UỐNG RƯỢU NÓI LÝ

Ngày đăng: 22/12/2017 07:21:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Đây là câu chuyện tiếp theo của truyện “bán tự vi sư” của anh Hồ văn Ưng. Chuyện kể tới đoạn anh Tràng (thợ hồ) đang giảng giải về chuyện học hành ngày xưa trong các chùa cho các bạn giáo viên trong bàn nhậu nghe. Anh nói:

Hệ thống giáo dục ở các chùa lớn ngày xưa người ta đào tạo rất bài bản. Tiểu tăng mới vào chùa phải học qua lớp nghi thức tu hành, giới luật,… gọi là lớp bán tự, sau đó mới tới lớp đào tạo bài bản sâu hơn về Kinh, Luật, Luận,… gọi là lớp mãn tự

Phụ trách lớp “bán tự” thường là các thầy còn trẻ, nên tiểu tăng có chú chưa phục, gọi bằng huynh, không nghiêm chỉnh. Sau này để tạo dựng nề nếp, uy nghi ngay từ buổi đầu tu tập, có một Hoà thượng trụ trì khẳng định: dạy lớp bán tự cũng phải gọi bằng thầy. Đọc theo tiếng Hán Việt nó chính là chữ “bán tự vi sư” của ngày nay.
Sinh tán thưởng:
– Có lý. Thưởng một ly.
– Chưa hết, “ Nhất tự ” trong nhà Thiền còn là một pháp môn, là chữ “tâm”. Bởi Tổ Thiền Tông nước Đại Việt của chúng ta, Trúc Lâm đại đầu đà Trần Nhân Tông trong một bài kệ có nhắc hai câu:
Ngộ tự tâm thị pháp
Cố danh
nhất tự pháp môn
Nghĩa là  gặp được tâm của mình là pháp, gọi là pháp môn một chữ
Còn bên Trung Quốc cũng có giai thoại về Thiền sư Câu Chi. Một vị tăng hỏi ông :
– Thế nào là Phật ?
Thiền sư đưa lên một ngón tay.
– Thế nào là pháp ?
Thiền sư cũng đưa lên một ngón tay.
Ngón tay nói lên điều gì ? Nói ngắn gọn nó là Chân kinh nhất tự
Như vậy muốn dạy hay học được một chữ, ông thầy và học trò phải rất uyên thâm, muốn học nửa chữ, đệ tử  cũng phải khổ nhiều công tu tập. Câu  nhất tự vi sư, bán tự vi sư  có lẽ có nguồn gốc từ nhà chùa, áp dụng cho các nhà sư. Người sau thấy người trước nói chữ Nho, tưởng hay, máy móc rập khuôn, chìm cả tàu, nguy thay!.
Thầy toán thọc gậy, khích :
– Nghe hấp dẫn, có lý nhưng kết luận quá đáng, nhiều đụng chạm, ở đây đụng thằng Lương, nó hay nói chữ nhất tự vi sư, bán tự vi sư , sát nhất miêu cứu vạn thử.
Lương:
– Mầy là thợ hồ hay ẩn sĩ ? Đọc ở đâu sâu dữ vậy ?
– Thời niên thiếu tui là thầy chùa, học đến lớp mãn tự, nhưng càng đọc nhiều kinh càng có nhiều thắc mắc. Tại sao cùng xuất phát từ một ông Phật Thích Ca mà Phật giáo có quá nhiều môn phái, tư tưởng đôi khi trái ngược nhau. Không sao tin được chuyện Mục Kiều Liên cứu được mẹ phải nhờ các thầy chùa làm lễ Vu lan. Bà Thanh Đề nửa đời thành tâm tin Phật, chỉ có một giai đoạn nông nỗi, giận thầy chùa mà phải sa vào địa ngục, Phật cũng bó tay. Nếu bà không đi chùa thì làm sao sa địa ngục được? Chuyện này có thật hay không?
Cũng không tin nổi chuyện nhất tâm niệm Phật A Di Đà thì được Phật rước về cỏi Tịnh độ có đầy sen vàng thất bảo.… Thất bảo có khác gì cát bụi thông thường đâu? Suy cho cùng chúng cũng đều là sự kết hợp của các hạt sơ cấp gọi theo từ nhà Phật là vi trần. Phấn đấu một mình lên cỏi Tịnh độ thì cải thiện được cái gì cho chúng sanh, cho thế giới? Tịnh độ là tịnh thổ nghĩa đen chỉ là đất sạch mà thôi. Chỗ chứa đầy báu vật, ai cũng ham chắc gì là đất sạch.
Đem thắc mắc hỏi các bậc Đại đức cao thâm thì thường được câu trả lời cuối cùng là bất khả tư nghì. Nếu cứ tin vào bất khả tư nghì thì làm gì có Phật Thích Ca ? Ông ngày đêm trăn trở suy nghĩ, thực nghiệm rất nhiều phương pháp, đến độ hao gầy thân thể mới thấy được cứu cánh giác ngộ. Nhờ vậy mới có hệ thống Phật giáo đồ sộ như ngày nay. Ngôn ngữ có thể không diễn tả hết ý, nên có thể không Nghì (bàn) nhưng nghi ngờ, thắc mắc thì không thể bỏ qua qua được.
