở nơi xứ lạ quê người…”Nhưng sao nét mặt bà buồn thiu…
Hồi đó tôi không hiểu gì cả chỉ biết mỗi mùa Xuân đến là tôi được ăn bánh tổ ngọt ngào này.
Tôi nghe bà cô kể lại về người chị dâu mình :
“Bà Ngoại tôi là người tướng tá cao ráo và xinh đẹp vì thế năm bà 16 tuổi, ông cố tôi về Quảng Đông thăm quê, bèn xin cưới bà cho con trai với sính lễ đủ nuôi gia đình bà mấy năm…
Bà theo cha chồng đến xứ Vĩnh Long mà không hề biết một tiếng Việt…Ông ngoại tôi còn biết chút chút tiếng địa phương dẫu là phát âm ngọng nghịu…
Nguồn gốc ông cố tôi là quân của Trần Đại Định (con của vị tướng nhà Minh Trần Thượng Xuyên, do không thần phục nhà Thanh chạy qua Việt Nam được chúa Nguyễn cho phép khẩn hoang lập nghiệp ở miền nam lục tỉnh…). Sau khi Trần Đại Định đánh thắng Cao Miên, được vua nước này nhường đất Mỹ Tho và Long Hồ tức Vĩnh Long cho chúa Nguyễn thì Ông bị gian thần hãm hại, trốn ra Huế kêu oan và chết vì bịnh…Do đó ông cố ông sơ tôi mới định cư ở xứ Vĩnh Long này…”
Sở dĩ tôi kể lể dài dòng vẩn vơ như thế vì theo tôi đó là một trong những lý do tại sao người Hoa có mặt tại miền Nam trên 300 năm mà vẫn sống hòa bình với người địa phương trong đó có cả bên ngoại tôi…không bị người Việt chán ghét như người Hoa bây giờ!!! Hình như tôi đọc đâu đó về nhận xét trong cuộc thảo luận người Trung hoa xấu xí trên báo…
Tôi lấy làm tâm đắc: Bản chất người Hoa không phải xấu đến vậy. Cái làm thay đổi người Hoa phải chăng do chính sách quốc gia?
Rõ ràng người Hoa ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore khác với người Hoa ở Trung Quốc. Chính sách nào tạo ra tư duy đó…”
Tôi lại càng nhớ cuộc sống tha phương của bên ngoại vô cùng khi nghĩ đến câu: Chính sách nào tạo ra tư duy đó… Nếu không thì tại sao người Hoa có thể tồn tại nơi đây, bấy nhiêu năm họ hòa mình với người Việt, sống chan hoà, dẫu có những khác biệt nguồn gốc cho đến 1975!!! Tôi không biết đối với những người Hoa khác thế nào chứ riêng gia đình ngoại và những người quen, đều chấp nhận cuộc sống vui vẻ…
Ngoại tôi luôn luôn nhường nhịn mọi người do không rành tiếng địa phương hơn nữa vì bản chất hiền lành bị bên chồng ăn hiếp bà chỉ im lặng khóc thầm…Khi má có tôi, bà lên Saigon để lo săn sóc cho cháu ngoại và từ đó bà không về Vĩnh Long…Vì thế Tết bà lại nhớ quê, nhớ gia đình…v..v…
Hình 4
Thỉnh thoảng Ngoại dắt tôi vô Quận 5, đi đến mấy chùa người Hoa khẩn vái… Có khi đi mua linh tinh ở Chợ lớn để được nói tiếng mẹ đẻ là trong lòng bà đã vui rồi…Cứ đến Tết Nguyên tiêu tôi được bà dẫn qua Cầu muối xem các diễn viên biểu diễn bằng tiếng Quảng Đông trong quần áo, xiêm y chiếu lấp lánh của những tuồng tích xa xưa với giọng ca cao vút…
Đoàn hát từ Hồng Kông qua với sự tài trợ của cộng đồng người Hoa xa xứ… Dù không hiểu nhiều nhưng tôi cũng say mê không kém.
…Nhìn Ngoại tôi lấy tay quẹt nước mắt, tôi hỏi: Sao Ngoại khóc vậy? Bà trả lời: Ngoại nhớ đến quê hương…nhưng có lẽ không bao giờ về được….
Ngoại ơi! Bộ đây không phải là quê hương bà sao? Vậy quê bà ở đâu?…Sao bà không về mà lại khóc???…
Bài viết : Diệu Hằng
Hình : nguồn Net
Ngày xưa tôi có hàng xóm người xứ Quảng, mỗi lần ở quê về hay cho nhà tôi loại bánh tổ này. Ăn rất ngon. Bây giờ thì hết dám ăn những món chiên đầy dầu mỡ, nhưng ngày xưa thì thích lắm.
Mỗi người đều có một món ăn nhắc nhớ tới những kỷ niệm trong đời. Món bánh tổ đã nhắc Ngoại của Diệu Hằng nhớ về quê hương xa vời vợi mà không bao giờ còn được trở về thăm, dù chỉ một lần. Phải chăng đó là tình tự quê hương, là sợi dây nối liền với nơi chôn nhau, cắt rốn…Một đoản văn thật cảm động mà những ai phải xa xứ đều có thể cảm thông được, nhất là trong dịp Tết….!