– Ôi ! mầy đúng là con sâu lớn trong nồi canh rau sạch của nhà chùa.
– Học xong trung học phổ thông tui được hoàn tục .Thi vào khoa sư phạm. Ở đây, thầy dạy đều là các bậc cao thâm, nói rất hay về xã hội công bình , xán lạn, ưu việt nhưng đến kỳ thi cuối khóa thì sinh viên phải góp tiền mua lễ vật, đáp đền “bán tự vi sư”. Nếu gọi tín đồ các tôn giáo, bọn đồng bóng là mê tín thì những thằng nhắm mắt học như tui đâu có khác gì.
Tui nản lắm, cúp cua triền miên, tha thẩn rong chơi. Gặp được ông thợ hồ, ông này có biệt tài tạc tượng rất sống động, lập dị nhưng khi hiểu nhau thì cởi mở, phóng khoáng. Ông ta vỗ đầu tao sau một buổi nhậu, ngồi dai :
– Theo qua học làm thợ hồ đi ! Bảo đảm thanh thản. Nếu chú mầy lỡ tay tô dư thì đục bỏ, thiếu thì đắp thêm, sai lầm nhỏ, chỉ những thằng thợ có lương tâm thì lòng nó mới ray rức hổ thẹn một chút thôi. Hay nhất là món tạc tượng, chú mầy muốn sáng tạo ma quỉ hay thánh thần tuỳ tâm ý. Bước đầu qua bao ăn ở, khi nào nhậu thì chú mầy giúp đỡ qua, chừng nào tự làm được sản phẩm, ta ăn chia, cho mầy ra nghề.
Tui có khiếu, nên theo thầy được ba tháng thì rủng rỉnh có tiền bỏ túi. Thầy trò thành bạn vong niên. Tự do thích thật nhưng ông thầy khuyên tui nên đi xứ khác lập  cơ sở mới, bởi ông không muốn có sự cạnh tranh giữa thầy và trò.
Bi kịch xãy ra khi tui tưởng mình đã bước chân lên đỉnh sự nghiệp. Có một lão quan đặt tạo tạc một bức tượng Phật Di Lặc lớn, ngồi trên đống vàng, tay cầm vàng, miệng cười toe toét, tặng vợ.
Tượng hoàn thành, thếp vàng óng ả. Ai cũng khen tinh xảo, rạng rỡ, người sở hữu tượng chắc chắn sẽ phát lộc, phát tài . Bà vợ đặt trang trọng trên sân thượng lầu ba thờ phụng. Tui phồng mũi ẵm bộn tiền.
Hôm an vị tượng, gia chủ tổ chức một buổi tiệc hoành tráng, đãi các tăng ni, thân hữu. Chay, mặn đều là mỹ vị.
Tui vênh vang nhậu một lúc, ngà ngà say, nhìn lại bức tượng, lúc mọi người đang trầm trồ khen, thấy sao nó hao hao có dáng dấp của một con quỉ. Tui lạnh gáy, dụi mắt, nhéo đùi, càng nhìn càng thấy giống.
Chạy vội về nhà, không ngủ được, thức suốt đêm tạc hình con quỉ. Hùng hục làm gần như liên tục suốt ba ngày thì hoàn thành, ngủ vùi một ngày, chờ tỉnh táo mới dám nhìn.
Trớ trêu ! Khi mở cửa nhà lại thấy nó có dáng của một ông La hán tật nguyền, đứng nhăn nhó trong gian phòng tối sáng mập mờ. Tui kinh hoảng, đóng cửa, sang đây mướn nhà ở với thầy Sinh.
Nói xong hắn ngửa cổ ực một hơi cạn ly rượu đế.
Chẳng ai hẹn, các thầy ngồi chung bàn đều xoay xoay ly rượu trong tay, lặng lẽ. Một lúc sau Lương lên tiếng :
– Cho chú mầy thêm chữ tử trước cái tên mới được! Tử Tràng.
– Ý gì ?
– Xưa ông Trang Tử viết thiên Đại tông sư trong bộ Nam hoa kinh có nhắc đến bốn nhân vật : Tử Tự, Tử Dư, Tử Lê và Tử Lai. Nay mầy xứng đáng là nhân vật thứ năm : Tử Tràng.
– Vẫn chưa hiểu, muốn nói xỏ điều gì ?
– Tử Tràng nói lái là tàng trử. Ôi ! trong đầu chú mày đang tàng trử những cái thứ vô cùng quái dị, giống như bốn nhân vật cổ quái của Trang Tử. Rồi đây chú mầy sẽ thao thức, thiếu rách dài dài.
Bốn ông cổ quái thiếu rách kia chỉ nói có mấy câu, đã khiến hậu nhân có không ít người đọc được, lạ lùng trăn trở. Nay tao cũng đang lạ lùng trăn trở về thằng bạn mới tinh như chú mầy đây.
Lương dốc ngược chai, trút hết rượu vào ly, ngửa cổ uống cạn. Đứng lên.
– Hết rượu ! Tui dìa .
               Hồ Văn Ưng

Có 2 bình luận về UỐNG RƯỢU NÓI LÝ

  1. Ngoc Diệp (NK75) nói:

    Đọc ” Nhất tự vi sư…” thấy vui, đọc truyện này còn vui hơn. Biết rằng tác giả đã hư cấu, nhưng có lý, nếu không có kiến thức uyên bác  thì khôn thể nào bịa ra câu chuyện trơn tru như vầy.

  2. Huong Cau nói:

    Bài viết rất vui nên dễ đọc. Cám ơn tác giả.

    Chỉ có 1 điều muốn nói là tác giả đã thọ giới cụ túc rồi thì chắc chắn có học rất kỹ lịch sử Phật giáo, sao lại thắc mắc chuyện mẹ Mục Kiền Liên hay thế giới …cực lạc của Phật A di đà? Tôi không bao giờ tin Phật nói những điều này, tôi chỉ tin luật duyên khởi là của Phật và từ đó phát khởi niềm tin Phật, vì vậy, niềm tin của tôi với đạo Phật không lay chuyển. Tôi không tin các kinh Kim Cang, Bát Nhã, A Di Đà … là do Phật nói, vì trong đó Phật tự tôn vinh mình quá nhiều!!! Nương theo một câu trong lời Phật nói mà người đời sau viết những kinh này mà thôi, chắc tác giả cũng nghĩ  như vậy, phải không?

    Hư cấu để người theo, để chuyển hoá niềm tin của người là điều mà những người muốn thuyết phục tín đồ làm. Nếu tin về trí tuệ chân thật thì không tin điều nhảm nhí.

    Mong được đọc thêm nhiều bài nữa của tác giả.

    HC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác